Mạc Văn Trang
29-5-2019
Có lẽ không ở nước nào có nhiều khẩu hiệu, nhiều lời nói hoa mỹ về trẻ em như nước ta. Nào “Trẻ em là mầm non, là tương lai của dân tộc”; “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”; nào “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”…
Một năm có ngày Tết Trung Thu, Tết 01/6 dành riêng cho trẻ em; ngày Tết âm lịch cũng chủ yếu dành cho trẻ em được ăn chơi, tiền Mừng tuổi lu bù; ngày Khai trường “Toàn dân đưa trẻ đến trường” thì nhất thế giới, “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân” quan tâm đến trẻ em, cờ mở trống rong rợp trời, trống kèn inh ỏi, những lời phát biểu tuôn ra từ miệng đủ các loại quan chức, vì nước ta có những 17 cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ mà!
Nhưng thực tế, chưa bao giờ trẻ em của chúng ta bị lợi dụng, khai thác, tấn công từ mọi phía, nguy hại như ngày nay. Phải làm gì?
1. CHÍNH QUYỀN: Quốc hội phải sửa chữa, bổ sung các Luật, quy định trách nhiệm của chính quyền (người đứng đầu chính quyền và các thiết chế liên quan) đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em (CSGDBVTE).
Hiện nay chính quyền các cấp, nhiều nơi rất vô trách nhiệm trong việc CSGDBVTE. Nhiều trẻ em không đến trường, bỏ học; trẻ em bơi qua sông, đánh du trên dây qua sông đi học … không an toàn, chính quyền như không liên quan (?). Trẻ em học trong phòng học tạm bợ, mất vệ sinh, chính quyền thờ ơ; trẻ em bị ngộ độc thức ăn ở trường, trẻ chen nhau nằm dưới gầm giường bệnh viện; trẻ em dùng thuốc giả, thực phẩm độc hại, chết đuối nước; trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại … chính quyền nhiều nơi như vô can!
Chính quyền phải ngăn chặn việc tuồn ma túy vào trường học; việc bán hàng ăn uống không được kiểm soát quanh nhà trường… Hầu như từ xưa đến nay, chưa có chủ tịch xã, phường, huyện/quận… nào bị kỷ luật hay từ chức về các vụ bê bối liên quan đến những chuyện nêu trên?
2. TẠI CÁC CƠ SỞ CSGDTE: Chính quyền cần quy định rõ các điều kiện và kiểm tra chặt chẽ. Các nhà quản lý cần phải PHÂN TÍCH CÔNG VIỆC, quy định rõ từng vị trí nhân sự (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, giáo viên, bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn …) Mỗi người làm những việc gì? Kỹ năng thực hiện việc đó thế nào? Thái độ ra sao? Yêu cầu thực hiện? Kết quả là gì? Những gì không được phép…
Như vậy khi kiểm tra, đánh giá mỗi vị trí làm việc rất rõ ràng, không “thi đua” chung chung vô tích sự. Đặc biệt khi kiểm tra, đánh giá theo phân tích công việc sẽ rất khách quan, cụ thể và qua đó nâng cao chất lượng CSGDBVTE. Còn khi xảy ra sự cố, biết rõ từ ai, việc gì, để quy trách nhiệm và cần sa thải ngay những người không đủ phẩm chất, năng lực CSGDBVTE. CSGDBVTE là hệ thống công việc vô cùng tỉ mỉ, chi tiết, cụ thể, không thể chỉ đạo chung chung, quy định đại khái, như nhiều nhóm trẻ, nhà trẻ hiện nay được.
3. NHÀ TRƯỜNG: Bớt nhồi nhét kiến thức và các hoạt động vô bổ đi! Đừng gọi HS là các CON để chúng co mình lại làm trẻ con mãi! Tiểu học gọi các em, THCS trở lên nên xưng hô với HS là CÁC ANH, CÁC CHỊ, CÁC BẠN và Thầy/ Cô. Tại sao? Vì giáo dục không nhằm để HS “NGOAN”, mà nhằm giúp HS TRƯỞNG THÀNH về thể chất, tinh thần, bản lĩnh xã hội; làm sao để HS 15 – 16 biết tự chủ bản thân; biết hành động độc lập và có trách nhiệm trong nhà trường, gia đình, xã hội.
Trước đây các HS tham gia Hướng Đạo sinh, Thiếu sinh quân đã trưởng thành như vậy. Hiện nay HS ở các nước dân chủ, văn minh cũng trưởng thành như vậy. Nhà trường cần cho HS học bơi, tăng cường rèn luyện thể chất; Dân chủ hóa nhà trường: Tôn trọng sự khác biệt cá tính; HS được tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, sáng tạo; cho HS tự quản trong nhiều hoạt động… giúp HS sớm trưởng thành ý thức tự chủ, trách nhiệm bản thân.
Những vụ bạo lực học đường cần giải quyết bằng đối thoại giữa các bên, thức tỉnh lương tri và danh dự, trách nhiệm của những con người có văn hóa giáo dục, để giúp HS có nhận thức mới, thái độ mới từ bài học sai lầm, chứ không cốt “kỷ luật nghiêm” cho sợ hãi, là xong!
4. TẠI CỘNG ĐỒNG: Vừa qua các Cộng đồng dân cư và Cộng đồng mạng xã hội đã có nhiều hình thức lên án, “truy đuổi”, tố cáo hành vi “dâm ô trẻ em” của ông già ở Vũng Tầu, hành vi “cưỡng hôn” 200k ở Hà Nội và “Linh nựng” ở TP HCM… một cách quyết liệt, “không cho chúng nó thoát”! Đó là hiện tượng mới, rất hiệu quả, giúp toàn dân nêu cao cảnh giác và só sức răn đe khủng khiếp với những người dễ có hành vi sai lệch.
Nếu những hành vi tham nhũng cũng công khai, minh bạch để dân lên án kịp thời như vậy, sẽ có tác dụng ngăn chặn, hiệu quả hơn cả “đốt lò”, khi đã quá trễ! Cộng đồng cần phải lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi 17 TỔ CHỨC có trách nhiệm CSGDBVTE phải thực hiện trách nhiệm của họ bằng hành động thực tiễn, hiệu quả, chứ không phải cứ hội họp, diễn trò tuyên truyền vô tích sự!
5. TẠI GIA ĐÌNH: Gia đình hiện nay có rất nhiều vấn đề:
– Cho trẻ chơi smartphone, máy tính bảng, máy tính bàn, xem Tivi quá sớm, quá nhiều, rất hại cho trẻ em. Trẻ tự kỷ tăng nhanh, có nguyên nhân thứ phát nhiều, có lẽ từ tình trạng nói trên. Thay vào đó cần cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, với cỏ cây, muông thú nhiều hơn; cho trẻ chơi đùa với trẻ và giao tiếp với người lớn nhiều hơn. Cần kể chuyện, đọc sách cổ tích, chuyện trẻ em, Thơ trẻ em cho con trẻ nhiều hơn; cho trẻ nghe nhạc phù hợp, hát bài trẻ em cũng rất tốt.
– Cho trẻ ăn uống đồ bán rong, bán tại đường phố tràn lan, không ai kiểm soát, rất nguy hiểm. Báo chí nói rất nhiều đến Trà sữa độc hại, kẹo mút, bóng cười có ma túy… Rất nhiều đồ ăn uống độc hại bủa vây, hấp dẫn trẻ em, trong khi chính quyền dường như thả nổi, bất lực, thì gia đình phải giáo dục trẻ hiểu về an toàn thực phẩm. Đặc biệt phải cảnh giác với đồ ăn, đồ chơi, giầy dép, quần áo … xuất xứ từ Trung cộng, trà trộn vào Việt Nam. “Đừng để con em chúng ta chết dưới tay China”! Có lẽ là khẩu hiệu khẩn thiết hơn mọi khẩu hiệu hay ho về trẻ em lúc này!
– Đừng nuông chiều trẻ quá. Cần dạy trẻ biết tự phục vụ và giúp việc nhà từ lúc 5 – 6 tuổi. Cần nghiêm khắc yêu cầu trẻ làm việc nhà và có nếp sống lành mạnh ngay từ nhỏ. Đến tuổi Teen mới quan tâm gò vào những chuyện nói trên là quá muộn, rất khó khăn. Trẻ hiện nay chưa làm ra tiền, nhưng ăn chơi, tiêu xài rất hoang phí, thật chả hay ho gì, mà còn tai hại!
THAY LỜI KẾT: Luật nước ta cũng theo quốc tế, quy định dưới 18 tuổi là VỊ THÀNH NIÊN. Nhưng nếu được giáo dục tốt thì 15 – 16 tuổi các em đã đủ trưởng thành về nhân cách tâm lý, tức là đủ khả năng tự chủ bản thân, biết tự điều chỉnh hành vi của mình một cách có ý thức…
Trong một xã hội hỗn mang, đầy dối trá, lừa gạt, bạo lực, đảo lộn các giá trị như hiện nay, việc CSGDTE thật vô cùng khó. Không thể nào “Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con” được!
Một mặt đòi hỏi chính quyền, các thiết chế xã hội liên quan đến CSGDBVTE phải làm hết trách nhiệm của mình. Đặc biệt tất cả các tác động giáo dục đều cần hướng vào tổ chức sự TRƯỞNG THÀNH của trẻ em, để các em đủ tri thức, kỹ năng, bản lĩnh vượt qua được những tình huống nguy cơ, tự bảo vệ được bản thân để phát triển lành mạnh…
Bổ sung: Hệ…. hệ…, Tịt pẹ…. cần phải “nói lại cho rõ” nhé: “Vì tương lai con em chúng ta” chính là câu hò của Bộ GD&ĐT sủa ra bao năm nay rồi, nhưng, bọn cướp lại tận dụng tối đa câu này để làm lợi cho mình với phương châm theo vế sau: “kệ cha tương lai con em chúng nó”!
Vì tương lai con em chúng ta, kệ cha tương lai con em chúng nó!