Chuyện những người lính (4) – Anh Ngọc

FB Nguyễn Thọ

6-4-2019

Tiếp theo phần 1 và phần 2Phần 3

Anh Ngọc và Phan Thúy Hà, tác giả “Đừng kể tên tôi”. Ảnh: FB Nguyễn Thọ

Nhân ngày 30.4, tôi sẽ sưu tầm và kể lại những chuyện có liên quan đến cuộc chiến tranh đã qua, mong tìm lại được những người con Việt Nam bị lãng quên. Tôi đã tìm được anh Bình, anh Phong. Nay tôi kể về anh Ngọc ở Hà Tĩnh, một nhân vật có thật trong “Đừng kể tên tôi“ của Phan Thúy Hà.

Anh Ngọc là sỹ quan của sư đoàn 320, bị thương vào ngày 29.4 tại Củ Chi, trước khi tiến vào Sài Gòn. Điều cho đến nay anh không giải thích nổi là sau khi trúng đạn, anh vẫn chiến đấu tiếp và 3 binh sỹ VNCH ra đầu hàng anh, hai người cao to mạnh khỏe, một người bị thương. Lúc đầu họ không biết anh Ngọc đã trúng đạn, nhưng khi anh bắt họ dìu anh đi về phía đơn vị ở chợ Tân Quy, Củ Chi thì họ thấy máu chảy đầm đìa ttrên lưng anh.

Tại sao 3 người lính còn vũ khí mà không thủ tiêu một thương binh Việt Cộng, ngược lại họ đã cõng anh đi 20 phút trong khói lửa. Điều này ám ảnh anh Ngọc cho đến hôm nay. Anh vẫn muốn tìm ra ba người lính đó để cảm ơn.

Trích “Đừng kể tên tôi“

Hai mươi phút sau, đám tù binh đưa tôi về đến tận nơi anh em đang nổ súng….

… Tôi nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Muốn nói nhiều hơn nữa. Nhưng rồi ngất xỉu khi nào không biết.

Lúc tỉnh lúc mê tôi nghe tiếng anh Hường đang quát tháo tù binh vì họ kêu đau chân đau vai. Hai tù binh đang khiêng tôi đi. Họ bị lột giày và chỉ mặc quần áo lót.

Tôi thiếp đi.

Trời xẩm tối. Tôi lại tỉnh. Thấy mình đang nằm trong một cái chợ. Xung quanh nhiều người dân.

Một người phụ nữ giọng hốt hoảng: Các chú bộ đội ơi cho tôi tiếp máu người này nhé, người này thiếu máu trầm trọng, yếu quá rồi.

Người phụ nữ mang chai máu khô đến. Cột chai máu vào cái cột đình của chợ. Người dân tản ra để chị thao tác truyền máu cho tôi.

Một bác đánh xe lam đến: Bộ đội cho tôi giúp một tay với. Cần chở thương binh đến bệnh viện nào tôi chở đi.

Anh y tá nghe hợp lý. Bảo bác xe lam chở tôi tới phẫu quân y trung đoàn.

Họ đặt nguyên cả đòn cáng ngang xe lam và mang theo chai máu đang truyền.

Đến nơi họ cáng tôi xuống, đặt ngang trên miệng hố pháo 120 ly của đơn vị hỏa lực vừa rời khỏi.

Anh y tá đi cùng tôi đến đây nói với hai anh vận tải: Các anh khẩn trương đưa anh này lên tuyến sư đoàn.

Hai anh vận tải khiêng tôi chạy. Tôi nằm trên cáng lúc tỉnh lúc mơ. Một tiếng dằn mạnh đau nhói. “Từ từ các anh ơi tôi không thở được nữa. Đau quá các anh ơi đau quá các anh ơi.“ Tôi rên ư ử không thành tiếng.

Một trong hai người nói to: Đừng rên nữa, bọn tao đang cố hết sức đây.

Bất ngờ tôi nằm xoài giữa đám ruộng. Trời mưa, đêm tối. Các anh chạy nhanh quá vấp ngã. Tôi đau điếng. Vừa đau vừa rét. Một trong hai người lại nói: Chú mày thông cảm, đường trơn quá không nhìn thấy gì. Chú mày sẽ được cứu sống, không chết đâu mà lo. Bọn tao đang đi tắt cho nhanh.

Rồi họ lại bước chậm. Họ đang dò đường. Chân người đi trước giẫm phải cái ba lô. Họ dừng lại, lục tìm được tấm ni lông trùm lên người tôi. Tấm ni lông trùm lên tôi ấm hẳn.

Người đi trước nói như reo: Dưa hấu mày ơi, ăn đã.

Đường tắt qua ruộng dưa hấu. Hai người lần nữa thả phạch cáng xuống giữa ruộng. Tôi nói hai anh đặt chiếc mũ lên đầu cho dễ thở hơn, nằm phẳng thế này tôi không thở được. Họ đặt mũ vào gáy tôi. Họ đi tìm dưa hấu. Họ đi tìm dưa hấu ăn trong bao lâu tôi không biết.

– Chết cha không biết thằng thương binh đâu rồi.

– Tao và mày đi tìm hai hướng. Nhớ xát chân vào mặt đất khỏi bước qua cáng mà không biết.

Tôi nghe hai anh nói với nhau mà không sao lên tiếng được. Tôi ở đây. Các anh không tìm được chắc tôi chết ở đây trong đêm nay.

– Ơi thằng thương binh. Mày đang chỗ nào rên thật to lên.

– Bây giờ phải bảo nó rên thật to rồi ghé tai xuống đất nghe cho rõ.

– Ơi thằng thương binh sao khi cần rên mày không rên. Mày rên thật to để tao ghé tai xuống đất xem mày nằm ở góc nào.

Tôi không rên được, không làm sao rên được. Tôi còn sức đâu nữa mà rên hở các anh.

– Ơi thằng thương binh nếu mày chưa chết thì mày cố rên lên để bọn tao còn biết.

Tôi bắt đầu rên được. Tôi rên. Rên to. Bao nhiêu sức dồn hết vào mà rên.

– Rên tiếp đi nữa thằng thương binh ơi.

Tôi lịm đi.

Tôi nghe hai cái tát bộp bên tai rồi mở mắt. Tôi đang nằm trên bàn mổ. Bàn mổ là tấm liếp tre trải ni lông dựng lên trên sáu cái cọc tre. Đây là bệnh viện dã chiến cơ động.

– Quần áo đâu?

– Không biết.

– Lấy cho anh ta cái quần đùi.

Anh y sĩ mặc chiếc quần cho tôi. Tôi nhìn thấy đèn măng sông sáng. Hai anh vận tải khiêng tôi đến đây lúc mười giờ đêm. Và giờ hai anh y tá khác khiêng tôi đến hầm phẫu. Hầm phẫu nửa chìm nửa nổi có treo một chiếc đèn bão.

Trên thảm rơm thương binh nằm san sát. Tất cả đều im lặng. Tất cả đều im lặng. Tôi cũng im lặng. Nhìn ra ngoài trời đã hửng sáng.

Y tá đặt tôi ngồi giữa hai thương binh. Một người vừa tắt thở. Họ khiêng người đó ra và tôi thay vào chỗ trống.

Đầu óc tôi đã tỉnh táo. Tôi đau không nằm được. Nằm thì không thở được. Cứ ngồi hai tay ôm đầu gối. Buồn ngủ cứ thế mà ngủ. Lúc này là tám giờ sáng ngày 30 tháng 4. Trong người tôi lên từng cơn rét.

Tôi nhìn sang người anh đang nằm bên cạnh. Từ khi tôi vào đến giờ anh vẫn ngủ say.

Tôi rét run cầm cập. Nhìn thấy anh đang gối đầu lên cái bọc chiến đấu. Đó là cái bọc của người lính mỗi lần ra trận mang theo bên người. Cái bọc vẫn còn căng. Tôi đoán trong đó có quần áo dài hoặc cái gì đó để đắp. Trên người tôi lúc này vẫn chỉ một chiếc quần đùi. Tôi lay anh dậy để xin mượn. Lay mãi. Tay tôi sờ vào vai anh. Sao lạnh thế này. Tôi mò xuống tay anh xuống chân anh. Lạnh ngắt. Anh đã chết từ khi nào. Cơ thể đã cứng đi rồi.

Tôi nhìn anh nói nhỏ: Anh ơi ta đều lính cả. Anh đi rồi thì anh có cái áo cái quần dài nào cho tôi. Tôi rét quá. Anh cho tôi xin anh nhé. Nói xong tôi đỡ đầu anh lấy cái bọc.

Trong bọc vẫn đầy đủ các loại đồ phục vụ chiến đấu. Tôi chỉ xin anh bộ quần áo dài. Buộc lại gọn gàng, kê lên đầu cho anh như khi nãy.

Y sĩ đi qua. Tôi báo ở đây có người chết rồi.

Nhân viên đưa cáng khiêng anh đi. Chỗ tôi ngồi rộng hơn một tý.

Mười phút sau y tá lại cáng một người khác nằm xuống chỗ anh. Khiêng một anh thương binh vào, khiêng hai cái xác ra. Chốc chốc lại như vậy. Đơn vị quân y của sư đoàn biết mấy chục cái lán như thế này.

Anh đi rồi. Hai hàng nước mắt tôi đầm đìa. Xót xa đồng đội. Chết cô đơn lạnh lẽo. Anh tên gì quê anh đâu người thân của anh là ai. Đêm qua nếu tôi không may thì cũng giống như anh vậy thôi.

Ba tháng sau bình phục trở về đơn vị tôi được anh y tá cho biết người phụ nữ truyền máu cho tôi là bác sĩ có phòng mạch riêng ở Tân Qui, huyện Củ Chi. Chị cùng người dân tình nguyện đi cấp cứu thương binh.

Một chiều chủ nhật tôi nhờ anh y tá đưa đến nhà chị nói lời biết ơn người đã cứu mạng. Chúng tôi đến vừa khi chị đang dắt xe ra khỏi cổng. Anh y tá giới thiệu tôi và nói qua lý do sao chúng tôi lại đến nhà.

Khác hẳn với vẻ hốt hoảng hôm cấp cứu tôi, khuôn mặt chị lúc này nhìn thật xa cách và thờ ơ. Hai anh em tự nhiên lúng túng. Chị nói: các chú bộ đội cứ chờ đây, hoặc đi đâu đó một lúc rồi quay lại, chị lên Sài Gòn có chút việc rồi về.

Ngồi chờ chị ở quán nước sát bên nhà một tiếng đồng hồ chị vẫn chưa về. Chúng tôi phải về đơn vị.

Chủ nhật tuần sau tôi lại đến. Cửa đóng. Tôi sang quán nước hôm trước ngồi. Trò chuyện một lúc người bán nước cho biết chị đã theo đường vượt biên cách đây hai hôm rồi. Chồng chị là đại úy Việt Nam Cộng hòa bị giết năm 1968. Bao nhiêu năm nay chị một mình nuôi con…

(Hết trích)

Kính mong mọi người share bài này để càng nhiều người đọc càng tốt. Sự việc xảy ra ở thôn Tân Quy, Củ Chi trong ngày 29 và 30.4.1975. Hy vọng chị bác sỹ đã tiếp máu và ba anh linh VNCH đọc được sẽ nhận ra anh Ngọc.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook