Đinh Minh Tuấn
17-4-2019
Nhân việc cãi nhau linh tinh với mấy bạn về việc dịch cuốn Đường về nô lệ, tôi kể lại vài chuyện bếp núc đằng sau hậu trường, kẻo sau này quên mất. Mà biết đâu kể theo trend lại có thể kích thích một số bạn chưa biết cuốn này tìm đọc.
Dịch “who, whom?” thành “Ai là ai?“: Đây là tiêu đề chương 8 cuốn sách. Dịch sang tiếng Việt thế nào quả là một thử thách. Cụm từ này có nguyên gốc từ tiếng Nga do Lê Nin phát biểu lần đầu tiên. Bác Quang A trước đó dịch bám sát thành “Ai, người nào?”. Cách dịch này không truyền tải được ý của cả chương liên quan đến vị trí của những cá nhân trong xã hội kế hoạch hóa: ai là người lập kế hoạch, ai là người thực hiện kế hoạch; ai là người cai trị, ai là kẻ bị trị; ai là người sắp đặt vị trí có người khác, ai là người phải tuân theo;…
Bác Pham Nguyen Truong đầu tiên định dịch là “Ai thắng ai?” và bác ấy rất kiên quyết bảo vệ cách dịch này vì đây là cụm từ đã nằm lòng trong những người sống trong xã hội trước đây. Tôi cho rằng dịch như vậy không ổn, vì dù “ai thắng ai?” là một cụm từ rất quen thuộc nhưng không phải là ý mà chương này muốn truyền đạt. Tôi phải mất khá nhiều thời gian để thuyết phục bác Trường chấp nhận chuyển cụm từ đó thành “ai là ai?”
Chương 12 – The Socialist roots to Naziims: Chương này nhạy cảm đến mức lúc đầu bác Trường và NXB không dám dịch. Tôi đã phải viết mail thuyết phục là cứ dịch đi, sau đó nghĩ cách lách sau. Cuối cùng thì chương sách cũng được dịch, tên của chương được giảm thành “ Cội nguồn tư tưởng của chủ nghĩa phát xít”. Một vài từ/cụm từ trong chương này cũng được dịch nhẹ nhàng hơn nhưng nội dung của tất cả các đoạn và cả chương thì đều được giữ nguyên. Trong phiên bản mới hình như bác Trường đã dịch lại chuẩn như nguyên bản.
Viết lời giới thiệu cho bản tiếng Việt của cuốn sách: tuy lời giới thiệu chỉ có 4 trang nhưng phải mất rất nhiều tuần tôi mới viết được. Tôi phải đọc lại những phân tích, bình luận của các tác giả khác về Hayek; ảnh hưởng của Hayek đến các nước chuyển đổi, đặc biệt là Trung Quốc. Cái khó nhất ở đây là làm thế nào để truyền tải được đúng ý tưởng của cuốn sách mà vẫn có thể được các cơ quan kiểm duyệt chấp nhận. Muốn thế thì phải thế hiện thế nào để nội dung của cuốn sách có liên quan đến mối quan tâm hiện tại của người dân Việt Nam, giới trí thức Việt Nam, và cả những người làm chính sách ở Việt Nam. Ngoài ra, do cuốn sách này có tính hùng biện, nên lời giới thiệu cũng phải được viết theo kiểu hùng biện một chút.
Duyên gặp bác Phạm Nguyên Trường: Tôi chưa hề tiếp xúc với bác Phạm Nguyên Trường trước khi hiệu đính cuốn Đường về nô lệ. Chỉ vì trước đó đã dịch một vài bài nghiên cứu của Hayek đăng trên talawas nên khi bác Trường dịch Đường về nô lệ thì NXB Tri Thức đã nhờ tôi đọc thẩm định bản dịch. Tôi có nói là bản dịch tốt nhưng thực sự có nhiều chỗ chuyên môn sâu một chút thì bác Trường dịch chưa ổn, nên cần phải hiệu đính. Bác Trường chấp nhận cho tôi hiệu đính nên nhờ đó có cơ hội để biết nhau. Quả thực, nhờ hiệu đính cho bác Trường, đọc kỹ cách hành văn của bác Trường mà tôi ngộ ra được rằng hiểu nguyên bản là một chuyện, tuy đấy là gốc, nhưng phần quyết định việc dịch thành công hay không lại nằm ở cách diễn đạt ra tiếng Việt sao cho tạo ra được những chuỗi âm thanh mà người đọc có thể nhìn hay đọc lướt cũng có thể hiểu được.
The Road to Serfdom tôi không đồng ý dịch là “Đường về nô lê”. Nó không có nghĩa gì để người Việt Nam hiểu đúng ý.
“Đường về” ví dụ đường về quê… Về: có nghĩa là trở về nơi cũ.
Còn The road to, có nghĩa là con đường đi tới, con đường dẫn tới.
Đi tới, dẫn đến… khác với “về”.
Tiếng Việt đơn âm, khi dịch ra từ tiếng nước ngoài bao giờ cũng dài dòng hơn.
The Road to Serfdom liệu có thể dịch thành Con đường dẫn tới chế độ nô lệ?