“Thiên Thu Định Luận” và người bạn sử học của cha (Phần 1)

Dương Tự Lập

26-2-2019

Chú Hoàng Nhật Tân là dịch giả và là nhà sử học nổi tiếng với bút danh Thanh Đạm, Hoàng Thanh Đạm. Từng dịch cuốn “Bàn về Khế ước Xã hội” (của J.J.Rousseau); “Bàn về Tinh thần Pháp luật” (của Montesquieu); từng viết cuốn “Nguyễn Trường Tộ” và “Tìm hiểu lịch sử một xí nghiệp – Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo”…

Năm 1952, chú từng là thư ký cho Việt thọt-Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) chính khách đảng CSVN. Năm 1957, chú được Trung ương Đảng cử sang Mạc-Tư-Khoa học tập lý luận ở trường Đảng cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô rồi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ Sử học. Về nước, chú công tác tại Viện Sử học. Chú là bạn thân, cùng tuổi, cùng làng, cùng học với cha tôi từ thời để chỏm. Nhắc tới chú Tân bao giờ mẹ tôi cũng nói: Anh Tân là người con có hiếu.

Cha đẻ chú Tân là ông Hoàng Văn Hoan (Hoàng Ngọc Ân), cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Ông Hoan có hai người vợ chính thức nhưng duy nhất có mỗi chú Tân là con bà vợ cả, còn bà vợ hai mất khi tuổi đang xuân ở trong quê làng Quỳnh Đôi.

Nếu không xảy ra sự kiện tháng 7 năm 1979 trên đường đi Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) chữa bệnh rồi ông Hoan bỏ trốn sang Trung Quốc qua ngả Pakistan, thì có lẽ gia đình chú Tân sống khá hạnh phúc, no đủ, êm ấm tại ngôi nhà cổ ở 29 Nguyễn Gia Thiều, sát góc phố Trần Bình Trọng – Hà Nội. Ngôi nhà có một khoảng sân phía trước rất đẹp với hai cây phượng già ngoài cổng trong hàng cây chạy dọc phố lên tới đường Quang Trung.

Trong mắt tôi, ông Hoàng Văn Hoan là người có thân hình cao lớn. Chú Tân cũng vậy, gương mặt giống mẹ đẻ, cao lớn giống cha. Hồi gia đình tôi ở trong khu Nhà Hát Nhân Dân, nay là Cung Văn hóa Hữu nghị 91 Trần Hưng Đạo, ông đã hai lần vào chơi, thăm hỏi bố mẹ tôi. Ngoài tình làng nghĩa xóm, còn có tình đồng chí bởi năm 1925 – 1930 ông và ông ngoại tôi là Hoàng Văn Hợp cùng đi hoạt động cách mạng. Không may ông ngoại tôi bị Pháp bắt và tử hình tại huyện lỵ Quỳnh Lưu ba ngày sau khi ông chỉ huy cuộc biểu tình trong phong trào Xô viết – Nghệ tĩnh khi tuổi chưa đầy ba mươi.

Cha mẹ tôi coi ông Hoan cũng như cha đẻ mình vậy. Nhiều chục năm sau, trên bước đường tha phương tôi vẫn thường nghĩ dại (họa trung hữu phúc) trong họa có phúc. Nếu như ông ngoại mình còn sống mà trung thành đi theo cái Đảng cộng sản này không khéo đại họa cho gia đình tôi. Mùa Xuân năm 1975, ông Hoan vào tuổi bẩy mươi, cha tôi có bài thơ mừng thọ ông:

Mừng Thọ Ông Hoàng Văn Hoan Tuổi 70

Hoan hỷ mừng ông bảy chục tuần
Trời xuân đất nước chửa vào xuân
Được mùa tám tấn dân kêu đói
Đời sống nâng cao lại hụt chân
Bởi lũ xu thời ngầm hại Đảng
Vì phường trục lợi khoét trong dân
Chúc ông khỏe vững thêm tay lái
Đất nước vào xuân nhật nhật Tân.

Bài thơ “hỗn” này bạn bè cha tôi rất thích và đánh giá rất cao. Cái hay nữa là bài thơ mở đầu tên cha khép lại tên con. Ông Hoan giữ thái độ im lặng. Dì Thúy bảo, anh Dương Quân chửi nhà mình đó ông Tân ạ. Cuối năm đấy ông Hoan qua nhà tặng lại cha tôi chiếc áo đại cán bốn túi và cuốn thơ “Một Đôi Vần” của ông viết thời kỳ hoạt động ở Việt Bắc năm 1942-1947. Cuốn thơ do nhà xuất bản Việt Bắc ấn hành. Thơ cũng không có gì đặc sắc lắm.

Nhân nói cuốn thơ, tôi nhắc lại ở đây Hoàng Văn Hoan có hai chuyện ít người còn nhớ tới nữa. Đó là chuyện xử ông Tạ Đình Đề, Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt vào tháng 6 năm 1976 ở Tòa án Hà Nội, nằm tầng một của trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, số 48 Lý Thường Kiệt.

Vụ xử kéo dài sáu ngày thì có tới năm ngày Hoàng Văn Hoan tham dự, ngày nào cũng đông nghẹt người xem. Tạ Đình Đề trắng án và người ta hết lời ca ngợi bà Thẩm phán Phùng Lê Trân, chủ tọa phiên tòa, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, cương quyết, không bạc nhược khiếp sợ trước quyền uy hoặc vị nể tư tình. Một bà Bao Công của Việt Nam chấp pháp nghiêm minh. Cùng người dự là Ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan.

Việc này cả bà Trân lẫn ông Hoan rất được lòng người, mà không được lòng trên. Lúc đó Việt thọt-Hoàng Quốc Việt là đương kim Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tạ Đình Đề, nhà cách mạng, Đội trưởng Đội biệt động Liên khu 3 mà đòi thắng Việt thì đời nào Việt thọt chịu.

Chuyện thứ hai là vụ án báo Nhân văn và báo Giai phẩm mà ta thường gọi tắt lại là vụ án Nhân văn Giai phẩm, xảy ra vào năm 1956-1958 của giới văn nghệ sĩ 60 năm về trước. Tổng chỉ huy chính là Hoàng Văn Hoan. Ông Lành-Tố Hữu chỉ là tên đồ tể thực thi nhưng vì Hữu là Trưởng ban Tuyên huấn nên Hữu lạm quyền Hoan, chém hết những người cầm bút chân chính, tài năng cùng thế hệ. Những con người không biết cơ hội xu nịnh và tham vọng lớn như Hữu. Còn Hoan làm cho giới văn nghệ sĩ căm ghét Hoan vì đã gọi “Làm Đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng là văn chương dâm uế. Dù đây chỉ là câu Hoan nhắc lại của Thái Phỉ, chủ bút báo “Tin Văn”. Nhiều người nghi ngại hỏi, không biết Hoan đã đọc “Làm Đĩ” của văn sĩ họ Vũ chưa?

Hoàng Văn Hoan khi đi hoạt động thoát sang Xiêm (Thái Lan), rồi quay về nước, chủ yếu là vùng Việt Bắc và vùng địa phận Trung Quốc, sát đất Việt Nam. Hoan có bí danh Lý Quang Hoa. Tên này do ông Hồ đặt cho vì ông Hoan từng hoạt động với ông Hồ ở Liễu Châu và Tĩnh Tây năm 1940.

Khi ở Trung Quốc ông Hồ cũng có bí danh Lý Thụy. Cái tên nghe Tầu Tầu kiểu như Lý Bạch, Lý Tiên Niệm, Lý Bằng vậy. Ông Hồ rất quí ông Hoan, phải chăng gốc gác ông có dây mơ dễ má nào đó tới họ Hồ làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, bởi nếu không thì chắc chắn mặt tiền lăng mộ ông Hồ tại Ba Đình – Hà Nội sẽ được ghi: “Chủ tịch Nguyễn-Sinh-Cung, hay Chủ tịch Nguyễn-Tất-Thành”, chứ đời nào ông chịu để khi chết cho khắc: Chủ tịch Hồ-Chí-Minh.

Hoàng Văn Hoan có rất nhiều ảnh chụp chung với ông Hồ. Hồi ký: “Giọt nước trong biển cả” của Hoan xuất bản tại Bắc Kinh năm 1986 không hề có lời nào thóa mạ ông Hồ. Từ đầu tới cuối chỉ lên án chửi rủa tập đoàn Lê Duẩn – Lê Đức Thọ mà thôi. Theo Hoan, chuyện bắt buộc ông phải ra đi chính là do bọn này.

Chuyện chọn Trung Quốc để nương thân là vì ông đã sống quá lâu ở đó. Hoan là đại sứ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Đại lục Trung Quốc mà ông Hồ điều tới khi hai nước lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ năm 1951. Cũng theo lập luận của Hoan, nghĩ nếu sang Đông Âu để điều trị bệnh thì “chỉ một mũi tiêm” là kết thúc đời Hoan.

Trước cuộc khai chiến với Việt Nam tháng 2 năm 1979, kẻ đứng đầu Trung Quốc lúc ấy là Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, tuy là chức Phó nhưng Đặng lại thâu tóm hết quyền lực Trung Nam Hải, đi một loạt các nước Đông Nam Á để rêu rao lôi kéo họ ngả theo Trung Quốc với giọng điệu ngổ ngáo: “Phải dạy cho bọn côn đồ Việt Nam một bài học”. Sau này lãnh đạo Việt Nam nghe từ “côn đồ” sợ nặng nên bỏ đi hai chữ côn đồ. Tới đâu Đặng cũng được sự ủng hộ từ các nước Asean.

Đầu năm 1979, tháng một, Đặng qua gặp Tổng thống Mỹ Jmmy Carter tại Nhà Trắng. Trên đất Mỹ có chỗ Đặng đội mũ phớt, mặc đồ da bò, nhẩy lên lưng ngựa đúng kiểu cowboy như trong các phim hảo hán miền Tây nước Mỹ thuở ngày đầu thành lập Hiệp Chủng quốc Hoa-Kỳ. Khơi lại hình ảnh tình hữu nghị tháng 2/1972 khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon viếng thăm Trung Quốc và tham quan Vạn Lý Trường Thành, ra được Tuyên bố chung Thượng Hải. Nhắc lại cuộc tới thăm của Cố vấn Mỹ Henry Kissinger và mật đàm cùng Thủ tướng Chu Ân Lai tháng 7/1971 tại Bắc Kinh. Tài ngoại giao thuyết khách của Đặng rất được người Mỹ ca tụng tán dương, đồng tình ngay lúc đó.

Năm tháng sau chiến sự đẫm máu vào ngày 17/2/1979, Việt Nam chống lại 60 vạn quân cướp nước Trung Quốc trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ, Lai Châu đến Móng Cái, Quảng Ninh dài hơn 1.200 km. Hoàng Văn Hoan đã đào tẩu sang phía kẻ thù muôn kiếp của dân tộc Việt.

Hai ngày sau khi tới Bắc Kinh, Hoan cho họp báo chí quốc tế kể tội trạng của tập đoàn Lê Duẩn. Hoan nói đại để: “Từ những năm 1960 do sức khỏe Hồ chủ tịch kém dần nên bọn Lê Duẩn tiếm quyền. Di chúc của ông Hồ cũng bị bọn Duẩn lấy giấu đi tự động thêm bớt tẩy xóa rất mờ ám. Tình hữu nghị Việt – Trung do Hồ Chủ tịch dày công vun đắp cũng bị bọn Lê Duẩn phá vỡ. Trước tôi, bốn năm khi thống nhất đất nước Việt Nam tới nay đã có 900 nghìn người bỏ nước ra đi. Nay tôi mới đi cũng không có gì lạ, nếu đi được thì cột điện của Hà Nội cũng đã đi...”. Tôi sẽ có thư gửi về báo cho quốc dân đồng bào trong nước sau.

Hoan lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc dạy côn đồ Việt Nam một bài học là đúng. Hoan được Tổng Bí thư Hoa Quốc Phong đón tiếp thịnh tình. Kết thúc buổi họp báo của Hoan, Hoa cũng phụ họa tuyên bố sặc mùi hiếu chiến: “Sẽ đánh vỡ đầu những kẻ phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung“. Đó như một vết nhơ không bao giờ gột tẩy hết của Hoan đối với dân tộc Việt Nam cho dù thanh minh cỡ nào đi nữa. Cho dù Hoan nói vì bất đồng với bọn Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Cho dù con trai ông, Hoàng Nhật Tân rất có hiếu, đã viết “Thiên Thu Định Luận” (Phả ký gia tộc), để thanh minh cho cha mình, nghĩa là một nghìn năm sau chuyện này mới phân định sai đúng.

Hoan bỏ theo Tầu. Bộ Chính trị niêm phong, thu lại ngôi biệt thự 68 Phan Đình Phùng. Vợ ông, bà Phan Thị Uyển, mẹ đẻ chú Tân trở về 29 Nguyễn Gia Thiều ở với gia đình con trai. Hoan đi, để lại bao hệ lụy cho gia đình, đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè và ngay cả những người đồng hương làng Quỳnh Đôi quê tôi.

Tại làng Quỳnh, ngôi nhà ngói năm gian khang trang rộng rãi của Hoan để lại khi ông thoát ly đi hoạt động, tưởng sẽ thành nhà lưu niệm tự hào của làng của xã, bỗng hóa thành đổ nát hoang phế vì bọn trẻ chăn trâu kéo đến cứ gạch đá đất sỏi chúng lượm được ném cho đã tay. Vừa ném chúng vừa chửi rủa thằng phản quốc, thằng phản dân. Không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn khi ngang qua cũng tiện tay cúi xuống nhặt hòn đá ném một cục cho bõ giận, chửi một câu cho bõ tức, nhổ một bãi cho bõ hờn.

Đầu năm 1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn tức sôi máu, cho Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn nghỉ ở nhà xơi nước. Ủy ban an ninh tạm thời giao cho Lê Đức Thọ. Từ Berlin quay về, Xuân Thủy, người đi kèm Hoan cũng gần như là ngồi chơi. Thư ký của Hoan là anh Nguyễn Văn Thạch bị bắt giam tám năm tù ngay tại sân bay. Anh Y người bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hoan bị tù ít năm hơn. Cựu thứ trưởng Ngoại thương Lý Ban gốc Hoa bị quản thúc.

Thượng tướng người Nùng Chu Văn Tấn, thân cận với Hoan bị giam lỏng và chết buồn. Ông đã được người ta thay họ đổi tên là Sáu đưa xuống táng ở nghĩa trang Văn Điển-Hà Nội. Tôi, kẻ chứng kiến đám tang lặng lẽ đi bên lề xe đưa linh cữu, cạnh người con trai Chu Thành của ông, lòng vẩn vơ nghĩ về con “Hùm xám Bắc Sơn” một thuở mà tôi đã được chú đại tá Đinh Toán, thư ký riêng của tướng Hoàng Văn Thái, người hàng xóm nhà tôi kể cho nghe chuyện tướng Tấn trên chiến khu Việt Bắc năm xưa. Tang lễ sầu thảm, ảm đạm của tướng Tấn ít người biết năm ấy 1984.

Chưa kể các ban ngành khác thế nào, chỉ biết một loạt sĩ quan công an làng Quỳnh Đôi cùng quê với Hoan trên mọi miền đất nước đều nhận được giấy cho thôi việc. Ở Hà Nội, Bộ công an 15 Trần Bình Trọng cũng như Sở công an 87 Trần Hưng Đạo nhiều người làng Quỳnh mất việc tức tưởi. Bên họ ngoại tôi có dì Hoàng Thị Hạ làm ở Bộ Công an, tưởng nghe phong thanh đợt tới được cất lên hàm trung tá, dè đâu bà nhận tấm giấy thôi việc với lý do sức khỏe kém khi tuổi vừa năm mươi.

Tôi còn có hai người cậu cũng bên ngoại lúc đó mang hàm đại tá công an. Vẫn tiếp tục làm việc nhưng các cậu chỉ đeo hàm đại tá cho tới lúc nghỉ hưu, tôi nghĩ đó là trường hợp đặc biệt lắm. Ông Hoàng Duy Đệ, Hiệu trưởng trường Cảnh sát Thái Nguyên và ông Hoàng Duy Viện, Cục trưởng Cục an ninh Bộ nội vụ. Riêng ông Hoàng Duy Viện, cơ quan an ninh ba lần đề nghị phong tặng anh hùng và phong hàm thiếu tướng nhưng cả ba lần đều bị lãnh đạo Bộ gạt đi. Hai người em họ Hoàng của tôi trong Vinh và trong quê chuẩn bị đi nhận hiệu trưởng trường cấp 1 cấp 2 cũng thôi luôn… Họ hàng bên nhà chú Hoàng Nhật Tân thì thôi, khỏi phải nói, ai cũng biết.

Năm 1982 tôi xuất ngũ. Tới thăm gia đình chú Hoàng Nhật Tân và dì Hồ Thúy ở 29 Nguyễn Gia Thiều. Đứng trước cổng hồi lâu ngỡ ngàng, nhìn ngôi nhà mới án trước ngôi nhà cổ của chú, dì, không còn khoảng sân trống phía trước trông rất chướng mắt khó chịu.

Sau bốn năm xa Hà Nội, xa chú dì đi đánh giặc Tầu bành trướng, nay trở về tới thăm gia đình, chú Tân, dì Thúy mừng rỡ đón tiếp tôi. Cảm tưởng của tôi ngày nhỏ mỗi lần đi qua phố Nguyễn Gia Thiều (Ôn Như Hầu) để ra hồ Ha-le (Hồ Thiền Quang) bơi lội cùng đám bạn vui sao, thì bây giờ ngược hẳn lại. Dì mở toang hai cánh cửa chính nhưng nhà vẫn tối thui như nhà mồ vì bị ngôi nhà tầng phía trước chắn mất ánh sáng.

Dì Thúy kể cho tôi nghe nhiều chuyện xảy ra trong gia đình từ khi ông Hoan bỏ nước sang Trung Quốc. Ông Hoan đi, khách khứa của gia đình cũng chẳng mấy ai lui tới nữa, chú, dì cũng thông cảm cho mọi người. Cái nhà đối diện bên kia phố, cửa sổ không bao giờ mở như ngày trước, nhưng dì biết bên trong nhà đó vẫn có ánh mắt ngầm dõi theo bên nhà này, ai vào ai ra, bởi vì nhà đó đã được đổi cho một tay công an đến ở.

Nhà dì ra Hà Nội bao nhiêu năm cùng nhà cháu có khi nào ai đến quét vôi cho mình đâu. Nay bỗng có một bọn mặc áo thợ sơn vôi, xách xô, xách chậu, mang thùng, mang chổi đến, đề nghị chú, dì cho thợ vào dọn dẹp bên trong, quét vôi để làm đẹp nhà, đẹp khu phố. Các nhà hàng xóm vẫn im lìm chỉ riêng nhà dì có cái ưu đãi ấy.

Dì đã nghi nghi nên dì đuổi bọn đó đi hết. Chúng nó ma giáo lắm cháu không biết đâu. Nó vào để ăn cắp, chụp ảnh, nhặt nhạnh thu lượm tin tức, đặt máy ghi âm, làm sao qua được mắt dì. Cái nhà mới nhẩy vào xây chắn ngang trước mặt nhà mình đây cũng là nhà thằng đại tá của bộ công an. Nếu ông Hoan còn ở nhà thì có đến mười đời cố nội nó cũng đố dám ngang ngược. Dì nghiến hai hàm răng mà tôi phát ớn.

Trời chiều đã muộn, tôi đứng dậy chào chú, dì ra về. Dì nói với theo: Cháu vào ra nhà này, chúng nó nhận diện hết đấy, có sợ không? Rồi dì tự trả lời: Con nhà anh Tự Cường (tên thật của cha tôi) thì cũng giống cha nó, tính khí cứ ngang ngang, ngạnh ngạnh chẳng sợ đứa nào.

Ông Hoan im tiếng bất ngờ đi trong gia đình chú Tân không ai biết. Thời điểm ấy chú Tân chuẩn bị nhận quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Sử học thì bị đình lại, nghỉ ở nhà. Dì Thúy, vợ chú, bị nghỉ việc ở Đảng ủy quận Hoàn Kiếm. Anh Hoàng Thái, con trai trưởng, đang là giảng viên trường sĩ quan Nha Trang, ra khỏi quân đội, thuyên chuyển công tác đi vùng xa. Chị Hoàng Thơ, thạc sĩ, em kế, cũng ngồi nhà thêu thùa đan lát. Anh Hoàng Thông con út, kỹ sư Nhà máy Công cụ cũng mất việc luôn, phất phơ làm ngoài. Mọi thành viên trong gia đình đi đâu, làm gì cũng đều bị theo dõi nghiêm ngặt.

Những năm đó mà thất nghiệp quả là kinh khủng. Cả nhà chú Tân thất nghiệp mới hãi hùng làm sao. Bà Hoan tuổi cao, tai lãng, ốm đau suốt, lúc tỉnh lúc lẫn, nhất là từ lúc nghe tin ông Hoan bỏ ra đi. Nhiều khi bà ỉa vì ỉa và ra giường chiếu, ra cả quần, có khi be bét phân với nước đái trên nền nhà. Chú Tân lại lặng lẽ đi lau chùi tắm rửa cho mẹ mình. Chú bón từng thìa ăn, chăm từng giấc ngủ cho mẹ. Có lúc bà bỏ nhà đi lang thang trên khắp phố phường Hà Nội để mong tìm được ông Hoan. Chú Tân đi tìm bà bạc cả mặt.

Có khi bà tới vườn hoa Canh Nông đối diện với Cột cờ, đứng dưới pho tượng ông Lê Nin giơ hai tay gào khóc đòi ông tượng Tây giấu chồng bà ở đâu thì thả ngay ra. Lúc thì bà lại chạy đến Đại sứ quán Trung Quốc sau đít ông Lê Nin gần đấy, nhổ nước bọt phì phì vào cổng, chửi rủa đòi thả chồng bà ra. Các an ninh đứng canh ngoài cổng chạy tới giữ tay, trông trừng bà, họ đã biết bà là ai.

Có lúc bà đến đầu phố Cao Bá Quát để vào nhà em ruột ông Hoan là thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhân, đòi đi tìm anh ruột mình về cho bà thì lại đập nhầm cửa nhà ông thứ trưởng Đinh Nho Liêm, ở số 3, ầm ầm. Mỗi lần tìm thấy mẹ mình ở đâu, chú Tân lại giỗ dành, cõng bà trên lưng với bao con mắt nhìn theo thương cảm. Họ có ngờ đâu đó là vợ con ông Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng văn Hoan. Trong túi chú Tân không có nổi một cắc làm sao dám gọi xích lô chở hai mẹ con về.

Tưởng khó bó khôn, hóa ra cái khó ló khôn. Dì Thúy học nghề làm sữa đậu nành cất vào chai. Trưa đến, chú Tân lóc cóc chuyên chở đem bán lẻ cho các gia đình ở mọi nơi. Lúc chú “lên voi” tôi chẳng được biết, nhưng khi chú “xuống chó” thì tôi thấy rõ lắm.

Năm 1990, các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Chú Tân lần nữa có ý định góp phần hòa giải bất đồng giữa cha chú với cơ quan lãnh đạo Đảng xảy ra năm 1979. Những mong góp một phần công sức nhỏ của mình trong việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt – Trung. Xin Trung ương Đảng, lãnh đạo cơ quan Nhà nước tuyên bố xóa án tử hình cho cha của chú. Xin Đảng cho sang Trung Quốc thăm cha. Trước đó Lê Đức Thọ xúi chú Tân đi thăm Hoan qua đường Thái Lan, dạng vượt biên, nhưng chú Tân từ chối.

Nguyễn Văn Linh đang hoang mang lo sợ, nghe tin vợ chồng Tổng thống Ceausescu của Romania bị nhân dân đem ra xử tử hình giữa thủ đô Bucarest cuối năm 1989, người mà Linh vừa mới gặp, trò chuyện không lâu trước đó tại cuộc họp khối cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu. Rất có thể lắm, một ngày nào đó gần đây, dân Hà Nội cũng vùng lên như dân Bucarest, xách đầu vợ chồng Linh ra trước sân lăng Ba Đình cắt cổ. Nay thấy Hoàng Nhật Tân đề nghị xin cho sang thăm cha ở Trung Quốc, Linh nẩy ý định cần phải giúp đỡ. Có thể đây là dịp cứu Linh để đạt được mưu đồ riêng, nhất cử lưỡng tiện???

(Còn tiếp)

Ông Hoàng Văn Hoan đang viết: “Việt Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh”. Ảnh: Dương Tự Lập
Ông Hoàng Nhật Tân với tác phẩm Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Dương Tự Lập gửi tới
Bà Hồ Thúy, vợ ông Hoàng Nhật Tân và cô Hoàng Thơ con gái ông, bà. Nguồn ảnh: Dương Tự Lập
Trang báo điện tử của Đảng CSVN và “đồng chí Hoàng Văn Hoan”. Ảnh chup màn hình
Cuốn “Thiên Thu Định Luận” của ông Hoàng Nhật Tân ký tặng tác giả Dương Tự Lập. Nguồn: Tác giả gửi tới

Mời đọc tiếp phần 2

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.