“Đừng đem chính trị vào nghệ thuật”

Trung Bảo

25-5-2019

Hôm qua, một đồng nghiệp cũ gửi link liên khúc Chiều trên phá Tam Giang – Người tình mùa đông do nam (?) ca sĩ Đức Tuấn thể hiện. Vốn không thích giọng ca “tròn vành rõ chữ” của ca sĩ này nhưng không phải vì vậy làm tôi không thích bài hát trên do anh hát. Không thích bởi một lý do.

Lý do đó là Đức Tuấn cố lượt bỏ đi câu hát “Bên một người đi giữa chiến tranh” như trong bản gốc của nhà thơ Tô Thuỳ Yên được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Được rồi, tôi biết sẽ có bạn nói nếu không bỏ đi chi tiết “nhạy cảm” ấy thì sẽ không được phát hành và thà như vậy còn hơn cả bài hát không ai biết đến.

Thôi, nếu vậy thì hãy để chúng tôi nghe “lậu” những nhạc phẩm này như lâu nay. Bỏ đi bối cảnh chiến tranh, bài hát bỗng nhạt nhẽo như mọi bản tình ca tầm thường khác. Chính vì “bên một người đi giữa chiến tranh” khiến tôi khi ngây ngất trong men rượu lại thấy yêu nhạc phẩm ấy vô cùng. Cái lãng mạn của người nơi đô thành và niềm nhớ đau đáu của người nơi chiến tuyến là linh hồn của nhạc phẩm. Vào tay Đức Tuấn thì nhạc Trần Thiện Thanh cũng như nhạc Phó Đức Phương hay Phú Quang.

Có thật đừng đem chính trị vào nghệ thuật để nghệ thuật được vô nhiễm không! Nói vậy thì thoả hiệp với chính trị để được lưu hành một tác phẩm nghệ thuật chẳng lẽ không phải là hành động đem chính trị vào nghệ thuật?

“Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi”

Những câu thơ này của cố thi sĩ Tô Thuỳ Yên làm tôi yêu Sài Gòn mê mệt. Nó gợi cho tôi về những chuyện vui buồn ở nơi đó với những con đường xanh mướt lá me. Bên em.

Nhưng, khổ thơ dưới đây mới là linh hồn của Chiều trên phá Tam Giang:

“Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau”

Đó, nếu không đem chính trị vào nghệ thuật thì làm sao nghệ thuật đi vào lòng người và sống mãi dù thi sĩ cũng qua đời!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đức Tuấn là một ca sĩ nhiều tham vọng. Anh ta muốn trở thành một ca sĩ trẻ nhưng rất giá trị nhờ biết hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ly rượu Mừng của Phạm Đình Chương, Chiều Trên Phá Tam Giang thơ Tô Thùy Yên nhạc Trần Thiện Thanh. Nhưng đồng thời anh ta cũng muốn được lòng “cách mạng”. Anh ta muốn sáng chói trên sân khấu, trên màn hình của nhà nước như một thanh niên thành đạt trong xã hội chủ nghĩa. Trong Video Clip Ly Rượu Mừng anh ta trong bộ đồ vest rất đẹp, xuất hiện sang trọng giàu có thành đạt bước lên một chiếc xe hơi đắt tiền có tài xế cung kính mở cửa. Anh ta hát ca ngợi đất nước có sĩ nông công thương cùng nhau vui sống trong mùa xuân hạnh phúc nhờ có một thế hệ bộ đội , đầu đội nón cối, băng rừng vượt suối hy sinh cho thế hệ của Đức Tuấn được sống sang chảnh như ngày hôm nay.
    Không ai cấm Đức Tuấn làm nghệ sĩ quốc doanh nhưng muốn trở thành một nghệ sĩ trong sáng và chân thực khó lắm đấy.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây