Vì Việt Nam hùng cường: Tái cấu trúc quân đội – Bước đi vô cùng cấp thiết

Nguyễn Ngọc Chu

2-4-2019

Một đất nước hùng cường luôn song hành cùng một quân đội mạnh. Quân đội Việt Nam đã làm nên những kỳ tích qua 3 cuộc chiến tranh khốc liệt trong 70 năm gần đây. Đó điều tự hào không chối cãi.

Nhưng không ngôi sao nào sáng mãi. Quân đội Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển với những triệu chứng lạ.

Bài viết ngắn này chỉ nói về QUÂN ĐỘI KHÔNG LÀM KINH TẾ và các thể thức quân thường trực: BÁN CHÍNH QUY, CHÍNH QUY, ĐẶC CHỦNG.

Đây là bài viết đầu trong số các bài viết về Tái cấu trúc Quân đội. Mục đích là gợi mở các tư tưởng về Tái cấu trúc Quân đội, nhằm đối phó với sự đe dọa ngày càng gia tăng của một đối thủ lăng loàn. Để phù hợp với bạn đọc thời công nghệ, bài viết chỉ nêu ngắn gọn tư tưởng mà không đi sâu diễn giải.

I. QUÂN ĐỘI PHẢI ĐƯỢC TOÀN BỘ CHU CẤP. QUÂN ĐỘI KHÔNG LÀM KINH TẾ.

1. Những người lính Việt Nam có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn tha thiết. Vì yêu quê hương đất nước nên họ sẵn sàng hiến dâng cả sinh mạng. Vì sẵn sàng hiến dâng sinh mạng mà họ quả cảm vô biên.

Ở mặt khác, yêu quê hương trước hết là yêu gia đình, sau nữa là yêu họ hàng, yêu bà con làng xóm. Tình yêu quê hương khiến họ khát khao được được sống, được trở về với gia đình, với làng xóm. Khát khao được sống khiến họ mưu trí, biến hóa khôn lường, vượt qua mọi trở ngại, chịu đựng bao khó khăn, để sống sót trở thành người chiến thắng trong những hoàn cảnh vô cùng hiểm nghèo.

Cộng với hai nhân tố trên là sợi dây di truyền trí tuệ Việt. Trí tuệ cho người lính Việt một tầm nhìn sáng chiến lược, giàu chiến thuật. Cả ba nhân tố gộp lại làm nên một người lính Việt thiện chiến. Trong lịch sử ngàn năm bảo vệ Tổ quốc, họ là những chiến binh vô địch trước mọi kẻ thù ngoại xâm.

2. Nhưng người lính sẽ hiến dâng sinh mạng vì bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến, lại “dễ đầu hàng” trước lợi ích vật chất trong thời bình. Ở mức độ cao hơn cả hai phía – “sẽ hiến dâng và dễ đầu hàng” – là cấp trên – tướng tá của họ. Cho nên nỗi lo “đầu hàng” không phải trong chiến tranh mà trong thời bình. Chức tước càng to thì nguy cơ “ dễ đầu hàng” càng lớn. Hệ quả vì thế cũng theo cấp bậc mà tăng.

Cho nên, QUÂN ĐỘI NHẤT THIẾT PHẢI ĐƯỢC CHU CẤP TOÀN BỘ MÀ KHÔNG PHẢI LO TÌM KIẾM KINH TẾ ĐỂ SINH NHAI, CÀNG KHÔNG PHẢI HAM TÌM KIẾM KINH TẾ ĐỂ LÀM GIÀU.

3. Lịch sử Quân đội Việt Nam có những bước phát triển không bình thường. Từ tăng gia cải thiện đời sống như một hoạt động phụ trợ trong giờ giải lao ở thập niên 50-60, đến tham gia phát triển kinh tế vùng sâu xa củng có quốc phòng thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, thì cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 đã chính thức quân đội làm kinh tế – bỏ qua điều cấm kị “quân đội phải được toàn bộ chu cấp”. Khi phải lo tìm kiếm kinh tế là đã rơi vào địa hạt “dễ đầu hàng”.

Hai thập niên đầu thế kỷ 21 đã chứng kiến bao nhiêu sự đầu hàng đích thực của những người lính và tướng tá Việt mà minh chứng Út Trọc chỉ là một con tốt bề nổi – ít may mắn hơn – bị lộ rồi bị đưa ra xét xử.

Cũng may là một số tướng lĩnh cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu đã kịp nhìn thấy sự tàn phá quân đội ghê gớm từ chính sách làm kinh tế, mà đã đưa ra đề xuất quân đội thôi làm kinh tế.

Tiếc thay, đã sa vào kinh tế thì thật khó đi ra. Cho nên các nhóm lợi ích đang tìm cách làm chậm quá trình triệt thoái quân đội khỏi kinh tế.

4. Quân đội đang trải qua thời kỳ đặc biệt. Như căn bệnh hiểm nghèo, mới phát tiết ít ở bề ngoài, nhưng thực ra bên trong bệnh đã lên đến Cao Hoang.

Thí dụ không ít. Điển hình gần đây là các vụ rơi máy bay quân sự. Mà minh chứng cho sự yếu kém đến sợ hãi là vụ rơi tiêm kích Su -30MK ngày 14/6/2016. Máy bay mất tích lúc 7h29 phút ngày 14/6 mà hơn 24 giờ sau quân đội mới biết vị trí của phi công Nguyễn Hữu Cường. Nhờ trước đó, lúc 4 h sáng ngày 15/6 phi công Nguyễn Hữu Cường đã được ngư dân cứu vớt, dùng điện thoại gọi điện về nhà cho vợ, ngư dân báo cho cơ quan tìm kiếm biết. Đã thế, cơ quan tìm kiếm phải mất vài giờ mới xác định được vị trí của phi công Nguyễn Hữu Cường.

Nghịch lý cho thời công nghiệp 4.0 khi mọi vị trí được định vị trong giây lát. Càng nghịch lý hơn nữa khi đem so với những năm 1966-1967, lúc phi công Mỹ bị bắn rơi ở Yên Thành Nghệ An được máy bay Mỹ xác định và đến cứu tức thì chỉ trong vòng 5-7 phút. Cũng không cần nói thêm vụ rơi máy bay CASA C 212.

Điều đó có nghĩa là thiết bị cứu trợ của phi công chiến đấu không đầy đủ. Điều đó có nghĩa là hiểu biết và ứng dụng công nghệ quân sự thấp.

5. Như vậy, vì làm kinh tế mà quân đội không được luyện tập đúng mức. Vì làm kinh tế mà thiết bị quân sự có nguy cơ bị bớt xén, hạ thấp tính năng.

Phương thuốc chữa trị thì rất rõ : QUÂN ĐỘI KHÔNG LÀM KINH TẾ.

II. CÁCH MẠNG QUÂN THƯỜNG TRỰC. CÁC THỂ THỨC QUÂN THƯỜNG TRỰC.

Thể thức quân thường trực nhiều năm rồi chưa thay đổi. Càng ngày càng không phù hợp với tiến bộ công nghệ.

Quân thường trực nên chia thành 3 thể thức: BÁN CHÍNH QUY. CHÍNH QUY. ĐẶC CHỦNG. Các thể thức này liên quan đến thời gian phục vụ, mục đích phục vụ và nội dung đào tạo.

1. BÁN CHÍNH QUY

Hàng năm Việt Nam có hơn nửa triệu nam thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Trong hoàn cảnh nước ta luôn bị đe dọa chỉ bởi mỗi một đối tượng duy nhất có nhiều triệu quân đội, thì thực thi chính sách NGHĨA VỤ QUÂN SỰ BẮT BUỘC là rất cần thiết.

Điều đó có nghĩa là các nam thanh niên đến tuổi đều phải thực thi trách nhiệm nghĩa vụ quân sự. Các nam học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH đều phải làm nghĩa vụ quân sự trước khi vào đại học hay học tiếp ngành nghề, không bỏ sót một ai.

Muốn thực thi chính sách này thì thời hạn nghĩa vụ quân sự phải dưới một năm. Hợp lý là chỉ 6 tháng.

Nên lưu ý rằng, trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, người lính chỉ được luyện tập có 3 tháng đã phải ra chiến trận đối mặt với sống chết.

6 tháng là thời hạn đủ để đào tạo thành một người lính nhuần nhuyễn. Trong đó chỉ dạy 3 khâu cơ bản:

– Sử dụng thành thạo các loại vũ khí cơ bản.
– Sở hữu các kiến thức phổ dụng về chiến thuật và tình huống quân sự.
– Luyện tập võ thuật, rèn luyện tinh thần và thể chất.

Để phù hợp bới luật nghĩ vụ bắt buộc này, tốt nghiệp PTTH phải kết thúc vào tháng 5 hàng năm, và đại học có 2 kỳ nhập học: vào mùa Thu ( tháng Tám) và mùa Xuân (tháng Giêng) hàng năm.

Như vậy các nam thanh niên sau khi tốt nghiệp PTTH thì bước vào nghĩa vụ quân sự 6 tháng và kịp nhập học đại học vào ngay đầu năm sau, hoặc muộn thì 1 năm sau nữa.

Lực lượng quân đội ngắn hạn 6 tháng này là quân đội BÁN CHÍNH QUY.

Trong một năm có 6 tháng có quân đội BÁN CHÍNH QUY. Số lượng BÁN CHÍNH QUY khoảng 400 000 và tăng dần theo dân số.

2. CHÍNH QUY

Quân đội chính quy nên duy trì như thời hạn phổ cập hiện nay là 2 năm. Trong suốt hai năm chỉ tập trung đào tạo chiến thuật chiến lược, sử dụng các loại vũ khí, tập luyện võ thuật, rèn luyện tinh thần và thể chất, các tình huống thực chiến…

2 năm chỉ dành cho quân sự, mà không có một mục đích lao động nào khác. Thời hạn tập luyện tích cực 2 năm là đủ để trở thành một người lính hoàn thiện.

Quân đội chính quy nên duy trì ở trức trên dưới 200 000.

3. QUÂN ĐỘI ĐẶC CHỦNG

Quân đội đặc chủng có thời hạn đào tạo từ 3 năm trở lên. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ do yều cầu đào tạo và mục đích phục vụ. Lực lượng tinh nhuệ này có thể duy trì ở con số 100 000.

Như vậy, trong một năm, quân chính quy và đặc chủng của Việt Nam có chừng 300 000. Trong 6 tháng có thêm 400 000 bán chính quy. Tính bình quân hàng năm có 500 000 quân thương trực.

Điều quý báu của thể thức BÁN CHÍNH QUY là hàng triệu nam thanh niên Việt Nam đều thực thi nghĩa vụ quân sự và trở thành những người lính biết võ thuật, khỏe mạnh, có hiểu biết về chiến thuật quân sự và sử dụng thành thạo các loại vũ khí.

Lúc Tổ quốc cần, đó là một Quân đội hàng chục triệu chiến binh vô địch.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây