Trúc Nguyễn
20-5-2019
Ngày 16/5, Ban Tổ chức Tokyo 2020 công bố Dự án “G-SATELLITE Go to Space” (1). Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, một vệ tinh nhỏ mang theo hai nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Nhật là GUNDAM và Char’s ZAKU sẽ được tên lửa phóng lên trạm không gian quốc tế (International Space Station), sau đó “bơi” quanh quỹ đạo trái đất trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận hội, để cổ vũ và làm tăng sự hấp dẫn cho sự kiện.
Dự án là thành quả hợp tác của các bên: Ban tổ chức Tokyo 2020, Cơ quan khám phá không gian Nhật (JAXA), trường ĐH Tokyo và 3 công ty thuộc tỉnh Fukiu.
Khi vệ tinh được phóng ra từ trạm không gian bay vào quỹ đạo thì hai nhân vật hoạt hình GUNDAM, Char’s ZAKU và một bảng điện tử sẽ xuất hiện, hệ thống bảy camera sẽ ghi và chuyển tải các hoạt động, như phát hình ảnh của hành tinh trái đất, chạy các thông điệp chào mừng Olympic trên bảng điện tử và quay phim hoạt động của các nhân vật hoạt hình.
Các nhân vật sẽ được làm bằng vật liệu và sơn bằng loại sơn đặc biệt có thể chịu được môi trường khí hậu khắc nghiệt ngoài không gian, mắt của chúng sẽ phản chiếu từng màu sắc trong 5 màu chính của biểu tượng Olympic và sẽ được chạy thử nhiều lần để thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật, trước khi đưa vào vận hành.
Ông Koji Murofushi, Giám đốc Thể thao của Tokyo 2020, nói: “Chúng ta cùng chờ đợi lời chúc mừng Thế Vận Hội, lời chào khán giả và các vận động viên sẽ được nhân vật hoạt hình gởi về từ trạm không gian“!
Trước đó, Ban Tổ chức Tokyo 2020 cũng đã công bố dự án “Robot phục vụ Olympic” (2): “Robot giúp đỡ” (Human Support Robot) và “Robot giao hàng” (Delivery Support Robot) do Toyota Motor chế tạo, sẽ trợ giúp các khán giả ngồi xe lăn tại các sân vận động bằng cách mang thức ăn đồ uống, hướng dẫn vị trí ghế ngồi, cũng như cung cấp thông tin, dữ kiện các trận đấu…
“Bộ đồ tăng cường sức mạnh” (Power Assist Suits) do tập đoàn Panasonic phát triển cũng sẽ được đặt ở khu hậu trường các địa điểm thi đấu, các làng Thế Vận hội và sân bay, để xếp dỡ đồ dùng có trọng lượng nặng, vận chuyển hành lý các vận động viên lên xe. Những loại robot khác để phục vụ Olympic cũng đang được nghiên cứu chế tạo.
Ứng dụng công nghệ robot để hướng đến vận hành một kỳ Thế Vận hội an toàn thuận tiện, đồng thời cũng để giới thiệu tiềm năng ứng dụng robot vào trong cuộc sống đời thường cho xã hội. Dự án Robot Olympic đã tập hợp nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kỹ thuật, đến từ Viện Khoa học Phát triển Công nghệ Kỹ thuật quốc gia (AIST), Ủy ban Robot thế giới (World Robot Summit Executive Committee), đại học Tokyo, Trung tâm Dự án Cải tiến thông minh Rikken (RIKEN Center for Advanced Intelligence Project)…
Ban Tổ Chức Olympic Tokyo 2020 kỳ vọng, các dự án trên sẽ giới thiệu với công chúng và thế giới một kỳ Thế Vận hội sáng tạo theo phong cách Nhật Bản như đã được cam kết trong “Tầm nhìn Tokyo 2020”.
______
Tham khảo:
(1) https://tokyo2020.org/en/news/notice/20190515-02.html