LTS: Trang Tiếng Dân có nhận được bài viết của GS Lê Xuân Khoa gửi tới và cho biết, đây là bài viết đặc biệt cho trang BVN, kỷ niệm 10 năm thành lập diễn đàn này. Nhưng GS Khoa cũng cho biết thêm, bài của ông gửi là bản đầy đủ hơn bài đăng đăng trên trang BVN, vì bài đăng trước đó chưa phải là bản cuối cùng.
_______
Lê Xuân Khoa
29-5-2019
Mười năm trước, nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi cùng hai đồng nghiệp Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng sáng lập diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam (BVN) và khởi xướng Thư Kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Sở dĩ có thư kiến nghị này vì trước đó đã có nhiều nhà cách mạng lão thành, nhân sĩ và trí thức góp ý với chính quyền, chỉ rõ những sai lầm và hậu quả nguy hại của dự án về mọi mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn chủ trương tiến hành khai thác bô-xít theo quy hoạch thay vì khuyến cáo ngưng các dự án này cho đến khi có kết quả nghiên cứu toàn diện, theo những đề nghị chính đáng của những nhà phản biện. Hai thí điểm được lựa chọn để thực hiện dự án là Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông.
Bản Kiến nghị nhận định: “Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá”. Kiến nghị cũng nhấn mạnh vào ba mối quan tâm lớn về sai lầm của lãnh đạo Việt Nam và dã tâm của lãnh đạo Trung Quốc:
1.- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được ký tắt với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc hội;
2.- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;
3.- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự nổi tiếng của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).
Sau khi được công bố vào tháng 5 năm 2009, bản Kiến nghị lập tức được hàng ngàn người ký tên ủng hộ làm dấy lên cả một phong trào phản biện của đông đảo trí thức và khoa học gia trong và ngoài nước. Tôi là một trong số 135 người ký tên trong đợt đầu tiên và sau đó cũng đã góp một bài trên diễn đàn BVN nhan đề “Dự án bô-xít Tây nguyên: Suy nghĩ của một người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong những năm tháng tiếp theo, cùng với các diễn biến của tình hình đất nước, diễn đàn BVN không chỉ giới hạn trong chủ đề bauxite Tây nguyên mà đã mở rộng thành một diễn đàn chung của tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng về chính trị, kinh tế, xã hội, về sự tồn tại và phát triển của đất nước và dân tộc.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 10 năm diễn đàn Bauxite Việt Nam, mặc dù đã trọng tuồi và sức khỏe suy giảm nhiều, tôi vẫn muốn góp thêm một số suy nghĩ về tiến trình khai thác bô-xít Tây nguyên, đánh giá kết quả của dự án sau 6 năm đi vào hoạt động ở Tân Rai và 3 năm ở Nhân Cơ. Tuy việc thực hiện dự án còn trong vòng thử nghiệm, và còn phải mất từ 6 đến 10 năm nữa vốn đầu tư mới có thể được thu hồi (theo dự tính của Bộ Công Thương), việc thẩm định kết quả dự án vào lúc này rất cần thiết để có thể quyết định xem dự án có xứng đáng được tiếp tục và có nên bỏ thêm vốn đầu tư hay không. Chắc chắn rằng điều mà toàn dân đang muốn biết là các cơ quan thực hiện dự án đã giải quyết ra sao những mối quan tâm chính đã được nêu lên bởi những người yêu nước và những nhà phản biện khoa học, trước và trong khi dự án được thi hành.
Những mối quan tâm lớn
Những ý kiến phản biện và khuyến cáo xây dựng đã có rất nhiều và phổ biến rộng rãi, chỉ cần được nhắc đến khi đối chiếu với các báo cáo của những nhà thực hiện dự án. Ở đây chỉ cần tóm lược một số ý kiến cơ bản và điển hình, bắt đầu bằng những lá thư gửi các lãnh đạo của hai nhân vật nổi danh quốc tế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà khoa học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu.
Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 05.01.2009, sau khi nhấn mạnh vào vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Nguyên về an ninh, quốc phòng và những cảnh báo nghiêm trọng của các nhà khoa học về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, ĐT Võ Nguyên Giáp viết: “Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ”.
Trong lá thư gửi cho Quốc hội ngày 17.05. 2009, GS Ngô Bảo Châu trước hết nhận xét mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử “vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam”. Ông xác định điều đáng quan tâm không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc. dùng sức mạnh kinh tế và công nghệ hiện đại để giành nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường. GS Châu lưu ý Quốc hội, “Trung Quốc thực hiện chính sách thực dân mới một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm là quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa… Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quý vị lưu ý”.
Về vấn đề lợi, hại của dự án bauxite Tây nguyên, GS Châu đưa ra năm phản biện cần lưu ý mà tôi xin tóm gọn như sau:
1.- Nguồn bô-xít lớn của Việt Nam hấp dẫn các nước công nghiệp đói bô-xít (tôi muốn thêm “nhất là Trung Quốc”). Điều đó không tất nhiên có nghĩa là ta phải khai thác bô-xít; nếu muốn, ta có thể lựa chọn thời điểm, qui mô và điều kiện thích hợp.
2.- Về hiệu quả kinh tế, phần “lỗ kế hoạch” thì chắc chắn mà không rõ sẽ kéo dài bao nhiêu năm, phần lãi sau đó sẽ rất nhỏ vì những chi phí quá lớn, không kể chi phí khó lường trước cho môi trường;
3.- Diện tích sử dụng cho khai thác bô-xít dự kiến là 8.6% tỉnh Đăk Nông là một con số khổng lồ nếu ta nghĩ đó là 8.6m2 trên tổng diện tích 100m2 nhà của ta;
4.- Khó khăn đặc thù của ta là khai thác bô-xít ở đầu nguồn một số sông lớn (như sông Đồng Nai), chưa có tiền lệ trên thế giới. Như vậy nhất định sẽ ảnh hưởng tai hại đến môi trường mà khả năng bảo vệ môi trường lại không thể đảm bảo;
5.- Triển vọng tạo công ăn việc làm, nếu so sánh với mức đầu tư hàng ti đô-la Mỹ, thì có nhiều cách hay hơn, an toàn hơn, hiệu quả nhãn tiền hơn… Lưu ý con số công ăn việc làm trong báo cáo (của Chính phủ) tương đương với con số hộ dân bị di chuyển.
GS Châu kết luận lá thư bằng môt câu chắc nịch: “trong Qui hoạch chung khai thác bô-xít ở Tây nguyên, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh”.
Đáng chú ý là trong số những nhà phản biện chống dự án bô-xít Tây nguyên có một số là đảng viên, quan chức nhà nước và đại biểu Quốc hội. Về mặt tổng quát, hãy kể đến hai chuyên gia cao cấp từng phục vụ trong Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cơ quan thực hiện dự án cùng với nhà thầu Chalieco của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Bộ Công Thương. Người thứ nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhận xét: “Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của Việt Nam là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên do thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi và có nguy cơ làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh”. Dựa trên các số liệu của TKV, TS Sơn cũng ước tính TKV đã trả cho nhà thầu Trung Quốc Chalieco xây nhà máy Tân Rai cao hơn giá trị thật 343 triệu USD. Người thứ hai là ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Alumin Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Ông Ban cho biết “Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên”. Đặc biệt, theo ông Ban, “công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến”.
Ngoài những quan tâm cơ bản và tổng quát trên đây, còn có những quan tâm về từng lãnh vực riêng như kinh tế tài chính, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, kỹ thuật công nghệ, và văn hóa, xã hội. Tất cả những quan tâm này cần phải được đối chiếu với những báo cáo của các cơ quan thực hiện dự án để xem những vấn đề nào đã được giải quyết và giải quyết ra sao, những vấn đề nào còn tồn tại và cần được giải quyết như thế nào. Tôi sẽ chỉ làm công việc đối chiếu các thông tin khác biệt, còn việc đánh giá về các lãnh vực chuyên môn của dự án xin dược dành cho các chuyên gia trong giới phản biện.
Báo cáo kết quả dự án của Bộ Công Thương
Sau khi dự án bô-xít chính thức hoạt độmg sản xuất alumin-nhôm tại Tân Rai từ năm 2013 và Nhân Cơ năm 2016, cơ quan chủ quản dự án là Bộ Công Thương và cơ quan giám sát là Bộ Công nghệ và Môi trường đã có một số báo cáo về tiến độ thực hiện dự án cho Bộ Chính trị và Quốc hội. Ngày 31 tháng Mười 2018, Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tổng kết sơ khởi về hiệu quả của dự án. Theo Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công Thương thì nội dung của bản tổng kết sơ khởi này chình là những câu trả lời của BT Trần Tuấn Anh cho câu hỏi của bà Nguyễn Thi Kim Thúy, Đại biểu Đà Nẵng, tại Quốc hội sáng 31.10.2018. Bà Thúy hỏi về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bô-xít ở Tây nguyên, và khi nào Chính phủ tiến hành đánh giá hai dự án thí điểm ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Bài tường thuật của Bộ Công Thương ghi chép vắn tắt những câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, được trích dẫn nguyên văn dưới đây:
Thứ nhất, về hiệu quả của các dự án bauxit ở Tây Nguyên. Đến nay, các dự án đạt được một số kết quả ban đầu như sau:
(1) Dự án alumin Tân Rai đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 10 năm 2013, hiện nay, dự án đã sản xuất ổn định, năm 2017: 636,7 ngàn tấn alumin đạt công suất vận hành theo cam kết của nhà thầu (630 ngàn tấn/năm), năm 2018 dự kiến sẽ đạt sản lượng 650 ngàn tấn alumin (đạt công suất thiết kế).
(2) Dự án alumin Nhân Cơ, ngày 16 tháng 12 năm 2016, đã có sản phẩm alumin đầu tiên và ngày 01 tháng 7 năm 2017 Nhà máy chính thức đưa vào vận hành thương mại, năm 2017 đạt 501ngàn tấn alumin (đạt 77% công suất thiết kế), theo kế hoạch năm 2018 sản lượng đạt 580.000 tấn alumin; năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin.
Mặc dù thời gian các dự án đi vào hoạt động chưa dài (Tân Rai 5 năm và Nhân Cơ gần 2 năm), song qua quá trình vận hành sản xuất thời gian qua đã cho thấy việc vận hành các nhà máy ổn định, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đã đạt được theo thiết kế, một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với thiết kế. Các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường. Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng… theo mục tiêu đề ra được bảo đảm.
Cũng đáng mừng là thời gian qua ta cũng gặp thuận lợi về thị trường. Trong năm gần đây và hiện nay giá bán alumin trên thị trường khả quan: giá trung bình năm 2017 là 344 USD/tấn (FOB), bình quân 8 tháng đầu năm 2018 là 480 USD/tấn, có thời điểm tháng 4 năm 2018 giá alumin lên đến 672 USD/tấn. Đây là mức giá tốt so với phương án tính toán ban đầu để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (với mức tính toán giá bán alumin trên 300 USD/tấn thì dự án bắt đầu có hiệu quả kinh tế). Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 dự án tới thời điểm này khá thuận lợi và ổn định, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng và thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt (sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng). Đến nay TKV đã cấp alumin/hydrat đến các thị trường Trung Đông (U.A.E), Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan…
Bên cạnh đó, điểm tích cực là sau một thời gian ngắn, chúng ta đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ, Chủ đầu tư đã có và tiếp tục các giải pháp cải tiến kỹ thuật công nghệ, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất nhờ đó giá thành sản phẩm alumin giảm đáng kể giá thành sản xuất năm sau thấp hơn năm trước.
Việc 2 dự án bôxít đi vào hoạt động đã tạo năng lực sản xuất mới để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và vào sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nguyên và 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng nói riêng.
Thứ hai, về vấn đề đánh giá việc thí điểm khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Tại Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, UBTV Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai việc tổng kết thí điểm sau khi 02 dự án đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Đây là 2 dự án có qui mô lớn, có ý nghĩa và tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội… tác động tới phát triển của khu vực Tây Nguyên nói riêng và rộng hơn là kinh tế đất nước. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, với UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đăk Nông, TKV và các cơ quan khác có liên quan để tiến hành rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai thực hiện các dự án này để có báo cáo với Chính phủ, với Bộ Chính trị và với Quốc hội.
Đánh giá bản tổng kết sơ khởi của Bộ Công Thương
Nhìn chung, bản tổng kết sơ khởi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngày 31.10.2018 chủ yếu là trả lời câu hỏi cụ thể của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bô-xít Tây nguyên, nhưng cũng có một phát biểu ngắn về những khía cạnh khác: “Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng,.. theo mục tiêu đề ra được bảo đảm”. Bản tổng kết sơ khởi này rất lạc quan, thậm chí mới đây, vào đầu tháng Tư 2019, BT Trần Tuấn Anh lại cho hay là Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thành báo cáo để trình Chính phủ và Quốc hội với đề xuất nâng công suất cho hai nhà máy và mở rộng đầu tư khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Trước khi viết bài này, tôi có may mắn được đọc bài kỷ niệm 10 năm diễn đàn BVN của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải là một trong số những trí thức đầu tiên lên tiếng phản đối dự án bô-xít Tây nguyên từ những tháng đầu năm 2009, sau các nhà quân sự Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, các nhà văn Nguyên Ngọc và Phạm Đình Trọng. Trong suốt mười năm qua, ông Lê Phú Khải tiếp tục theo dõi sát tình hình khai thác bô-xít Tây nguyên, do đó đã xác nhận một số thành quả của dự án như BT Trần Tuấn Anh đã trình bày khi trả lời câu hỏi của Đại biều Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, nhưng ông vẫn khẳng định rằng “hiệu quả thực sự của dự án Bauxite Tây Nguyên vẫn là một bài toán rủi ro khó lường, nó bất cập ngay từ đầu vì chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của nhà nước”. Tôi rất đồng ý với ông Lê Phú Khải, nhưng muốn nói thêm rằng cho đến nay, các nhà thực hiện dự án mới chỉ giải quyết được một phần về công nghệ sản xuất alumin. Các kỹ sư Việt Nam đã biết dùng kỹ thuật Bayer tân tiến của Mỹ thay thế cho kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc, nhưng những quan tâm lớn khác về môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng chưa được giải quyết và còn đầy rủi ro, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, sức khỏe nhân dân trước nạn phá rừng và nhiễm dộc môi trường, thì dường như hoàn toàn không được chú ý.
Hãy kể ra một số thí dụ:
Về an ninh, quốc phòng, Tây nguyên được coi là có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ riêng với Việt Nam mà luôn cà Lào và Cam-bốt. Các chiến lươc gia người Pháp từng nhân xét là ai làm chủ được Tây Nguyên thì cũng kiểm soát được toàn thể Đông Dương. Đó cũng là thông điệp của các tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Trọng Vĩnh gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ám chỉ ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc.
Về môi trường sinh thái, ngày 8 tháng 10 năm 2014, tại nhà máy alumin Tân Rai, hồ thải quặng đuôi số 5 bị vỡ đê, làm tràn ra ngoài 5 ngàn mét khối nước và bùn đỏ. Ngày 13 tháng 2 năm 2016, cũng tại nhà máy Tân Rai, ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ bị vỡ lại khiến nước chảy tràn ra ngoài. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Lâm Đồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị “lão hóa” dẫn tới bục đường ống. Đánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm-Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng đó là “hệ quả công nghệ Trung Quốc”.
Khi được nhắc đến sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy alumin Ajka, Hungary năm 2010 đã bị Chính phủ Hungary coi là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này, lãnh đạo Tập đoàn TKV tuyên bố rằng “ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary”, hay “công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn.” Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn TKV, mạnh mẽ phàn bác: “Nói như vậy là lừa bịp dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải “ướt” tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay”.
Sáng 23-7-2016, đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị vỡ khiến hóa chất tràn ra bên ngoài, một phần chất kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao, gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương và họ phải bỏ tiền mỗi nhà hàng triệu đồng để mua máy lọc nước về sử dụng. Cũng trong năm 2016, vào cuối tháng 7, Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông bị xảy ra sự cố tràn hóa chất, dẫn đến cá chết và người dân bị bệnh ngoài da khi tiếp xúc với nước ở suối Đắk Dao. Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác bauxite ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. Ông bày tỏ lo lắng “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ… Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến bauxite thì hậu họa sẽ khôn lường”.
Với lượng nhôm sản xuất hàng năm từ năm 2015 mỗi năm cụm dự án này thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là thải ra 1,5 tỷ tấn, như những quả bom bùn treo trên cao, thượng nguồn đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, thường xuyên có những trận mưa rất lớn, nước vẫn có thể tràn qua đập, cuốn theo nó những chất thải độc hại xuống những vùng đất, sông, suối ở hạ du, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Theo báo VnExpress, thì “Thà đền tiền đầu tư còn hơn làm mà ngay ngáy thảm họa”.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho rằng không thể tiếp tục những dự án hủy hoại môi trường của Việt Nam:
“Tôi chỉ nhắc lại những tính toán của các chuyên gia từ 10 năm về trước, nếu tính đến những chi phí về môi trường; có nghĩa là phải tính đến 50 năm, 100 năm nữa thì sẽ thế nào mà lúc đó mình sẽ chiết khấu về chi phí của ngày hôm nay. Rất đáng tiếc là những khoản đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nhất là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hủy hoại và sẽ còn hủy hoại môi trường của Việt Nam một cách khủng khiếp và tôi nghĩ rằng khi tính đến những tác động về môi trường có thể ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta thì những dự án kiểu khai thác tài nguyên như thế là phải chấm dứt”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tu Na Uy, kêu gọi Việt Nam thay vì đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nặng ảnh hưởng mạnh đến môi trường thì nên dành số tiền đó đầu tư vào những dự án của các ngành công nghiệp thông minh, cần nhiều chất xám hiện nay, nếu muốn nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Tới đây, xin tạm ngưng việc liệt kê các nguy cơ về môi trường sinh thái do công trình khai thác bô-xít Tây nguyên phát simh ra.
Vắn đề hiệu quả kinh tế. Cốt lõi của vấn đề này là kết quả lỗ hay lãi của công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên, được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố là thành công nhất, thì cũng chính là vấn đề còn đang được tranh cãi, nhất là về các chi phí gia tăng hoặc bất ngờ, tăng vốn đầu tư gấp mấy lần khi chưa có lời, tình trạng thiếu minh bạch về quản lý.
Theo quyết định năm 2006 của Tập đoàn TKV, tổng mức đầu tư cho dự án Tân Rai là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 342 triệu USD) với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh, đến tháng 10.2013, tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (tương đương 648 triệu USD), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
Vốn đầu tư cho dự án Nhân Cơ tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Năm 2007, tổng vốn đầu tư cho dự án này được quyết định là 3.285 tỉ đồng (144,3 triệu USD). Tuy nhiên, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng (740 triệu USD), gấp hơn 5 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn/năm. Dự án này đưa vào sản xuất chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.
Về tiền lãi, sau 5 năm hoạt động của nhà máy Tân Rai, Tập đoàn TKV và Bộ Công Thương đã công bố kết quả tính đến cuối năm 2018 là tích cực và có triển vọng thành công. Báo Người Lao động ngày 10/5/2019 loan tin tại nhà máy Tân Rai, doanh thu ba năm đầu, dự án bị lỗ theo kế hoạch nhưng từ năm 2017 chuyển sang có lãi, riêng năm 2018 lãi trên 1,700 tỉ đồng (74 triệu USD). Tại nhà máy Nhân Cơ, sản xuất alumin cao hơn Tân Rai nên “mặc dù theo kế hoạch dự án lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động, nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi”. Theo báo Dân trí ngày 12.02.2018, số lợi nhuận được công bố là 60 tỷ đồng (2,64 triệu USD), rất không đáng kể.
Đáng chú ý là chỉ hai năm trước (2016), Bộ Công Thương cho hay “Dự án Bauxite Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ 4-5 năm nữa, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài 11-12 năm, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4900 tỉ (215 triệu USD) trong 10 năm (2016-2025). Tuy nhiên số tiền hỗ trợ được tính theo giá điện nên có thể sẽ phải lên tới 1.2 tỉ USD” (báo Tiền phong ngày 11.3.2016). Về nhà máy Tân Rai, theo báo Người Lao động ngày 13.3.2017, thì “Đến tháng 9 năm 2016, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng (162,8 triệu USD). Mức lỗ này gồm lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng (110,88 triệu USD) và lỗ do chênh lệch trị giá khoảng 1.176 tỉ đồng (51,74 triệu USD), đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng (73 triệu USD)” (Xin lưu ý: các con số USD để trong ngoặc đơn là do người viết tính theo hối suất 1 tỉ VNĐ = 44.000 USD).
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng Ban Dự án Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam cho biết ông đã cảnh báo nhiều lần về việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên. Quy mô công suất của dự án nhôm nhỏ hơn rất nhiều so với công suất thiết kế của thế giới nên rủi ro là tất nhiên. Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (như đường vận chuyển bô-xít, đường tránh khu dân cư). Theo ông Ban, “việc xây dựng dự án trong điều kiện không tính đến việc vận chuyển bằng ô tô sẽ rất tốn kém nên đây thực sự là cách làm liều lĩnh”.
Một số ý kiến cho rằng việc khai thàc bauxite tại Tây Nguyên, không có lợi bằng, nếu dùng cùng diện tích đất để trồng cây công nghiệp (cây cao su, cây cà phê, trà,…). Theo lời TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, thì “dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài”. Cũng theo ông Trường thì “Nhà đầu tư TKV, đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường “bao cấp” không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT “hỗ trợ” tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù “biếu không” nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô-xit… Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức báo động đỏ”.
Trong khi đó, biên tập viên Hòa Ái của đài RFA cho hay Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, phân tích với RFA rằng số liệu mà Tập đoàn TKV báo cáo có lãi là con số không chính xác. Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ghi rõ:
“Thông tin chỉ nói về con số mức lãi của nhà máy Tân Rai mà không nói về mức lãi của nhà máy Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ, sau 3 năm lỗ cho ra mức lời 1.700 tỷ năm đầu tiên, theo như tường thuật của báo giới, thì thực ra không có lời nếu tính thêm các chi phí khác. Thứ nhất, mức lời 1.700 tỷ đồng cho trên 15.000 tỷ đồng chỉ tương đương mức lợi nhuận 11% mỗi năm. Số tiền này xấp xỉ mức lãi suất trả tiền vay hàng năm. Thứ hai, mức lợi nhuận này còn phải tính đến giá trị của các quặng nhôm, chi phí phát sinh xử lý môi trường, chi phí hạ tầng, chi phí đền bù cho người dân… Và nếu tính đủ thêm các chi phí này vào dự án thì thực ra là lỗ chứ không có lời” (RFA, 08.04.2019).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong hơn 100 vị nhân sĩ trí thức hồi năm 2010 viết thư gửi lên Bộ Chính trị và Nhà nước Việt Nam khẩn thiết yêu cầu tạm hủy dự án bauxite Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng con số báo cáo đạt lợi nhuận của Tập đoàn TKV rất đáng ngờ vực vì ông cho rằng có thể vì mục đích chính trị ẩn phía sau. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Trong hai năm tới, sắp sửa Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra thì tôi nghĩ rằng những người điều hành đất nước sẽ rất muốn chạy theo số lượng để được những số liệu rất đẹp, bởi vì số liệu đẹp thì nó sẽ củng cố vị thế của người này người kia. Tôi nghĩ rằng ông Thủ tướng nên rất cần xóa đi những sự ngờ vực có thể có này bằng cách cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay chính những nhà máy đấy phải công bố chi tiết các thông tin ra, là đầu tư bao nhiêu, vay bao nhiêu, chi phí như thế nào, bán ra sao… Nếu có những dữ liệu đấy thì trong nửa tiếng đồng hồ mà một người không hiểu biết gì lắm như tôi cũng có thể tính toán ra một cách tương đối chính xác thực hư như thế nào”.
Cũng cần nói thêm rằng việc khai thác bauxite tiêu hao rất lớn điện năng, gây trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện hiện nay, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và các ngành kinh tế khác. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại mới tăng giá điện khiến dân chúng phải trả gấp đôi trong khi dự án bô-xít vẫn được hưởng giá ưu đãi. Giá điện tăng khiến mọi thứ đều tăng theo. Rốt cuộc, người dân lại phải còng lưng chịu thêm gánh nặng của dự án bô-xít. EVN đã có những giải thích kỳ lạ về lý do tăng giá điện như số ngày trong tháng Ba dài hơn tháng Hai, hay giá điện ở Việt Nam còn thấp hơn giá điện trên thế giới.
Ngày 27.05.2019, báo Tiếng Dân cho hay, trên báo Người Đô thị, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, chủ trương phải giải quyết vấn đề tại gốc là Tập đoàn Điện lực: “Đại phẫu EVN là lối thoát duy nhất cho giá điện quốc gia – nghĩa là cho an sinh toàn xã hội trên bình diện vĩ mô lẫn sức khỏe của cả nền kinh tế. Chính phủ phải có trách nhiệm đó vì siêu con nợ vay vốn nước ngoài to nhất quốc gia (gần 10 tỉ đô) là EVN được Chính phủ bảo lãnh vay. Chính phủ bảo lãnh nhưng có lời thì EVN đút túi, lỗ thì toàn dân trả nợ thông qua giá điện. Và Chính phủ, Quốc hội cứ thử hỏi xem những cá nhân chuyên gia (với tôi là học phiệt), tập thể EVN và Bộ Công thương – những người luôn mồm muốn giá điện bằng với thế giới; xem cụ thể tiền đền bù đất, hoa màu cho dân rẻ mạt của các dự án điện cùng công suất có bằng với thế giới không? Lương công nhân ngành điện có bằng thế giới không? Chi phí bảo trì và quy chuẩn kỹ thuật an toàn có bằng thế giới không? Các dự án điện của thế giới có bị biểu tình phản đối nhiều như tại Việt Nam không? v.v. Mổ xẻ ngành điện mà không có đại án thì tôi mạnh dạn dự đoán một “đại án” khác cho quốc gia này trong tương lai. Mà dấu hiệu của nó chính là sự rên xiết của nhân dân… Chẳng ai vô can cả!” (dẫn bởi báo Tiếng Dân, 27/05/2019, bài “Giá điện bình quân” của Mai Quốc Ấn).
Kết luận
Vì không đủ kiến thức chuyên môn, tôi không có thể đánh giá đúng mức các thành quả của dự án và đề nghị các giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, khi đối chiếu những thành quả này với những quan tâm của những nhà phản biện, tôi vẫn có thể nhận định tổng quát vể mức độ thành công của dự án và thử tìm phương cách thích hợp có thể dẫn đến quyết định nên chấm dứt hay tiếp tục dự án. Trong trường hợp tiếp tục thì cần phải làm gì để có thể đạt được kết quả thật sự có lợi ích cho đất nước và dân tộc.
Bản tổng kết sơ khởi của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho thấy dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, sau 6 năm đi vào hoạt động, đã đạt được hiệu qua rõ rệt về kinh tế:
1.- Nắm vững kỹ thuật công nghệ tân tiến, do đó quá trình vận hành sản xuất đạt được công suất thiết kế, sản phẩm có chất lượng được thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt. Các sự cố kỹ thuật được xử lý mau chóng và ổn định.
2.- Giá bán alumin trên thị trường cao hơn mức dự liệu, sản xuất tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng; do đó dự án đã có lãi và có triển vọng rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu kế hoạch tăng vốn đầu tư để trình lên Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xin chấp thuận.
Đối với các quan tâm lớn khác về an ninh, quốc phòng, môi trường, văn hóa, xã hội đã được các trí thức phản biện nêu ra suốt 10 năm qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ tóm tắt trong một câu khẳng định mơ hồ rằng các vấn đề này “… được bảo đảm theo mục tiêu đề ra”. Lẽ ra, dù chỉ tổng kết sơ khởi, Bộ trưởng cũng không thể làm ngơ trước những quan tâm chính đáng của các nhà cách mạng lão thành, các trí thức và khoa học gia nổi tiếng về uy tín và kiến thức chuyên môn. Ít nhất ông cũng phải chia sẻ ý thức về những quan tâm chính đáng đó và chứng tỏ
Bộ Công Thương đang có những nỗ lực giải quyết các tai họa trước mắt, thí dụ tình trạng ô nhiễm môi trường đó bô-xít gây ra đang tác hại đến sức khoẻ và cuộc sống kinh tế của hàng triệu người dân qua nhiều thế hệ, hiện tại và tương lai. Nên nhớ rằng chính Bộ Tài nguyên và Môi trường, một đồng minh của Bộ Công Thương, trong báo cáo mới nhất đánh giá về hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ, cũng đã lên tiếng cảnh báo “trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra.” (Dân Tri, 12.02.2018).
Tôi không rõ Bộ Chính trị có nêu lên mối quan tâm nào trong buổi báo cáo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vào cuối tháng 10/2018 hay không, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên và thất vọng đối với Quốc hội trong buổi “chất vấn” ông Bộ trưởng cùng khoảng thời gian đó. Bản tường thuật của Bộ Công Thương cũng như thông tin báo chí trong nước chi nói đến một Đại biểu duy nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thúy đứng ra chất vấn (thực chất là “hỏi thăm”) ông Bộ trưởng về hiệu quả kinh tế của dự án và khi nào thì có bản tổng kết chính thức thí điểm khai thác bauxite Tây Nguyên. Điều này cho thấy Quốc hội không tha thiết gì đến “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta” và cũng không chú ý hay biết đến những mối quan tâm sâu xa của nhân dân trước những nguy cơ đe dọa sự sống còn của đất nước.
Tới đây, cần phải trở lại vai trò của các trí thức phản biện trước xu hướng gia tăng đầu tư vào dự án khai thác bauxite của những lãnh đạo chỉ chăm lo cho lợi ích phe nhóm chứ không cho lợi ích quốc gia. Đã đến lúc cần phải “tạo được một phong trào xã hội rộng rãi, kiên trì, thực sự thực hiện một cuộc đánh thức xã hội mà ta cần có từ sau 1975” như nhà văn Nguyên Ngọc vừa lên tiếng trong dịp kỷ niệm 10 năm bauxite Vietnam. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyên Ngọc nhưng muốn bàn thêm rằng muốn thành công trong việc gây dựng phong trào có ảnh hưởng đến những thay đổi chính sách một cách ôn hòa, trước hết phải có tổ chức và (những) người lãnh đạo có uy tín và khả năng thuyết phục trong đối thoại và lề lối làm việc dân chủ. Tôi đã trình bày những ý nghĩ này trong một số bài viết trên các trang mạng và email trên diễn đàn xã hội dân sự. Gần dây tôi lại được đọc bải thuyết trình của TS Nguyễn Quang A về bài học cho dân chủ hóa ở Việt Nam từ phong trào phản kháng Thiên An Môn ở Trung Quốc 30 năm trước, tại một cuộc hội thảo ở Đài Bắc ngày 18.05 vừa qua. Trong phần cuối bài thuyết trình, TS Quang A trình bày Chiến lược cho dân chủ hóa ở Việt Nam gồm 5 chính sách dựa trên triết lý chính trị của nhà cách mạng ôn hòa Phan Chu Trinh và 9 nguyên tắc hành động như một nội quy của các thành viên Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (DĐXHDS). Như vậy DĐXHDS thành lập ngày 23/09/2013 từ nay đã chính thức trở thành một tổ chức gây dựng phong trào dân chủ hóa Việt Nam. Tôi hoàn toàn tâm đắc với TS Nguyễn Quang A về Chiến lược này vì đây cũng là khái niệm về tổ chức một Mạng Lưới các tổ chức xã hội dân sự và lề lối sinh hoạt dân chủ giữa các thành viên của Mạng Lưới (sau gọi là Liên Minh hàng ngang) mà tôi đề nghị với các bạn ở trong nước qua các bài viết và email từ năm 2013. TS Nguyễn Quang A, một trí thức và nhà hoạt động có tầm nhìn và tư duy chiến lược, đã hoàn chỉnh khái niệm này thành một hình thức tổ chức chính trị hoàn hảo, hợp hiến và hợp pháp của DDXHDS.
Dịp kỷ niệm 10 năm Diễn đàn Bauxite Việt Nam tình cờ lại là thời điểm thích hợp cho sự tái xác định vai trò phản biện xã hội toàn diện của trí thức chân chính, đồng thời tham gia vào những nỗ lực chung nhằm cải thiện chế độ chính trị xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. BVN sẽ còn nhiều việc phải làm trong những ngày tháng tới.
Tôi xin tạm kết thúc bài viết này bằng một đề nghị là BVN đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo đánh giá kết quả giai đoạn sáu (06) năm đầu hoạt động (2013-2019) của Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Mục đích chính là để cho các nhà trí thức phản biện có dịp trao đổi với các nhà quản lý, điều hành Dự án, để có những thông tin chính xác về kết quả hoạt động tại hai thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ, thẩm định kết quả thực của những vấn đề đã và đang được giải quyết, và lập kế hoạch giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Mục đích cuối cùng của cuộc hội thảo là quyết định về Dự án một cách thực sự cầu thị xem nên tiếp tục hay chấm dứt hoạt động. Nếu buổi hội thảo được Chính phủ cho phép Bộ Công Thương cùng hợp tác tổ chức với BVN thì tốt nhất, bằng không thì BVN sẽ tự lo liệu lấy, với sự hợp tác của các trí thức phản biện từ mọi ngành chuyên môn và được sự bảo trợ của những cá nhân và cơ quan thiện chí.
28.05.2019
L.X.K.
Tham khảo:
1.- Wikipedia, Dự án Bô-xít Tây Nguyên, tổng hợp và trích dẫn các nguồn tin báo chí trong và ngoài nước.
2.- RFA, 08.04.2019, “Dự án bauxite Tây Nguyên thực sự có lời và cần được mở rộng đầu tư?” Bình luận của biên tập viên Hòa Ái, dẫn chứng cảc trí thức phản biện sau bài trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trước Quốc Hỏi ngày 31.10.2018. Wikipedia, “Dự án Bô-xít Tây Nguyên”, tổng hợp va trich dan các nguồn tin báo chí trong va ngoài nước.
3.- Các trang báo điện tử BVN, Tiếng Dân, Việt Nam Thời báo, Văn Việt.
“bắt đầu bằng những lá thư gửi các lãnh đạo của hai nhân vật nổi danh quốc tế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà khoa học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu.”
Không biết có phải tại tôi có thành kiến quá nặng với bọn vẹm hay không?. Sao tôi nhìn đâu cũng thấy sự bịp bợm của lũ này.
Thông thường người ta sẽ gọi tước vị cuối cùng của một người. Trường hợp trong cùng thời điểm có nhiều tước vị thì phải nêu ra cho hết.
Tên Giáp nổi danh thế giới vì hắn là tên đại tướng duy nhất trên thế giới làm trưởng ban kế hoạch hóa gia đình. Một ngành nghề trái ngược hoàn toàn với tướng tá trong quân đội. Thế tại sao ông Khoa không nêu tước vị này ra khi nhắc đến tên Giáp.
Trò hề củ rích là bưng bít, tránh né sự thật. Đã như thế thì có bao nhiêu phần trăm ông Khoa và nhóm của ông ta thật sự vì đất nước Việt Nam mà diễn trò mèo này.
Gửi bài này ra báo Hải ngoại đăng. Trong khi bài viết này chổ của nó phải là ở trong nước.