Nguyễn Duy Vinh
23-4-2019
Như mọi năm, ngày 30 tháng 4 vẫn là ngày được đồng bào Việt Nam ở khắp năm châu tưởng niệm. Phần lớn những người Việt tị nạn trên thế giới gọi ngày 30 tháng 4 là Ngày Quốc Hận. Ngày này 44 năm trước là một ngày cả miền Nam chìm trong một khung cảnh hỗn độn, nhốn nháo, đầy khói lửa, nước mắt và tang thương.
Trong lúc những chiếc xe tăng T-54 “Made in Soviet” của quân đội chính quy CSVN húc tung cánh cửa sắt và cày nát thảm cỏ xanh của Dinh Độc Lập, thì hàng ngàn người và cuối cùng là hàng triệu người miền Nam đã lũ lượt, cầm lòng, gạt nước mắt, liều lĩnh bỏ xứ ra đi.
Ông Nam Lộc, một MC chuyên nghiệp với các chương trình văn nghệ của Trung Tâm ASIA, đã vẽ lên bức tranh quang cảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 04 năm 1975 qua bài nhạc ông sáng tác thật cảm động [1] với những lời lẽ vô cùng thắm thiết:
Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối
Ôi! Sài Gòn chờ đợi thở hơi cuối cùng
Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời
Khu thương xá cửa khép cuộc đời
Những con tàu ngơ ngác ra khơi.
Và năm nào cũng thế trong suốt 44 năm qua, “một triệu người buồn” [2] ôm hận ra đi đó đã không bao giờ quên được ngày 30 tháng 04. Tấm hình mới nhất chụp năm 2018 cho thấy Ngày Quốc Hận đã được chính quyền Canada tiếp tục ủng hộ và đặc biệt một buổi lễ thượng kỳ đã được diễn ra long trọng ngay trong khuôn viên của Quốc hội xứ sở tự do này. Một rừng cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới lẫn lộn với cờ lá phong Canada và cờ xanh Fleur de Lys của tỉnh bang Québec.
Trời xanh ngát và tiết trời cũng đang chập chững sang xuân nên còn khá lạnh. Tuy thế, khí thế của ngày quốc hận rất cao đã là động cơ thúc đẩy rất nhiều bác lớn tuổi, đầu đội mũ len và mình khoác áo măng tô mùa đông, hăm hở lên đường.
Đoàn người về từ khắp nơi, từ Montréal, từ Toronto và nhiều nơi khác. Vì đường xa, đồng bào ta đã phải dậy thật sớm lên đường, để đến nơi cho kịp giờ làm lễ với sự góp mặt của người Việt tị nạn sinh sống tại Ottawa, cũng như các đoàn thể tôn giáo, chính trị và văn hóa trong cộng đồng người Việt khắp Canada.
Rồi từng nhóm nhỏ một, những người về dự lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 04 cũng không quên ghé viếng Đài Tưởng Niệm Mẹ Bồng Con tại góc đường Preston và Somerset.
Hình thứ nhì trên đây cho chúng ta một khái niệm về một buỗi lễ tưởng niệm hàng năm do cộng đồng người Việt tự do Ottawa (CDNVTDO) tổ chức tại Đài Tưởng Niệm Mẹ Bồng Con vào ngày 30 tháng 04. Địa điểm này đã được Thành Phố Ottawa đồng ý cho phép đặt tên Công Trường Sài Gòn (Saigon Square, Carré de Saigon), một thành quả lớn lao đạt được nhờ vào những nỗ lực của Trung Tâm Người Việt Canada (TTNVC, xin xem tường thuật đăng trên Thời Báo Canada [3]) và một buổi lễ khánh thành Công Trường Sài Gòn đã được tổ chức vào mùa hè năm 2018.
Chính năm 2015, cũng tại xứ sở thân yêu Canada này, dự án S-219 của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã được quốc hội Canada biểu quyết thông qua và được Ngài Toàn Quyền Canada phê duyệt ngày 23 tháng 4 năm 2015. Ngày 30 tháng 4 được đưa vào hiến pháp Canada như một ngày lễ quốc gia và luật S-219 còn có tên là Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do của người Việt tị nạn tại Canada. Độc giả có thể tìm trên báo Le Devoir, bài nói rộng rãi hơn về luật S-219 ở mục [4] trong danh sách tham khảo nếu các bạn nào có chút vốn liếng về ngôn ngữ của Molière.
Riêng năm 2018 có 2 bài viết mới cũng bằng tiếng Pháp nói về ngày 30 tháng 4. Bài thứ nhất của tác giả Trần Anh Kiệt đăng trên tờ La Presse [5] nói về sự trả thù tàn độc của nhà cầm quyền Bắc Việt đối với dân miền Nam, là một trong những nguyên nhân chính đưa đến những cuộc vượt biên, vượt biển của hàng triệu người. Một cuộc di cư vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Bài thứ hai [6] cũng gây chú ý không kém là bài của ký giả nổi tiếng người Canada, bà Lysiane Gagnon, nói về việc chính bà đã bị lừa và bị lôi cuốn vào việc phản đối chiến tranh Việt Nam tại Canada trong thập niên 60. Ngày nay bà đã khám phá ra sự thật: con đường phản chiến và say mê chủ nghĩa Mác-Lê của những sinh viên trẻ ở khắp nơi trong những năm đó, trong đó có bà, vì say mê và ngu muội, đã hoàn toàn không nhìn thấy những địa ngục trần gian đang diễn ra dưới ách thống trị của Stalin, của Mao và những khổ đau của dân tộc Việt Nam. Bà thú nhận là bà đã mê muội chạy theo ủng hộ một phong trào thời bấy giờ mà không biết điểm đến cuối cùng và bà tự nói sẽ không bao giờ đi vào bánh xe đó nữa.
Và còn không biết bao nhiêu những lý do liên hệ chằng chịt khác đưa đến ngày quốc hận 30 tháng 4. Quốc hận đây chính là cái hận đớn đau mất nước vào tay kẻ xâm lăng. Cái hận của cả một dân tộc:
1. Chúng ta oán hận nhà nước Mỹ và đồng minh đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hiệp định Paris năm 1973 là cấu kết của một quá trình dàn xếp chính trị đi đêm giữa Mỹ và Trung Cộng, dắt đến việc Mỹ án binh bất động trước cuộc xâm lăng Hoàng Sa vào tháng Giêng năm 1974 mà các chiến sĩ hải quân VNCH đã anh dũng hy sinh chống trả.
2. Chúng ta oán hận người CSVN đã làm cho chúng ta mất mát và khổ đau rất nhiều với chính sách khắc nghiệt đàn áp người dân miền Nam nói chung và quân dân chính cán bộ miền Nam nói riêng, không nương tay, ngay sau khi họ chiếm được miền Nam. Tội ác này đã được sách vở nói đến rất nhiều và sẽ đến lúc những nhà lãnh đạo đảng CSVN sẽ phải chịu tội trước quốc dân và cộng đồng nhân loại về những tội ác chống nhân loại này. Nhà cầm quyền CSVN hiện nay vẫn nhởn nhơ tiếp tục làm cho vết thương 1975 ngày càng lở loét, “bên thắng cuộc” [7] với “một triệu người vui” vẫn tiếp tục hô hào ăn mừng cái chiến thắng mà họ gọi là “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” và năm nào nhà nước CSVN cũng tổ chức diễn binh rầm rộ và cho bắn pháo bông tưng bừng chào mừng ngày mà họ gọi là ngày “giải phóng miền Nam”.
3. Chúng ta oán hận nhà nước CSVN, sau 44 năm từ ngày chiếm được miền Nam, đã đưa nước Việt Nam vào một tình huống khó khăn có nhiều khổ đau và oan trái với chính sách công an trị tàn bạo, với pháp luật lỏng lẻo, thiếu công lý và đạo đức con người, trong xã hội ngày càng tụt hậu [8] [9]. Thêm vào đó có 4 vấn nạn lớn rất khó giải quyết trong tình trạng độc đảng độc quyền hiện nay:
(i) Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngày càng trầm trọng [10] [11],
(ii) Tàu Cộng cướp lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam dưới chính sách nhu nhược và hèn hạ của nhà nước VN (như được trình bày trong quyển sách dầy 856 trang của học giả Trương Nhân Tuấn [12]). Theo ước lượng nghiên cứu của học giả này, ta đã mất cho Tàu Cộng 200 m đất tại Đại Nam Quan, mất một nửa thác Bản Giốc, mất 11 ngàn cây số vuông (11.000 km2) biển trong vịnh Bắc Việt và theo ông TNT, việc mà chúng ta biết được chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, tức là chỉ khi nào các bản đồ chính thức của hiệp ước Thành Đô (1999) được công bố, ta sẽ thấy có thêm bao nhiêu đất thật sự bị mất. Tình hình biển Đông, dựa trên những luận án của các sinh viên các đại học quân sự Mỹ và một số học giả Việt Nam, ngày càng trở nên nghiêm trọng [13],
(iii) Cửu Long cạn dòng: Vào đến năm 2020 sẽ có cả thảy 28 đập thủy điện trên dòng chính sông Mékong. 16 con đập nằm bên Trung Quốc và 12 con đập nằm dọc theo sông Mékong trên lãnh thổ Lào. Những con đập này đã và đang tiếp tục ngăn cản và phá vỡ sự vận chuyển tự nhiên của hàng triệu tấn cá và hàng triệu tấn phù sa xuôi dòng về hạ lưu như bác sĩ Ngô Thế Vinh đã từng lên tiếng [14] [15]. Thêm vào đó, những công trình nông nghiệp của các nước Lào, Cam Bốt và Thái Lan đang thi nhau rút tỉa gần hết phân nửa lưu lượng nước sông Cửu Long [16]. Tình trạng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vô cùng thê thảm. Nước mặn từ biển kéo vào và đang ăn khá sâu vào mảnh đất phì nhiêu của ĐBSCL như theo hình dưới đây chép lại từ bài nghiên cứu của kỹ sư Nguyễn Minh Quang [16].
(iv) Biển Đông cạn kiệt: Hoạt động xây lấn biển và khai thác hải sản không ngừng nghỉ trên biển Đông của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự bóp nghẹt các rạn san hô và hệ sinh thái biển Đông. Dựa vào sức mạnh quân sự, Trung Quốc dùng cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân TQ đánh cá ào ạt không theo bất cứ luật quốc tế nào [17].
Tình trạng hải sản dọc bờ biển VN cũng không khá hơn. Thảm hoạ môi trường lớn nhất từ trước đến nay gây ra bởi nhà máy thép Formosa đã làm chết nguyên một vùng biền VN trên một dãi sơn hà dài hơn 400 km. Theo sự đánh giá của nhiều quan sát viên ngoại quốc thì khu vực biển miền Trung Việt Nam có thể phải mất cả nhiều thập kỷ mới có thể hoàn toàn hồi phục. Vào ngày 30/6/2016, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường VN đã tổ chức họp báo và ông Trần Hồng Hà đã công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải được xả trực tiếp ra biển, từ nhà máy Formosa, chứa độc tố bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt [18] là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này, tiêu diệt rất nhiều loài hải sản và san hô ở tầng đáy biển.
Theo tin tức thống kê trong nước gần đây, có gần 20 ngàn lao động tại 4 tỉnh bắc miền Trung chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa phải bỏ quê hương ra nước ngoài làm công theo diện xuất khẩu lao động. Ngoài ra còn phải kể thêm những chất thải đổ xuống biển và đất liền bởi những nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Đa số những nhà máy nhiệt điện than này nằm dọc ven biển VN từ Vũng Áng, Vĩnh Tân xuống đến một số nhà máy khác về phía Nam như các nhà máy Sông Hậu, Kiên Lương, Long Phú, Duyên Hải, Quảng Ninh, và Cần Giuộc đã đổ chất thải xuống biển từ nhiều năm nay theo bài viết của giáo sư Mai Thanh Truyết [19].
Nhưng chúng ta không chỉ biết oán hận hay trách người, trách Trời. Mỗi người trong chúng ta, dù sống ở đâu, cần ý thức được mối hiểm hoạ mất nước vào tay Tàu Cộng, cần nỗ lực góp sức bảo vệ tổ quốc, hỗ trợ phong trào dân chủ và đồng bào trong nước, dẹp bỏ bè lũ CS tay sai ngoại bang, giành lại quyền làm chủ và xây dựng đất nước, theo kịp đà tiến hoá chung của nhân loại.
Rồi đây, 30 tháng 4 sẽ là ngày Lễ Phục Quốc!
Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé một chiều mưa cuối tháng 4)
_______
Danh sách tham khảo:
[1] Xin Đời Một Nụ Cười – Nam Lộc
[2] Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt phát biểu: “nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”
[3] http://thoibao.com/le-duy-can-cong-truong-sai-gon-mong-uoc-thanh-hien-thuc/
[4] https://www.ledevoir.com/opinion/idees/438684/la-chute-de-saigon-quarante-ans-plus-tard
[7] Bên Thắng Cuộc, tác phẩm của Huy Đức
[10] https://boxitvn.blogspot.ca/2012/01/au-nam-rong-tan-man-ve-hai-chu-tham.html
[12] Trương Nhân Tuấn (Ngô Quốc Dũng): “Biên Giới Việt Trung 1885-2000: lịch sử thành hình và những tranh chấp”, nhà xuất bản Dũng Châu, 2005 (có bán trên Amazon.com)
[13] https://anhbasam.wordpress.com/2016/04/01/7719-nhung-van-de-bien-dong-phan-2/
[14] Ngô Thế Vinh, 18/08/2014, https://www.rfa.org/vietnamese/news/people_stories/dams-on-mekong-river-ntv-08182014110918.html
[15] Ngô Thế Vinh, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, dữ kiện tiểu thuyết, 2006
[16] Nguyễn Minh Quang, 2016, http://www.vietnamthoibao.org/2016/03/vntb-tinh-trang-thieu-nuoc-o-ong-bang_20.html
[17] http://soha.vn/ngu-dan-trung-quoc-khai-thac-can-kiet-nguon-ca-bien-dong-20160831192526068.htm
[18] https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/07/9482-chon-ca-hay-chon-thep/
[19] Mai Thanh Truyết, 2017, https://danlambaovn.blogspot.com/2017/07/nhung-du-nha-may-nhiet-ien-than-o-viet.htm
Bác Hồ “ối nị” bác Mao
Đẻ ra một lũ tào lao Ba Đình
Ở trên hai bác “xập xình”
Ở dưới các cháu “ninh tinh” hô hào…..
“Hỡi tổ quốc, hỡi đồng bào…
Đánh cho Mỹ cút Ngụy Nhào
Để bác Hồ rước Tàu vào Biển Đông”.
ĐMCS!