Chọn thầu (Trung Quốc) trước hay lập dự án trước?

Huy Đức

7-6-2019

Khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông gần như khẳng định chỉ có nhà thầu Trung Quốc mới có thể xây dựng Cao tốc Bắc – Nam, không hiểu sao tôi đã nghĩ ngay tới anh Tạ Quyết Thắng, Chủ công ty Sơn Trường. Sáng nay, mở hộp thư ra thì được anh Tô Văn Trường chuyển cho bức thư này của anh Thắng:

“Kính gửi Anh Trường

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang ráo riết dọn đường cho nhà thầu Trung Quốc vào dự án đường cao tốc Bắc Nam, Bộ cho rằng, nhà thầu Việt Nam không đủ năng lực và nhà thầu khác không mặn mà. Đúng là ngụy biện. Nếu quan chức Chính phủ không vì lợi ích cá nhân thì hãy làm như ở các nước khác (đặc biệt là Dubai).

1. Mở thầu quốc tế chọn tư vấn lập dự án để tìm nhà tư vấn nào có một phương án tối ưu nhất (rẻ nhất, thi công nhanh nhất). Các dự án giao thông trước đây thường là do tư vấn TEDI lập rất kém. Đây là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, nó là nhân tố quyết định sự thắng bại của một dự án. Nếu không biết tổng mức chi phí dự án là bao nhiêu mà đã quyết định lao vào là một sự mù quáng chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại thảm hại.

2. Mở thầu quốc tế chọn nhà thầu thi công.

3. Mở thầu chọn nhà thầu giám sát.

4. Nên chia thành các gói thầu nhỏ.

5. Không để cho bất cứ cơ quan quản lý của Việt Nam tham gia cả 4 giai đoạn trên và việc giải ngân hoàn toàn do các nhà thầu lập được xác nhận bởi một hội đồng kiểm toán hoặc hội đồng nghiệm thu quốc tế.

Nếu thực hiện đúng được 5 bước trên, dự án đường cao tốc Bắc Nam sẽ đạt 3 tiêu chí: chất lượng, giá cả (chắc chắn rẻ ít nhất 2 lần nếu để nhà thầu Trung Quốc vào thầu) và tiến độ nhanh hơn.

Ở nước ngoài, các nguồn chi từ ngân sách người ta thường không để cho cơ quan quản lý can thiệp mà giao lại cho các chuyên gia độc lập hay mời thầu cạnh tranh.

Tạ Quyết Thắng”

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng. Nguồn: Internet

Biết khi công bố bức thư này, doanh nghiệp của anh Thắng có thể bị đưa vào “sổ đen”; nhưng tôi thấy đây là ý kiến của một người có chuyên môn và tâm huyết – sau khi suy nghĩ, vì cái chung, anh Thắng gật đầu.

PS: Doanh nghiệp Sơn Trường của anh Tạ Quyết Thắng là đơn vị mà năm 2017 đã xây tặng Hải Phòng cầu Tam Bạc có chiều dài 130m, cả đường dẫn là 178m, độ rộng 26,4m, độ cao thông thuyền 5,5m, trọng tải 18 tấn. Trong đó, có 10 mét làm phần đường xe chạy và mỗi bên vỉa hè rộng 8,2 mét, được đầu tư đồng bộ hệ thống cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật và tự động hóa hoàn toàn, với giá chỉ là 80 tỷ.

Trước đó, Bộ và Thành phố từng dự định xây dựng ở đây một cây cầu rộng 6m, dài 24m, chỉ cho người đi bộ và xe thô sơ đi có khối lượng xây cất chỉ bằng 1/5, 1/6 mà mức đầu tư được tính gần như tương đương, tới hơn 70 tỷ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bác Thắng là dân trong nghề, 05 bước bác đưa ra chuẩn quá rồi, nhưng bọn cơ hội sao đồng ý dc, vì bị mất miếng ăn & sâu xa hơn là dã tâm xấu xa của TQ. Kể cũng lạ, doanh nghiệp tư nhân bươn chải kiếm công ăn việc làm, nộp thuế vào NSNN nhưng khi Chính phủ có việc thì giao cho nc ngoài làm? Tinh thần dân tộc ở đâu?. Chắc làm vậy mới đúng với lời nói của chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, khi tham dự hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc, do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8/2015 ở Đà Nẵng : “Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”. Bà Lan nói cách đây 04 năm các bạn nhé & bà cũng đã cảnh báo trước rằng: “Trong đó, cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ ở phương Bắc đang là “tâm điểm” của trò chơi quyền lực”.

Comments are closed.