Chỉnh đốn giống như… loạn đả!

Blog VOA

Trân Văn

16-5-2019

Tề Trí Dũng (trái) và Bùi Quang Huy. Ảnh: Báo Thanh Niên và Bộ Công An

Hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đang thi nhau dốc ngược cuộc đời của ông Tề Trí Dũng, 38 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận TP.HCM (IPC), vừa bị tống giam với hai cáo buộc: “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, như một cách để chứng minh… “dĩ dzãng dơ dáy dễ dầu gì giấu giếm”!

Cứ như cách trình bày của hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam thì chuyện ông Dũng, mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM đã được tuyển dụng – bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ phận thị trường của Phòng Kinh doanh, kiêm Phó Bí thư Thường trực của Đoàn TNCS HCM tại Công ty Dầu khí TP.HCM là khác thường. Theo hướng đó, khác thường không chỉ là một chuyện mà là một… chuỗi (1).

Rời Công ty Dầu khí TP.HCM, ông Dũng về Tổng Công ty Bến Thành (Benthanh Group) làm Phó phòng rồi làm Trưởng phòng Tài chính – Kế toán và tham gia Đảng ủy của tổng công ty này. Sau khi được chọn tham gia “chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ”, ông Dũng được gửi qua Úc du học. Cầm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh về nước, ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc Benthanh Group. Tháng sau, ông Dũng được điều sang làm Tổng Giám đốc IPC.

IPC là hậu thân của Ban Quản lý Khu Chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1991. Lĩnh vực hoạt động chính của IPC là “nghiên cứu, đầu tư, phát triển và mời gọi hợp tác đầu tư vào kinh doanh cơ sở hạ tầng đặc biệt trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, đô thị”. Cần lưu ý, IPC là doanh nghiệp của UBND TP.HCM, hàng hóa mà IPC sử dụng để kinh doanh là công thổ, công thự, công sản với tất cả các ưu thế mà chính quyền TP.HCM dành cho nó. Vậy mà IPC thua lỗ. Đến giờ, IPC đang nợ nhiều nơi 69 tỉ.

Tuy nhiên đó không phải là lý do chính khiến ông Dũng xộ khám. Ông Dũng bị tống giam vì muốn làm Tề Thiên, sử dụng pháp thuật để chuyển hóa nguồn gốc tài sản…

IPC thành lập một công ty con theo hình thức cổ phần, đặt tên là Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Lúc đầu, IPC nắm giữ 78,4% cổ phần của Sadeco. Sau đó IPC bán 5,2 triệu cổ phiếu của mình tại Sadeco cho một công ty bất động sản tên là Exim. Mua xong, Exim bán hết số cổ phiếu đó cho Công ty Nguyễn Kim. Trong thương vụ này, Exim chỉ mua đi bán lại cổ phiếu của Sadeco đã kiếm được khoản lời khoảng 160 tỉ.

Giai đoạn hai, dù không thiếu vốn, lãnh đạo Sadeco – cũng là lãnh đạo IPC – vẫn ra một “nghị quyết” về việc tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và chọn Công ty Nguyễn Kim làm “đối tác chiến lược”. Công ty Nguyễn Kim mua sạch số cổ phiếu do Sadeco phát hành thêm và lời 153 tỉ vì lần này, giá cổ phiếu mua trực tiếp từ Sadeco, rẻ hơn giá cổ phiếu từng mua của Exim khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu. Sau thương vụ này, Sadeco đổi chủ, Công ty Nguyễn Kim thay IPC điều hành Sadeco vì nắm 54% cổ phiếu.

Nắm trong tay nhiều công thự, công thổ, kinh doanh có lãi, về nguyên tắc, IPC phải nộp tiền lãi vào công quỹ. Tuy nhiên ông Dũng ra lệnh giữ lại tiền lãi và trong hai năm từ 2016 đến 2017, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp vay ngân hàng 400 tỉ để nộp cho công quỹ. Ông Dũng giải thích chuyện có tiền, vẫn đi vay để phải trả tới tám tỉ tiền lãi là vì… muốn tạo quan hệ tài chính với ngân hàng!

Từ tháng 10 năm ngoái, trong Kết luận Thanh tra IPC, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của ông Dũng: Chỉ định thầu, vi phạm các qui định về đấu thầu, tùy tiện trả thêm chi phí trong quá trình xây dựng trụ sở. Tùy tiện trong việc cho thuê công thự. Vi phạm nhiều qui định khi thực hiện Khu Dân cư Long Hậu (2). Chỉ trong hai năm, ông Dũng dùng công quỹ đi nước ngoài 106 ngày (3),… nhưng đến nay, vụ “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại IPC mới được khởi tố.

***

Xét cho đến cùng, các sai phạm ở IPC nói chung và của cá nhân ông Dũng nói riêng không mới. Chắc chắn không phải tự nhiên mà ông Dũng thăng tiến thần tốc. Quá trình tuyển dụng – nâng đỡ ông Dũng từ vị trí này lên vị trí khác – điều động ông Dũng từ nơi này sang nơi khác đều diễn ra trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước do UBND và Thành ủy TP.HCM quản lý. Công ty Dầu khí TP.HCM, Benthanh Group, IPC cùng của một chủ.

Thiên hạ vẫn bảo “chủ nào, tớ ấy”. UBND và Thành ủy TP.HCM đâu chỉ có một thuộc cấp như ông Dũng và một doanh nghiệp như IPC.

Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước phát giác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) – một doanh nghiệp khác thuộc UBND TP.HCM, vi phạm hàng loạt qui định về quản lý đất đai, công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới. Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhuận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI hứa hẹn. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (4).

Cũng năm ngoái, Thanh tra TP.HCM kết luận, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch, làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi “tham quan – học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (5).

Giống như Kiểm toán Nhà nước, sau khi thanh tra SAGRI, Thanh tra TP.HCM nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, công thổ, điều hành SAGRI. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất. Cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra TP.HCM cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở TP.HCM xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.

Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, em ruột ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng – đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt tử hình hay chung thân do “tham ô tài sản”… thì tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch TP.HCM, chỉ quyết định “khiển trách” ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.

Quyết định “khiển trách” vừa kể bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng không ăn thua. Mãi tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi “khiển trách”, UBND TP.HCM mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ “khiển trách” lên… “cảnh cáo” (6).

So sai phạm của ông Hùng với ông Dũng, rõ ràng ông Dũng… xui hơn và không chỉ xui hơn… ông Hùng. Năm ngoái, sau khi scandal Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận (một doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM) bán rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 34,2 héc đất ở Nhà Bè, chấp nhận chịu thiệt khoảng 2.000 tỉ đồng, bùng lên, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng này.

Cho dù chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM bị chỉ trích là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền tự do kết ước, tự do kinh doanh nhưng không có cơ quan bảo vệ pháp luật nào lên tiếng. Cũng năm ngoái, khi Thanh tra TP.HCM phát giác Sadeco bán rẻ cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, khi ông Dũng chỉ đạo Sadeco tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua quyết định thu hồi lại số cổ phiếu này từ Công ty Nguyễn Kim, chỉ đạo đó của ông Dũng bị cáo buộc là “xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra…” Ông Dũng bị đình chỉ công tác ngay lập tức (7).

***

Ở một quốc gia luôn ra rả “sống và làm việc theo pháp luật”, tại sao lại có tình trạng “hên – xui”, rạch ròi… “bên trọng – bên khinh” kiểu đó?

Nếu “số phận chính trị”, “sự nghiệp chính trị” của các viên chức không phụ thuộc vào chuyện có thượng tôn pháp luật, có hội đủ cả tư cách lẫn năng lực hay không (?), mà sáng hoặc tối, trở thành hữu công hay có tội, hoàn toàn phụ thuộc vào tương quan giữa thế và lực của các anh từ Hai tới Út, cũng như các thỏa thuận thế thân thì chỉnh đốn có khác gì loạn đả giữa các băng du đãng giành quyền bảo kê?

Chú thích

(1) https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/ong-te-tri-dung-len-nhu-dieu-gap-gio-o-tuoi-22-va-nga-ngua-o-tuoi-38-733434.ldo

(2) https://tuoitre.vn/tai-sao-ong-te-tri-dung-bi-bat-2019051422465966.htm

(3) https://tuoitre.vn/hai-nam-ong-te-tri-dung-di-nuoc-ngoai-106-ngay-de-lam-gi-20190515100250503.htm

(4) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo

(5) https://tuoitre.vn/sai-pham-tai-sagri-ky-luat-canh-cao-ong-le-tan-hung-20181103085740605.htm

(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-le-tan-hung-bi-canh-cao-ve-mat-dang-1042654.html

(7) https://tuoitre.vn/ong-te-tri-dung-ngang-chan-thanh-tra-vu-ban-9-trieu-co-phieu-ra-sao-20190515113839527.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “…Chỉnh đốn có khác gì loạn đả giữa các băng đảng giàng quyền bảo kê?” Đúng là một câu kết luận vô lý và duy ý chí.

Comments are closed.