Phản biện bài báo của Thanh Loan

Nguyễn Đình Cống

10-5-2019

Ngày 4/5/2019 báo Văn Nghệ có đăng bài của Thanh Loan, đầu đề: Niềm tin, lý tưởng- giá trị cốt lõi của người Việt Nam hôm nay. Bài báo liên quan đến vấn đề quan trọng và cấp thiết của xã hội. Nội dung tóm lược như sau:

Mục 1: Niềm tin, lý tưởng – giá trị cốt lõi. Mục này trình bày vài nhận thức chung chung.

Mục 2: Hiện trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin. Trình bày thảm trạng mất niềm tin vào Đảng lãnh đạo và chính quyền, là phai nhạt lý tưởng của cách mạng vô sản. Đó là thực trạng của nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này làm cho Đảng và Chính quyền hết sức lo lắng.

Mục 3: Nguyên nhân phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin: 1- Cơ chế thị trường. 2- Chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi; 3- Tình trạng xâm lăng văn hóa bằng con đường phim ảnh, sách báo và nhất là internet; 4- Tình hình dân số tăng nhanh sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy rất khó giải quyết; 5- Sự thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; 6- Tình trạng quá lâu với triết lý giáo dục học để mà thi, … dẫn đến thiếu thực chất..

Mục 4: Giải pháp xây dựng lý tưởng, niềm tin trong hệ giá trị con người Việt Nam hôm nay. Gồm các ý: 1- Nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; 2- Nhóm giải pháp văn hóa; 3- Nhóm giải pháp giáo dục; 4- Nhóm giải pháp luật pháp, hành chính.

Đọc qua bài báo thấy được sự băn khoăn của Thanh Loan với tình hình đất nước, biết được lòng tốt của tác giả muốn chấn hưng lý tưởng và niềm tin vào Đảng. Tiếc rằng những ý kiến được trình bày, đọc qua thì thấy phần nào có lý, nhưng phân tích kỹ mới thấy nặng tính chất tuyên giáo cộng sản, không có thực chất, chỉ là một vài ý kiến tầm thường, được trang trí bằng màu mè, hoa lá.

Khi chọn tên bài, tác giả đã đúng khi cho rằng “Niềm tin, lý tưởng là giá trị cốt lõi”. Giá trị ấy là chung cho nhân loại trong mọi thời kỳ chứ không phải cho riêng người Việt Nam và vào hôm nay. Đáng bàn là nội dung mục 3 và 4.

Tác giả tuy có tìm tòi, suy nghĩ để nêu ra 6 nguyên nhân, nhưng đã quá hời hợt khi nêu ra các nguyên nhân 1- Kinh tế thị trường, 2- Chủ nghĩa kỹ trị; 3- Xâm lăng văn hóa; 4- Dân số tăng nhanh. Đành rằng về một phương diện nào đó 4 nguyên nhân trên đều có ảnh hưởng đến niềm tin, đến sự xuống cấp đạo đức, nhưng chúng không phải là nguyên nhân cơ bản, cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân 5- Sự thoái hóa biến chất của 1 số người, đó là nguyên nhân gần, dễ thấy, nhưng cũng chưa phải là nguyên nhân cơ bản, Sự thoái hóa biến chất này do một nguyên nhân khác tạo ra, đó là sự độc quyền toàn trị của Đảng. Nguyên nhân 6- Tình trạng giáo dục. Đúng là giáo dục ảnh hưởng đến nhiều thứ, nhưng quy cho giáo dục làm giảm sút niềm tin vào chế độ, làm phai nhạt lý tưởng là vội vàng và hời hợt.

Thế nguyên nhân chính làm cho mất niềm tin, nhạt lý tưởng là gì? Rất có thể Thanh Loan thấy được phần nào, nhưng sợ, không dám viết ra một cách tường minh. Trong phần đầu mục 4 có nêu ra ý: “Thượng bất chính, hạ tất loạn”, nhà dột từ nóc và cán bộ “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Thế cái gì gây ra cảnh Thượng bất chính, nhà dột từ nóc và cán bộ không có đạo đức, hoặc sự thoái hóa biến chất tràn lan? Chính là sự độc quyền toàn trị, là chuyên chính vô sản, là việc Đảng tạo ra hệ thống cai trị gồm 3 cấp (Đảng, Chính quyền, Mặt trận) rất cồng kềnh, kém hiệu quả, là sự dối trá của tuyên truyền và cả hệ thống, là việc Đảng đã cướp quyền của dân, thi hành dân chủ giả hiệu, là việc chính quyền tạo ra nhiều nỗi oan sai khi cướp đất của dân, là sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, là việc nhiều người dân đã thấy rõ những hứa hẹn tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản chỉ là bánh vẽ, lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa chỉ là trò lừa bịp.

Như vậy các nguyên nhân Thanh Loan nêu ra không phản ảnh đúng thực tế, chỉ là một kiểu ngụy biện đánh lộn sòng.

Phần lớn những sự kiện rộng lớn trong xã hội thường do kết hợp từ 2 phía: người dân và chính quyền. Mà Chính quyền đóng vai trò quan trọng và quyết định. Trong sự mất lòng tin và phai nhạt lý tưởng thì rõ ràng chủ yếu là do lãnh đạo và chính quyền gây ra. Thử hỏi, ở các nước dân chủ như Na uy, Thụy Diển, Hà Lan, Đức, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore v.v… cũng kinh tế thị trường, cũng chế độ kỹ trị, cúng có xâm nhập văn hóa, cũng Internet… nhưng dân của họ vẫn vui vẻ, thân thiện. Nếu họ mất lòng tin vào đảng cầm quyền thì sẽ dùng lá phiếu khi bầu cử.

Vì đánh giá không đúng nguyên nhân nên các giải pháp (GP) đưa ra cũng chỉ hời hợt, có tính vuốt đuôi mà thôi.

Trong nhóm GP 1- Về lãnh đạo, chỉ đạo, Thanh Loan đưa ra tiên đề: “Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng”. Đó là sự gán ghép theo tuyên truyền hoặc là sự ngộ nhận do ngu tín, ngu trung tạo ra. Nếu đã rất thiết tha, yêu và vì Đảng thì tại sao lại mất niềm tin. Sự gán ghép này không phản ảnh đúng thực tế. Thế rồi Thanh Loan đưa giải pháp: “Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng:…… “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau…” Phải chăng đây chỉ là tiếng hót của con vẹt.

Trong nhóm GP văn hóa Thanh Loan đề nghị đem phổ biến rộng rãi các tác phẩm Hậu tư huấn, Nhị thập tứ huấn, Gia huấn ca, làm sống lại văn hóa cổ truyền. Phải có những giải pháp quản lý văn hóa một cách chặt chẽ về mặt nhà nước, phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại. Liệu Thanh Loan có bị nhầm không khi đang trình bày GP nâng cao niềm tin và lý tưởng. Thấm nhuần Nhị thấp tứ huấn, Gia huấn ca, chông lai căng… có thể nâng đạo đức làm người, nó dính dáng gì đến niềm tin vào chế độ cộng sản?

Nhóm GP 3 Về giáo dục. Thanh Loan đề nghi: Nhanh chóng hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện nay của thế giới, Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân… Phải có kế hoạch sớm đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy cho học sinh một số bộ môn nghệ thuật dân tộc truyền thống cơ bản (như hát chèo, hát dân ca…). Xin hỏi, làm như đề nghị thì có thể nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng bằng cách nào để nâng cao niềm tin và lý tưởng cộng sản. Không khéo khi hòa nhập với trào lưu thế giới thì thầy trò đều tẩy chay cộng sản.

Nhóm GP 4- Luật pháp, hành chính. Thanh Loan viết: “Việc ra luật là rất cần thiết và việc giải thích, h­ướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật cũng cực kỳ quan trọng. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị. Đúng là tăng cường được luật pháp sẽ có thể làm xã hội ổn định hơn, Nhưng liệu có thể ra luật bắt dân tăng cường niềm tin vào chế độ, bắt dân yêu mến lý tưởng cộng sản.

Đọc xong bài của Thanh Loan tôi thấy nó quá yếu, bị lạc đề nhiều chỗ. Tôi rất không muốn phê phán, nhưng đành viết vài lời phản biện. Nếu Thanh Loan muốn đứng về lề Đảng, tuyên truyền cho Đảng thì trình độ còn quá non kém, trong lúc đó những người ở phía lề dân lại có thể đánh giá Thanh Loan chỉ là một bồi bút hạng thấp.

Niềm tin giữa những con người phụ thuộc vào đạo đức, văn hóa và bị chi phối rất mạnh của thể chế chính trị, của quản lý xã hội. Thế mà VN đang phải chịu thể chế toàn trị của vô sản chuyên chính với công an trị, với sự dối trá của tuyên truyền.

Như vậy để tạo lập lại niềm tin này phải có thay đổi từ thể chế. Tin vào ĐCS và chế độ hiện hành, tin vào lý tưởng XHCN và CSCN là niềm tin sai lầm của những người ngu tín ngu trung. Nó nhanh chóng mất đi là điều tốt cho dân tộc. Phải xóa bỏ niềm tin này để tạo lập một niềm tin khác vào chế độ tự do, dân chủ, tiến bộ.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Nếu ông Hồ Chí Minh không rước cái chủ nghĩa Cộng Sản lạ hoắc lạ hươ vào đất nước Việt Nam có nền văn hóa lúa nước ngàn năm yêu cuộc sống yên ổn thanh bình, rồi bắt dân chúng VN tôn thờ mấy cái mặt lạ hoắc lạ hươ karl Marx, Lenin, rồi bắt trẻ em ca ngợi “ông Lenin ở Nước Nga mà em lại thấy rất là Việt Nam” thì Nước VN có phải biến thành chiến trường cho đạn bom Mỹ Nga Tàu dày xéo làm chết mấy triệu dân ? thật trơ trẻn khi bắt dân đời đòi nhớ ơn bác và đảng.? Các nước Nhật, Singapore, Thái Lan, Malaysia nhờ không có Hồ Chí Minh, không có đảng CS mà dân họ sung sướng, đất nước tự do dân chủ tiến bộ thấy phát thèm.

  2. Bác LQH nói bó Văn Nghệ còn nhiều người đọc?
    Tôi nghi lắm
    Họ in ra, phát không cho các Nhà Văn đấy ạ…

  3. Lê Quốc Hưng
    Báo Văn Nghệ hiện vẫn còn rất đông người đọc . Bác Cống giải độc trong tiếng hót của con vẹt Thanh Loan rất có lý , đầy sức thuyết phục người đọc . Bài ngắn , nội dung xúc tích , lời lẽ cương trực , nhưng không thóa mạ , xúc phạm tác giả . Rất đáng khâm phục và học tập tài viết , sức viết của bác Cống .

  4. Kẻ thù của dân ta chính là Trung Cộng, kẻ đang làm cho môi trường sống thiết yếu nhất là nước và không khí bị ô nhiểm. Tàn nhẩn nhất là chặn dòng nước sông Cửu Long để đồng Bằng Sông Cửu Long, Nguồn thực phẩm nuôi sống dân ta, từ từ biến mất. Bọn Chúng còn sẳn sàng từ Campuchia tiến xuống Saigon để chiếm lấy Phú Quốc. Chuyện Đó không lo, lại lo kinh tế thị trường làm cho dân chúng xa rời đảng. Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan … đều có kinh tế thị trường thì nước họ có suy yếu không?
    Giờ này mà còn nói chuyện như nói với con nít.

  5. Có cần phải Đánh Địa chủ, Có cần phải thắng Điện Biên Phủ, Có cần phải Thắng Mỹ ,giải phóng miền Nam, có cần phải hy sinh 4 triệu mạng người để hôm nay người dân cơ cực, tài nguyên, biển đảo, sông suối ô nhiểm tanh bành đất nước đang rơi tự do vào tay Trung Cộng. Trung Cộng như virus ăn thịt người bắt đầu gặm nhắm từ từ, bắt đầu từ Vân Đồn, tiến xuống Hải Phòng, từ Trường sa Hoàng Sa đánh vào , TỪ Bauxit tây nguyên, Formosa đánh ra biển . . Hậu quả này do đâu mà ra, vậy mà bây giờ còn kẻ muốn dân phải biết ơn Đảng ư? Dầu sao cũng có một điều an ủi là 90 triệu dân (trừ 5 triệu đảng viên) đều không thèm đọc báo Nhân Dân, quân đội nhân Dân và coi cái hội nhà văn là bọn bợ đít đảng một cách hèn hạ. Ông Cống đọc chi tờ Văn NGhệ cho mệt vậy.

  6. Nhân dân mất niềm tin vào đảng là vì – như đảng vẫn huênh hoang – “đảng dẫn dắt dân tộc vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác”…..

    Mẹ kiếp, đường quang đãng, bằng phẳng không đi, đảng lại cứ chọn con đường gập ghềnh, lầy lội đầy ổ gà, ổ voi rồi bắt dân ì ạch vượt khổ, vượt….. khó, và sau đó thì đảng ngoác miệng…. huênh hoang “thiên tài!” , lại còn bắt “nhân dân đời đời nhớ ơn đảng” nữa chứ.

    Đảng “tiên phong” ….chó gì mà cứ như mấy đứa mắc bệnh “Khổ Dâm” vậy hả trời?!

  7. Kham phục!
    Ông Nguyễn Đình Cống tuổi cao mà vẫn chịu khó đọc những bài như Thanh Loan viết. Nhưng cái công phân tích mới tốn thời gian và công sức.
    Lại còn dùng từ “phản biện” để nói lên công việc vô bổ của mình.

    Chỉ cần biết từ đầu: Bài này đăng trên Văn Nghệ (của Hữu Thỉnh) là đủ ớn rồi.

Comments are closed.