Tin Biển Đông
Tàu chiến Mỹ xuất hiện gần khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, VTC đưa tin. Tư lệnh Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ cho biết: “Khu trục hạm Preble vừa di chuyển vào khu vực 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để thách thức tuyên bố hàng hải phi lý và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”. Đây là lần thứ 2 Mỹ triển khai tàu chiến tuần tra trên Biển Đông trong vòng chưa đầy một tháng qua.
Sau khi tàu chiến Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough, Trung Quốc nói ‘ngừng khiêu khích’, theo trang Đầu Tư Tài Chính VN. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng “kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động khiêu khích tương tự”.
Scarborough là một bãi cạn nhỏ nằm cách đảo Luzon 200 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Trung Quốc kiểm soát khu vực này từ năm 2012 sau cuộc đụng độ với Philippines và chiếm giữ bãi cạn này.
Hải quân Ấn Độ, Singapore tập trận chung ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Theo hãng tin PTI, cuộc tập trận SIMBEX-19 giữa hai nước bắt đầu từ ngày 19/5, dự kiến kết thúc ngày 22/5. Hải quân Ấn Độ triển khai tàu khu trục INS Kolkata và tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti cùng máy bay tuần tra biển tầm xa Poseidon-8I. Hải quân Singapore có tàu hộ vệ SGN Steadfast, khinh hạm tên lửa SGN Valiant, tàu tuần tra biển Fokker-50 và chiến đấu cơ F-16.
Trước đó, từ ngày 2 đến 8/5, hai tàu INS Kolkata và INS Shakti đã cùng khu trục hạm Mỹ USS William P. Lawrence, tàu khu trục trực thăng Nhật Bản JS Izumo và tàu tuần tra Philippines BRP Andres Bonifacio tiến hành tập trận chung ở Biển Đông.
Kênh Hot News vừa có clip: Các diễn biến gần đây xung quanh Biển Đông.
Mời đọc thêm: Tàu chiến Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough, chọc giận Trung Quốc (DV). – Mỹ điều thêm tàu chiến tới Biển Đông khi căng thẳng thương mại lên cao (VOV). – Tàu chiến Mỹ tuần tiễu Biển Đông giữa căng thẳng với TQ (VNN). – Kêu gọi kiềm chế đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông (TN). – Ấn Độ và Singapore tập trận ở Biển Đông (VOA). – Thayer: Chính sách đánh chìm tàu của Indonesia gây tranh cãi (Zing). – Trưng bày hơn 200 tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại huyện Ngọc Lặc (TH).
Năm khúc củi to sắp vào lò?
LS Lê Quốc Quân đưa tin: “Theo nguồn tin riêng của tôi nhận được từ bạn bè thì: 1. Vũ Huy Hoàng cựu bộ trưởng Bộ Công Thương, bố của Vũ Quang Hải -SABECO; 2. Bùi Quang Vinh, Cựu Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư; 3. Lê Mạnh Hà, Con trai cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, cựu phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ; 4. Trần Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Tài Chính; 5. Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Mặc dù đang tìm nhiều cách câu giờ, đặc biệt chiêu bệnh tật, nằm viện, nhưng tất cả đang sắp vào lò“.
Được biết, trong kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 12 đến 14/11/2018, đã quyết định kỷ luật ông Lê Mạnh Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Quang Vinh, Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do dính tới vụ ăn bẩn trong đại án MobiFone mua AVG.
Riêng ông Vũ Huy Hoàng đã bị Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật cùng với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương ngày 2/11/2016, do có nhiều sai phạm, trong đó vi phạm qua việc bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam, cũng như cho ông con trai này tham gia HĐQT Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Mời đọc thêm: Chống tham nhũng: Vươn vai là hơn… Thánh Gióng! (VOA/ TD). – ‘Nhận diện’ hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức (TN). – Cử tri đề nghị mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng (SGGP). – Tương lai Việt Nam vẫn toàn là câu hỏi, theo phát biểu của TBT Trọng (BBC). – Ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong ngày khai mạc quốc hội CSVN (NV). – May quá, chỉ “tọa triều”, chứ chưa phải “ngọa triều” (TD).
Cán bộ sai phạm
Sử dụng bằng sai quy định, chủ tịch xã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, báo Dân Việt đưa tin. Ngày 20/5, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Gia Lai, cho biết, sau khi xem xét đề nghị của UBKT Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ia Băng vì đã dùng bằng không đúng quy định.
Trước đó, UBKT Huyện ủy Chư Prông tổ chức xác minh và phát hiện ông Hà sử dụng bằng cấp 3 không đúng quy định. Trước khi cơ quan này vào cuộc xác minh, ông Hà cũng đã có đơn xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận.
Trang Viet Times đặt câu hỏi: Chủ tịch Quảng Nam nói gì khi tỉnh bị Kiểm toán Nhà nước phát lộ nhiều sai phạm đất đai? Vụ bán tài sản trên đất không qua đấu giá, thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp không đúng mục đích xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh, nói:
“Liên quan đến các nội dung báo cáo của Kiểm toán nhà nước, hiện chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì, vì sự việc xảy ra khá lâu nên cần kiểm tra thuộc giai đoạn nào, từ đó mới có thể kết luận và trả lời Kiểm toán nhà nước theo quy định”.
Kỷ luật và lên chức “đúng quy trình”: Bị kỷ luật, bí thư huyện ủy được điều chuyển làm phó giám đốc sở, theo báo Thanh Niên. Dù bị kỷ luật khiển trách, ông Nguyễn Huy Dũng, Bí thư Huyện ủy Hòa Bình, Bạc Liêu, vẫn được điều chuyển về giữ chức PGĐ Sở Xây dựng tỉnh này. Quyết định này vừa được công bố trong cuộc họp về công tác cán bộ, tổ chức sáng 20/5, tại Văn phòng Huyện ủy Hòa Bình.
Trước đó, UBKT Tỉnh ủy phát hiện ông Dũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc xem xét, cho ý kiến bổ nhiệm lại đối với cán bộ, nên đề nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Dũng. Ông Dũng còn có sai phạm trong việc sử dụng xe công.
Sau kết luận thanh tra, vợ Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM xin từ chức, theo VTC. Ngày 20/5, lãnh đạo trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Quận 5, TP HCM, thông báo, bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng nhà trường vừa bày tỏ nguyện vọng xin từ chức tại cuộc họp Hội đồng sư phạm của trường, với lý do sức khỏe.
Bài viết lưu ý, kết quả thanh tra của TP HCM đầu năm 2019 đã chỉ ra, bà Trinh được xác định nằm trong danh sách các cán bộ đi nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách trái quy định. Vào năm 2018, trước khi được cử đi Đức để tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý trường công, bà Nguyễn Thị Yến Trinh từng đi Anh và Nhật Bản.
Vợ ghi số đề, một Chủ tịch phường ở Bạc Liêu bị khiển trách, báo Giao Thông đưa tin. Chiều 18/5, lãnh đạo TP Bạc Liêu xác nhận, UBKT Thành ủy Bạc Liêu quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường 1. Lý do: Ông Bình đã để vợ tham gia ghi số đề và bị bắt quả tang. Sau đó, TAND TP. Bạc Liêu đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt vợ ông Bình 3 tháng tù giam (đã chấp hành án xong).
Công an tỉnh Quảng Bình vừa khởi tố nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy lừa đảo chạy việc, theo báo Dân Trí. Ông Lương Duy Tuyển bị khởi tố và tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc còn làm phó một phòng, thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Tuyển đã lừa xin việc cho hàng chục trường hợp và nhận từ các nạn nhân tổng số tiền gần 2 tỉ đồng. Nhiều trường hợp khi biết không xin được việc đã tìm mọi cách để đòi tiền, nhưng chỉ được trả lại một phần nhỏ số tiền đã đưa.
Mời đọc thêm: Gia Lai: Chủ tịch xã bị cách hết chức vụ trong Đảng (CL). – Bạc Liêu điều động Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Bí thư huyện Hòa Bình (PLVN). – Bạc Liêu: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Bí thư huyện Hòa Bình (LĐ). – Vợ nguyên Bí thư Quảng Nam mua “đất vàng” trái pháp luật (TTTĐ).
– Phó Chánh Văn phòng bị kỷ luật vì vợ nhiều lần vi phạm trật tự xây dựng, đất đai (DV). – Bạc Liêu: Vợ ghi số đề, Chủ tịch phường bị kỷ luật (DNVN). – Nguyên cán bộ Tỉnh ủy lừa đảo xin việc vào ngành giáo dục (GDVN). – Đường dân sinh nhường chỗ cho… sân chơi tiền tỷ của cán bộ thị xã Phổ Yên (Thanh Tra).
Điện, xăng và lạm phát
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ báo cáo sự minh bạch trong cách tính giá điện, VOV đưa tin. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Vũ Hồng Thanh lưu ý, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020.
Trước tình hình này, “nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Tăng giá điện, xăng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Bên cạnh các thông tin bất lợi cho kinh tế, xã hội VN nói trên, bài viết lưu ý, hơn 27.000 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh năm 2018, con số này tăng 25,1% so với năm 2017, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với báo cáo của Chính phủ.
Ông Vũ Hồng Thanh thừa nhận, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tiếp tục tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn và doanh nghiệp ở các vùng khó khăn.
Nhiều người cho rằng, ngay cả con số lạm phát nói trên cũng chưa phản ánh hết toàn bộ tình hình kinh tế u ám ở VN sau khi giá điện, xăng đồng loạt tăng mạnh. Làn sóng lạm phát đã bắt đầu bước vào tình trạng ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo CSVN.
Vụ Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đòi xử lý những người “xuyên tạc” giá điện, RFA có bài: Xử lý người phản đối tăng giá điện là “cản trở sự phát triển”. Nghệ sĩ Kim Chi bình luận với RFA: “Để xem họ xử lý thế nào, Chị cũng là một trong những người phản đối, chị có tham gia ký tên đó, sẵn sàng thôi… Chứ còn không thể cứ ‘cả vú lấp miệng em’ làm hoài như vậy được, Nhà nước làm ăn thua lỗ giờ tìm đủ cách móc túi dân… Đối với người dân thấp cổ bé họng không phải cứ lấy quyền để mà hăm dọa xử lý, đâu phải người dân này muốn đè đầu cưỡi cổ người ta hoài được đâu”.
Mời đọc thêm: Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện về tăng giá điện, xăng (VNE). – Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ lý do tăng giá điện, xăng (VNN). – Quốc hội đề nghị minh bạch việc tính giá điện (RFA). – Ông Trần Thanh Mẫn: “Cử tri lo lắng việc điều chỉnh giá điện, xăng” (DV). – Sửa biểu giá điện: Ưu tiên giảm số bậc thang (TT). – EVN đã lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại các Tổng công ty phát điện (BizLive). – Kiến nghị ‘xử lý’ người bức xúc về giá điện, Bộ Công thương bị lên án (VOA).
Tin nhân quyền
Bảy người phản đối ô nhiễm bị kết án tù, RFA đưa tin. Theo đó, 7 phụ nữ ở Tây Ninh trong tuần qua bị tòa án sơ thẩm tuyên từ 24 đến 30 tháng tù treo, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Họ bị kết án vì tham gia chặn xe chở cát mà họ cho là gây ô nhiễm tại ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2017, khi đó một số người dân sống dọc tuyến đường DH805 tại địa phương vừa nêu, bắt đầu biện pháp chặn xe chở cát của Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Việt- Úc, chi nhánh 2, lưu thông từ bãi cát ra tuyến đường 785.
Mời đọc thêm: – Tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất gửi thông điệp đến nhà cầm quyền Việt Nam — Giọt nước mắt của chủ chăn (RFA). Trần Trung Đạo: CSVN là một trong năm nước bóp nghẹt quyền tự do báo chí nhất thế giới (TD).
Tin môi trường
Báo Đất Việt đặt câu hỏi về nỗi băn khoăn gang xỉ Formosa về Thái Nguyên: Làm rõ thế nào? Vụ gang xỉ của Công ty Formosa Hà Tĩnh được chuyển từ Hà Tĩnh ra Thái Nguyên để làm nguyên liệu sản xuất, vào thời điểm Sở TN&MT Thái Nguyên kiểm tra, kết quả phân tích mẫu gang xỉ, phế liệu nhập có nồng độ pH cao nên Sở đề nghị Tổng cục Môi trường cho dừng hoạt động này. Nhưng đại diện Bộ TN&MT lại khẳng định, gang xỉ khử lưu huỳnh của Formosa có chứa 71,6% là sắt, nên được khuyến khích tái sử dụng.
Trước mâu thuẫn này, bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, cho biết, trong trường hợp này, thẩm quyền xử lý thuộc về Thủ tướng: “Thủ tướng có thể đề nghị TAND Tối cao đứng ra xem xét nếu có kiện tụng, khiếu nại, hoặc có thể giao cho Thanh tra Chính phủ hay lựa chọn một tổ chức độc lập trong nước hoặc nước ngoài để thực hiện việc đánh giá, làm rõ”.
Báo Tiền Phong có bài: Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh. Các tuyến đường đê ven biển của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, giờ ngập tràn rác thải rắn và chất thải sinh hoạt trong các khu dân cư đổ ra phía mái đê vùng biển. Khi nước thủy triều lên, xuống, kéo rác thải ra biển, sau đó sóng vỗ vào lại đưa rác thải vào bờ chất thành đống, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân địa phương.
Chuyện ở Thái Nguyên: Nước hồ Vai Miếu nổi váng, đặc quánh, bốc mùi hôi tanh, theo Thông Tấn Xã VN. Đây vốn là một hồ thủy lợi lớn, với vai trò hỗ trợ canh tác cho cánh đồng khoảng 500 ha của các hộ dân ở chân núi Tam Đảo. Tuy nhiên, từ tháng 2/2019 đến nay, nước hồ chuyển từ màu xanh sang vàng, rồi đóng váng trắng có mùi hôi nồng nặc. Người dân cho rằng, nước hồ bị ô nhiễm bởi hoạt động nuôi cá lồng bè trên hồ.
Mời đọc thêm: ‘Viên ngọc xanh’ phía sườn Tây Tam Đảo ô nhiễm nặng, bốc mùi tanh nồng (TTXVN). – Đại Từ – Thái Nguyên: Nước hồ Vai Miếu đổi màu bất thường, bốc mùi hôi thối (NB&CL). – Đại Từ – Thái Nguyên: Cần sớm xác định nguyên nhân khiến nước hồ Vai Miếu đổi màu bất thường, bốc mùi hôi thối (TN&MT).
Tin giáo dục
Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, Hải Phòng, yêu cầu hiệu trưởng trường Tiểu học Quán Toan, buộc thôi việc cô giáo tát học sinh liên tiếp ở Hải Phòng, Zing đưa tin.
Trước đó, UBND quận Hồng Bàng thông báo, quá trình tìm hiểu vụ việc cho thấy, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang không chỉ đánh học sinh Hoàng Gia Đức nhiều lần, mà còn đánh nhiều học sinh khác. Hành vi của cô giáo Trang mang tính bạo hành, xâm phạm thân thể và tinh thần học sinh, vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Không chỉ thế, cô Trang còn không đến thăm hỏi, xin lỗi phụ huynh học sinh để khắc phục sai phạm, chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui thì cô mới diễn trò khóc lóc. Đồng phạm của cô là cô Nguyễn Thị Vân, cũng bị lãnh đạo quận Hồng Bàng yêu cầu kiểm tra.
Vụ cô giáo đánh loạt học sinh tại Hải Phòng: Công an đề xuất hình thức xử lý, theo trang Pháp Luật VN. Bài viết lưu ý, lần đầu tiên tại Hải Phòng, cơ quan công an giám định sức khỏe học sinh để đưa ra hình phạt xử lý giáo viên, vì cô Trang đã dùng thước đánh rất mạnh tay khiến em Đức đổ máu, phải nhập viện điều trị.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Công an thành phố căn cứ kết quả giám định sức khỏe của học sinh Hoàng Gia Đức, để đề xuất mức độ xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Vụ gian lận thi cử ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La: Cử tri bức xúc truy trách nhiệm Bộ GD&ĐT, theo VTC. Thông tin này được bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện đề cập tới khi phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5. Cử tri TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPT Quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Còn cử tri một số tỉnh như Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk… rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ gian lận thi cử tốt nghiệp THPT vừa qua.
Báo Giao Thông đưa tin: Hai nhóm học sinh hỗn chiến trong đêm, 6 người nhập viện. Ông Vi Văn Uổi, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình, cho biết, trong 8 người liên quan đến vụ xô xát thì có bảy người là người địa phương. Còn một lãnh đạo trường THPT Mai Châu B cho biết, 8 người trong vụ xô xát nói trên là học sinh đang theo học tại trường, hiện các em chưa thể đến trường để đi học.
Trước đó, đêm 18/5, một nhóm thanh niên đi vào xóm Dến, xã Mai Hịch, trên người có mang theo hung khí. Khi vào trong thôn xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác, dẫn đến xô xát.
Mời đọc thêm: Đánh tới tấp vào đầu nhiều học sinh ở Hải Phòng: Nữ giáo viên bị buộc thôi việc (VTC). – Buộc thôi việc cô giáo Trang (GDVN). – Phạt nam sinh quỳ trước bục giảng, cô giáo bị sốc phải nhập viện (VTC). – “Cô giáo Quy chỉ mắng chứ chưa tâm sự nhẹ nhàng” (VNN). – “Chưa có hình thức kỷ luật cuối cùng với cô giáo phạt học sinh quỳ” (Infonet). – ‘Học sinh từ chối phạt quỳ là tín hiệu đáng mừng’ (Zing). – Trường hơn 16 tỷ bỏ hoang người dân tận dụng phơi rơm nuôi gà (TP).
– Bộ Giáo dục “lờ” trách nhiệm của mình trong vụ gian lận thi cử lớn nhất từ trước tới nay (VnMedia). – Đề nghị xử lý nghiêm những cán bộ, công chức là lãnh đạo liên quan đến gian lận thi cử (NĐT). – Cử tri đề nghị sớm xử lý nghiêm, công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La (TQ).
***
Thêm một số tin: Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc-Nam bất chấp lo ngại của người Việt — Việt Nam ban hành công văn hỏa tốc cấm tiêu thụ tôm hùm đất Trung Quốc (VOA). – ‘Bé trai bị bố dượng đánh’: Công an 36 xã thị trấn xác minh (PLTP). – Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng cây, tái diễn ”chạy” theo phong trào (VOV). – HTX Ba Tiếp nợ nông dân 13 tỷ đồng mua lúa, hàng trăm hộ bấn loạn (DV). – Hà Nội: Nhà xưởng rộng hàng trăm m2 lấn chiếm hành lang sông Đáy (PL Plus).