Đất nước như những đường dây điện

FB Đỗ Cao Cường

21-3-2019

Nhiều lúc tôi định khóa facebook, tránh xa đám đông để tập trung lo cho cuộc sống của riêng mình, nhưng… nhìn đâu cũng thấy bất công, ô nhiễm, muốn làm ăn lương thiện, cạnh tranh sòng phẳng cũng chẳng được, dân oan cả nước thì vẫn thường xuyên gọi điện, đến lá đơn cũng phải soạn giúp họ, các tổ chức đấu tranh, môi trường… thì nhiều nhưng có mấy ai đến với họ, chỉ một số vụ nổi lắm mới được nhiều người biết đến.

Nếu im lặng thì họ cũng sẽ im lặng và chờ chết, nên thi thoảng tôi vẫn phải đến động viên, cũng không muốn họ đến chỗ mình vì sợ tốn tiền xăng của họ, không muốn mình bị mang tiếng…

Nhưng dù muốn hay không, thì giá điện đã chính thức tăng 8,36%, còn thu nhập của những người dân lam lũ, nghèo khổ vẫn vậy. Xăng tăng, điện tăng, giá nhiều mặt hàng khác được dịp tăng theo, đời sống của người dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, tiền ngày càng mất giá, lạm phát leo thang, giấc mơ lên thiên đường giống như một lời thách đố.

Điện là ngành độc quyền, kiểm soát giá, một phần do sự im lặng của bầy cừu, nên họ thích thì họ tăng. Nhưng điều đau đớn ở chỗ tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư thua lỗ ngoài ngành như xây biệt thự, sân tennis,… người dân phải nai lưng ra trả tiền điện bù lỗ cho những khoản đầu tư ngoài ngành đó.

Bi kịch còn nằm ở chỗ người nghèo đi nuôi người giàu, người dân đóng tiền điện với giá cao hơn cả những đại gia FDI, những nhà máy thuộc khối công nghiệp nặng.

Giá điện sản xuất rẻ hơn giá điện sinh hoạt, các nhà máy thép, xi măng thi nhau mọc lên (trong khi lượng điện tiêu thụ của những nhà máy này chiếm nhiều nhất), thêm khoản xả thải trực tiếp ra môi trường để tiết kiệm chi phí, cần thiết ký hợp đồng với một bên xử lý chất thải để dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm.., đạt lợi nhuận tối đa, tỷ phú thế giới dễ dàng hình thành bên cạnh những làng ung thư, chết trẻ, coi mạng người như cỏ rác.

Họ còn giải thích giá điện tăng là do chi phí đầu tư thiết bị, công nghệ, giá than nhập vào tăng. Nhưng, từ một nước xuất khẩu than với trữ lượng hàng đầu thế giới, Việt Nam bán cho Trung Quốc loại than chất lượng cao với giá rẻ như bèo, cuối cùng Trung Quốc bán lại loại than chất lượng thấp cho Việt Nam với giá đắt hơn các nước khác, đắt gấp 3 – 5 lần so với lúc Việt Nam bán ra.

Không những vậy, chúng còn dụ Việt Nam bằng cách cho vay tiền đầu tư vào nhiệt điện, với điều kiện phải dùng nhà thầu, công nghệ Trung Quốc.

Và rồi, những ngôi làng chết bên cạnh các nhà máy nhiệt điện sử dụng dây chuyền Trung Quốc xuất hiện, bụi siêu mịn cho tới carbon dioxide, các hợp chất thủy ngân, lưu huỳnh dioxit và nitơ oxit, lượng xỉ than khổng lồ bao gồm thạch tín và chì ngấm vào nguồn nước… nhanh chóng phát tán ra toàn lãnh thổ, hủy hoại giống nòi và là một trong những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới… Cùng với những con phố Trung Quốc đặt quanh khu nhà máy, hàng nghìn lao động trái phép từ Trung Quốc tràn sang đe dọa tới an ninh, quốc phòng…

Giá điện tăng, nhiều công nhân phải làm tăng ca, với rất nhiều rủi ro và thiếu thốn, khi đi làm về, gặp phải tên yêu râu xanh sàm sỡ nhưng chúng chỉ bị phạt 200 nghìn, không bù nổi số tiền điện họ phải thắp thâu đêm vì sợ hãi.

Không bù nổi những ngày lội nước đi làm, đi học, bị dây điện đứt, rò rỉ, chết rồi còn bị những kẻ tu hành khẳng định là họ chết do quả báo.

Và còn rất nhiều nơi tôi đến, người dân vẫn chưa có điện, họ làm quần quật trên những cánh đồng mà không có điện, cũng có nhiều nơi người đi làm đồng chết do bị điện giật, những đứa trẻ đi học còn bị dây điện trung thế rơi trúng người…

Giá điện tăng nhưng tính mạng và sức khỏe của người dân luôn bị đe dọa. Cứ nhìn hệ thống dây điện chằng chịt là đủ biết năng lực quản lý của các cấp chính quyền…

Có người ví đất nước này với nhiều thứ lớn lao lắm, còn tôi, tôi ví đất nước này lằng nhằng như những đường dây điện.

Bình Luận từ Facebook