Vì sao Việt Nam giữ im lặng, không cho nhắc đến Gạc Ma từ năm 1990?

Nguyễn Văn Phước

23-4-2019

KHÔNG HỀ CÓ CHỮ ‘TRƯỚC’ TRONG LỆNH ‘KHÔNG NỔ SÚNG’ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG LÊ ĐỨC ANH KHI TRUNG QUỐC TẤN CÔNG GIẾT HẠI 64 NGƯỜI LÍNH Ở ĐẢO GẠC MA NGÀY 14/3/1988.

Tôi rất ngạc nhiên là trong quá trình suốt mấy năm liền nghiên cứu để làm cuốn sách ’Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’, gặp gỡ nhiều người lính, nhiều người tướng, những người cựu chiến binh có liên quan đến Gạc Ma và hiểu khá rõ về nội tình và những chuyện liên quan đến Lê Đức Anh. Thì tôi ngạc nhiên khi thấy rằng, một số khẳng khái khẳng định rằng, chính Lê Đức Anh lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng vào ngày 14/3/1988 đã từ chối đề nghị khẩn thiết của Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương đưa quân đội ra Trường Sa tiếp ứng khi quân Trung Quốc xả súng bắn chết 64 người lính Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma.

Và rất nhiều người lính hồi đó đã rất bất bình, tức giận khi ngay sau khi Trung Quốc ra tay thảm sát Gạc Ma có vài chục ngày, Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng ra Trường Sa và trong bài phát biểu không một từ nhắc tới 64 Liệt sĩ vừa bị Trung Quốc giết hại dã man, mà chỉ là ca ngợi tình hữu nghị, biết ơn Trung Quốc. Tôi và rất nhiều người đã không thể lý giải được vì sao? Một vị cựu chiến binh lớn tuổi đã khẳng định chắc nịch “Sau trận Gạc Ma đau thương đó ít lâu, trong việc giữ im lặng và không cho bất kỳ ai được nhắc, nói, tưởng niệm về Gạc Ma thì công của Lê Đức Anh là rất lớn!”.

Điều đó lý giải vì sao khi cuốn sách ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ sau 4 năm vất vả được phát hành chính thức lại bị một số tướng lĩnh quân đội ân sủng với Lê Đức Anh tức tối phản đối kịch liệt đòi tiêu huỷ, đòi truy tố những người thực hiện sách là phản quốc, là ‘Bài Trung – Phò Mỹ – Dựng cờ vàng’ nhiều đến như vậy. Vì sao họ phải kịch liệt đòi tiêu huỷ cuốn sách đầu tiên vinh danh 64 Liệt sĩ Gạc Ma? Và lý do của họ là bám vào một lý do duy nhất: Thiếu một chữ ‘Trước’ trong ‘Lệnh không được nổ súng’ – Nhưng thực sự là trong tất cả các tài liệu lưu hành nội bộ lưu trữ lúc bấy giờ và cho đến nay thì không hề có chữ ‘Trước’ mong chờ này của họ tưởng tượng ra. Lịch sử thì phải trung thực với sự thật – dù có thể làm mất lòng một ai đó. Và cuốn sách Gạc Ma bị dừng phát hành, thu hồi là một câu chuyện khó hiểu mà chắc chắn tôi sẽ viết tường tận trong thời gian tới vì liên quan đến nhiều người.

Trong tất cả các tội danh, thì tội PHẢN BỘI TỔ QUỐC, PHẢN BỘI NGƯỜI LÍNH, PHẢN BỘI NHÂN DÂN là tội nặng nhất, hơn cả tội tham nhũng và ấu dâm gấp trăm lần! Dù đó là bất kỳ ai!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái này thì phải xét về mặt lịch sử.
    * Thời nhà Lý, chúng ta có các hạm đội rất mạnh, Lý Long Côn và Lý Long Tường đã từng đem hạm đội của mình chạy sang Hàn quốc chỉ cách nhau có mấy chục năm.
    * Thời Trần, hạm đội không có, tiếc thay, Trần Thủ Độ rất mong các vương tôn nhà Lý cộng tác để xây dựng hạm đội nhưng không được họ ủng hộ nên đã nhẫn tâm giết bằng hết. Hậu quả là nhà Trần rất kém về mặt thủy quân đánh biển, mặc dù, họ vẫn vỗ ngực “nhà ta, người miền dưới”, tức là, chỉ giỏi các vấn đề đánh thủy trên sông nước (giang đoàn), còn, “ra biển lớn” lại chính là ước vọng lớn nhất mà nhà Trần để lại lời nguyền cho tới tận ngày nay (Ghi chú: thời mạt Trần, vì không có lực lượng thủy quân bảo vệ nên Đại Việt bị Chiêm Thành đánh cho te tua, mỗi lần họ đổ bộ thì mấy lần vua tôi nhà Trần phải bỏ trốn khỏi Kinh thành, đem tài sản chôn giấu ở chỗ khác).
    * Chính vì vậy, ngông ngạo tự xưng rằng chiến thắng do mình có được là “vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc”, mà không thành lập được hạm đội bảo vệ đất nước thì sớm muộn sẽ bị bọn Tầu nuốt sống. Vậy thôi!!

  2. Ông Lê Đức Anh mất
    Tôi xin thắp một nén nhang cầu nguyện cho ông yên giấc ở thế giới bên kia để tự đánh giá lại ông đã làm lợi cho đất nươc cái gì và làm hại cho đất nước cái gì.
    Dù có Quốc tang nhưng tôi dứt khoát không để tang cho ông

Comments are closed.