Nguyễn Tuấn Khoa
25-4-2019
Trong các bức tượng về đề tài người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tượng Quyết Thắng là tác phẩm được tạc sau cùng trong sự nghiệp sáng tác của ĐKG Nguyễn Thanh Thu. Với kinh nghiệm từ nhiều tác phẩm trước, ông Thu đã dành hết mọi tinh tế và cảm xúc để tạo nên một pho tượng sống động.
Tượng cao 4m, bằng bê-tông cốt thép mô tả hình ảnh của người lính Thủy Quân Lục Chiến trong tư thế ném lựu đạn. Chân trái co thấp bước tới trước, chân phải thẳng tạo thế đứng vững chắc. Cánh tay và bàn tay trái duỗi thẳng hướng về đích đến, tay phải đưa về phía lưng làm thân người lính vặn về phía sau, thế đứng này giúp cho người lính có thể ném trái lựu đạn đi xa nhất. Khẩu súng đặt vội giữa hai chân, nón sắt rơi xuống, phần áo phía trước phủ ra ngoài quần làm cho người xem cảm nhận được sức nóng của chiến trường lúc đó. Trong khoảnh khắc sống còn, gương mặt người lính trở nên căng thẳng.
Vừa hoàn thành, tượng Quyết Thắng được triển lãm tại công viên Đống Đa trước tòa Đô Chánh vào năm 1969. Cái thần của bức tượng này cùng 7 bức tượng khác về đề tài quân đội của ông Thu tại cuộc triển lãm làm cho người xem cảm nhận không khí chiến tranh lan vào tận đô thành Sài Gòn.
Ông Thu với bức tượng Quyết Thắng đã tạo thêm một tuyệt tác nữa cho nền điêu khắc VNCH đang ở thời cực thịnh.
Bức tượng Thủy Quân Lục Chiến đặt trước Quốc Hội:
Cách nơi triển lãm vài bước chân, người ta thấy một tác phẩm điêu khắc đồ sộ với cùng chủ đề về người lính Thủy Quân Lục Chiến đặt trước Quốc Hội. Tượng do ĐKG Huỳnh Huyền Đỏ tạc năm 1966. Ông Đỏ là thiếu tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, là bạn học với ông Thu tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật.
Ban đầu tượng được duyệt với phác thảo gồm 3 người lính nhưng khi hoàn thiện thì tượng đài chỉ có 2 người lính. Trong thời gian thực hiện ông Đỏ đã rút lui không rõ lý do, công việc dang dở vì vậy được giao cho thiếu úy Đinh Văn Thuộc (không phải là ĐKG) với sự cố vấn của họa sĩ Lê Chánh và Lương Trường Thọ. Trong hoàn cảnh như vậy, tượng khi hoàn thành có nhiều khiếm khuyết mà tác giả của nó chắc không khỏi buồn lòng!
Sóng gió của bức tượng này chưa dừng ở đó. Ngay khi tượng được dựng, các dân biểu Hạ Nghị Viện đã phản đối kịch liệt vì súng của người lính đã hướng thẳng vào tòa nhà Quốc Hội. Họ cương quyết đòi di chuyển tượng sang địa điểm khác. Mặc dù không quan tâm đến hướng súng, TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn muốn thay thế bức này bằng một bức tượng khác oai hùng hơn. Đầu năm 1968, ông đã chỉ thị ĐKG Thu làm gấp một bức tượng.
Số phận bức tượng Quyết Thắng:
Chỉ 3 tháng sau khi có chỉ thị, ông Thu đã gấp rút hoàn thành bức tượng Quyết Thắng với kinh phí tự bỏ 300,000 Đồng. TT Thiệu khi đó muốn thay thế ngay và đưa bức tượng Thủy Quân Lục Chiến về khu vực ngã tư Hàng Xanh. Tuy nhiên không dễ gì thay thế biểu tượng của một binh chủng oai hùng vì ông Thiệu cùng lúc phải đương đầu với thiếu tướng Bùi Thế Lân (tư lệnh TQLC) và đại tướng Cao Văn Viên (Bộ Tổng Tham Mưu). Vì vậy, ông Thiệu đành phải chờ một thời cơ thuận lợi. Bức tượng Thủy Quân Lục Chiến nhờ vậy tồn tại thêm được vài năm cho đến ngày 30/04 rồi bị nhóm thanh niên “cách mạng 30” phá sập.
Cùng số phận với bức tượng Thương Tiếc, chỉ ít lâu sau khi Sài Gòn thất thủ, bức Quyết Thắng đã bị nhóm người hung hãn xông vào nhà đập nát, chỉ chừa lại đầu tượng, hiện vẫn còn ở sân nhà ông Thu.
Từ mấy chục năm nay, ngày mưa cũng như ngày nắng, sáng nào ông Thu, vợ hay các con của ông cũng đều thắp nén nhang tại hai bức tượng trong sân nhà: tượng Thương Tiếc và tượng Quyết Thắng. Tôi thấy ông thành kính khấn vái như đang nói chuyện với người đã khuất.