Những vụ án chính trị không xét xử — Phần 4: Người có công lớn bị hạ nhục đau đớn

Hàn Vĩnh Diệp

22-4-2019

Tiếp theo phần 1: Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á — phần 2: Huỳnh Thị Tuyết Anh ở Đà Lạt — phần 3: Nỗi oan khuất của người chiến sĩ biện động thành Đà Lạt

Từ tháng 3 năm 1975 cuộc chiến Bắc – Nam đã đến hồi sắp kết thúc. Quân đội VNCH đã phải bỏ 4 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh đồng bằng miền Trung, rút về Phan Rang lập phòng tuyến bảo vệ từ xa cho Sài Gòn, Đà Lạt – Tuyên Đức – Lâm Đồng (1) là hai tỉnh ở phía Nam Tây Nguyên lâm vào thế bị bao vây nguy khốn. Vùng đất này chỉ có hai con đường lưu thông với đồng bằng: Đà Lạt – Phan Rang (Quốc lộ 11) và Đà Lạt – Bảo Lộc – Sài Gòn (Quốc lộ 20).

Cuối tháng 3/1975, quân giải phóng đã đánh chiếm Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng, chặt đứt Quốc lộ 20. Để tránh bị thảm bại tiêu diệt, đêm 31 tháng 3 quân đội và chính quyền VNCH đã rút khá an toàn, toàn bộ lực lượng theo Quốc lộ 11 về Phan Rang mà không bị quân giải phóng địa phương tiến công tiêu diệt như các cánh quân ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên khi rút chạy về đồng bằng sau trận đại bại Ban Mê Thuột. Thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức bị bỏ ngỏ.

Ngay sau khi đối phương rút, một số cơ sở trọng yếu như nhà máy đèn – điện, máy nước, bưu điện, cục bản đồ, đài phát thanh … và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, công nhân viên, nhân dân sở tại đã tự tổ chức để bảo vệ cơ sở. Khu trung tâm và các vùng dân cư quanh thị xã lâm vào tình thế rối loạn, bà con nhân dân hoang mang, một số bọn lưu manh côn đồ quấy phá, cướp giật …

Tình hình có thể sẽ diễn biến rất xấu nếu không có biện pháp chấn chỉnh cấp kỳ. Vì thế một số người có tâm huyết đã đề nghị ông Tô Học Phú đứng ra tập hợp những người tốt thành tổ chức tự quản để quản lý trật tự trị an, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Nhóm trung kiên do ông Tô Học Phú đứng đầu đã khẩn trương hình thành tổ chức.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Ủy ban nhân dân tự quản lâm thời thị xã Đà Lạt ra đời, trụ sở Hội trường Hòa Bình – khu trung tâm thị xã. Cờ Mặt trận tung bay trên nóc Hội trường, trên các đường phố, khu dân cư … Ủy ban nhân dân tự quản lâm thời (gọi tắt là Ủy ban) ra lời kêu gọi đồng bào ổn định tình hình sinh hoạt; trừng trị bọn lưu manh côn đồ; quân nhân, viên chức chính quyền cũ đến nộp vũ khí, trình diện …

Lực lượng thanh niên võ trang gồm những thanh niên tốt, có nhiệt huyết – một số đông họ ở trong đoàn học sinh sinh viên Phật tử vừa hình thành tổ chức, vừa bắt tay ngay vào hoạt động. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ rất đắc lực cho Ủy ban triển khai nhanh chóng và có hiệu quả những chủ trương của Ủy ban đã đề ra trong lời kêu gọi đồng bào … Tình hình an ninh trật tự xã hội trong thị xã cơ bản được vãn hồi. Số nhân viên và quân nhân của chế độ VNCH còn ở lại đã lần lượt ra trình diện, nộp vũ khí.

Cùng thời điểm này, giáo hội Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo Đà Lạt do Đức Hòa Thượng Thích Tự Mãn và Đức Giám Mục Nguyễn Sơn Lâm chủ trì đã liên kết kêu gọi Phật tử – Giáo dân xóa bỏ sự kỳ thị tiềm ẩn lâu nay giữa hai tôn giáo, đoàn kết ủng hộ Ủy ban giữ gìn trật tự trị an, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con cơ nhỡ. Sự liên kết này không có mục đích chính trị, hoàn toàn khác về bản chất với tổ chức “Liên tôn” do Linh mục Vương Điền (Công giáo) Thượng tọa Thích Giác Huân (Phật giáo), Nguyễn Văn Tưởng (Cao Đài), Nguyễn Thúc Biểu đứng đầu trong thời VNCH ở Đà Lạt. Tổ chức này không có vai trò và cống hiến gì trong giai đoạn nhân dân tự quản của Đà Lạt.

Chiều 2/4/1975 Thị ủy Đà Lạt cử bà Nguyễn Thị Hạ (bí danh Ba Lê) Thị ủy viên lên thị xã. Tối hôm ấy, Ủy ban khởi nghĩa Đà Lạt được thành lập với 3 thành viên: Bà Nguyễn Thị Hạ, ông Nguyễn Trọng Hoàng và ông Trần Nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa của Thị ủy ra đời nhưng không hoạt động, vì thực ra UBKN không có lực lượng võ trang và quần chúng, và chẳng có đối thủ để tiến công – lật đổ! Đây là một việc làm có tính chất “chữa cháy” hay nói nôm na như dư luận của bà con Đà Lạt là cách làm “dây máu ăn phần”.(2)

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1975 bộ phận tiền trạm của quân giải phóng Quân khu 6 đến Ngã ba Phi Nôm – gần chân đèo Prenn, được nhân dân đưa xe đón lên Đà Lạt. Bộ phận này vào trụ sở Trung tâm hành chính (trống không) tỉnh Tuyên Đức, nay là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng, treo cờ Mặt trận Giải phóng! Việc cắm cờ này được coi là dấu mốc ngày giải phóng Đà Lạt! Thực ra có thể nên gọi là tiếp quản thì đúng với thực trạng tình hình Đà Lạt hơn, bởi giải phóng cho ai khi nhân dân đã làm chủ hoàn toàn thị xã!

Ủy ban nhân dân tự quản lâm thời thị xã đã kêu gọi đồng bào nghênh đón quân giải phóng và tự giải tán. Sự kiện nhân dân đứng lên làm chủ thị xã với tổ chức đại diện là Ủy ban NDTQ lâm thời là sự kiện độc đáo có một không hai của cả Miền trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.

Thật oái oăm! Ngay sau ngày tiếp quản Thị xã, Ủy ban quân quản Đà Lạt theo đề nghị của Ban an ninh thị xã do ông Vũ Linh phụ trách, đã bắt giam vô cớ ông Tô Học Phú và một số cơ sở nòng cốt.

Ông Tô Học Phú sinh trưởng ở Đà Lạt. Năm 1947 tham gia bộ đội, đơn vị quân báo ở Liên khu V. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ ông ở lại và bị cuốn vào chiến dịch tố cộng khủng khiếp của chính quyền miền Nam, một cuộc hành hạ đau đớn về thể xác và tinh thần những người kháng chiến cũ. Sau chiến dịch ấy, ông Tô Học Phú trở về Đà Lạt làm ăn sinh sống. Năm 1958, bắt được liên lạc với tổ chức, ông trở lại đội ngũ, tổ chức giao cho ông nhiệm vụ điệp báo hoạt động hợp pháp thuộc sự chỉ đạo Cục nghiên cứu bộ T.T.M.

Năm 1966 ông Phú đã là cán bộ đại đội bậc trưởng. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao, ông Phú còn tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi hòa bình – dân chủ của nhân dân địa phương. Đối phương đã bắt, cầm tù ông bốn lần. Một con người chí cốt với cách mạng như vậy; nhưng bị những người đại diện cách mạng đối xử với hơn 30 tháng giam cầm hành hạ!

Các cơ quan BTTM theo chính sách của Nhà nước đã xét tặng ông Tô Học Phú huân chương kháng chiến, huân chương chiến công, huy chương chiến sỹ vẻ vang, chế độ thương binh, hưu trí và yêu cầu địa phương “xóa án tập trung cải tạo, phục hồi sinh mạng chính trị cho ông Tô Học Phú”. Nhưng nhiều năm sau ông Phú vẫn “bị gây khó khăn, thậm chí còn bị đe dọa sinh mạng chính trị”(3) của ông và con cái. Ông Phú muốn tham gia các tổ chức quần chúng rộng rãi để thỉnh thoảng được gặp gỡ hàn huyên với bạn hữu đồng chí như hội Cựu chiến binh, hội những người cựu tù chính trị … nhưng các hội đoàn này vẫn “cấm cửa” không tiếp nhận.

Cùng bị xử lý, giam cầm oan sai trước – trong thời kỳ sôi động này còn nhiều người quen biết, đồng chí với ông Tô Học Phú như các ông Huỳnh Đôn, Tà Yên Phúc, Phạm Ngọc Hồng, Trương Văn Huân, Ngô Thế Lý, Huỳnh Xuân Trường, Đỗ Tư v.v… Họ đều là những người chí cốt với cách mạng nhưng bị chính quyền địa phương xử lý nghiệt ngã, giam cầm không căn cứ và cũng không một lời xin lỗi giải oan.

_____

(1) Tỉnh Lâm Đồng hiện nay là hai tỉnh nhập lại sau năm 1975: Lâm Đồng gồm thị xã (nay là thành phố) Bảo Lộc và các huyện phía Nam; Tuyên Đức gồm thị xã (nay là thành phố) Đà Lạt và các huyện phía Đông.

(2) Tình hình Đà Lạt trước tháng 4/1975, Thị ủy, Tỉnh ủy không nắm được vì sau khi ông Huỳnh Đôn (tức Sáu Đen) Thường vụ Thị ủy phụ trách phong trào nội thị Đà Lạt bị nghi ngờ có liên quan với vụ cô Tuyết Anh phải triệu về khu, giao lại cho ông Vũ Linh – Thường vụ Thị ủy – phụ trách ban an ninh. Từ đó cơ sở ở Đà Lạt im ắng hầu như không hoạt động nên thông tin về đối phương chuyển về thị, tỉnh bị cắt đứt. Ngày 04/4 Thị ủy – ngày 06/4 tỉnh mới vào Đà Lạt.

(3) Trích công văn số 289/CV của cục 12 – thuộc Bộ quốc phòng gởi Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng.

Bình Luận từ Facebook