10-4-2019
Một lần, tôi đi cùng V. đến nhà em N. chơi. Nhà N. có hai con gái rất ngoan và xinh xắn. N. mời ở lại dùng cơm. Tôi háo hức đòi theo N. ra chợ để biết thêm văn hóa của vùng đất mới. N. chở tôi đi mua thức ăn, để con gái lớn ở nhà trông nhà cùng V.
N. mời chị TD. sang cùng ăn tối. Trong bữa ăn, khi các cháu đã ăn xong và đi lên lầu học bài, V. mới khẽ khàng nhắc N. “Chiều nay, em để cháu ở nhà với anh như thế là không được đâu. Con mình còn nhỏ, em không nên để con ở nhà một mình với người lạ.” N. lúng túng, “Em tin anh mà.” V. khẳng định lại lần nữa, “Không được. Em không được tin vào bất cứ thằng nào, kể cả đó là anh em thân thiết, họ hàng v.v. Bởi em không thể nào kiểm soát được việc thằng ấy có bị nổi thú tính hay không. Anh nhắc em để em cẩn thận trong những trường hợp như vậy. Cố gắng ngăn ngừa, mình không cẩn thận thì con mình sẽ phải chịu tổn thương. Em nên tìm hiểu thêm về quy tắc năm ngón tay để hướng dẫn cho các con nữa.”
Câu chuyện xoay quanh chủ đề về xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em. Tôi mở rộng chủ đề, “N. cũng cần điều chỉnh một chút trong việc nói chuyện với các con. Em đừng quát các con. Mình yêu chúng mà, quát thì nhanh nhưng chúng sợ. Trẻ con bị sợ hãi thì khi có vấn đề chúng sẽ rất khó nói với mình vì sợ bị mắng. Trẻ bị xâm hại, quấy rối tình dục sẽ không nói với bố mẹ nếu trước đó nó không cảm nhận được sự an toàn và tin tưởng từ bố mẹ.” N. gật gù nhưng vẫn cho rằng việc thỉnh thoảng quát là cần thiết để chúng ngoan hơn. Tôi tiếp, “Không em. Trẻ không ngoan hơn mà sẽ sợ hơn và lì hơn, khép kín hơn và khi chúng bị quấy rối hoặc bị bắt nạt chúng sẽ không nói đâu. Chị là một nạn nhân của việc bị bắt nạt và xâm hại, quấy rối tình dục thời ấu thơ nên chị hiểu tâm lý đó. Thương con, em cần thay đổi cách giáo dục.”
Bàn ăn chợt im phắc. Không ai biết nói gì vì sợ nói gì cũng dở. Hồi lâu, N. chớp chớp mắt, “Chị..” rồi lại im. Cuối cùng, V. phá vỡ không khí im lặng, “Em có biết vì sao chị Voi nói ra điều này không? Chị ấy yêu bọn trẻ nhà em rất nhiều.” N. gục gặc, “Em sẽ cố gắng thay đổi cách trao đổi với bọn trẻ.” Chị TD. tiếp lời, “Ừ. Em nên nghe anh V. và chị N. và đọc thêm trong việc giáo dục trẻ con.”
Đó là lần đầu tiên tôi nói mình là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục với những người bạn mới quen. Lời nói bật ra một cách tự nhiên và thoải mái. Tôi không bị ràng buộc bởi nỗi sợ nữa.
Lần đầu tiên tôi nói mình là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục là với người tôi yêu quý, tôn trọng và tin tưởng, cách đây hai năm. Vừa nghe tôi nói, anh liền gạt đi, “Thôi, chuyện cũ qua lâu rồi, em đừng nặng nề làm gì, em hãy quên nó đi.” Tôi chới với, hụt hẫng và cả phẫn nộ. Tôi im lặng. Sau đó, tôi tự bào chữa cho anh để gạt đi sự phẫn nộ. Tôi hiểu, không phải người nào cũng có thể chịu đựng được nỗi đau của người khác, nhất là người mà mình yêu quý.
Ba mươi hai năm, đó là thời gian tôi cất giữ mọi thứ trong lòng kể từ lần đầu tiên tôi buột miệng nói ra nhưng không nhận được sự bảo vệ, bênh vực. Tôi đã không nhận được sự tin tưởng và bảo vệ từ bất kỳ ai. Trong suốt khoảng thời gian hai năm, từ lúc tám tuổi cho đến mười tuổi sau đó, tôi âm thầm chịu đựng và chống chọi một mình với việc tiếp tục bị quấy rối, xâm hại, không một lời kể ra nào nữa vì lần buột miêng đầu tiên bị rơi vào sự im lặng của người lớn.
Câu chuyện được giữ chặt, chôn kín. Có những lúc, cuộc sống cuốn đi, tôi nghĩ là tôi đã quên. Nhưng không. Nó vẫn ở đó và tác động mạnh mẽ lên tâm sinh lý của tôi và làm tôi thay đổi rất nhiều. Những thay đổi mà mãi sau này, khi tự nghiên cứu tìm cách chữa cho mình khỏi những cơn ác mộng và ám ảnh, thì tôi mới nhận ra.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi đối chiếu với bản thân, nhận ra bước đầu tiên là cần phải nói ra điều đó với người khác-người mà mình tin tưởng. Biết thì biết vậy, nhưng để có thể nói ra được là cả một quá trình cân nhắc, nỗ lực vượt qua những mặc cảm, lựa chọn tin hay không tin người và chấp nhận đối mặt với sự phản ứng ngược. Và kết quả là, như tôi viết ở trên, anh bạn bỏ chạy khỏi nỗi đau tôi, một cách vô thức. Anh không có lỗi. Chỉ là ở thời điểm đó, anh không sẳn sàng để nhận nỗi đau ấy, từ tôi.
Talk to someone. Cần phải nói ra với người nào đó. Tôi cần phải nói với ai đó để có thể bước tới bước thứ hai trong liệu trình chữa trị. Tôi lại nói tôi là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục với anh B. chị D. anh L. em M. trong một bữa ăn, khi mọi người bàn về vấn nạn xâm hại tình dục. Họ là những người tôi yêu quý và tin tưởng.
Phản ứng của anh L. anh B. vẫn y như phản ứng của anh bạn tôi kể ở trên, gạt đi, “Thôi, em đừng kể chuyện đó nữa, chuyện qua lâu rồi, quên nó đi cho nhẹ lòng.” Tôi nổi điên, hét, “Tại sao các anh lại nghĩ em nói ra điều này vì sự hận thù? Em không còn sự hận thù. Nhưng em vẫn phải kể ra với ai đó để em tự thoát khỏi những ám ảnh và ác mộng thì em mới chữa lành được. Nếu em quên được thì đã không có chuyện em phải nói ra. Em có bình thường đ… đâu!” Mọi người im. Tôi cũng không tiếp tục kể được nữa.
Sau lần đó, tôi nhận ra một điều rằng, không phải người mình tin tưởng, yêu thương và họ tin tưởng, yêu thương mình thì họ có thể tiếp nhận cái thông tin đó. Điều quan trọng không kém hai yếu tố trên phải là sự hiểu biết cơ bản về diễn biến tâm lý của nạn nhân và phác đồ điều trị tâm lý của nạn nhân. Nếu họ hiểu điều này thì họ sẽ không phản ứng như cách họ đã phản ứng mà họ sẽ lắng nghe, chia sẻ trong sự thấu hiểu.
Trong cuộc nói chuyện ở nhà N., tôi không cố ý nói ra điều đó như những lần trước. Tôi không chọn đối tượng để chia sẻ. Lúc đó, tôi chỉ đơn giản muốn N. hiểu rõ và thay đổi vì những đứa trẻ. Câu chuyện bỗng dưng tuôn ra khỏi miệng tôi một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Tôi không cảm thấy khó khăn, e dè, đau đớn. Và sau đó tôi xúc động khi V. hiểu nguyên nhân vì sao tôi kể. Tôi xúc động muốn rơi nước mắt vì N. bảo sẽ thay đổi. Tôi xúc động vì chị TD bảo N. nên nghe lời khuyên từ tôi. Tôi cảm thấy mình có ích. Câu chuyện của mình, nỗi đau của mình, sự trải nghiệm của mình, những tổn thương của mình khi được nói ra đúng cách đã thành điều có ích cho người khác. Tôi vui. Tôi được giải tỏa.
Cách một khoảng thời gian, những tin tức về trẻ em bị bạo hành trong gia đình, trong trường học, trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục từ báo chí, từ mạng xã hội lại đập vào tôi. Tôi không còn bị ám ảnh nhiều như trước, không đau đớn như trước nhưng tôi suy tư mình có thể làm gì để việc tồi tệ này phải ít xảy ra? Tôi không tránh được nỗi đau cho bản thân nhưng tôi có thể giúp để những đứa trẻ khác không phải chịu nỗi đau, di chứng tổn thương như tôi.
Tôi viết loạt bài về giáo dục trong gia đình, loạt bài về tâm lý trẻ em, loạt bài về cách yêu thương, loạt bài về thay đổi tính xấu của bản thân để dạy con và hai bài về diễn biến tâm lý của nạn nhân bị quấy rối xâm hại tình dục, các bước điều trị. Tôi muốn có nhiều người nhận thức được rằng sự yêu thương, giáo dục không đúng cách của cha mẹ sẽ làm cho trẻ bị tổn thương. Tôi muốn nhiều người có được kiến thức, hiểu biết cơ bản về tâm lý trẻ em, nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục, để biết cách cư xử phù hợp, nhằm giảm thiểu việc vô tình gây thêm tổn thương cho nạn nhân.
Thực sự thì những bài viết trên không có nhiều like, không nhiều chia sẻ. Bởi số đông người Việt vẫn nghĩ cái xấu, cái ác, nỗi đau sẽ chừa nhà mình ra, cộng với tính ỳ tâm lý không muốn thay đổi nên họ vẫn mặc kệ mọi thứ như nó vốn là, cho đến khi xảy ra chuyện thì… cuống cuồng, loay hoay, không biết cách xử lý và thường để bản năng dẫn dắt theo cách sai nhất có thể.
Những ngày vừa qua, mạng xã hội lại dấy lên một cuộc tranh cãi về việc gia đình nạn nhân nên hay không nên lên tiếng, kiện thủ phạm xâm hại, quấy rối, dâm ô ra tòa. Những người cho rằng không kiện hoặc ủng hộ lý lẽ của những gia đình không kiện, không lên tiếng thường viện lý do nạn nhân, nhất là nạn nhân trẻ em, cần quên đi, cần sống tiếp. Tôi hiểu rằng họ không hề có một chút kiến thức nào về diễn biến tâm lý của nạn nhân và quá trình hồi phục. Họ chỉ suy luận theo cách đơn giản, thô mộc nhất và nghĩ rằng đó là điều tốt nhất cho nạn nhân. Thật ra, trong tiềm thức của họ, đâu đó, vẫn là nỗi sợ hãi đánh mất cái sĩ diện hão của gia đình. Họ thậm chí không nhận ra điều này, nên trong lập luận họ luôn nhân danh, luôn dùng nạn nhân để làm bia đỡ.
Nạn nhân không thể quên. Không thể sống tiếp. Sự tổn thương sẽ lặn sâu và tàn phá bên trong cho đến một ngày chẳng còn gì để phá nếu nạn nhân không được điều trị. Sự im lặng, che giấu sự việc của gia đình chỉ khiến nạn nhân thêm tổn thương vì không được bảo vệ, trong tiềm thức nạn nhân luôn cảm thấy mình có lỗi, là vết nhơ, mất niềm tin vào các giá trị thông thường.
Là một nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong một thời gian dài, bởi nhiều người, tôi không tin vào sự chung thủy trong tình yêu. Tôi hoàn toàn dửng dưng khi biết người yêu tôi ngủ với người khác. Tôi không biết mùi vị của ghen tuông. Bởi tôi luôn tự đặt mình vào tình huống nếu mình tin vào sự chung thủy và ghen tuông thì liệu anh ta cũng có thể ghen với những điều tôi đã trải qua, dù đó không phải là lỗi của tôi đi chăng nữa. Tôi có thanh sạch đâu, cớ gì tôi có quyền đòi người ta phải thanh sạch?
Tôi cũng không tin mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc nên tôi dễ dàng từ bỏ khi mới mơ hồ cảm thấy không đủ yêu thương, tin tưởng. Tôi không tin vào sự chung thủy trong tình yêu nhưng tôi đòi hỏi rất cao vào sự trung thành trong tình yêu cũng như tình bạn.
Tôi không coi sex là biểu hiện của tình yêu. Sex chỉ đơn thuần là sex. Ngay cả khi yêu thương mặn nồng, hạnh phúc nhất, tôi vẫn nghĩ người yêu tôi có thể sẽ rời bỏ tôi, phản bội tôi, làm tôi tổn thương vào một lúc nào đó trong tương lai. Tôi không hoàn toàn tin tưởng và giao phó.
Tôi luôn giữ lại cho mình một điều gì đó, như một sự phòng vệ, cảnh giác, để khi anh ta làm tôi đau, thì tôi không bị đau quá. Cái sự dâng hiến hết mình, cháy đến tàn tro trong tình yêu của tôi là một biểu hiện của một người sống cho hiện tại trong từng khoảnh khắc mà không cần nghĩ đến tương lai. Tôi có một khu vườn bí mật trong tâm trí mà không ai có thể chạm tay vào.
Những di chứng tổn thương trên đã dần qua khi tôi cảm thấy mình có ích, không nhiều thì ít, trong việc viết về giáo dục, nạn bạo hành và quấy rối, xâm hại tình dục. Tôi có chút băn khoăn khi có ý định viết bài này. Hiện tại, tôi là một người hoạt động xã hội, chịu khá nhiều áp lực từ cộng đồng, chịu rất nhiều thị phi, cộng đồng cho tôi niềm vui nhưng cũng đem lại cho tôi không ít nỗi đau, sự phiền muộn. Tôi không bao giờ muốn nhận từ bất kỳ ai sự thương cảm, xót xa. Chủ đề của bài viết này có thể đem lại cho tôi nhiều điều tôi không mong muốn nhận. Nhưng, sau nhiều ngày suy tư, nhiều lần viết xong lại xóa, tôi quyết định viết bởi tôi cho rằng đó là điều có ích cho người.
Đó là cách tôi sống tiếp.
Tôi kể chuyện mình, chỉ với một mong muốn duy nhất: Các bậc cha mẹ hãy thay đổi tư duy và học để biết cách yêu thương, bảo vệ con trẻ đúng cách, đem lại cho chúng những điều tốt đẹp nhất, tránh cho chúng những tổn thương mà chúng không đáng phải nhận từ sự thiếu hiểu biết của người lớn.