Hàn Vĩnh Diệp
3-6-2019
Cuộc chiến chớp nhoáng của quân đội Việt Nam những ngày đầu tháng Giêng năm 1979 đã đánh đổ chính quyền Campuchia dân chủ của bọn cộng sản cực tả điên loạn Pôn Pốt từ Trung ương đến địa phương trên toàn cõi Campuchia. Lực lượng vũ trang CPC (3 thứ quân) với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Việt Nam vừa hình thành tổ chức, vừa phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tiến công các căn cứ quân sự của quân Pôn Pốt, các nhóm tàn quân ẩn nấp trong rừng núi …
Đồng thời, việc xây dựng lực lượng vũ trang, bộ máy tổ chức đảng, chính quyền, chuyên môn, đoàn thể … cũng được hình thành để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước. Bởi, việc tổ chức xây dựng từ đống tro tàn lại khá cấp kỳ, nên CPC cần phải có một đội ngũ chuyên gia cố vấn giúp đỡ. Trung ương có đoàn chuyên gia của Trung ương đoàn, chính phủ, các ngành chuyên môn, các trường đại học … ở cấp tỉnh có đoàn chuyên gia chính trị và đoàn chuyên gia kinh tế. Chuyên gia do tỉnh kết nghĩa cử Chuyên gia chính trị được vụ tổ chức của đoàn Chuyên gia chính trị (CGCT) Trung ương quyết định bổ nhiệm và quản lý.
Tỉnh Lâm Đồng, năm 1979 cử chuyên gia quân sự cho tỉnh Prết – vi – hia; đến năm 1985 mới cử đoàn CGCT cho tỉnh Siêm Riệp – Ốt đô miên chay, chuyên gia kinh tế, theo yêu cầu của BẠN, tỉnh cử, công tác theo thời vụ.
Trước Lâm Đồng là đoàn của tỉnh Bình Trị Thiên, sở dĩ BTT chuyển giao nhiệm vụ vì còn phải giúp Lào nên không đủ nhân sự, nhưng theo nguồn tin bên lề (do đoàn CGKT – BTT cung cấp) là do đoàn CGCT có dính líu, đồng lõa với bên quân đội trong vụ án chính trị Siêm Riệp. Ông trưởng đoàn CGKT phản đối vụ án này, suýt nữa bị quân báo bắt vì bị vu “tay trong của địch”, may mà ông kịp chạy thoát về nước.
Vụ án Siêm Riệp không chỉ là một tổn thất lớn về mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam và Campuchia mà còn là một sai lầm chính trị nghiêm trọng làm tổn thương không nhỏ đến tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Các sỹ quan chính trị ở đoàn 479 cho chúng tôi biết khá tường tận về vụ án này. Theo họ, các tư lệnh và một số sỹ quan ở Bộ tư lệnh 479 phải bị kỷ luật nghiêm khắc là đúng vì chính họ đã trực tiếp chỉ huy việc đánh “địch” trong nội bộ BẠN; nhưng nếu không có sự phê duyệt, chỉ đạo của trên thì vụ việc không thể xảy ra và diễn biến nghiêm trọng như vậy.(1)
Lúc đã hiểu và tin nhau, tôi có hỏi một cán bộ lãnh đạo BẠN bị bắt trong vụ đó: “Anh có bị hành hạ nhiều không?” Anh ấy bảo: “Nói anh bỏ qua cho chứ mấy ông quân báo tay nghề tra tấn không thua gì bọn ăng ka của Pôn Pốt. Nhờ ơn Trời – Phật, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cứu chúng tôi. Ngay từ đầu, đ/c đã phản đối vụ án, cự tuyệt phối hợp với quân đội và chuyên gia. Trước khi tự sát, đ/c đã viết bức thư phân tích sự phi lý, sai trái của vụ việc … cho người thân tín bí mật đưa tận tay Trung ương để Trung ương khẩn thiết trao đổi với lãnh đạo quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, nên vụ án bị đình chỉ, anh em chúng tôi được giải thoát, tiếp tục trở lại công tác”.
Chúng tôi thầm nghĩ: Hóa ra, theo họ, được thoát chết là nhờ đức hy sinh cao cả của ông Bí thư Tỉnh ủy của họ chứ không phải do sự ‘sáng suốt’ của mấy ông lãnh đạo quân đội và chuyên gia ở Trung ương! Sóng gió qua mau, một phần quan trọng là do sự cảm thông chân thành của cán bộ và nhân dân BẠN. Họ biết đó là do sự non kém, sai lầm của cán bộ ta chứ không phải chủ trương, chính sách của Trung ương, chính phủ Việt Nam. Đội ngũ cán bộ, viên chức BẠN nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động bình thường.
Về phương thức công tác của chuyên gia chính trị – quân sự, có thể phân ra làm ba giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu (sau giải phóng), cách thức công tác là “TA làm BẠN xem”. Đây là giai đoạn “lắp ráp” bộ máy, khi bọn Pôn Pốt hoảng loạn bỏ chạy thoát thân, dân chúng từ các trại tập trung tìm về quê cũ. Những người có khả năng làm việc còn ẩn mình để thăm dò. Vì thế, cần người bố trí vào công việc, bộ đội – chuyên gia lựa chọn những người theo phục vụ, nhất là người biết chút ít tiếng Việt sắp xếp vào bộ máy cho đủ “bộ sậu”. Nên, thực chất, giai đoạn này TA làm là chính, cán bộ BẠN chỉ đâu làm đó, bởi, họ thiếu trình độ văn hóa, không biết chuyên môn, thậm chí không ít người tư cách đạo đức kém. Dần dần, qua công việc, đội ngũ cán bộ, viên chức BẠN được thanh lọc. Những người có trình độ, khả năng đã tự nguyện tham gia công tác, thay thế cho đội ngũ lắp ráp ban đầu.
Giai đoạn tiếp theo là “TA – BẠN” cùng làm. Giai đoạn này không lâu, bởi, đội ngũ cán bộ viên chức BẠN trở lại làm việc, họ khá vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế … đều do BẠN đảm trách, chỉ riêng phần công tác đảng, dân vận, đoàn thể là mới đối với họ. Những cán bộ trong lĩnh vực này đều được đưa sang Việt Nam huấn luyện trong các lớp ngắn ngày (3 tháng, 6 tháng); một số được đào tạo dài hạn (2 năm, 4 năm).
Giai đoạn thứ ba: BẠN làm TA giúp (cố vấn). Đoàn CGCT Lâm Đồng tiếp nhận nhiệm vụ vào giai đoạn này. Cho nên số lượng không đông, chỉ cần một số có kinh nghiệm. Đoàn có Trưởng đoàn, 4 phó đoàn (phó giám đốc sở công an, Phó ban tổ chức Tỉnh ủy, Phó ban tuyên giáo, Phó chủ tịch UBND tỉnh) 5 chuyên viên (dân vận, tổ chức, nông nghiệp, văn phòng UBND, công an). (2)
Các chuyên gia không đến cơ quan BẠN làm việc, hoặc trực tiếp trao đổi với cán bộ công nhân viên cơ quan. Theo định kỳ (hàng tuần, tháng) hoặc có công tác đột xuất, lãnh đạo cơ quan BẠN đến trao đổi với chuyên gia. Việc tổ chức triển khai công tác là do BẠN hoàn toàn chủ động. Chuyên gia không tiếp nhận báo cáo công tác của BẠN. Các hội nghị chuyên đề, sơ kết, tổng kết … BẠN đều mời chuyên gia đến dự, nhưng chỉ là nghi thức; chuyên gia không phát biểu huấn thị, chỉ đạo cho các đại biểu tham dự hội nghị …
Để các đoàn CGCT ở tỉnh có thể nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương BẠN, đoàn CGCT Trung ương thường xuyên sao (dịch) các chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch hướng dẫn … của Trung ương, chính phủ BẠN gởi về chuyên gia tỉnh. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng BẠN đi công tác ở cơ sở, BẠN chỉ “cho phép” chúng tôi đến huyện, vì dưới xã – thôn tình hình an ninh chưa thật ổn; ngay trên đường đi, nguy hiểm cũng luôn rình rập. Bên quân sự lưu ý: đi qua các Fum – Sóc đông đúc, cần đặc biệt cảnh giác, bởi bọn thổ phỉ Pôn Pốt ẩn nấp trong dân, chúng tập kích rồi lẫn vào dân, rất khó phát hiện.
Các đoàn công tác của chúng tôi đều có công an bảo vệ, nhưng cũng chỉ hình thức. Nhóm TG – DV chúng tôi, theo gợi ý của ông Chủ tịch mặt trận BẠN, mời vị sư phó của tỉnh đi cùng đoàn công tác. Mỗi khi hành quân, vị sư phó ngồi ghế trước cạnh tài xế nên rất yên tâm. Hành hạ, tàn sát sư sãi là chủ trương của bọn cộng sản Pôn Pốt, nhưng binh sỹ của chúng vẫn rất kính trọng các vị sư sãi.
Thực ra đội ngũ cán bộ viên chức của BẠN không phải là thiếu và yếu như các tỉnh ở miền Nam những năm cuối 70 đầu 80. (3) Họ có trình độ văn hóa chuyên môn tương ứng với công việc được giao. Trong công việc, họ thể hiện rõ tinh thần tự tôn, tự trọng, tự chủ và cũng khá “khéo léo”. Những ý kiến gợi ý của chuyên gia nếu hợp lý, đúng đắn, họ tiếp nhận một cách thoải mái và vận dụng vào công việc; nhưng có những điều không phù hợp, gò ép, họ cũng chấp nhận nhưng bỏ qua, ngay cả khi có chủ trương của Trung ương.
Vào khoảng giữa năm 1986 có hai việc đáng suy nghĩ: Một lần ông Trưởng đoàn giao cho chỉ thị của Trung ương BẠN (bản sao) về việc xử lý cán bộ người Hoa để giúp BẠN triển khai. Xem chỉ thị thấy nội dung “y chang” chỉ thị 36 của TA.(5) Trao đổi với ông Trưởng đoàn, chúng tôi thấy việc triển khai chỉ thị này hơi khó hơn bên ta.
Người Hoa ở CPC hòa nhập rất tốt với người Khơ Me. Họ lấy tên họ Khơ Me, học hành trong nhà trường Khơ Me, nắm giữ phần lớn vai trò chủ chốt trong nền kinh tế, chính trị, văn hóa … của CPC. Thực hiện chỉ thị này lẽ ra phải do tỉnh ủy chủ trì, ban tổ chức giúp … Ông Trưởng đoàn đã bàn với Bí thư TU, nhưng không hiểu sao, Bí thư TU B lại giao cho Ban Tuyên giáo. Đôi ba lần trao đổi, B chỉ nói hờ hững: “Đang nghiên cứu kế hoạch để báo cáo thường vụ …”. Nhưng rồi, mọi việc lại rơi vào lãng quên.
Mấy tháng sau, lại có chỉ thị của Trung ương B về việc phát động một chiến dịch tuyên truyền về tội phản bội dân tộc của ông Sihanouk. Gọi là phát động chiến dịch sâu rộng trong nhân dân, cán bộ; nhưng Trung ương không có kế hoạch hướng dẫn, tài liệu tuyên truyền. Rồi, cả trên lẫn dưới đều không phát mà cũng chẳng động.
Tất nhiên những chuyện gò ép như vậy không nhiều, nên quan hệ TA – BẠN vẫn hữu hảo. Trước thực tế về tình hình đội ngũ cán bộ viên chức B như trên, chúng tôi ban đầu cũng băn khoăn, thắc mắc, có người còn tỏ ra hoài nghi về sự tuyên truyền công khai, bọn cộng sản Pôn Pốt chủ trương tận diệt tầng lớp trên, trung lưu, công thương gia, trí thức … đối tượng mà chúng cho là rất nguy hiểm đối với cái xã hội cộng sản “thuần khiết” đang xây dựng.
Qua tìm hiểu những nhân chứng trong cuộc khủng bố rùng rợn đại quy mô, chúng tôi được biết: bọn ăng ka Pôn Pốt tìm đủ mọi cách để phát hiện đối tượng trên. Nhưng cũng do chính cái sai lầm cực tả của chúng nên bị thất bại trong việc truy tìm.
Khi xua đuổi dân các đô thị về nông thôn dồn vào các trại tập trung, công xã, người dân chạy tán loạn nên tập hợp xã viên ấy rất ô hợp, hầu như không ai biết ai. Qua vài vụ, một số người “hớ hênh” bị chúng phát hiện, sát hại, các đối tượng ấy đã khéo ẩn mình, thích nghi với cuộc sống khắc khổ, hòa nhập với đám đông cho nên, phần lớn họ thoát khỏi sự truy sát, sống sót …
Sau năm 1979, thăm dò, xem xét chế độ mới thấy tương đối yên tâm, họ trở lại làm ăn buôn bán, sản xuất hàng hóa tiêu dùng; trí thức, công chức tham gia vào các lĩnh vực chuyên môn, quản lý xã hội …
Cũng may, họ không có “định hướng” gì cả, nên chỉ vài năm nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Siêm Riệp – Ốt đô miên chay nói riêng, và nhiều tỉnh CPC nói chung, đã phục hồi, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân CPC được cải thiện rõ rệt, hơn hẳn xã hội kinh tế kế hoạch định hướng XHCN của chúng ta cùng thời điểm đó.
Quá trình công tác, tiếp xúc, trò chuyện thân mật với BẠN, chúng tôi cũng thấy đôi điều “hơi chờn chợn”, chưa thật thỏa đáng. Ví như:
Ở hội trường lớn của tỉnh – huyện, các công sở, trường học … tấm phông đều trang trí một kiểu giống nhau: bên trên là quốc kỳ CPC (biểu tượng 5 ngọn tháp đền Ăng ko Wat) và quốc kỳ Việt Nam; giữa hình Hêng xôm Rinh; hai bên, chếch lên trên hình Hồ Chí Minh và Sơn Ngọc Minh(4)
Việc lựa chọn, đề bạt cán bộ, một tiêu chuẩn khá quan trọng là phải có ý thức đoàn kết VN – CPC (thực chất là trung thành với VN). Ban Tuyên giáo BẠN có một cán bộ lý lịch trong sạch, trình độ văn hóa cao, chuyên môn vững vàng, hỏi chuyên gia tổ chức: “Sao không gợi ý B xem xét đề bạt phó trưởng ban”. Chuyên gia tổ chức cho biết: “Có xem xét nhưng không được. Anh này có thái độ không tốt với VN!”
Tìm hiểu, hóa ra không phải chuyện gì lớn. Một số anh chị trong cơ quan đi tập huấn ở Hà Nội về cứ khen hết lời những di tích thắng cảnh ở Hà Nội. Anh này bực mình nói: “Khen vừa phải thôi, chứ cái ‘lồng cu’ chùa Một cột, Tháp Rùa, sao sánh bằng Ăng ko Wat – Ăng ko Thôm”. Kể ra anh ta nói có gì quá đáng đâu mà quy tội “chống VN”!
Tất cả các trường phổ thông cấp II, cấp III phải học tiếng Việt – môn ngoại ngữ bắt buộc. Hỏi chuyện một cậu học sinh cấp III về việc này, cậu ta thổ lộ: “Chúng cháu chán lắm, sao không cho học tiếng Pháp, tiếng Anh? Thầy giáo giải thích: Học tiếng Việt để tăng cường tình hữu nghị CPC – Việt Nam. Chúng cháu thắc mắc: Nếu vậy thì sao VN không học tiếng Khơ me!” Trẻ em cũng thấy chủ trương này không thật bình đẳng.
Ở tỉnh có một nghĩa trang liệt sỹ khá hoành tráng, ngày thương binh liệt sỹ VN, B tổ chức tưởng niệm trọng thể ở đây. Trong nghĩa trang, một bên là khu mộ liệt sỹ quân tình nguyện VN; một bên khu mộ liệt sỹ CPC. Người Khơ me không có tục thổ táng. Mỗi thôn đều có một ngôi chùa, cạnh chùa có khu hỏa táng. Trong vườn chùa, mỗi gia đình có một lăng mộ. Hài cốt người trong nhà được lưu giữ trong lăng. Vì thế, thấy trong nghĩa trang có mộ liệt sỹ CPC, chúng tôi hỏi, B bảo: đó là những mộ giả, chắc là do nể VN nên B đã tạo ra một cách làm trái với lễ tục thiêng liêng của dân tộc mình!
Đoàn chuyên gia chính trị ở tỉnh kết thúc nhiệm vụ vào năm 1987.
_______
(1) Từ năm 1978 ông Lê Đức Thọ là “đặc sứ toàn quyền” ở CPC. Ông Lê Đức Anh – Tư lệnh quân tình nguyện VN kiêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Trung ương. Ông Bùi San – Trưởng đoàn chuyên gia chính trị Trung ương. Không biết ông Bùi San liên quan đến vụ án Siêm Riệp đến mức nào mà bị triệu hồi về nước để xử lý, trong khi hai ông Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh – người trực tiếp chỉ đạo vụ việc lại vô can.
(2) Ông Đinh Bá Lộc – nguyên là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy kiêm chỉ huy trưởng quân đội tỉnh Bình Định. Năm 1979, ông được Trung ương điều đi CPC, Trưởng đoàn CGCT của tỉnh Bình Định, sau đó về đoàn CGCT TU. Theo yêu cầu của tỉnh Lâm Đồng, Trung ương bổ sung ông vào thường vụ TU Lâm Đồng và làm trưởng đoàn CGCT tỉnh Lâm Đồng. Ông có kinh nghiệm cộng tác với B, được B mến phục, một thuận lợi cho đoàn Lâm Đồng triển khai nhiệm vụ. Đoàn CGCT trước do phó ban TCTU tỉnh BTT được đôn lên thường vụ phụ trách trưởng đoàn, các thành viên đoàn là cán bộ.
(3) Sau ngày 30/4/1975 cán bộ phụ trách, lãnh đạo cấp tỉnh, huyện thị ở các tỉnh miền Nam phần nhiều là cán bộ từ căn cứ về, trình độ văn hóa – chuyên môn yếu; họ phải vừa làm vừa học bổ túc văn hóa, tại chức chuyên môn. Tuy có cán bộ tập kết về và cán bộ miền Bắc chi viện. Số này không được trọng dụng, vì tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ phụ trách – lãnh đạo lúc bấy giờ là “nhất trụ, nhì khu …”
(4) Sơn Ngọc Minh – Tổng bí thư đầu tiên của đảng NDKM CPC. Trên đỉnh đền Ăng ko Wat có 5 ngọn tháp, ngọn giữa cao hơn các ngọn ở 4 góc đỉnh. Nếu nhìn trực diện chỉ thấy 3 ngọn, cờ vương quốc CPC trước năm 1974 và hiện nay lấy biểu tượng 3 ngọn tháp. Cờ chính phủ CHND CPC (1/1979) 5 ngọn tháp.
(5) Chỉ thị 36 của Ban bí thư Trung ương do ông Lê Đức Thọ ký về việc xử lý cán bộ người Hoa. Chỉ thị này điều chỉnh (thực chất sửa sai) chỉ thị trước đó (của Ban bí thư cũng do ông Lê Đức Thọ ký) quy định 12 họ là người Hoa. Nghe nói các tỉnh miền Nam phản ứng với chỉ thị này nên Ban bí thư có chỉ thị 36 quy định cư trú 4 đời ở VN thì được xem là người Việt. Chỉ thị về xử lý cán bộ người Hoa của B nội dung cơ bản như chỉ thị 36.