Cảm nghĩ nhân ngày 30-4

Đoàn Phú Hòa

1-5-2019

Hè 1985 tôi quay trở lại Tiệp Khắc (giờ là Czech Republic và Slovakia) lần thứ hai để đoàn tụ gia đình với người vợ Séc chưa cưới cùng con gái 2,5 tuổi của mình sau đúng 2 năm chờ đợi (24.7.1983 – 24.7.1985). Ra sống ở nước ngoài, cho dù cùng là nước trong phe XHCN ở Miền Bắc thời đó là điều gần như không tưởng, nhất là một thằng đã từng là sĩ quan quân đội như tôi.

Trước đó thì chưa một ai được phép như vậy và sau này tôi được biết rằng mình là thằng cựu sĩ quan duy nhất được xuất cảnh. Được phép ra đi là nhờ vào tác động rất mạnh của phía bên Tiệp Khắc vì gia đình vợ tôi mà đặc biệt là ông bố vợ liên tục gửi kiến nghị tới Quốc Hội cùng Bộ Ngoại giao Tiệp Khắc yêu cầu can thiệp.

Lần này tôi mới thật sự sống với xã hội của người dân Tiệp Khắc để dần dần tìm hiểu cuộc sống của họ. Người giúp đỡ tôi trong những bước đi ban đầu, tìm việc làm ổn định đến chỉ dẫn các phong tục, tập quán, giúp tôi làm quen với bạn bè xung quanh chính là bố vợ tôi. Quan hệ giữa hai chúng tôi không chỉ là quan hệ bố con mà nhiều lúc tôi có cảm tưởng như quan hệ bạn bè, nhất là trong những lần đi chơi hoặc đi tu sửa chata (nhà nghỉ của gia đình trong rừng theo cách nói của người Tiệp).

Thời đó báo chí và truyền thông của Tiệp Khắc nói riêng và của Đông Âu nói chung, rất ít thông tin về Việt Nam, nên cụ thường hỏi tôi về những vấn đề xung quanh cuộc chiến tranh Nam Bắc. Cụ cho biết, các nước Đông Âu không ủng hộ cuộc chiến tranh này mà mong muốn Việt Nam giải quyết vấn đề của mình bằng con đường hòa bình.

Tôi có hỏi cụ nếu không ủng hộ thì tại sao các nước Đông Âu lại viện trợ vũ khí cho chính quyền Hà Nội. Cụ cho biết rằng những việc này đều nằm trong sự chỉ đạo của Liên Xô và vũ khí được đưa từ các nước XHCN, nhất là từ Liên Xô đâu phải là hàng viện trợ không hoàn lại. Tất cả đều phải được thanh toán bằng tiền. Khí tài quân sự không bao giờ là mặt hàng cho không. Đồng thời chiến tranh là mong ước của tất cả các công ty sản xuất vũ khí trên thế giới để có thể thử nghiệm và quảng cáo sản phẩm của mình nhằm mục đích bán được sản phẩm cho dù công ty đó là của cộng sản hay tư bản.

Cụ nhận xét quá đúng. Cụ biết rất nhiều và tôi tin những lời cụ nói vì hồi đó, ngoài chức vụ giám đốc bệnh viện tỉnh thì cụ còn là bí thư thành ủy của đảng cộng sản Tiệp Khắc. Một đảng viên nhưng tốt và rất công minh mà tôi đã có một bài viết riêng về cụ trên facebook của mình hôm 10.4.2013. Cụ được bầu làm bí thư thành ủy do có uy tín lớn với người dân địa phương.

Thỉnh thoảng nhà cụ lại có bạn bè đến chơi và trong đó có cả những người bạn từ Đông Đức. Trong những lần ngồi nói chuyện, tôi có nhờ cụ hỏi họ nghĩ gì về tình hình Đông Đức – Tây Đức và nếu họ cũng muốn được nối liền hai Miền như Việt Nam.

Tất cả những ai được hỏi đều có cùng câu trả lời giống nhau là họ không quan tâm đến vấn đề thống nhất hai nước và phản đối việc “thống nhất đất nước” bằng bạo lực như ở Việt Nam. Điều mà họ quan tâm là làm sao để Đông Đức có nền kinh tế phát triển như Tây Đức và người dân Đông Đức có được mức sống cao như mức sống của người dân Tây Đức. Họ còn cho biết rằng chỉ có nhà cầm quyền Đông Đức ngăn cản người dân của mình qua Tây Đức, dù chỉ là du lịch chứ bên Tây Đức hoàn toàn không có việc ngăn cản như vậy.

Sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc, đất nước bị tàn phá nặng nề thì chẳng có người dân Đức nào còn mong muốn chiến tranh. Họ muốn và đã dành tất cả thời gian để khôi phục lại quê hương của mình và chỉ sau một thời gian ngắn thì Đông Đức đã trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước Đông Âu.

Bố vợ tôi cũng cho biết rằng ngay thời kỳ đầu, lãnh đạo các nước Đông Âu, cũng từng góp ý với nhà cầm quyền Hà Nội nên tập trung xây dựng đất nước mình, nhưng đã bị Hà Nội phản đối.

Giá nhà cầm quyền Hà Nội biết nghe ý dân và nghe lời đóng góp của các nước khác trong phe XHCN ở Đông Âu, tập trung vào xây dựng nền kinh tế Việt Nam mà thời kỳ đó chủ yếu là nông nghiệp để dân giàu nước mạnh, hai Miền Nam – Bắc, hay đúng hơn là hai đất nước cùng phát triển thì giờ đây đâu có tan hoang như thế này???

Thế mới biết, chỉ vì lòng tham cùng với việc vài kẻ bị lũ giặc Bắc Kinh giật dây, mà đất nước Việt Nam giờ đây đang đứng trên bờ vực thẳm và từ huynh đệ, đồng bào trở thành kẻ thù.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Miền Bắc phải đánh miền Nam. Tác giả đừng hoang tưởng mà so sánh
    Thi đua hòa bình miền Bắc sẽ thua liểng xiểng.
    Kinh tế tập thể, nhà nước chủ đạo thì nuôi dân không nổi…
    Chế độ chính trị thì độc đoán, y như chế độ vua quan ngày xưa

    • Ậy, miền Bắc có Dân Chủ Cộng Hòa, có Bác Hồ là người bác cho là ai chấp nhận mới là “hồng phúc” của dân tộc, có cả đám trí thức Việt Cộng như ô Tô Văn Trường đáng kính của bác, loại người miền Nam cho là “Fook’em, fook’em all!”. Ngay bác cũng phủ nhận chế độ iu việt miền Bắc à! Dân tộc này vô phúc mới có những người như Van Do ni .

  2. Lạc đạn 1 tẹo

    Trang viet-studies của bác Trần Hữu Dũng có link “Có hoà hợp dân tộc mới có quốc thái dân an!”, nhưng cũng ngay trang này trên báo giáo dục xã hội chủ nghĩa cũng đăng 1 bài về bản chất của “hòa hợp dân tộc”; “Xuyên tạc lịch sử, chống hòa hợp-hòa giải (tớ thêm, kiểu “không (được) xuyên tạc lịch sử”) là phá hoại tương lai dân tộc”

    Link bài đó mà hổng link bài kia, giới học thuật bên ni nó gọi là “omission of data” đấy ạ .

  3. Tác giả viết: “Thế mới biết, chỉ vì lòng tham cùng với việc vài kẻ bị lũ giặc Bắc Kinh giật dây, mà đất nước Việt Nam giờ đây đang đứng trên bờ vực thẳm và từ huynh đệ, đồng bào trở thành kẻ thù.”

    Đúng một phần. Người Việt đâu có suy nghĩ kiểu người Đức được! Trò “thống nhất thiên hạ” du nhập từ Bắc Triều đã thành truyền thống lịch sử của người Việt. Khi đất nước phân tranh, người Việt chỉ nghĩ đến chuyện miền này phải triệt hạ miền kia.

    Để học người Đức, người Việt phải tập xét lại những gì mình tưởng là “thiêng liêng” — như sự thống nhất đất nước với cái giá quá đắt đỏ. Các chiêu bài “thiêng liêng” dễ dụ hoặc người Việt lao vào chém giết nhau, trong khi những cân nhắc về kinh tế, xã hội và nhân văn đòi hỏi trình độ của tầng lớp ưu tú. Giới lãnh đạo chính trị cũng buộc phải từ bỏ những khẩu hiệu dễ kích động lòng người để đối diện với các bài toán của thực tế. Xem ra đã không ai chịu đi theo hướng đó. Và đó là tính cách của người Việt từ nhiều thế kỷ qua, không cần phải bị ai giật dây.

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây