Chuyện những người lính (5) – Anh Ngọc và bác sỹ Lân

Nguyễn Thọ

7-4-2019

Tiếp theo phần 1 và phần 2 và Phần 3 và Phần 4

Anh Ngọc hay ra ngồi bên con đường 15, con đường đã dẫn anh vào Nam, để nghĩ về những ân nhân của mình. Ảnh: FB Nguyễn Thọ

Trích từ “Đừng kể tên tôi“.

Tôi được chuyển về điều trị tại khoa ngoại Viện quân y 175. Làm bệnh án và điều trị cho tôi là bác sĩ Lân. Qua mười ngày tôi vẫn đang trong tình trạng khó thở. Sức khỏe suy kiệt.

Sáng nay tôi mệt lả không ăn nổi. Bác sĩ Lân đến tiêm. Mọi khi y tá tiêm nhưng không hiểu sao sáng nay lại là bác sĩ. Rút kim tiêm xong tôi lịm đi không biết gì nữa.

Tỉnh dậy tôi nghe anh bệnh nhân giường bên cạnh tường thuật lại chuyện đã xảy ra với mình. Sau khi tiêm xong tôi không kéo quần lên, không quay người lại, không bỏ chân xuống. Anh sang lắc người tôi nhắc nhở thì biết tôi đã mê man. Anh gọi bác sĩ đang thăm khám phòng bên kia. Các phòng ngăn cách bằng tấm kính nên từ phòng này nhìn rõ sang phòng kia. Các bác sĩ có mặt. Họ lật người tôi lại, đo huyết áp, kéo xem tròng mắt. Không rõ tôi bị sốc thuốc, thuốc quá liều hay vì lý do gì, chỉ biết sau đó bác sĩ Lân tiêm thuốc cho tôi rồi quan sát chờ tôi tỉnh dậy.

Từ hôm đó tôi trở thành bệnh nhân đặc biệt, được bác sĩ Lân quan tâm nhiều hơn những bệnh nhân khác. Mỗi ngày tôi phải tiêm ba lần. Tôi nằm sấp. Bác sĩ Lân chọc một phát kéo ra từ phổi một xi lanh đỏ ngầu máu mủ. Tôi bị tắc động mạch phổi. Đó chính là nguyên nhân khiến khó thở.

Số thuốc tôi phải tiêm và uống trong suốt gần ba tháng nằm viện nhiều không biết bao mà kể. Mỗi ngày ba phát tiêm. Sang tháng thứ ba giảm xuống còn hai phát mỗi ngày.

Bác sĩ Lân hàng ngày xuống thăm, động viên tinh thần tôi. Những hôm không phải phiên trực anh cũng ghé qua vài phút hỏi han dăm ba câu vui vẻ. Tôi cảm nhận được sự quan tâm chân thành anh dành cho mình.

Tôi bắt đầu ngồi dậy rồi đi lom khom. Một buổi chiều ăn cơm xong bác sĩ Lân qua rủ tôi sang nhà chơi cho thay đổi không khí. Ngôi nhà anh ở trong khuôn viên bệnh viện.

Tôi đồng ý đi. Anh dắt tôi từng bước chậm chạp. Một tay tôi cầm nạng một tay dựa vào anh như đứa trẻ lần đầu tập đi.

Ngôi nhà anh thật gọn gàng, ấm cúng. Vợ anh là chị Sâm giọng nhỏ nhẹ từ tốn. Chị pha trà. Đưa ra một đĩa bánh kẹo. Những đứa con đi lại quanh phòng quanh chỗ tôi ngồi nhìn tôi vẻ tò mò và quý mến. Chị giới thiệu mình là nhân viên điều dưỡng bệnh viện Chợ Rẫy. Không khí thân mật buổi tối giúp tôi bớt ngại ngùng khi lần đầu tiên bước vào một ngôi nhà ở Sài Gòn.

Anh dắt vài lần, sau đó tôi tự sang một mình. Nằm viện mãi cũng buồn, tôi lại dậy chống nạng đến chơi với bọn trẻ. Chúng hỏi tôi những câu trẻ nhỏ vốn hay tò mò. Câu nào tôi không trả lời được thì cười trừ.

Một lần chị mang kem cốc ra mời tôi. Tôi xúc một thìa. Kem ngon quá. Tôi định xúc thêm thìa nữa bỗng giật mình cảnh giác. Lỡ người ta bỏ thuốc độc thì sao. Tôi nhớ lời thủ trưởng nhắc nhở hôm ở Tuy Hòa. Bây giờ tình hình đang hỗn loạn khó phân biệt địch ta. Trong lòng tôi xúc động. Trong lòng tôi muốn đón nhận muốn san sẻ tâm tư nhưng phút chốc ấy đột nhiên tôi thả chiếc thìa xuống bên cạnh cốc kem rồi từ tốn nói với chị em ăn thế đủ rồi. Vị kem lạnh lần đầu tiên nếm thử thấm lưỡi tôi tới ngày hôm nay.

Chị Hai – chị gái của anh lần đầu tiên gặp tôi đã trò chuyện như quen thân từ lâu rồi. Chị cũng là dân Bắc nhưng di cư vào Nam năm 1954. Có lẽ anh chị đã nói sơ qua về tôi cho chị biết.

Chị Hai hỏi tôi ngoài Bắc cung cách làm ăn kinh tế ra sao. Tôi trả lời rằng chúng tôi làm ruộng, thành lập tổ hợp tác xã. Chị chăm chú lắng nghe tôi nói. Tôi mặc cảm bệnh tật nhưng trong lòng kiêu hãnh là anh bộ đội giải phóng. Tôi trả lời rành rẽ những thắc mắc của chị về bà con ngoài Bắc.

Ngoài Bắc làm ăn theo kiểu gì? là câu tôi được nghe những người Sài Gòn hỏi thêm nhiều lần sau đó nữa. Một người phụ nữ đã chê cười khi nghe tôi nói ngoài quê mình làm ăn theo cung cách hợp tác xã.

“Chú này, nếu làm như vậy thì đầu óc con người ta ngày càng ngu đi nhỉ”. Tôi nóng mặt vì tự ái. Tôi điềm đạm trả lời: “Cái đó là tùy suy nghĩ của chị thôi. Ngu hay không là tự cá nhân đó phát triển hay không”.

Chị tiếp tục: “Đó là chú bảo thủ. Riêng quan điểm tôi cách thức làm ăn như vậy là không tự do phát triển. Đợi đội trưởng đánh kẻng rồi dân mới cầm cuốc mang cày đi. Đội trưởng chưa đánh kẻng thì ngồi ở nhà chờ. Ngoài làm ruộng ra không biết mở rộng ra làm kinh tế thì làm sao phát triển”.

Tôi kiềm chế. Mình là bộ đội. Họ là dân. Bộ đội với dân như cá với nước, mình phải giữ lời ăn tiếng nói để đi dân nhớ ở dân thương, dù lý do gì thì gây hiềm khích là không nên.

Có chỉ thị các gia đình cán bộ không được ở trong khu vực bệnh viện nữa. Gia đình bác sĩ Lân đi tìm mua nhà ngoài phố. Anh bảo tôi cùng đi xem một ngôi nhà dự tính sẽ mua. Tôi nói, anh tin tưởng, tôn trọng thì nói thế chứ em ở quê vào rừng đánh trận rồi trên rừng về đây biết gì chuyện mua bán.

Chị thuyết phục tôi đi cùng anh. Chị nói có tôi đi cùng anh chị mới yên tâm.

Thật sao, có tôi đi cùng anh chị mới yên tâm? Tôi cảm thấy sự khách sáo trong câu chị nói. Tôi đang buồn, được đi ra ngoài thì vui. Đây cũng là dịp được thăm thú Sài Gòn.

Ngôi nhà hai tầng khang trang lộng lẫy. Vừa đặt chân vào tôi thấy choáng ngợp. Đây là phòng khách, đây phòng ngủ, đây phòng bếp, đây phòng vệ sinh. Tôi đi theo anh chỉ dẫn. Hôm ở Tây Nguyên học về chính trị chúng tôi đã được cho biết rằng trong Sài Gòn làm nhà cao tầng vì đất chật hẹp chứ không rộng rãi như ngoài ta. Trong kia hào nhoáng giàu có là vẻ bên ngoài. Vẻ hào nhoáng đó là do đế quốc Mỹ đầu tư. Tôi nghĩ tới lời cảnh tỉnh đó nên nhanh chóng lấy lại sự thăng bằng. Anh nói giá nhà là bao nhiêu cây vàng gì đó rồi hỏi ý kiến tôi ra sao. Tôi trả lời thật bình thản, ngôi nhà này cũng tuyệt vời đấy, có ưu điểm gần bệnh viện anh đi làm.

Mấy hôm nay bác sĩ Lân trầm ngâm, buồn bã. Anh đến giường bệnh tôi ngồi. Hai chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện.

– Anh nghe đài thành phố nói liên tục không?

– Tôi có nghe liên tục.

– Anh sĩ quan quân hàm đại úy anh phải chấp hành. Anh nên ra đăng ký tại phường. Người ta yêu cầu anh làm đơn gì anh làm nấy, yêu cầu anh đăng ký tên tuổi thế nào anh cứ làm như thế. Anh là bác sĩ quân y. Anh chữa bệnh cho quân nhân. Không việc gì phải sợ. Học tập cải tạo vài năm anh về.

Ngày tôi ra viện chị Sâm đưa một túi bánh kẹo, thuốc lá đến chia tay tôi.

Cảm ơn gia đình chị. Em chỉ xin một gói kẹo và một gói thuốc mang về làm quà anh em ở đơn vị. Còn lại em xin phép không nhận. Bọn em đời lính không được dùng những khoản này. Em mang về rồi đơn vị họ cho rằng em lấy khi đang đánh nhau. Đó chính là chiến lợi phẩm. Mà là chiến lợi phẩm thì thuộc vào mồ hôi xương máu của đồng đội đã ngã xuống. Chúng em dùng những thứ này là có tội với đồng đội. Nếu chị có lòng thì đợi khi ra quân chị cho bao nhiêu em cũng lấy.

Tôi về Tây Nguyên nhận được thư chị. Chị hỏi thăm vết thương tôi thế nào rồi, đã về Bắc chưa, bọn trẻ và chị Hai ở đây luôn nhắc tới tôi và mong sớm có ngày gặp lại. Cuối thư chị báo tin anh Lân nghe lời tôi đã ra phường đăng ký và hiện đang đi học tập cải tạo.

Tôi chưa kịp viết thư trả lời thì chục ngày sau nhận tiếp được lá thư nữa. Chị cho tôi địa chỉ nơi anh đang học tập cải tạo, mong tôi viết thư động viên anh.

Lá thư tiếp nữa. Tôi nghĩ ra từng lời thật mạnh mẽ động viên chị. Chị viết thư trả lời ngay khi nhận được thư tôi. Tôi cảm nhận được cái gì đó gấp gáp mà chị khó nói ra.

Tôi chỉ là một thằng lính. Tôi chỉ biết tới vậy thôi. Tôi không muốn chị buồn. Tôi không biết nói gì. Tôi ngại ngùng. Chị viết thư lên tôi im lặng.

Lá thư cuối cùng tôi nhận được viết ngày 8 tháng 12 năm 1975.

“Anh đã đi tập trung cải tạo từ ngày 23/6 đến nay gần sáu tháng chưa được về. Chị vừa làm việc vừa nuôi các cháu vừa lo không biết sức khỏe anh ra sao. Chị và chị Hai cứ gầy mòn đi. Tại tính đàn bà hay lo. Vả lại từ trước tới nay sum họp một nhà quen rồi, bây giờ xa cách không gặp được mặt nhau là chị lo nghĩ liên miên mất cả ăn ngủ nên gầy mòn chứ chị được biết chính quyền cách mạng khoan hồng, cho cơ hội cải tạo và lo cho áo cơm đầy đủ chị cũng vững tin.

Gia đình chị có ông chú ruột hiện là Đảng viên – cán bộ giáo dục, cơ sở hoạt động cho cách mạng tại Nam Việt Nam từ 1945 tới nay. Anh đã tận tình giúp đỡ cho gia đình chú trong hai lần bị bắt tù đày Côn Đảo. Chú chị có làm giấy bảo lãnh cho anh và kêu theo đơn xin của chị có thị thực chính quyền địa phương đầy đủ. Không biết đơn có được cứu xét hay không mà hai tháng nay chị chưa được thư anh. Em có thể viết thư thăm anh được không? Nếu được lá thư của em sẽ là nguồn an ủi lớn cho anh đó.

Các cháu đi học cả rồi và học giỏi nữa. Các cháu rất nhớ chú Ngọc và mến yêu chúc chú sớm được sum họp gia đình – cũng như các cháu hằng mong tin ba Lân vậy.

Chị cầu xin ơn trên cho anh, chị, chị Hai và các cháu sẽ được cùng em họp mặt trong một bữa cơm gia đình thân thiết.

Chị Sâm”.

(Hết trích)

Tác giả Phan Thúy Hà đã lấy tên Lân để đặt cho bác sỹ Nguyễn Văn Lựu. Chị Sâm tên thật là Phan Ngọc Sương. Các con anh chị tên là Tuấn, Thư, Đào, Thảo, Tú. Chị Sương từng là y tá khoa Nhi bệnh viện Chợ Rẫy.

Suốt 44 năm qua, anh Ngọc vẫn muốn tìm lại anh Lựu chi Sương và các cháu. Anh vẫn giữ kín những bức thư của chị Sương và mỗi khi mang ra đọc anh đều nghẹn ngào.

Tôi hy vọng với những bút tích dưới đây của chị Sương, cộng đồng FB chúng ta sẽ có thể tìm được gia đình chị và các cháu, dù ở Việt Nam, Mỹ, Canada, Úc hay đâu đó.

Các bạn hãy chia sẻ và tìm giúp nhé.

(Còn tiếp)

Tổng y viện Cộng hòa ở Gò Vấp trước 30.4. 1975, nơi anh Ngọc được đại úy quân y VNCH điều trị, nay là Quân y viện 175.
Thư chị Sương gửi anh Ngọc.
Anh Ngọc hay ra ngồi bên con đường 15, con đường đã dẫn anh vào Nam, để nghĩ về những ân nhân của mình. Ảnh: FB Nguyễn Thọ
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. tìm làm gì nữa?

    Quân chiếm đất mà không được chiếm được lòng dân thì đó là định nghĩa của quân xâm lăng. Quân xâm lăng, vào hành hạ nhân dân, dân ở thế cô, dân phải vượt biên tìm đường sống. Hơn 40 năm qua, ai là quân xâm lăng, ai hành hạ ai, nay đã rõ cả. Người miền Nam, đặc biệt là dân miệt vườn, thời đó họ sống thật thà, lương thiện, tốt bụng, làm ơn nhưng không đòi ơn nghĩa này kia đâu. Tui biết, vì bố mẹ là dân Bắc di cư 1954.

    Quân xâm lăng, mang danh nghĩa “giải phóng” nhưng vào hành hạ nhân dân, nay tìm tòi người cũ làm chi. Tui không chỉ mặt, không nói cá nhân người nào, nhưng tui chỉ mặt nguyên cả chế độ, nguyên cả cơ chế Việt nam dân chủ cộng hoà.

Comments are closed.