20-5-2019
Việt Nam hơn 2 năm qua có rất nhiều đại án, trung án, tiểu án liên quan tham nhũng và thất thoát ngân sách lẫn các sai phạm khác. Có thể coi đây là một cuộc “thanh lọc” trong hàng ngũ đảng chưa?
Bởi lần xuất hiện gần nhất sau đợt vắng mặt vì lý do sức khỏe, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra ba câu hỏi và hai mốc thời gian.
– Ba câu hỏi gồm:
1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?
2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
3. Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?
-Hai mốc thời gian được đưa ra trong hai câu hỏi khác:
“Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?”.
Cần logic từ điểm đầu tiên: Điều 4 Hiến pháp. Nghĩa là sự xác tín đảng lãnh đạo toàn diện và trên thực tế, các chức vụ quan trọng của Quốc hội, Nhà nước đều là đảng viên. Nhưng đảng phải “phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân” và phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
2030 là tròn trăm năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. 2045 là tròn trăm năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Tiền thân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Những ví dụ về cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, đánh tư sản, đóng cửa đất nước trước “đổi mới”, đặt mục tiêu và hứa công nghiệp hóa- hiện đại hóa đến 2020 thất bại,.v.v… có giúp bạn nhận ra điều gì không?
Tôi thì nhận ra sự bức thiết phải cải cách thể chế để phòng chứ không thể mãi chống các sai phạm từ đảng viên theo kiểu “thả gà ra đuổi”. Nhìn từ nguyên nhân đại án PMU18 đến sự nở rộ các đại án “đốt lò” hiện nay đều cùng một nguyên nhân: thể chế bất cập.
Và trong góc nhìn cá nhân mình, thiển nghĩ cần thiết phải có một cuộc “detox” đảng cầm quyền.
Có một vấn đề quan sát bấy lâu và rút ra: cứ phải kiểm điểm, cắt hết chức vụ đảng rồi mới khởi tố đối với cán bộ sai phạm. Theo tôi nó không cần thiết bởi trước pháp luật, cần làm nhanh và dứt khoát khâu khởi tố đối với án tham nhũng, rồi cho ra đảng khi đảng viên sai phạm đang… trong tù, cũng chẳng muộn.
Cũng xin nhắc rằng trong quá trình chờ “cắt đảng”, tội phạm tham nhũng có thể tẩu tán bớt tài sản hoặc phi tang bớt chứng cứ. Nói là “bớt” bởi khi có thông báo thanh tra thì cơ bản xác định là cán bộ sai phạm khó tẩu thoát rồi. Hoặc kể cả tưởng đã thoát, như Trịnh Xuân Thanh.
Vẫn là trong nhận định cá nhân, điều cần thiết nhất phải làm: đảng cầm quyền cần “nhất thể hóa” với hệ thống hành chính. Vì có một thứ trách nhiệm rất mơ hồ mang tên “tập thể thường vụ”. Cuối cùng chỉ là kiểm điểm sâu sắc trong nội bộ?
Có nhiều người cho rằng việc nhất thể hóa Tổng bí thư (chức vụ cao nhất của Đảng) vào vị trí Chủ tịch nước (chức vụ cao nhất của Nhà nước) là hình thức tập quyền. Điều này đúng, song nó cũng chính danh tạo ra hành lang giám sát của người dân đối với “Chính phủ đảng viên”.
Xin nhớ cho, vị Chủ tịch nước là Đảng viên đầu tiên của chế độ hiện hữu đã tuyên bố: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa.”
Chứ không phải duy ý chí kiểu “Bộ Chính trị đã quyết, phải bàn cho ra luật…”! Hay siêu ý chí kiểu tạo ra những hành lang pháp lý bất chấp sự phản đối của nhân dân và thậm chí đòi “xử lý” nhân dân khi dân bức xúc và kêu lên.
Lấy 1 ví dụ đơn giản, nhất thể hóa Chủ tịch nước với Tổng Bí thư là giảm được 25% vị trí ăn lương “tam trụ”. Làm được điều đó từ đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì giảm được những cơ quan đảng có chức năng tương tự nhà nước. Ví dụ đã có Thanh tra Chính phủ, Bộ tài chính (toàn là đảng viên) thì nhất thể hóa sẽ bớt đi từ hạ tầng nhà đất đến thượng tầng quyền lực của Ban Nội chính, Ban kinh tế trung ương. Ngay cả Quốc hội cũng vậy, giảm “Đại biểu kiêm nhiệm” để tăng tiếng nói và giám sát của nhân dân.
Thêm một ví dụ nhỏ xíu mang tính cá nhân. Tôi buộc phải hỏi câu hỏi đầu tiên và nội dung giống nhau với vài Tổng biên tập khi được mời về một vị trí nào đó: “Tôi được quyền viết chính kiến của mình trên Facebook không?” Điều này chẳng chút buồn cười bởi quá trình đưa sự thật sai phạm về “con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà dì Tám” mà hễ có yếu tố cán bộ to, đảng viên bự là có những cuộc gọi, lời nhắn can thiệp từ ý nhị đến thô bạo các bài báo mà không có văn bản hành chính nào.
Nhìn rộng hơn, chẳng phải vì yêu đảng, yêu chế độ mà góp ý về “detox đảng”. Đơn giản vì nhu cầu tự thân và nhu cầu xã hội trùng nhau nhiều thứ.
Nên phó thường dân Nam bộ kiêm cử tri của đất nước như tôi thẳng thắn trả lời ba câu hỏi của Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư ở phía trên rằng:
1. Nên xóa bỏ tính độc quyền thành phần kinh tế nhà nước!
2. Đổi mới chính trị chắc chắn phải là đổi mới chế độ chính trị! Cụ thể là đổi mới thể chế.
3. Rất cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam để đừng ai ngụy biện “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo” (bao gồm lo tồn tại những bất cập về thuế, phí, giá bất hợp lý và cả những dự án lớn, những đạo luật không hợp lòng dân).
2030 và 2045 là những mốc thời gian quan trọng đối với đảng và nhà nước hiện hữu. Vì đối với sự cai trị của các chế độ cầm quyền tại Việt Nam trong lịch sử cũng chỉ trung bình từng ấy thời gian mà thôi…
Quan điểm của tôi là việc nhiệm vụ chỉ đạo chống tham nhũng từ Thanh Tra chính phủ chuyển trọng tâm sang bên Đảng tỏ ra có hiệu quả rõ rệt hơn, có được sự đồng tình của dư luận – tuy nhiên thực tế cứ theo đà hiện nay năm sau kém hơn năm trước (theo bảng cảm nhận tham nhũng quốc tế mới nhất 2018) thì tệ nạn tham nhũng ngày vẫn nặng lên nên nếu TG nói về „thanh lọc“ thì đó là câu chuyện xa vời không thực hiện được theo cách làm hiện nay!
Còn việc như TG nói ở đây: „cứ phải kiểm điểm, cắt hết chức vụ đảng rồi mới khởi tố đối với cán bộ sai phạm.“ thì thực ra nếu đúng Nhà nước làm như vậy thì Nhà nước dù làm theo ai, tổ chức nào (Bộ chính trị, Tổng bí thư …) thì cũng là làm trái tinh thần thượng tôn pháp luật, làm trái với chính những gì mình tự đề ra (Điều 4 Khoản 3 Hiến pháp: „Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“ và dưới đây là 1 số nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự Điều 3. Nguyên tắc xử lý 1. Đối với người phạm tội: a) Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;; b) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội; c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;“
thì thử đối chiếu với xử lý người tham nhũng là đảng viên có còn đúng luật không khi đơn tố cáo bị lờ đi và có đưa ra thì cũng bao năm mới bị dờ đến nếu nhớ các vụ mới đây của Đinh La Thăng … hàng chục năm mới moi ra. Còn chuyện TG nói: nhất thể hóa Chủ tịch nước với Tổng Bí thư là giảm được 25% xin thưa chỉ có Việt Nam Tổng bí thư ăn lương nhà nước, chứ Tổng bí thư các Đảng thế giới họ không nằm trong quỹ lương nên họ chả cần theo cách nhất thể hóa đâu thưa Ông!