Tâm Chánh
26-4-2019
Định trao đổi riêng với bạn nhưng nghĩ đây là một vấn đề thiết yếu, tác động trực tiếp tới cảm xúc và nhận thức của nhiều tầng lớp dân chúng, nên xin nêu luôn trên đây.
Câu chuyện giá điện tăng thực sự đã là một bức xúc lớn của dân chúng, ngay vào lúc cái nóng gay gắt trải dài khắp cả nước.
Chưa bàn đến mức cao thấp của giá điện, người dân dễ dàng cảm nhận cái hoá đơn tiền điện lại là mọt cú đánh úp của nhà đèn vào cái túi thủng lỗ chỗ của mình.
Người dân thấy mình bị lừa khi nhà nước tuyên bố mức tăng giá điện chỉ vài phần trăm nhưng tờ hoá đơn trực quan người ta thấy mức tăng gấp rưỡi, gấp đôi số tiền trước đó người ta phải trả.
Biểu giá điện luỹ kế đã là một biểu đạt phức tạp, giờ cộng thêm cách thông tin không rõ ràng làm cho cái phần tăng thêm trong hoá đơn còn mang trong nó nỗi uất ức người tiêu dùng bị lừa gạt. Càng uất ức hơn khi Đỗ Thắng Hải một nha lại phát ngôn vô trách nhiệm.
So với những tuyên bố chính thức để xem nhà đèn và nhà nước có lừa gạt nhân dân không là một câu hỏi nghiêm túc chưa được nhà báo trả lời.
Mở ngoặc để nói về một đặc điểm thị trường hoá ngành điện.
Đó là một lộ trình không thực sự minh bạch. Ở đó không có cơ chế để cộng đồng tiêu thụ điện có thể tác động có hiệu quả, trong khi đó EVN tuy có cải tiến về dịch vụ nhưng lại quen thói quan liêu độc quyền bất chấp người tiêu dùng trong xây dựng chính sách. Các lần chuyển đổi, từ cơ chế phân phối, bán lẻ, cho đến giá cả, chóp bu của ngành điện hầu như chưa chú ý đến tâm lý người tiêu dùng.
EVN thay vì đốt nóng đồng loạt nỗi bực dọc trên phạm vi cả nước thì có thể phải cân nhắc một tiến độ mềm dẻo ít lan toả bức xúc hơn, chẳng hạn.
Đó là chưa kể thật thà và chân thành với dân hơn, nhà đèn phải gửi đến từng người dùng của mình cách tính biểu giá mới thông tin và hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo.
EVN có lẽ quen thói được bảo trợ từ ông Lê Nin về điện khí hoá, và được toa rập của Bộ Công thương, nên vẫn là kẻ được quyền loại bỏ sự thương lượng với người tiêu dùng, kiểu xài hay không, không thì biến của lối chợ búa chợ trời.
Còn đi vào tính thuyết phục của cái gọi là giá thị trường của sản phẩm điện nhà báo có lẽ còn phải lặn hụp thật sâu trên từng góc tiếp cận, rồi xác định điểm cân bằng có thể để chọn cho mình chỗ đứng.
Chưa làm tốt điều đó thì chẳng có được đóng góp chính sách nào mà chỉ là cái máy phát của bên này hay bên kia mà thôi.
Tôi thấy sự cao giọng của một số người phán chính sách giá điện hiện nay là lối điều hành dân tuý.
Ai nói thì cứ mặc nhưng nhà báo thì phải biết điện vừa là sản phẩm đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa là một thứ ánh sáng văn minh ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, trong một chế độ xã hội rơi rụng dần đến gần như chẳng còn thứ gì ưu việt.
Đó có phải là sự cho không của đảng, chính phủ hay EVN cho dân không?
Cái gọi là đổi mới thực ra được nhân dân trả phí đến mấy lần. Một lần thị trường đến với kiểu kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Một lần nữa gọi là đổi mới thực ra là về lại số 0. Lần nào chẳng phải người tiêu dùng trả chi phí chuyển đổi mà bao hàm trong đó cả chi phí tham nhũng, thất thoát. Hạch toán nó vào đâu và bao nhiêu phần trong giá điện đây?
Đó là chưa kể người tiêu dùng trong mấy nhiệm kì thị trường hoá ngành điện về lý thuyết đã bị cướp sạch toàn bộ thu nhập tiết kiệm vì lạm phát. Mới thư thả một hai năm thì đã lại chóng mặt với đủ thứ thị trường hoá giá điện, giá xăng dầu, giá học phí, giá cầu đường… mà giá nào cũng bị cho là thấp hơn giá quốc tế.
Đó là chưa kể các cân đối lớn trong sản phẩm điện năng đã được xác lập và thực hiện như thế nào, từ cơ cấu nguồn điện cho đến chính sách quốc gia về tiết kiệm năng lượng?
Đây là một bài toán phức tạp không dễ dàng suy nghĩ đột phá.
Nó cũng dễ gặp cái sơ sẩy lập luận mà bạn mắc phải khi nêu là phải nâng thu nhập lên khi tăng giá điện vậy.
Mà đó cũng chỉ là cho tính hợp lí của giá điện. Trong khi tính chính đáng mới là nhân tố chính yếu để hình thành nên giá cả của thị trường có đuôi ở nước ta.
Tính chính đáng ấy ở cơ chế đại diện, uỷ quyền minh bạch quyết định và cả ở phương thức cụ thể để người dân giám sát được nhà đèn lẫn nhà nước.
Tôi nghĩ nhà báo phải cố gắng kiên trì tìm kiếm và đưa ra những dữ liệu cho thấy diễn biến của các đại lượng liên quan đến giá chứ không phải chỉ là con số cụ thể của giá cả khi so sánh cao thấp.
Người tiêu dùng cần nhà báo đưa ra các con số phần trăm chi phí điện năng trong thu nhập bình quân và diễn tiến tăng giảm của nó mỗi khi quyết định tăng giá.
Cũng như vậy là các con số giúp người tiêu dùng hiểu các đại lượng về tiết kiệm điện năng, chi phí quản lí… trong cơ cấu giá thành điện được điều hành ra sao.
Nhất là nhà báo phải tìm kiếm mọi cơ hội để nói lên tiếng nói của đa số chủ nhân ông ngành điện là ai và làm sao để quyết định giá phù hợp cũng như giám sát từ đầu tư, quản lí, vận hành cho đến chăm ssc người tiêu dùng của nhà đèn.
Mất điện thì mất tất. Nhất là thể chế này. Đó là thực tế không phải là sự doạ nạt.
Nhưng mất gì thì mất, nhà báo phải còn.