27-3-2019
Qua anh Vinh, một cựu binh thành cổ Quảng Trị, tôi được số điện thoại của anh Bình. Trong những ngày vội vã về Sài Gòn sửa nhà cho Má, tôi tranh thủ liên lạc với anh.
Bình từng là hạ sỹ quan thủy quân lục chiến Quân lực VNCH, bị cụt cả hai chân trong trận chiến nồi da xáo thịt ở Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa 1972. Hiện nay, anh hàng ngày ngồi xe lăn bán vé số ở khu vực quanh trường đua Phú Thọ. Nhận được điện thoại của tôi, anh mừng lắm, tuy không hề quen biết nhau. Tôi muốn biết hiện anh ở đâu để chạy xe Grab đến. Anh nói tôi: Khi nào đi cứ gọi, tôi sẽ chỉ cho anh là tôi đang lăn bánh nơi nào.
Chiều hôm qua, chúng tôi hẹn nhau trước cửa chung cư Phú Thọ, đường Lê Đại Hành. Thanh toán xong tiền Grab, tôi gọi điện xem anh ở đâu, thì nghe anh nói: “Cứ đứng đó, tôi thấy anh rồi!“. Từ bên kia đường, một người đàn ông ngồi xe lăn băng tới.
Khuôn mặt rạng rỡ của anh, đôi giày da lắp vào đôi chân cụt và cặp nạng trên chiếc xe lăn đã làm tôi xúc động. Tôi rủ anh vào một quán cà phê đầu phố để trò chuyện. Bình nhỏ hơn tôi 3 tuổi nên kêu anh xưng em. Tôi khâm phục sự uyển chuyển, thao tác nhanh nhẹn, kết hợp xe, nạng và đôi tay trong mọi địa hình của anh. Bình đã sống 47 năm bằng phần còn lại của thân thể, nhưng anh không hề là kẻ “phế“, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tôi nói vậy vì Bình không nhận mình là “thương binh“. Anh nói “Em chỉ là phế binh“.
– Sao vậy?
– Đó là cách phân biệt người lính bị thương ở hai trận tuyến hồi giờ – Bình cười- Em quen với cái danh hiệu đó rồi. Vả lại ngày nay, những cán bộ tuy gọi em bằng từ đó, cũng không còn ác ý như xưa nữa. Họ không còn miệt thị chúng em là đồ “Ngụy”, là lũ “Bám càng” như xưa. Những năm đầu sau 75, tuy em tàn phế như thế này mà cứ đến 30.4 hay 2.9 là em cũng bị tập trung cùng các anh em “Ngụy” đến một nơi. Họ nhốt tụi em 3-4 ngày, bắt gia đình ngày mang cơm đến nuôi, rồi hết ngày lễ trả về nhà. Giờ thì cảnh đó đã may mắn chấm dứt rồi.
– Các anh và những người miệt thị, hành hạ các anh chỉ khác nhau ở sự may rủi. Nếu họ sinh ra ở miền Nam còn anh sinh ra ở miền Bắc thì tình cảnh lại ngược lại thôi – Tôi trầm ngâm.
– Dạ cái số mình nó vậy mà anh. Bình cười hiền khô.
Trong cả câu chuyện của Bình tôi không hề nhận thấy sự hận thù đối với những người đã ngược đãi anh. Đối với cả những người đã bỏ rơi các anh, từ đó đến nay chưa hề có ai đứng ra xin lỗi về việc họ bỏ đất nước, bỏ chiến hữu ở lại, anh cũng không giận họ. Anh coi tất cả đều là số phận, của từng con người, của cả dân tộc.
Số phận đã đưa cậu thanh niên Bình gia nhập Quân lực VNCH, như là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với nhà nước. Viên hạ sỹ thủy quân lục chiến đã bị pháo cối băm nát đôi chân trong trận đánh một mất một còn với những người đồng bào ở bên kia chiến tuyến. Bình hoàn toàn tỉnh táo khi được máy bay trực thăng chở đến quân y viện ở Huế. Sau này, đồng đội nói với anh rằng, những người bị thương vẫn tỉnh táo mà sống sót như anh xưa nay là hiếm. Để cứu anh, các bác sỹ phải cắt cả hai chân đến gần đầu gối.
Bình giải ngũ với chứng nhận thương tích 100%. Tuy cảm thấy tuyệt vọng với tương lai của mình, anh vẫn thoát được mối lo vật chất. Chính quyền VNCH cấp cho anh mức lương thương binh hơn 10 ngàn đồng thời đó, khoản tiền khá hậu hĩnh cho phép người thương binh không phải lo cho cuộc sống đến cuối đời.
Ngày 30.4.1975, Bình buồn vì sự sụp đổ của chế độ đang nuôi mình vì đã đổ máu cho nó. Nhưng cũng như hàng triệu người Việt khác, anh mừng vì chiến tranh kết thúc. Anh mừng vì sẽ không còn ai phải chịu những mất mát như anh.
Nhưng chỉ ít ngày sau, anh biết quyển sổ lương thương binh của anh đã mất giá trị. Khủng khiếp hơn thế nữa, nhân phẩm của người thanh niên 21 tuổi cũng mất giá trị. Những gì xảy ra sau đó, khỏi cần kể. Chỉ biết rằng biến cố đó đã xô đẩy anh đến chỗ lê lết đi ăn xin trên đường phố Sài Gòn, trong ánh mắt thương xót của người này và sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của kẻ khác.
Trong cái thảm cảnh đó, niềm an ủi duy nhất của anh là: Mình vẫn may hơn nhiều đồng đội khác đã tan xác nơi chiến trường.
Niềm tin vào cuộc sống không bao giờ tắt đã khiến Bình gượng dậy, quyết rũ bỏ kiếp ăn xin để trở thành người bán vé số.
Rồi niềm tin đó được sưởi ấm thêm lên, khi có một người con gái đem lòng yêu thương anh bán vé số tàn phế. Hạnh, cô công nhân nghèo, quyết chung sống với anh, 10 năm sau ngày anh bị mất quyển sổ lương thương binh, bị tước quyền làm người bình thường. Hạnh cũng bỏ nghề công nhân, theo Bình rong ruổi bán vé số. Cuộc đời vé số của gia đình nhỏ bé đó đã kết hoa trái và Hạnh tặng Bình một cháu trai.
Cho đến hôm nay, khi Hạnh đã về già, bị bệnh tật hoành hành, không còn làm việc được nữa, Bình vẫn coi Hạnh là cứu tinh của đời mình và anh vẫn hàng ngày đi bán vé số để nuôi cô.
Tôi hỏi: Cháu trai có giúp được gì cho bố mẹ không?
-Chúng em khó khăn quá, không có điều kiện nuôi cháu ăn học đến nơi đến chốn, vả lại với cái lý lịch “con lính ngụy” cũng khó cho cháu anh à. Nay cháu đã 30 tuổi và chỉ đi làm bảo vệ cho các cửa hàng, đủ cho cuộc sống của cháu thôi anh. Quan trọng nhất là cháu biết thương ba má nghèo.
Bình lạc quan với cuộc đời vì những tình thương đó. Chiếc xe lăn anh đi, cũng do các linh mục và tín đồ dòng thánh “Chúa cứu thế” quyên tặng. Anh kể: nhiều người nhìn thấy em, họ mua vé số mà không cần thắng, họ chỉ mua cho em!
Trong các tình cảm đó. Bình nhớ nhất tình cảm của anh Phong.
Vào một ngày nọ, Bình gặp một cặp vợ chồng người Bắc sang trọng. Anh Phong, một doanh nhân nhỏ ở mũi Né cùng vợ vào Sài Gòn chơi. Tình cờ Phong gặp Bình và cả hai người đều linh cảm thấy có gì đó gắn bó họ với nhau.
Phong là anh bộ đội miền Bắc, cũng bị thương trong trận giành giật thị xã Quảng Trị hè 1972. Máu của hai anh đã cùng đổ chỉ cách nhau vài mét chiến hào.
Nhưng họ gắn bó với nhau không phải vì cùng chứng kiến một thảm cảnh, mà vì cùng chia sẻ với nhau một giá trị: Tình người!
Sài Gòn 27.3.2019
(Còn tiếp)
Trích:
“Ngày 30.4.1975, Bình buồn vì sự sụp đổ của chế độ đang nuôi mình vì đã đổ máu cho nó. Nhưng cũng như hàng triệu người Việt khác, anh mừng vì chiến tranh kết thúc. Anh mừng vì sẽ không còn ai phải chịu những mất mát như anh.”
Còn tôi – tôi mừng vì từ nay không còn sợ bị Việt cộng pháo kích bừa bãi vào thành phố, đi xe đò (xe khách), xe lửa không còn sợ bị Việt cộng giật mìn, đi xem hát, xi nê không còn sợ bị Việt cộng quăng lựu đạn vào trong rạp nữa……..