“Chủ quyền – Titre – Title” và “Danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté – title of sovereignty”

FB Trương Nhân Tuấn

3-4-2019

Trong vấn đề tranh chấp giữa VN và TS về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ta thường nghe câu “Việt Nam (hoặc TQ) có chủ quyền bất khả tranh nghị ở Hoàng Sa và Trường Sa”.

Vậy “chủ quyền” là gì?

Trong luật quốc tế còn có thuật từ “Titre – Title”, VN dịch là “Danh nghĩa” và “titre de souveraineté – title of sovereignty” được dịch là “danh nghĩa chủ quyền”. Vậy “danh nghĩa chủ quyền” là gì?

Ta hiểu chữ “titre – title” trong “titre de propriété – property title” là “giấy chứng nhận quyền sở hữu”. Tương tự, ta có thể dịch (nghĩa để dễ hiểu) “titre de souveraineté – title of sovereignty” là “giấy chứng nhận chủ quyền”.

Vấn đề là “chủ quyền” là “quyền lực tối thượng trong quốc gia”. Quyền lực này “duy nhứt và bất khả phân”. Trong một số trường hợp, “chủ quyền” được đồng nghĩa với “độc lập”.

Vì vậy không có ai, không có tổ chức quốc tế nào “cao hơn quốc gia” để có thể “cấp” giấy chủ quyền của một vùng lãnh thổ (nào đó) cho một quốc gia (nào đó). Cần phân biệt một Tòa án (hay một trọng tài) quốc tế. Các định chế quốc tế này có thể “phân xử” một “tranh chấp về chủ quyền” giữa hai quốc gia ở một vùng lãnh thổ. Tòa có thể, sau khi xem xét chứng cứ của các bên, ra phán quyết cho biết vùng lãnh thổ này thuộc về quốc gia nào.

Vì vậy ta không gọi là “giấy chứng nhận chủ quyền” mà phải gọi là “danh nghĩa chủ quyền”. Ta có thể xem nó là một “thuật từ” về “khái niệm”.

Phía học giả VN luôn nói mình có “chủ quyền” ở HS và TS. Vậy “danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté” đã được xác định như thế nào (trong luật quốc tế)?

Câu hỏi này “coi bộ hay”, dành riêng cho những người VN (nóng ruột) muốn “kiện” TQ để đòi Hoàng Sa (như mới thấy ký tên um sùm trên Net).

Đối “thường dân”, việc khẳng định một “quyền sở hữu” là dễ dàng. Chỉ cần đưa “bằng khoán nhà đất” (như trước 1975) là ta có thể chứng minh quyền sở hữu của mình ở mảnh đất hay ngôi nhà kia.

VN hiện nay không nhìn nhận “quyền sở hữu đất đai” của cá nhân mà chỉ nhìn nhận “quyền sử dụng đất” với “sổ hồng, sổ đỏ”. Quan niệm “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” khiến VN khó phân biệt được đâu là “chủ quyền lãnh thổ”, đâu là “quyền sở hữu đất đai”. Bởi vì cả hai đều thuộc về “toàn dân”. Điều này rất bất lợi cho VN trong vấn đề “khẳng định chủ quyền” lãnh thổ của mình.

“Khẳng định chủ quyền lãnh thổ” là một hành vi thuộc quốc tế công pháp, có thể được thực hiện qua nhiều phương pháp, như cho dân khai thác rồi đóng thuế, hay “quốc hữu hóa” quyền sở hữu đất đai của người dân (như trường hợp Nhật quốc hữu hóa các đảo Senkaku – tức Điếu Ngư – vốn thuộc sở hữu của tư nhân). Hoặc sự việc vừa mới xảy ra, các cựu viên chức Philippin hướng dẫn người dân Phi lấy chữ ký để “đi kiện” TQ trong các vụ làm ô nhiễm môi trường hoặc lấn chiếm các ngư trường của dân Phi. Thực hiện vụ này ngư dân Phi một mặt khẳng định “quyền sở hữu các ngư trường truyền thống” của họ cũng như khẳng định “chủ quyền lãnh thổ” của quốc gia Phi.

Học giả VN “thông tuệ” cách mấy cũng “bó tay”, không biết bằng cách nào để giúp đất nước “khẳng định chủ quyền” của mình ở HS và TS.

Việc khẳng định chủ quyền hết sức quan trọng trong quá trình thiết lập “danh nghĩa chú quyền”, khi vùng lãnh thổ này “có tranh chấp”.

Ta còn có thuật ngữ “efffectivité”, từ nguyên tiếng Pháp nhưng được sử dụng phổ quát, trở thành một “lý thuyết” trong Luật quốc tế. “Effectivité” chỉ định những hành vi mà một nhà nước thể hiện trên một vùng lãnh thổ. Các việc như thâu thuế (như cấp giấy sở hữu đất cho dân ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác rồi thâu thuế), xây cất các công trình công cộng (như đèn pha), cho cảnh sát tuần tra, kiểm soát quan thuế, truy bắt hải tặc… đều thuộc về “efffectivité”.

Đây là một “lãnh vực” hết sức quan trọng, vì trong bất kỳ một cuộc tranh tụng nào trước tòa quốc tế, không ngoại lệ, quan tòa luôn so sánh và thẩm định giữa “danh nghĩa chủ quyền” với “efffectivité”. Một số trường hợp “effectivité” chế ngự và “thắng” được “danh nghĩa chủ quyền”.

Trở lại vấn đề “danh nghĩa chủ quyền”.

Theo quốc tế công pháp, một “danh nghĩa” có thể thiết lập (hay gầy dựng lên) bằng nhiều phương cách khác nhau. Các phương cách đó bao gồm tất cả những hành vi, những sự kiện, những tình huống… mà luật quốc tế gắn liền (những hành vi, sự kiện, tình huống… đó) với hệ quả pháp lý từ quá trình thiết lập chủ quyền lãnh thổ.

Người ta phân biệt : Danh nghĩa nguồn (Titres-source ), Danh nghĩa minh chứng (Titres-preuve), Danh nghĩa pháp lý (Titres juridiques) và Danh nghĩa từ các thẩm quyền (Titres-contenu des compétences).

Bỏ qua các định nghĩa “hàn lâm”. Điều chúng ta cần biết ở đây (trong phạm vi Hoàng Sa và Trường Sa) là một “danh nghĩa” có thể được chứng minh bằng nhiều phương cách khác nhau.

VN có thể chứng minh “chủ quyền” của mình ở HS và TS bằng các phương cách nào ? Điều quan trọng hơn là ta phải biết TQ có thể “thiết lập chủ quyền” ở HS và TS bằng các phương cách nào ? Ta phải biết điều này, thứ nhứt để “khẳng định chủ quyền” của mình. Thứ hai, để “hóa giải” các lập luận của TQ.

Xét “hồ sơ” chủ quyền của TQ, ta thấy TQ hiện đang chứng minh chủ quyền HS và TS qua hai phương pháp: Danh nghĩa pháp lý (Titres juridiques) và Danh nghĩa từ các thẩm quyền (Titres-contenu des compétences).

Danh nghĩa pháp lý có thể thiết lập bằng các kết ước giữa hai bên, hay các “tuyên bố đơn phương” của một bên về hành vi (khẳng định chủ quyền) của phía bên kia. Bình tĩnh nhận xét ta thấy đây là “điểm rất mạnh” của TQ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.