Không thể không nói đôi lời về vụ Khá Bảnh

FB Hoàng Hải Vân

3-4-2019

Thú thật là cho đến khi truyền thông đồng loạt đưa tin Ngô Bá Khá bị bắt, tôi mới biết về cậu thanh niên này. Trước đó, báo chí và mạng xã hội đã “ăn theo” đưa rất nhiều tin và bình luận về em, khiến cho em trở thành người rất nổi tiếng, thỉnh thoảng tôi có lướt qua các tiêu đề nhưng chưa bao giờ đọc. Nghe nói các tài khoản mạng xã hội của Khá có hàng trăm ngàn, hàng triệu người theo dõi, rất “độc hại”, tôi cũng chưa xem lần nào. Chỉ biết rằng con em trong gia đình và bà con họ hàng tôi không đứa nào bị ảnh hưởng, cũng chưa nghe ai nói có đứa trẻ hay bạn thanh niên nào do là “fan” của Khá mà trở thành hư hỏng phạm pháp. Đây là lần đầu tiên tôi nhắc đến tên em này.

Việc bắt em Khá cũng không phải do những gì em đã làm trên mạng xã hội mà vì hành vi “tổ chức đánh bạc”, nhưng điều hơi lạ là không thấy thông tin bắt quả tang, không có thông tin về số tiền và tang vật bị thu giữ cùng các “con bạc”. Cứ cho rằng có căn cứ để bắt đi, thì những vụ đánh bạc như thế này có khắp nơi, công an xã công an huyện xử lý là đủ, sao đến Thứ trưởng Bộ Công an, rồi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải lên tiếng chỉ đích danh em. Nhưng các vị chỉ đích danh em lại không nói chuyện em tổ chức đanh bạc mà có hàm ý hướng về sự “độc hại” trên mạng xã hội mà em gây ra. Xin nhắc lại, chưa ai kết luận các hoạt động của em này trên mạng xã hội là phạm pháp. Ngay sau khi em bị băt, báo chí còn được dịp “ăn theo” em bằng việc bới móc tiền án tiền sự của em, bới móc đến cả cha mẹ em ra để “bày tiệc” câu khách.

Điều tôi muốn nói là các trường hợp như em Khá là các hiện tượng xã hội “lệch chuẩn” so với những gì chúng ta quan niệm. Dù bao nhiêu người “theo dõi” sự “lệch chuẩn” đó cũng không thành vấn đề gì nghiêm trọng. Đó chỉ là sự rủi ro của một xã hội bắt đầu cởi mở về truyền thông khiến cho những “người lớn” đạo mạo như chúng ta lo lắng. Chính cuộc sống sẽ tự điều tiết. Sở dĩ em Khá trở thành nổi tiếng là do báo chí và những “người lớn” trên mạng xã hội cao giọng dạy dỗ. Càng lớn tiếng rao giảng về đạo đức càng kích thích sự phản kháng trong giới trẻ. Càng mang tên em Khá ra miệt thị, càng kích thích các bạn trẻ “theo dõi” em.

Cùng với báo chí, chính các quan chức đang làm cho em Khá trở nên nổi tiếng hơn, bằng sự thiếu thuyết phục khi đưa em ra xử lý hình sự và bằng việc réo tên em lên tại những nơi tôn nghiêm của nhà nước. Các vị sẽ trả lời như thế nào nếu có một em nhỏ hỏi : Tại sao hai ông tướng cựu Thứ trưởng Bộ Công an phạm tội tày đình bảo kê cho việc cướp bóc tài sản nhà nước bị tòa án kết tội nhưng không bị bắt, lại bắt một em thanh niên thân cô thế cô nhưng tội thì chưa được kết luận rõ ràng ? Các vị không trả lời được phải không ? Ok, chúng em sẽ đi hỏi người khác vậy. Giới trẻ đang ngày càng rời xa báo chí chính thống vì không muốn nghe sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của các quan chức, vì chán ngấy thói đạo đức giả.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là Nhà nước chỉ nên là cơ quan duy trì luật pháp, bảo vệ lãnh thổ và tập trung vào việc cởi trói cho dân làm ăn, cho doanh nghiệp phát triển kinh tế…, còn chuyện đạo đức hãy trả về cho từng gia đình tự lo đi. Nhà nước mà đi can thiệp vào những vấn đề đạo đưc, dù mục đích “thiện lành” tới đâu cũng chỉ mang lại kết quả ngược.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Ngu ngơ khi viết bài báo này, chưa đọc hoặc chưa xem gì về đối tượng mà dám viết bài, chả hiểu nữa

  2. Phải công tâm mà thừa nhận rằng bài báo này có lý lẽ thuyết phục
    và tác giả nên đi hướng này hơn là xu phụ nhà cầm quyền.

  3. “Chỉ biết rằng con em trong gia đình và bà con họ hàng tôi không đứa nào bị ảnh hưởng, cũng chưa nghe ai nói có đứa trẻ hay bạn thanh niên nào do là “fan” của Khá mà trở thành hư hỏng phạm pháp. Đây là lần đầu tiên tôi nhắc đến tên em này.”
    Nhà báo vui lòng xem nhiều video clip của bạn này trên Youtube rồi hãy phán cũng không muộn.
    P/s: Cũng giống như cái lần tác giả”phán” về vụ cô giáo ở Bình Thuận

    • Một lầm lẫn tai hại ở từ ngữ NHẮC (đến) không phải là BIẾT hay XEM.
      Nhắc ở đây gọi là VIẾT hay ĐỀ CẬP đến trong bài viết của tác giả.

Comments are closed.