7-4-2019
Tiếp theo Phần 1
3/ Về Hòa ước Trung-Nhật 1952, Samuels cho rằng chính phủ Đài Loan “đã tự ý quyết định đàm phán riêng với Nhật” để ký hòa ước 28-4-1952. Điều này hoàn toàn không đúng.
Khoảng thời gian đàm phán “tiền hội nghị” hiện hữu hai “Trung Hoa”, Mỹ công nhận chính phủ Tưởng giới Thạch nhưng Anh lại công nhận chính phủ cộng sản ở Bắc Kinh. Hai bên Anh-Mỹ không bên nào nhượng bộ. Cuối cùng Pháp đề nghị không mời phía nào hết mà để cho Nhật quyền lựa chọn bên để ký hòa ước sau này. Cuối cùng Nhật đã chọn phía Đài loan, thay vì Bắc Kinh, để ký hiệp ước.
4/ Samuels viết rằng: Khi Trung Hoa trả lại quyền quản lý Bắc Việt cho Pháp vào tháng 3 năm 1946, thân phận những đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được quan tâm đến.
Ý kiến này cần phải kiểm chứng lại với các kết ước Trùng Khánh mà Pháp đã ký với Trung Hoa vào ngày 28 tháng 2 năm 1946. Trung Hoa không phải là Anh, không đơn thuần “nhường chỗ” cho Pháp “miễn phí” vào lại Đông Dương.
Về “Traité franco-chinois de renonciation à l’exterritorialité et aux droits y relatifs conclu à Tchoungking le 28 février 1946 entre la France et la Chine” nói về việc Pháp trả lại các nhượng địa của Trung Hoa. Sau 6 tháng thương thuyết, Pháp đồng ý đứng chung, nhưng trễ 3 năm, với quan điểm của Anh và Mỹ (về việc trả lại các tô giới không điều kiện cho Trung Hoa).
Kết ước giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Đông Dương (Accord Franco-Chinois portant sur l’Indochine), Pháp nhìn nhận quyền sở hữu của Trung Hoa đường sắt Vân Nam, đồng ý trả chi phí cho quân Trung Hoa đóng ở Bắc Kỳ (60 tiệu đồng một tháng), đồng ý “bồi thường” cho những thiệt hại của TH tại Bắc kỳ trong thời gian Nhật thuộc, cho phép kiều dân Hoa những ưu đãi về kinh tế… Đổi lại quân Trung Hoa rút để quân Pháp thế vào.
Tức là quân Trung Hoa rút khỏi Bắc Kỳ không phải là “miễn phí” như Samuels (và nhiều học giả khác như Bill Hayton) đã tưởng tượng.
Kết quả quân đội Trung Hoa rời Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946. Sau đó quân Pháp vào lại Bắc Kỳ đồng thời thiết lập lại nền cai trị thuộc địa.
Trong suốt thời gian 6 tháng thương lượng, phía Trung Hoa không hề đặt vấn đề chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa) với Pháp. Trước đó, năm 1943 nhân hội đàm ở Caire với đại diện hai đại cường Mỹ và Anh, Tưởng Giới Thạch yêu sách các lãnh thổ Mãn Châu, Đài loan và Bành Hồ như là điều kiện để ông này “tuyên bối chiến tranh” với Nhật. Không thấy Tưởng giới Thạch nhắc tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trái lại, sau khi Pháp vào lại Bắc Kỳ tháng Ba 1946, toàn cõi Đông Dương trở lại thời “thuộc địa”. Pháp đã làm nhiều thủ tục khẳng định chủ quyền, không chỉ ở các xứ Đông Dương, mà còn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chỉ đến khi Trung Hoa thấy Pháp có những động thái “tái khẳng định chủ quyền” ở một số đảo thuộc HS và TS, chính quyền Dân quốc mới cho thuyền đi chiếm các đảo, việc này xảy ra vào đầu năm 1947. Trong khi các đảo này đã được Pháp tái khẳng định chủ quyền, vào tháng 10 năm 1946.
Hành vi của chiếm đảo của chính quyền Dân quốc có giá trị pháp lý hay không ? Samuels nghiêng về phía Trung Hoa nhưng không chứng minh được vì sao.
Nếu Samuels có nghiên cứu về Hội nghị San Francisco 1951 để biết quan điểm của các quốc gia về số phận các vùng lãnh thổ mà Nhật đã từ bỏ thì Samuels đã có nhận định khác.
Có nhiều ý kiến khác nhau về số phận các lãnh thổ mà Nhật buộc phải từ bỏ. Nhưng Hội nghị San Francisco thực ra chỉ “pháp lý hóa” những hành vi, những sự kiện chiếm hữu lãnh thổ đã thể hiện trên thực tế, theo đúng nội dung Tuyên bố Caire, tuyên bố (tối hậu thư) Potsdam, Hiệp ước Yalta…
Điều 2 Hòa ước San Francisco, ngoài xác định cụ thể Đại Hàn trở thành một quốc gia độc lập, các vùng lãnh thổ khác thì không xác định giao cho nước nào. Nhưng ta biết rằng Sakhaline và quần đảo Kouriles trả lại cho Nga (theo mật ước Yalta). Mãn Châu, Đài loan, Bành Hồ trả lại cho Trung Hoa (theo tuyên bố Caire). Dĩ nhiên Hoàng Sa và Trường Sa trả lại cho Pháp (theo kết ước Pháp-Trung 28-2-1946).
Vấn đề hội nghị San Francisco 1951 và các kết ước Pháp-Trung 1946 sẽ trở lại các phần bên dưới.
Hành vi chiếm đảo của chính quyền Dân quốc là không có giá trị pháp lý, vì đó là hành vi “chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ”.
(Còn nữa)