Trung Nguyễn
3-5-2019
Quốc tang phiền nhiễu dân
Chiều nay tự dưng đoạn đường tôi vẫn thường đi lại bị kẹt xe. Tôi thầm nhủ, có lẽ là phía trước có tai nạn. Nhìn lên xa xa phía trước có đội tiêu binh của quân đội đang đứng, nên tôi chợt nhớ ra ngay hôm nay 3/5/2019 là ngày quốc tang của ông Lê Đức Anh. Người dân bị kẹt xe xung quanh tôi không giấu được vẻ bực bội, vì bị kẹt xe kéo dài mà công an và bộ đội không cho người dân được băng qua đường hay quay đầu xe.
Còn sáng nay thì bạn bè tôi trên Facebook đã ngóng hình ảnh ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước (gọi tắt là Tổng – Chủ) Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại lễ tang ông Lê Đức Anh mà không thấy. Thế là rất nhiều bạn rủ tôi đi ăn mừng … quốc tang của Lê Đức Anh và rất có thể sắp tới là quốc tang của Tổng – Chủ.
Chưa hết, tối nay cuối tuần tôi tính đi xem bộ phim bom tấn đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim trên thế giới là Avengers. Lên mạng xem lịch chiếu thì mới biết các rạp chiếu phim đóng cửa trong hai ngày quốc tang. Có lẽ tập đoàn điện lực EVN thấy tôi không buồn vì quốc tang nên đã cúp điện nhà tôi, buộc tôi phải buồn thật sự vì không được … xem phim và không có điện ở nhà.
Thế là tôi đành đi ra ngoài kiếm một quán cà phê có điện, có wifi để tìm hiểu về quốc tang tại Việt Nam và trên thế giới như thế nào.
Cứ là “tứ trụ” thì được quốc tang?
Theo Wikipedia, quốc tang là dịp một ngày hay vài ngày, hoặc có thể một tuần tang lễ, được chính phủ của quốc gia chỉ định với những hoạt động tưởng nhớ cá nhân hay tập thể những người đã mất. Các nạn nhân được tưởng nhớ thông thường là cá nhân xuất sắc, có đóng góp lớn cho xã hội hay những người thiệt mạng trong vụ thiên tai lớn.
Còn ở Việt Nam, theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP 17/12/2012, quốc tang đương nhiên được tổ chức cho những người đang là hoặc từng là Tổng bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Bộ Chính trị đảng Cộng sản quyết định có quốc tang hay không với các trường hợp khác.
Tính ra số lượng người từng giữ hoặc đang giữ các chức vụ trong “tứ trụ triều đình” sẽ rất nhiều vì họ chỉ làm tối đa hai nhiệm kỳ rồi đến người khác. Các ông bà “tứ trụ” đó thường sức khỏe kém vì tối ngày phải nhậu để tạo quan hệ nhằm leo cao luồn sâu. Việc các ông bà ấy đột tử ngay trong khi đang nhậm chức là bình thường, thử nhìn Trần Đại Quang và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng. Do đó, thông tin về sức khỏe các ông bà cai trị đất nước là “bí mật nhà nước”, cũng dễ hiểu. Nhưng việc “tứ trụ” đương nhiên được hưởng quy chế quốc tang sẽ gây lãng phí và tốn kém rất lớn cho quốc gia.
Trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy cuối tuần này, các rạp chiếu phim, các sân khấu ca nhạc, các khu vui chơi, giải trí… sẽ bị thiệt hại rất lớn vì không được bán vé. Ai sẽ bù vào phần hụt doanh thu cho họ? Nên nhớ, họ có doanh thu thì nhà nước cũng thu được thuế, trong khi nhu cầu được vui chơi giải trí cuối tuần của người dân là rất lớn.
Điều nực cười là các quán nhậu ở khắp nước vẫn mở cửa tưng bừng đón người dân tới nhậu mừng … quốc tang! Tức là bản thân nhà cầm quyền chỉ nắm được kẻ có tóc là những hãng kinh doanh giải trí lớn, chứ không nắm được kẻ trọc đầu là các quán nhậu khắp nơi.
Ông tổ trưởng tổ dân phố còn bắt gia đình tôi phải treo cờ rủ vì quốc tang. Tôi hỏi ông là ông ra lệnh cho gia đình tôi treo cờ rủ theo luật nào thì ông không trả lời được, chỉ nói ấm ớ là báo có đăng.
Nếu dân buồn vì “lãnh tụ kính yêu” ra đi thì hãy để người dân được tự do thể hiện nỗi buồn đó, đừng nên ép dân phải buồn bằng cách không cho dân nghe nhạc, xem phim, đi chơi mà chỉ được nhậu nhẹt. Đám tang của những người được dân yêu quý và đi tiễn đưa đông thật sự như đám tang cụ Phan Châu Trinh hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đâu có cần mệnh lệnh từ Bộ Chính trị đảng Cộng sản.
Dân có buồn thật không?
Báo VnExpress đưa tin: “Hai bên đường, đông đảo người dân đứng chào, tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng” trong khi không đưa ra được tấm hình nào có người dân đi tiễn đưa ông đại tướng Lê Đức Anh.
Bản thân tôi trong đoàn người kẹt xe vì bị công an chặn đường cho đoàn linh cữu đi qua thì chỉ thấy dân đông là do … kẹt xe chứ không hề có chuyện tiếc thương ông Lê Đức Anh. Và người dân thậm chí còn chửi thề vì bực mình do chậm trễ công việc của họ.
Rõ ràng là báo chí phải đưa tin vịt, rằng đông đảo dân tiếc thương ông đại tướng. Trong khi sự thật không phải như vậy. Và có nghĩa là ý của giới cai trị cộng sản hoàn toàn khác ý dân. Câu khẩu hiệu “ý đảng [cộng sản], lòng dân” chỉ là trò mị dân, không hơn không kém.
Hơn ai hết, có lẽ con trai ông Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thấm thía điều này khi Facebook của ông Hà đăng tin ông Lê Đức Anh mất chỉ nhận được sự sung sướng và cười nhạo của người dân.
Một ông tướng mà ra lệnh cho lính của mình chịu chết chứ không được nổ súng để bảo vệ đảo Gạc Ma trước quân Trung Cộng xâm lược là thứ tướng gì? Dù trách nhiệm chính là Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhưng ông Lê Đức Anh là người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Một ông tướng chỉ huy bộ đội ở chiến trường Campuchia đánh nhau với cộng sản Khmer Đỏ mà cuối cùng thương binh, liệt sĩ ở chiến trường Campuchia không hề được công nhận, không có chế độ. Ông tướng đó không hề đấu tranh cho lính của mình trước sự phân biệt đối xử có hệ thống của chế độ thì đó là thứ tướng gì? Chắc ông Lê Đức Anh chưa bao giờ nói chuyện với lính ở chiến trường Campuchia như tôi, nên ông không hiểu được sự phẫn nộ trong lòng họ đối với ông và đối với chế độ Cộng sản bất nhân, bất nghĩa này.
Nếu ông còn sống mà tôi có dịp gặp ông thì tôi sẽ hỏi ông một câu là ông có biết bao nhiêu bộ đội Việt Nam bị cụt chân vì mìn Khmer Đỏ không, thì tôi nghĩ ông cũng chỉ biết cúi đầu im lặng.
Các “đồng chí” cười sung sướng trong đám tang
Tôi ngắm hình ông Nguyễn Tấn Dũng (tức Ba Dũng, cựu Thủ tướng Chính phủ) và ông Nguyễn Minh Triết (tức Sáu Phong, cựu Chủ tịch nước) cười trong đám tang của ông Lê Đức Anh thì tôi cũng hiểu được tình “đồng chí” (đồng bọn) của người cộng sản trong thời hiện đại này.
Hai ông này cười vì ít nhất hai ông còn đủ sức khỏe để xuất hiện tại đám tang Lê Đức Anh. Trong khi “kẻ đốt lò” Nguyễn Phú Trọng thì không còn đủ sức khỏe để làm điều đó. “Cái lò” của ông Trọng đã phả hơi nóng tới bà Nguyễn Thanh Phượng, đứng đầu tập đoàn tài chính Bản Việt, là con ông Ba Dũng, có liên quan trong vụ án Mobifone mua AVG.
Theo một nguồn tin mà tôi nhận được, Nguyễn Phú Trọng đã bị đầu độc nhưng các bác sĩ ở Chợ Rẫy và 108 chưa xác định được chất độc là gì. Hôm nay là ngày mà theo truyền thông nhà nước, ông Trọng phải xuất hiện vì là trưởng ban lễ tang ông Lê Đức Anh. Tin tức mà tôi nhận được có lẽ là chính xác và rất có thể quốc tang tiếp theo sẽ dành cho ông Trọng.
Việc truyền thông cộng sản phải nói đi nói lại về ông Trọng làm trưởng ban tang lễ, cũng cho thấy sự trí trá của hệ thống tuyên giáo cộng sản.
Theo dõi chính trường Việt Nam thời gian gần đây, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng là hai nhân vật khóc cười vì nhau nhiều nhất. Lúc Dũng thắng vì Trọng không kỷ luật được Dũng, lúc Trọng thắng vì hất được Dũng về hưu, nhưng bây giờ Dũng lại là người cười vì Trọng không gượng dậy nổi nữa. Đúng là chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Người thua luôn là nhân dân
Chỉ có điều, trong đám cầm quyền, ai khóc, ai cười thì “bên thua cuộc” luôn là nhân dân. Thật vậy, giá xăng và giá điện tăng phi mã đã làm vơi đáng kể túi tiền của hàng chục triệu người dân Việt Nam, đẩy rất nhiều người dân vào cảnh khốn khó.
Và người dân Việt Nam chỉ còn biết nhìn sang Venezuela, có thủ lãnh đối lập Guaido, đang tìm cách đánh đổ gã độc tài xã hội chủ nghĩa Maduro, để mà khao khát tự do, để mà chờ mong đất nước có dân chủ.