30-4-2019
Ngày 30-4- 1975 đánh dấu việc kết thúc cuộc chiến Nam- Bắc huynh đệ tương tàn, nhưng cũng là ngày mở đầu cuộc di cư đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cũng từ ngày 30-4-1975, thế giới có thêm một từ vựng cay đắng: Boat People – thuyền nhân.
Theo nhiều tổ chức, từ năm 1976 đến năm 1990 đã có khoảng từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu người Việt Nam vượt biên để tìm đến những bến bờ tự do. Trong số đó, có từ 300.000 đến 500.000 người đã bỏ mình trên biển cả. Liên Hiệp quốc xác nhận rằng, đó là cuộc di cư đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tại Manila- Philippiness vào tháng 11-2014, tôi đã gặp một thuyền nhân đặc biệt, đó là ông Phong – người đang cầm chiếc bánh bao. Người đàn ông này đã được tôi đề cập đến trong phóng sự “Những tao ngộ ở Manila” đăng trên Việt Nam Thời Báo vào cuối năm 2014.
“Ông Dany đưa tôi đến gặp một người Việt Nam “rất đặc biệt” ở Manila, theo như lời ông Dany. Luồn lách qua những hẻm hóc chỉ vừa đủ chỗ cho hai ô tô du lịch tránh nhau, ông Dany đưa tôi đến một bệnh viện do người công giáo Manila thành lập để chữa trị có thu phí cho những người bệnh tâm thần. Sau khi đăng ký gặp gỡ thăm thân nhân, ông Dany dắt tay một người đàn ông khoảng chừng 65-70 tuổi, vóc dáng cao, hơi ốm, nước da trắng xanh, vẻ mặt hiền khô và đôi mắt vô hồn ra ngồi đối diện với tôi. ‘Anh có thể nói chuyện với ông Huỳnh Phong đây bằng tiếng Việt. Ông Phong vẫn nhớ được đôi điều, và muốn quên rất nhiều điều’, ông Dany nói với tôi.
– Thưa ông, ông tên là gì ạ?
– Mình tên là Huỳnh Phong
– Ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
– Mình năm nay 34 tuổi rồi.
– Ông vượt biên năm nào, năm ông bao nhiêu tuổi?
– Mình vượt biên năm mình 34 tuổi.
– Hồi ở Việt Nam ông đã có vợ con chưa?
– ………
– Nhà ông ở Việt Nam ở tỉnh thành nào?
– Chợ Mới.
– Con tàu chở ông đi vượt biên có bao nhiêu người tất cả?
– ………
– Con tàu chở ông đi vượt biên đi mất bao nhiêu ngày?
-…….
– Gia đình ông có ai đi vượt biên cùng ông không?
– ……
– Ông có muốn đến Hoa Kỳ hoặc Canada không?
– ……….
– Ông có muốn trở về Việt Nam không?
– ………
Tôi chia tay ông Huỳnh Phong trong nỗi buồn trĩu nặng. Qua ông Dany, qua một số người Việt đang sinh sống ở Manila, tôi biết chắc chắn một điều rằng, ông Huỳnh Phong là một sự trớ trêu điển hình của lịch sử thuyền nhân Việt.
Cư dân trên đảo Palawan, cộng đồng người Việt Nam tị nạn trên đảo Palawan không ai không biết ông Huỳnh Phong. Vì sao? Vì vừa mới cập đảo Palawan, ông Huỳnh Phong ngay lập tức trở thành một người điên. Ông xé hết áo quần, đi lang thang và chỉ ăn lá cây thay bữa. Ông chối từ quần áo, chăm sóc y tế và thức ăn. Chỉ có những người vượt biển trên chuyến tàu định mệnh ấy hiểu vì sao ông Huỳnh Phong bị điên.
Tôi đã suy nghĩ mãi một điều: có nên kể ra câu chuyện dẫn đến bệnh điên của ông Huỳnh Phong? Sau bao dằn vặt, tôi quyết định kể ra câu chuyện này vì nhận thức rằng: sự thật và lịch sử cần được tôn trọng.
Cách đây hàng chục năm, chuyến tàu vượt biên của ông Huỳnh Phong đã mất phương hướng, máy tàu bị hư hỏng, tàu bị trôi dạt vô định và hết sạch thức ăn nước uống. Nhiều người đã chết, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già. Và dĩ nhiên họ trở thành những miếng mồi của lũ cá ở đại dương.
Khi không thể chịu đựng đói khát được nữa, người thuyền trưởng đã phải đưa ra một quyết định đau đớn: để tồn tại, để đến được bến bờ, tất cả các thành viên còn sống sót trên tàu phải uống máu và ăn thịt người có nguy cơ chết cao nhất.
Và phương thức lựa chọn người chết là bốc số. Em trai của ông Huỳnh Phong là một trong số được chọn. Ông Phong đã phải uống máu và ăn thịt chính người em ruột mà ông yêu quí nhất. Và ông đã điên, đã quên đi gần như tất cả quá khứ”.
Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt