Chuyện những người lính (2) – Anh Phong

Nguyễn Thọ

30-3-2019

Tiếp theo kỳ 1

Phạm Hùng Phong cũng sinh 1954 như anh Bình, nhưng may mắn hơn Bình là ở Hà Nội. 17 tuổi Phong cũng đi nghĩa vụ quân sự như Bình, nhưng may mắn là đi giày vải và đội mũ cối. Số phận đã đẩy cả hai anh đến Quảng Trị để bắn giết nhau.

Trich hồi ký của Vinh Nguyen ở Dortmund (Đức), đồng đội của Phong:

“… Phong bị trúng 2 mảnh đạn, một mảnh vào đầu, một mảnh xuyên thái dương vào sau mắt phải, ngất đi. Do nằm cạnh cửa hầm, sau đó anh còn bị 2 phát đạn AR15 bắn thẳng vào cẳng chân.

Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong một chiếc lều bạt của Thủy quân lục chiến (TQLC). Mấy người lính nói giọng miền Nam và giọng Huế đang lao xao quanh anh. Một người lính đeo túi cứu thương cắm phập mũi kim vào vai anh, tiêm 1 liều chống uốn ván, rồi tiến hành băng bó các vết thương. Họ nói trong khi lục soát trận địa, thấy anh còn thoi thóp thở, họ đã khiêng anh về đây. Chắc quân ta tưởng anh đã chết nên khi rút đã bỏ lại. Sau này gia đình anh còn nhận được Giấy báo tử là anh đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Sau khi bị thẩm vấn qua loa, anh khai là Binh nhì thuộc Trung đoàn 48, F320B, họ đưa anh lên xe tải cùng 1 số tù binh khác và chở về Huế. Trong số tù binh đó anh nhìn thấy khoảng 10 đồng đội cùng C1 E48, có cả Đại đội trưởng Mai người Hải phòng, Trung đội trưởng Đông, và cậu Sơn cùng đơn vị huấn luyện… Nhưng tất cả đều khai là lính mới, mới được bổ sung vào Thành đêm qua, và không ai biết ai cả.

TQLC chở anh vào nằm ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 2 ngày, thấy vết thương khá nặng, họ lại đưa anh ra sân bay Phú Bài tải thương về Đà nẵng. Trên chiếc máy bay C130, ghế ngồi đã được tháo hết, khoang máy bay được cải tạo thành những giá để băng ca, có 5 tầng giá như vậy. Băng ca với thương binh được đẩy vào theo đường ray, rồi xếp lên các giá như xếp sách trong thư viện. Hạ cánh xuống sân bay Đà nẵng, trong khi chờ xe tải ra chở đi, anh tò mò ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đúng là 1 thế giới khác hẳn, ồn ào ầm ĩ, đầy ngập vật chất và kỹ thuật hiện đại. Anh lạ lẫm nhìn mấy cô gái ăn mặc hở hang, không hiểu là điếm hay nhân viên sân bay, đang ưỡn ẹo cạnh mấy người lính Mỹ. Những người lính Mỹ này vừa hết hạn phục vụ và đang chờ máy bay để về nước.

Xe tải nhà binh chở anh về Tổng y viện Duy tân điều trị. Đó là 1 Quân y viện rất lớn, chủ yếu điều trị thương binh VNCH, nhưng cũng có một khu dành riêng để điều trị thương binh tù binh CS. Khu vực này có Quân cảnh canh gác, còn lại thì không có gì khác biệt trong cách đối xử. Các anh được hưởng quy chế Tù binh của Liên Hợp Quôc, 1 USD/ ngày, còn các chế độ bệnh viện, thuốc men, ăn uống… thì cũng như Thương binh VNCH vậy

Chân anh Phong bị gẫy nên phải bó bột, người ta còn khoét 1 lỗ để thay băng cho vết thương phần mềm ở cẳng chân. Một lần thay băng thấy có dòi, viên Bác sỹ Quân y đã thẳng tay tát người Y tá vì tội không sát trùng kỹ vết thương. Bác sỹ Quân y này tên Khánh, vốn là người Bắc di cư, quê ở phố hàng Đào Hà nội. Thấy anh Phong nói mình cũng là người Hà Nội ở Phố Phan Bội Châu, ông tỏ ra có cảm tình với anh. Ông đã làm tất cả để anh không bị cưa chân và khoét mắt. Sau này, vào năm 2010, có dịp sang Mỹ, anh đã tìm đến Quận Cam dò tìm Bác sỹ Khánh để tri ân. Nhưng tiếc thay, đáy biển mò kim, không thể nào tìm được.“ [1]

(Hết trích)

Anh Phong mong muốn nhờ bạn bè FB tìm hộ bác sỹ Khánh, nghe nói đang định cư bên Mỹ. Tất cả chúng ta ở đây, ai cũng mong cuộc hội ngộ này xảy ra.

Sau khi đọc bài về anh Bình thương binh TQLC, Phong gọi điện cho tôi, kể về những trải nghiệm của anh trong thời gian điều trị ở Tổng y viện Duy Tân (Đà Nẵng). Ở đó, các thương bệnh binh Bắc Việt được điều trị trong một khu riêng có hàng rào thép gai, do quân cảnh canh gác. Nhưng chiều chiều, các thương binh VNCH vẫn kéo đến bên hàng rào bắt chuyện với các tù binh Việt Cộng và họ hay mang thuốc lá cho các anh. Phong và nhiều anh em tù binh khá ngỡ ngàng trước sự thân thiện của những người đồng bào từ phía bên kia.

Trích hồi ký… “Phong bị thương, bị bắt ngày 15.9.1972 và may mắn chỉ nằm trong tay đối phương có 6 tháng. Tháng 3 năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, Phong cùng đồng đội được máy bay chở ra trao trả ở bờ sông Thạch Hãn. Khỏi phải nói gia đình anh mừng rỡ đến mức nào, vì trước đó nhận được Giấy báo tử, họ đã lập bàn thờ làm lễ truy điệu cho anh. Mẹ anh đã khóc hết nước mắt, tinh thần lẫn thân thể suy sụp trầm trọng, thì nay lại thấy anh từ cõi chết trở về. Tất cả bạn bè và người thân ai cũng mừng rỡ cho anh.

Xuất ngũ về với đời thường, anh phải lăn lộn làm đủ nghề để sống. Bán nước ở hè phố, làm thuê, vay tiền đi buôn chuyến Hà nội-Sài gòn, rồi bị lừa trắng tay, ôn thi và đỗ Đại học, xin vào làm cơ quan nhà nước…cái gì anh cũng trải qua. Nhiều lần vết thương cũ tái phát, có lần phải vào Viện 108 mổ dùng nam châm điện để hút mảnh đạn từ sau mắt ra…[2]

(Hết trích)

Anh Phong (đứng giữa) ngày nhập ngũ. Ảnh: Nguyễn Thọ

Để tránh những cơn đau hành hạ các vết thương khi trái gió trở trời ở miền Bắc, Phong phải vào Nam làm ăn và cuối cùng đậu lại ở Mũi Né, nơi anh gây dựng được một cơ sở nghỉ mát nhỏ cho khách du lịch.

Một lần, hai vợ chồng Phong ngồi uống cà phê ở Sài Gòn, bỗng gặp một người bán vé số lết đi từng bàn để mời khách. Đó là Bình. Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri của TQLC trên đầu người bán vé số bỗng gợi lại cho Phong những ký ức cũ. Trong suốt bao năm qua, anh không bao giờ quên ơn cứu mạng của những người lính quần áo rằn ri đó. Hai vợ chồng Phong liền mua mấy vé số của Bình để bắt chuyện và hai người lính bỗng kể lại cho nhau những kỷ niệm về trận đánh đó. Cả hai đều nhận ra là mình đang nói chuyện với người mà hồi đó có thế đã xả súng bắn sang phía mình, vì hai câu chuyện khớp với nhau kinh ngac về thời gian và địa hình.

Phong nói với Bình: “Không có lính TQLC cứu tôi, đưa về viện Nguyễn Tri Phương gần đồn Mang cá ở Huế , rồi nặng quá phải dùng máy bay đưa vào Tổng y viện Duy tân ở Đà Nẵng nằm 2 tháng… thì tôi đã chết rồi”. Cùng bị thương vào chân, nhưng các bác sỹ VNCH chỉ cứu được đôi chân của anh tù binh Việt cộng. Nhìn đôi chân cụt của Bình, nghĩ đến vận may của mình, Phong ngậm ngùi xót xa.

Cùng đổ máu vì nghĩa vụ công dân, nhưng chỉ anh thương binh Bắc Việt được xã hội công nhận. Sự bất công đó phản lại đạo lý của những người Việt Nam bình thường như Phong và Bình.

Chống lại bất công, hai anh đã gắn kết với nhau từ cuộc gặp đó. Chính Phong đã gọi điện cho Bình nói là có anh Thọ ở Đức về đang muốn gặp anh ta.

Tôi xin cảm ơn các anh.

Anh Phong và anh Bình bên cái xe lăn. Ảnh: Nguyễn Thọ

—–

[1] Phần 1 hồi ký của anh Vinh

[2] Phần 2 hồi ký của anh Vinh

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây