Trân Văn
30-4-2019
Nếu có dịp vào bất kỳ căn cứ nào của quân đội Mỹ, bất kể chúng tọa lạc ở đâu, trên nước Mỹ hay đất khách quê người, bạn cũng sẽ thấy một hoặc hàng loạt tấm bảng như trong ảnh. Những tấm bảng đó luôn giống hệt nhau về kích thước, màu sắc, kèm các hàng chữ: Reserved for Surviving Families. Please respect this spot and their sacrifice. Honor our Families of the Fallen (Dành riêng cho gia đình tử sĩ. Xin chừa khoảng trống này như sự tôn trọng hy sinh của họ. Vinh danh gia đình các tử sĩ của chúng ta) và vị trí mà người ta cắm chúng luôn là những chỗ tiện lợi nhất để đậu xe.
Trong các căn cứ của quân đội Mỹ có rất nhiều nơi thiếu chỗ đậu xe, chỉ có vài khoảng trống để đậu một, hai chiếc xe và chắc chắn những khoảng trống đó sẽ chỉ dành riêng cho xe của thành viên các gia đình tử sĩ, người tàn tật. Ưu tiên cho sĩ quan cao cấp, kể cả những người trên vai có vài ngôi sao, bao gồm cả tư lệnh, luôn được đặt bên dưới hai đối tượng vừa kể, cho nên nếu cần ra vào những nơi mà chỗ đậu xe ngặt nghèo như vậy, các ông tướng cũng đành phải lái xe lòng vòng, tìm chỗ trống khác để đậu xe của mình rồi cuốc bộ. Không có ngoại lệ và hình như cũng chẳng có ai muốn tạo ra ngoại lệ.
Do gia đình tử sĩ không có nhiều việc để ra vào các căn cứ quân đội của Mỹ nên những chỗ đậu xe được dành riêng cho họ thường để trống. Ngay cả những cá nhân ngổ ngáo nhất trong quân đội cũng không bao giờ cho xe của họ đậu ở những khoảng trống ấy. Người ta không sợ bị phạt mà vì đó là một trong những thứ tự nhiên được kính trọng. Người Mỹ gọi những gia đình tử sĩ là Gold Star Families. Gold Star Families có vị trí đặc biệt vì mất mát của họ, sự hy sinh của họ giữ cho nước Mỹ luôn luôn là nước Mỹ. Tất cả các thế hệ người Mỹ luôn nhắc nhau: Freedom is not free (Tự do không phải là miễn phí) và họ tôn trọng Gold Star Families vì đây là đối tượng trả giá đắt nhất…
Thỉnh thoảng, vào một số dịp, người ta có thể nghe các thành viên của Gold Star Families tâm sự về những hụt hẫng do mất mát thân nhân nhưng có cố gắng đến mấy, bạn cũng sẽ không bao giờ tìm thấy bất kỳ thành viên nào của Gold Star Families cho rằng, thân nhân của họ đã hi sinh vô ích, thậm chí vô lý!
***
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang rầm rộ kỷ niệm “44 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” (30/4/1975 – 30/4/2019). Dịp kỷ niệm sự kiện vốn vẫn được xem là bằng chứng rõ ràng nhất về khả năng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN, giờ chỉ khiến các viên chức hữu trách thêm lo âu, căng thẳng.
Không phải tự nhiên, khi gặp những ông tướng đã nghỉ hưu, nhân dịp kỷ niệm “44 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tiết lộ: TP.HCM đã hứa với Bộ Chính trị, chính phủ là không để xảy ra biểu tình và sẽ có những biện pháp chống biểu tình. Theo tờ Thanh Niên, ông Nhân khoe thêm, từ giữa năm ngoái đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM đã tổ chức giám sát chặt chẽ 600 người có khả năng dẫn dắt biểu tình, nhờ vậy, không có biểu tình ở thành phố này nữa.
Thật khôi hài khi một hệ thống luôn khẳng định “của dân, do dân, vì dân”, luôn được dân “tin yêu, tín nhiệm”, “đồng lòng đi theo” nhưng lại đinh ninh rằng, chỉ cần 600 người ở TP.HCM là có thể bứt hàng triệu người ở TP.HCM ra khỏi vòng tay của đảng, cho nên đảng phải chủ động chuẩn bị các “phương án ứng phó”, kể cả yêu cầu công an, quân đội phối hợp chặt chẽ xây dựng kế hoạch cùng chống biểu tình ở TP.HCM, “không để ảnh hưởng đến… cả nước”. Tại sao hệ thống vốn hết sức tự hào vì đã “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” lại sợ thời điểm cuối tháng 4 đến vậy?
Cho dù tờ Thanh Niên đã “tự ý đục bỏ” bài tường thuật có nội dung vừa kể nhưng tâm sự của ông Nhân vẫn được giới thiệu tràn lan (1), bình luận rôm rả trên mạng xã hội. Nhiều người thắc mắc: Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước làm gì để rồi sau 44 năm, biểu tình, một quyền vốn căn bản, thậm chí được hiến định hẳn hoi, vẫn không có chỗ?
Đã tròn 44 năm nhưng con số để kỷ niệm càng lớn, đảng càng thêm vất vả trong việc chống đỡ dư luận cả về mục tiêu lẫn ý nghĩa của công cuộc “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước”. Tình thế buộc những cơ quan truyền thông như Quân đội nhân dân phải chạy những bài như “Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai” (2), kêu gọi công chúng “phải luôn khẳng định, tự hào về thắng lợi của một cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ, vĩ đại vì nền hòa bình, độc lập, tự do của tổ quốc”, đồng thời “phải có tiếng nói đúng với lương tâm và lẽ phải”.
Trong “Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai”, tờ Quân đội nhân dân chỉ trích: “Sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn… không chỉ là hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất mà còn là sự phá hoại tương lai của dân tộc”.
Có “sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn” nào lớn hơn thực trạng u ám, bế tắc của Việt Nam hiện nay: Chủ quyền lãnh thổ bị xâm hại, luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc vì vô số dấu hiệu cho thấy ma vẫn còn đưa lối, quỷ vẫn còn dẫn dường. Tham nhũng, lạm quyền càng ngày càng trầm trọng. Kinh tế suy thoái. Tài nguyên cạn kiệt. Môi sinh, môi trường ô nhiễm không có điểm dùng. Phân hóa giàu – nghèo càng ngày càng sâu sắc. Xã hội hỗn loạn với đủ loại vấn nạn?..
Có “hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất, phá hoại tương lai của dân tộc” nào trầm trọng hơn thực trạng ấy? Tại sao càng ngày càng nhiều thân nhân liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng, công khai bày tỏ sự hối tiếc vì trót đóng góp thân nhân, máu xương, công sức để tạo ra sự kiện “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước”?
Nếu những liệt sĩ như con bà Lê Thị Tích (ngụ tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bị người mượn đất trồng cấy mang đất đi bán, khiếu nại thì ính quyền không thèm bận tâm mà vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác, kêu oan thì một chuyên viên trong lực lượng Thanh tra của chính phủ đòi 400 triệu, vay mượn – chung đủ 400 triệu nhưng cuối cùng, vẫn bị Tòa án buộc dỡ nhà, giao đất) có thể lên tiếng, họ sẽ xác định đối tượng nào “hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất, phá hoại tương lai của dân tộc” (3)?
Bà Lê Thị Tích chỉ là trường hợp mới nhất và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đang công kích những người đòi xem xét lại mục tiêu, ý nghĩa của sự kiện “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” không hề hứa xem lại toàn bộ sự việc. Chuyện bà Tích chỉ ngừng ở chỗ buộc gã đã nhận 400 triệu trả lại tiền, buộc thôi việc.
***
Một trong những khía cạnh để có thể nhận chân mục đích, ý nghĩa của “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” là nghe xem các thân nhân liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng nói gì, sống ra sao và được đối xử thế nào. Cứ nhìn thực trạng Việt Nam hiện nay, chắc chắn sẽ rất dễ dàng để nhận ra, những kẻ nào thật sự “dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn” và “hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất, phá hoại tương lai của dân tộc”!
Chú thích
(2) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/xuyen-tac-lich-su-chinh-la-pha-hoai-tuong-lai-572280