Đề án quy hoạch báo chí

Nguyễn Thông

3-4-2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký duyệt bản quy hoạch báo chí do Bộ 4T trình (sau 6 năm dang dở, đứt đoạn, tưởng đã ném vào sọt rác). Còn nhiều vấn đề phải bàn về bản quy hoạch này. Là người trong nghề, nhà cháu có vài ý kiến như thế này.

1. Xung quanh một bản đề án

Nói ngay, đó là bản đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 do Ban Tuyên giáo của đảng cầm quyền và Ban cán sự đảng Bộ Thông tin – Truyền thông soạn thảo, đã được trình lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, đặt lên đặt xuống mãi, lật qua lật lại mấy lần, có sửa chữa, thêm bớt, cân nhắc đủ thứ, đã được thông qua lần chót (những mấy lần chót, kéo dài năm này qua năm khác). Giờ chốt lại ở tháng 4.2019. Chả biết lần này chốt chặt chưa hay lại như mấy lần trước.

Thực ra việc cần phải rà soát lại hệ thống, bộ máy báo chí hiện hành không phải là điều mới mẻ gì. Ngay từ năm 2006, Bộ Chính trị và đích thân ông Tổng bí thư đã nêu ra vấn đề trên, giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo và Bộ 4T soạn thảo. Tính ra phải mất gần chục năm họ mới xây dựng xong cái đề án, có nghĩa là họ đã cân nhắc kỹ lắm, cẩn thận lắm rồi. Có nghĩa là phen này thực hiện rốt ráo chứ không phải chơi, không rao khơi khơi, đánh trống bỏ dùi, ném đá ao bèo như mọi lần.

Mục đích của đề án quy hoạch là gì, theo chính đề án nêu “nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng”. Tất nhiên, ai cũng hiểu, lành mạnh, đúng hướng tức là phải ngoan ngoãn chịu sự lãnh đạo, chỉ bảo của đảng, của nhà cai trị. Đề án này thực ra là cuộc chỉnh đốn, diệt trừ những tờ báo vô tích sự hoặc có hại cho chế độ đường thời, được nấp dưới tên gọi “quy hoạch phát triển”.

Một nhà báo đã được xem bản đề án bảo rằng, nội dung đề án nêu khá nhiều khía cạnh nhưng rất đáng lưu ý 2 vấn đề: Mỗi địa phương tỉnh thành chỉ được có 1 tờ báo in, còn lại những báo xưa nay thuộc địa phương thì phải sáp nhập thành ấn phẩm phụ của báo chính, hoặc là dưới dạng tạp chí, hoặc tự giải thể.

Sáu (6) tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định tại điều 9, điều 10 bản Hiến pháp 2013) gồm: Mặt trận tổ quốc VN, Tổng liên đoàn lao động VN (Công đoàn), Hội nông dân VN, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ VN, Hội cựu chiến binh VN được quyền mỗi tổ chức có 1 tờ báo in. Những tờ báo khác không thuộc nhóm 6 kia chỉ được tồn tại dưới dạng tạp chí (đương nhiên không thể ra hằng ngày), ấn phẩm phụ, trang tin điện tử (không phải báo điện tử). Nói tóm lại, số báo in, nhất là nhật báo (ra hằng ngày) sẽ bị giảm tối đa.

Chúng ta đều biết, hiện thời rất nhiều cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí. Có thể đó là tiếng nói của chính đoàn thể, cơ quan, tổ chức đó, nhưng cũng chẳng thiếu trường hợp bán giấy phép, để mặc bên ngoài thao túng.

Vậy thì đề án quy hoạch báo chí có cần không? Theo tôi: Cần và không cần.

Dẹp bớt cái đám báo chí bùng nhùng, èo uột, dở sống dở chết, tốn hại tiền ngân sách, tiền thuế của dân, là cần thiết. Và càng cần hơn khi, như người ta nói, hơn 800 cơ quan báo chí mà cũng chỉ như một, với vị tổng biên tập là ban tuyên giáo, chung một giọng, chỉ biết mải miết thực hiện định hướng, đi đúng lề phải, sa vào lá cải cướp giết hiếp, tình tiền tù tội… rẻ tiền, bị người đọc thờ ơ, tẩy chay, thì dẹp là phải rồi.

Phải trả báo chí về xã hội dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường, bắt nó tự cung tự cấp, tự hạch toán; nếu làm hay, đứng đắn, đàng hoàng, thời sự, khách quan, không câu khách rẻ tiền, đủ sức thu hút được bạn đọc… thì tồn tại, thì sống. Còn không thì tự tiêu vong.

Báo gì thì báo, dù của đảng cầm quyền, của quân đội, công an, mặt trận… cũng cứ phải tự lo, phải chấm dứt sống dựa ngậm vào bầu vú ngân sách. Dân không thể cứ còng lưng mãi đóng thuế nuôi những tờ báo mà cả đời họ không đọc, ví dụ tờ Nhân Dân, tờ Quân đội, tờ Công an. Không ai cấm nó tồn tại, nhưng đừng biến nó thành thứ sống tầm gửi vào mồ hôi nước mắt nhân dân.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook