13-3-2019
Tiếng chó sủa inh ỏi khiến Quyên bừng tỉnh. Cô khẽ khàng trở dậy để đứa con 19 tháng tuổi không giật mình thức giấc. Cô rón rén rời khỏi chỗ nằm. Vừa bước ra cửa, lập tức Quyên bị một nhóm công an xông vào lôi đi. Chúng túm tóc, kéo lê cô trên đường. Vừa lôi kéo, vừa đánh đập và chửi rủa. Chúng tống Quyên lên xe rồi bẻ tay cô ra sau, lấy túi ni lông màu đen trùm kín đầu cô lại. Không nhìn thấy gì nhưng Quyên nghe thấy nhiều tiếng chửi rủa, nạt nộ, ra lệnh của công an, lẫn với những tiếng gào khóc, la thất thanh của những người hàng xóm. Giữa những tiếng kêu gào, thất thanh ấy có cả tiếng của chồng, của bác và người dì ruột của Quyên. Họ cũng bị những nhóm công an lôi đi. Rồi cô nghe rõ tiếng khóc đầy kinh hãi của các con mình.
Quyên bị trùm kín đầu, bịt miệng, thỉnh thoảng lại bị tên công an nào đó ngứa tay ngứa chân đánh, đá cho vài cái trong suốt chặng đường bị bắt từ nhà đến đồn công an.
Chúng tra khảo, buộc tội cô đủ điều. Nhưng Quyên không bận tâm. Nỗi đau trên thân thể không là gì so với nỗi lo lắng, xót xa cho các con. Giờ này ai chăm nom chúng khi gia đình cô cả thảy 4 người bị bắt: hai vợ chồng Quyên, ông bác và bà dì ruột.
Hôm ấy là một ngày kinh hoàng và dài lê thê.
Xong việc, chúng thả cô khỏi đồn công an. Khi ấy, trời cũng đã về khuya. “Xong việc”, tức là chúng đã hoàn thành mục tiêu phá huỷ toàn bộ hơn 500 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng. Nhanh gọn, sạch sẽ, và không chút ghê tay.
Khi bị giam trên đồn công an, Bảo Quyên biết rằng 5 căn phòng trọ của mình và hàng trăm căn nhà khác đều bị phá huỷ. Nhưng cô vẫn bàng hoàng trước cảnh tượng mắt mình đang chứng kiến. Quyên không còn nhận ra đâu là vết tích của căn nhà mình, nơi mới chỉ hôm qua thôi vẫn rộn rã tiếng cười con trẻ. Không còn nhà, không còn ngõ, không còn những luống rau xanh mướt. Chỉ thấy đống đổ nát khổng lồ với những gương mặt rúm ró đớn đau. Tiếng ai oán, tiếng than vãn hoà lẫn với bóng đêm. Ba đứa con của Quyên ngơ ngác khi nhìn thấy mẹ, không giống với mẹ chúng hàng ngày. Ôm con vào lòng, cố nén nhưng nước mắt vẫn trào ra.
Bảo Quyên là thế hệ thứ ba trong một gia đình Công giáo “Bắc 54” gắn bó với mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng. Nếu nhà cầm quyền không biến nơi đây thành đống đổ nát, thì các con của Bảo Quyên sẽ trở thành đời thứ tư kế tiếp, sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại. Và tương lai của chúng cũng không bị tước đoạt đến mức “chẳng còn nhà để về” như bao gia đình khác tại Vườn rau Lộc Hưng sau ngày 4 và 8/1 kinh hoàng ấy.
Quyên không bao giờ nghĩ rằng gia đình mình và bà con chòm xóm phải trải qua cơn khổ nạn thương tâm này. Trong vòng hơn 10 tiếng đồng hồ, toàn bộ cư dân Vườn rau Lộc Hưng đã bị nhà cầm quyền hoá phép, biến thành những kẻ vô gia cư, không còn nhà để về, không có nơi nương náu.
Đêm nay, gia đình Quyên và nhiều gia đình khác phải ngủ ngoài trời. Rồi cũng từ hôm ấy, hàng trăm người dân Vườn rau Lộc Hưng lâm vào cảnh khốn cùng, điêu đứng. Không phải ai cũng mạnh mẽ, vững chãi để đối mặt với sự cướp phá, cơn tai họa quá lớn này. Nhiều người suy sụp cả sức khỏe lẫn tinh thần. Anh Tám phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Chị Hương luôn miệng nói nhảm, “chúng nó đến đập nhà kìa, đóng cửa lại đi” mỗi khi có người tới thăm. Còn bao nhiêu người hoảng loạn như thế. Rồi còn phải “cắt cử” người ra trông đất nữa. Ra trông đất là không thể đi làm kiếm tiền được. Phải chấp nhận dầm sương dãi nắng, đối mặt với đàn áp, đánh đập, bắt bớ của công an, côn đồ. Nhiều ngày, nhiều tháng, có khi nhiều năm, chưa biết đến bao giờ chấm dứt.
Không có khả năng thuê nhà trọ, vợ chồng Quyên cùng ba đứa con phải tá túc trong nhà kho của một người họ hàng. Đứa con trai lớn của Quyên lên 6 tuổi, đứa thứ hai lên 3, liên tục kêu nóng, kêu nhớ nhà.
Tròn 2 tháng sau khi bị đập nhà, cướp đất, Quyên lại bị bắt. Vào đúng cái ngày mà nhà nước CHXHCN Việt Nam rêu rao là “Ngày Quốc tế Phụ nữ” 8/3. “Tội” của Quyên là dám quay phim, ghi lại hình ảnh bà con dân oan VRLH ra thăm mảnh đất của mình, tặng hoa và động viên nhau vượt qua kiếp nạn này. Bị bắt cùng với Quyên còn có một người mẹ trẻ khác là Thuý Thanh. Nhưng trong cơn vùng vẫy, Thanh bị rơi khỏi xe. Và cô chỉ bị đánh đập thôi, không bị bắt lại.
Quyên bị tống lên xe. Lần này chúng không lấy túi ni lông màu đen để trùm đầu cô nữa.
– Phản đối công an đàn áp, bắt bớ người dân! Cô la lớn.
Một trong những tên bắt cô quát:
– Chúng mày mà là người dân à?
Một tên khác đặt tay lên người cô, ý định sàm sỡ. Quyên hét lên:
– Anh mà giở trò, tôi sẽ kiện. Hắn thôi.
Quyên bị đưa đến đồn công an phường 10, quận Tân Bình. Tra khảo chán, chúng lại tống cô lên xe, chở đến đồn công an phường 1.
Quyên kể với tôi, giọng phẫn uất “chúng cho hai người phụ nữ vào lột quần áo của em. Hai chị này khoảng ngòai 30 tuổi, mặc áo dài, trang điểm đẹp đẽ, đi giày cao gót, đeo kính cận trông có vẻ trí thức lắm”.
Bảo Quyên còn kể rằng khi cô đau bụng, muốn đi vệ sinh họ cũng đi theo trong tình trạng cô không còn mảnh vải trên người. Quyên ngồi trên bồn cầu, quay mặt vào trong, nói với bọn lột đồ:
– Tôi đau bụng lắm rồi. Nếu các chị không ra ngoài, làm sao tôi đi nổi. Chả lẽ các chị đứng đây để ngửi cứt của tôi?
Hai tên công an nãy giờ vẫn thập thò ngoài cửa toilet, ra lệnh cho hai ả “trí thức”:
– Ra ngoài cho nó đi, nhưng bảo nó không được chốt cửa.
Suốt 9 tiếng đồng hồ bị giam, có lúc công an đã phải gọi bác sĩ đến thăm khám cho Quyên vì cô bị hạ đường huyết, kiệt sức. Nhưng chỉ khám thôi, không thuốc men, cũng không được ăn uống gì. Cô yêu cầu được về nhà để cho con bú, nhưng chúng phớt lờ. Chúng đe dọa, rồi dụ khị cô. Vẫn là những luận điệu quen thuộc. Đại loại “Ai là kẻ xúi giục bà con ra đất?; Ai cầm đầu?; Ai cho tiền để ra đất ngồi?; Có phải anh Chánh, anh Trực (*)xúi bẩy, cầm đầu không?; Có biết quay phim, chụp hình là chống lại chính quyền không…?
Ông Nguyễn Thành Danh, chủ tịch UBND phường 6 xuất hiện. Thì ông cũng vẫn tra hỏi những câu công an vừa hỏi thôi. Nhưng có thêm máy quay phim để trước mặt. Quyên im lặng. Cô biết rằng, chỉ cần cô mở miệng thôi, bất kể là nói gì thì sau này sẽ có hình ảnh “lãnh đạo chính quyền địa phương tiếp xúc với bà con Vườn rau Lộc Hưng”, hoặc “người dân VRLH cảm ơn lãnh đạo địa phương đã quan tâm đến đời sống bà con”, hay “người dân Lộc Hưng đã nhận hỗ trợ thỏa đáng”, để đưa lên truyền thông “lề đảng”… Tôi thầm cảm phục người phụ nữ trẻ này vì sự thông minh, kinh nghiệm của cô khi đối phó với công an, với quan chức cộng sản. Danh khuyên Bảo Quyên về tuyên truyền để bà con nhận tiền đền bù và trả thêm 30% cho những ai ra kê khai tiếp. Quyên thẳng thừng từ chối và khẳng định quyền sở hữu của bà con trên mảnh đất VRLH. Đồng thời tố cáo chính quyền địa phương (trong đó có Danh) đã phá nhà, cướp đất của người dân Vườn rau.
Đe dọa không được, dụ khị, vuốt ve cũng không xong. Công an yêu cầu cô ký biên bản phạm tội “tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự và tự ý quay phim, chụp hình”. Tất nhiên là Bảo Quyên không ký.
Sau 9 tiếng đồng hồ bị giam giữ, tra khảo, nhục mạ và bị bỏ đói. Quyên được thả khỏi đồn công an để… tự đi về trong tình trạng căng thẳng, kiệt sức. Giống như lần bị bắt hai tháng trước, đứa con út của cô khóc cả ngày vì nhớ mẹ, khát sữa. Hai đứa lớn đã lờ mờ hiểu về thảm cảnh gia đình nó nên cũng ít vui đùa, và nhút nhát hẳn. Mẹ Quyên quá mệt mỏi và xót cháu nên đã mang bé út mới 19 tháng tuổi về quê “mày cứ căng thẳng như thế chẳng còn sữa cho con bú, thôi thì để mẹ mang cháu về quê cho nó đỡ khổ. Nay mày bị bắt, mai bị đánh đập, thằng bé hoảng sợ cũng không lớn nổi”.
Quyên tâm sự với tôi “Em biết là chị cũng có con nhỏ như em, cũng mất hết không còn gì trong đợt cưỡng chiếm vừa rồi. Nhưng chị ráng lên nhé. Chúa và Mẹ không bỏ rơi chúng ta đâu”.
Ừ thì phải ráng thôi Quyên ạ, chứ còn cách nào khác nữa. Mọi sự, chúng con xin phó thác cho Chúa.
Hình ảnh gia đình Bảo Quyên sau khi nhà bị đập. Hiện nay cả nhà cô phải tá túc trong nhà kho của một người họ hàng:
Hôm nay kỷ niệm ngày thảm sát Gạc Ma.
ĐMCS! Hèn với giặc, ác với dân!!