Bản tin ngày 25-2-2019

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Anh, Mỹ cùng gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Bài báo cho biết: “Theo kịch bản diễn tập, một đội binh sĩ Anh chặn bắt và lên lục soát tàu USNS Guadalupe, được giả định là có liên quan đến hành vi đáng ngờ trên biển. Ngoài ra, tàu HMS Montrose và USNS Guadalupe còn diễn tập tiếp tế trên biển, đảm bảo việc chuyển nhiên liệu một cách an toàn và hiệu quả”.

Bên cạnh đó, trong cuộc điều trần vừa qua trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Philip Davidson tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ tăng cường các chiến dịch hợp tác với các nước đồng minh và đối tác ở Biển Đông, bao gồm Anh, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada, Pháp.

Mời đọc thêm: Trung Quốc hiện đại hóa hậu cần, thay đổi cán cân quân sự Thái Bình Dương (Viet Times). – Nga muốn dùng “quyền lực mềm” thâu tóm thị trường vũ khí Đông Nam Á? (DT). – Hải quân Mỹ – Trung đụng độ, điều gì xảy ra? (TP).

Trước ngày Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim

Tổng thống Trump thông báo sắp lên đường tới Việt Nam gặp Kim, VnExpress đưa tin. Ông Trump viết trên Twitter vào khoảng 5 giờ sáng 24/2/2019 (giờ địa phương): “Tôi sẽ lên đường tới Hà Nội, Việt Nam, vào sáng mai để dự một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nơi cả hai chúng tôi đều kỳ vọng có thể nối dài những tiến triển đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore. Phi hạt nhân hóa?”

Truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un rời Bình Nhưỡng tham gia thượng đỉnh lần hai, theo báo Tổ Quốc. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo, ông Kim Jong-un “đã rời Bình Nhưỡng bằng tàu hỏa vào ngày 23/2. Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến đi này có nhiều quan chức cấp cao”. Bài viết lưu ý: “Đây là lần đầu tiên hãng thông tấn Triều Tiên có thông báo về hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump”.

Đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un rời nhà ga Bình Nhưỡng (Triều Tiên) ngày 23/2/2019. Nguồn: KCNA/TQ

Trong lúc Tổng thống Donald Trump sắp tới Việt Nam, Triều Tiên bất ngờ lên tiếng, báo Người Lao Động đưa tin. Sau khi công bố thông tin về thời điểm khởi hành của ông Kim Jong-un, KCNA thông báo: “Nếu các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ kết thúc mà không đạt được kết quả như mong muốn, người dân Mỹ sẽ không bao giờ thoát được các mối đe dọa an ninh khiến họ hoảng loạn”.

Trang Thế Giới Tiếp Thị dẫn lời ông Kim Jong-Un: ‘Tôi không muốn các con phải chịu gánh nặng vũ khí hạt nhân’. Thông tin này do cựu quan chức CIA Andrew Kim tiết lộ và được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lại. Hồi tháng 4/2018, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hỏi ông Kim rằng liệu ông có sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân, ông Kim trả lời: “Tôi là một người cha, một người chồng. Tôi có những đứa con. Tôi không muốn con cái mình phải mang vũ khí hạt nhân trong người chúng suốt cả cuộc đời”.

Mời đọc thêm: TT Trump thông báo sắp lên đường tới Việt Nam (VOA). – Tổng thống Trump tuyên bố sắp lên đường tới Hà Nội (CAND). – Tổng thống Donald Trump đăng Twitter ngày đến Hà Nội (VNN). – Chiếc cặp hạt nhân bất ly thân của Trump (VNE). – Mỹ không bàn chuyện giảm quân ở Hàn Quốc tại thượng đỉnh Trump-Kim (VOA). – Trợ lý TT Trump lo ngại áp lực đối với ông chủ Nhà trắng tại thượng đỉnh Mỹ Triều (GD&TĐ). – Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Vành đai bảo vệ an ninh tuyệt đối cho Tổng thống Trump (TN).

Điểm mặt những vũ khí tối ưu được mật vụ Mỹ mang theo bảo vệ Tổng thống (ĐS&PL). – Ông Trump và ông Kim sẽ cùng ăn trưa và gặp riêng tại Hà Nội (Zing). – Mỹ phát hành đồng xu kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 (TCCT). – Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2: “Niềm hi vọng” của “ông mối mát tay” Hàn Quốc (VOV). – Báo CSVN gỡ bài viết ‘có thể’ liên quan đến hành trình của Kim Jong Un (NV).

Kim Jong Un không muốn vũ khí hạt nhân là gánh nặng cho con cái (VOA). – Ông Kim Jong-un không muốn con cháu mang gánh nặng hạt nhân suốt đời (LĐ).Triều Tiên kêu gọi ông Trump ‘không bỏ lỡ cơ hội lịch sử hiếm có’ (TP). – Sức mạnh đoàn tàu màu xanh của Chủ tịch Kim Jong Un tới Việt Nam (KT&ĐT). – “Trùm tình báo” đi cùng ông Kim Jong Un đến Việt Nam là ai? (DV). – Quan chức Triều Tiên tại Hà Nội tất bật chuẩn bị đón Chủ tịch Kim Jong-un (VNN).

Công an, quân đội tăng cường an ninh trước hội nghị Mỹ – TriềuPhong tỏa các cao điểm gần ga Đồng Đăng trước giờ đón ông Kim Jong Un (Zing). – Đường Hà Nội – Lạng Sơn cứ 2 km lại có một tốp công binh dò mìn (VTC). – Công binh dò mìn gốc cây, mô đất quanh khách sạn từng đón Tổng thống Trump (VNN). – Trung đoàn CSCĐ (CATP Hà Nội) triển khai bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 (ANTĐ). – Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên 2019: Chuyên gia Nga nhấn mạnh vị thế của Việt Nam (BNews). – Việt Nam là “chất xúc tác đặc biệt” đối với tiến trình đàm phán Mỹ-Triều (DT). – Người hâm mộ Chủ tịch Kim Jong-un hồi hộp theo dõi thượng đỉnh tại Hà Nội (TN). – Áo phông in hình ông Trump, Kim và cờ Mỹ, Triều Tiên cực đắt hàng (VOV).

Vụ Mobifone mua AVG: Hai cựu Bộ trưởng 4T bị bắt

Chiều 23/2/2019, truyền thông trong nước đưa tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức bắt tạm giam và khởi tố bị can đối với hai cựu Bộ trưởng Bộ 4T là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. VKSND Tối cao cũng đã phê chuẩn các quyết định và lệnh này. VOV đưa tin: Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đều bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, “liên quan đến thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG, Bộ Chính trị kết luận những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng”.

Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với bị can Nguyễn Bắc Son và đồ họa về Trương Minh Tuấn: Khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với bị can Trương Minh Tuấn.

Sau khi tống đạt lệnh khởi tố và tạm giam, công an đã khám nhà 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, theo báo Dân Việt. Hàng xóm của ông Son cho biết “vào khoảng 14h30, một chiếc xe ô tô BKS xanh cùng nhiều cảnh sát mặc quân phục đã tiến hành khám xét nhà ông Nguyễn Bắc Son. Khoảng 1 giờ sau, chiếc xe rời đi”. Đến khoảng “15h00, tại ngôi nhà ở ngõ Quan Thổ 1 (quận Đống Đa, TP Hà Nội) được cho là của ông Trương Minh Tuấn, cũng có nhiều người mặc cảnh phục công an đi vào trong”.

Báo Người Đưa Tin có clip: Hình ảnh Công an khám nhà ông Trương Minh Tuấn.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Thương vụ AVG khiến 2 ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son “ngã ngựa” như thế nào? Bài báo cho biết: “ông Son và ông Tuấn bị khởi tố do có những vi phạm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG”.

VTC đặt câu hỏi: Sai phạm nào khiến cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị khởi tố, bắt giam? Trong quá trình phê duyệt, thẩm định dự án Mobifone mua AVG, ông Nguyễn Bắc Son, khi đó còn là Bộ trưởng 4T “không họp, thảo luận trong Ban cán sự Đảng để thống nhất chủ trương và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, mà chỉ họp lãnh đạo Bộ để cho ý kiến về dự án. Cuộc họp không được ghi biên bản, cũng không có thông báo kết luận sau cuộc họp”.

Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn tại cơ quan điều tra. Nguồn: NLĐ

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định sai thế nào vụ AVG? Theo đó, “ông Tuấn là người đã ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21.12.2015 của Bộ TTTT trái quy định”. Mặc dù dự án Mobifone mua AVG chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng Bộ 4T đã ban hành quyết định trên để duyệt dự án. “Việc ký quyết định này đã vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư và vi phạm Nghị định số 99/2012 của Chính phủ”.

VTC có clip: Nhìn lại diễn biến 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị bắt.

VOV có bài: Điểm mặt 6 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ MobiFone mua AVG. Bên cạnh hai cựu Bộ trưởng 4T vừa bị bắt, công an cũng đã khởi tố và tạm giam ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone; ông Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ 4T; bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng GĐ MobiFone và ông Cao Duy Hải, Tổng GĐ Tổng công ty MobiFone.

Trang Doanh Nghiệp VN đặt câu hỏi về thương vụ bán AVG cho Mobifone: Ông Phạm Nhật Vũ có bị liên đới? Theo đó, ngày 25/12/2015, Mobifone ký hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,8 tỉ đồng, “ông Phạm Nhật Vũ- Chủ tịch AVG sở hữu 55,49% cổ phần (tương đương 2013 tỉ đồng) trong tổng số vốn điều lệ là 3.628 tỉ đồng”.

PGS. TS Ngô Trí Long phân tích: “Mặc dù 2 bên đã hủy hợp đồng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, công bố sai phạm, nhưng đó chỉ là sửa chữa… Trong vụ việc này, ngoài cơ quan thẩm định giá, những người có liên đới trong vụ việc này cũng phải chịu trách nhiệm”.

Báo Người Việt có bài: Dân làm báo Việt Nam ‘hoang mang’ vì người ký thẻ nhà báo đã bị bắt. Ông Ngọc Vinh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Người ký cấp thẻ nhà báo cho mình mới bị bắt vô tù hôm nay. Mà thẻ này còn giá trị đến hết 2020, vậy thì sao đây các vị ở bộ Thông Tin Truyền Thông và cả Bộ Tư Pháp [CSVN]? Thẻ hành nghề được ký bởi một tù nhân thì có giá trị pháp lý hay không?”

Mời đọc thêm: Bắt ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vụ Mobifone-AVG (BBC). – Hai cựu Bộ trưởng Thông Tin -Truyền Thông bị bắt vì “gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ AVG (RFA). – 2 cựu bộ trưởng Bộ Thông tin VN bị bắt về cáo buộc quản lí sai trái (VOA). – Khởi tố, bắt giam 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (NLĐ). – Hậu thương vụ AVG: Một vụ án bắt 2 cựu bộ trưởng (TN). – Vì sao hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố? (KT). – Ông Trương Minh Tuấn đã vi phạm như thế nào trước khi bị bắt?Ông Nguyễn Bắc Son: Vi phạm rất nghiêm trọng và lỗ hổng thương vụ AVG (DV).

Cận cảnh khám xét nhà 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (NLĐ). – Khám xét nhà 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (VTC). – Khám xét nhà ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn (KT). – Vụ bắt giam 2 cựu bộ trưởng: “Đã gây nên tội thì phải chịu!” (NLĐ). – Tội danh ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố có gì đặc biệt? (DV). – Chuyên gia phân tích mức án dành cho tội danh của ông Trương Minh Tuấn, ông Nguyễn Bắc Son (NĐT).

Sự nghiệp của hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vừa bị bắt giam (TTT/Soha). – Con đường tiến thân của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trước khi bị khởi tố? (KT). – Hai cựu bộ trưởng bị bắt giam: Bài học răn đe quan tham đương chức (VTC). – Thấy gì sau việc nguyên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị bắt giam? (NĐT). – “Lò” tiếp tục nóng (BVPL). – Ông Trương Minh Tuấn có bị xử lý về mặt Đảng trước khi bị bắt? (DV). Mời đọc lại: Cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bị kỷ luật trong vụ Mobifone mua AVG (GT).

Sai phạm đất đai

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hàng loạt hồ sơ nhà đất của Vũ ‘nhôm’ và người thân sang Bộ Công an, báo Thanh Niên đưa tin. Theo kết luận của TTCP, UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2016, “đã có nhiều sai phạm trong việc chuyển đổi các cơ sở nhà, đất công sang mục đích khác”.

TTCP “đã chuyển hồ sơ đối với 10 cơ sở nhà, đất sang Bộ Công an để xác minh điều tra, bởi nhà, đất này được thuê, mua không thông qua đấu giá, gây thiệt hại cho nhà nước. Trong số này, có 8 cơ sở nhà đất có mối quan hệ mật thiết với Phan Văn Anh Vũ”. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý sai phạm gần 140 tỉ đồng.

Bài thứ hai trong loạt bài về sai phạm đất đai ở TP Vinh: Dân “tố” UBND tỉnh Nghệ An “mập mờ” trong việc đấu giá “đất vàng”. Theo bài viết, giá đất khu vực phường Hưng Phúc, TP Vinh khoảng từ 15 đến hơn 20 triệu đồng/m². “Nhưng, không hiểu lý do tại sao, UBND tỉnh Nghệ An lại bất ngờ phê duyệt cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST chỉ mua với giá hơn 5,6 triệu đồng/m²”. Người dân cho rằng, mức giá này quá “bất bình thường”, có thể “gây thất thoát cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng”.

Bài viết lưu ý: “Sau khi được giao 6.545,4 m2 đất xây dựng nhà ở, Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST dự kiến xây dựng 48 căn biệt thự liền kề và có giá rao bán cao gấp nhiều lần so với mức mà UBND tỉnh Nghệ An định giá khi giao cho doanh nghiệp”.

Chuyện ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa): “Ngang nhiên” cấp phép xây dựng nhà ở vào khu quy hoạch trồng cây xanh, trang Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin. Khu đất này nằm trong hành lang an toàn thoát lũ sông Yên và sông Kênh Than và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch “thành khu vực trồng cây xanh. Nhưng không hiểu tại sao UBND huyện Tĩnh Gia vẫn cấp sổ đỏ và Giấy phép xây dựng cho người dân”.

Chuyện ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang: Dân bức xúc vì bến phà được cấp phép trên đất không quy hoạch, theo báo Một Thế Giới. Bài báo cho biết: “Người dân xin mở bến phà nhiều lần nhưng không được, trong khi cán bộ về hưu lại được phép mở bến phà? Ban Quản lý các KCN và Sở GT-VT tỉnh Hậu Giang đã ưu ái cho cán bộ về hưu mà bỏ qua quyền lợi của người dân”.

Mời đọc thêm: Thanh tra việc mua bán 10 cơ sở đất “vàng” ở Đà Nẵng (RFA). – ‘Ma trận’ công sản lọt vào tay Vũ ‘nhôm’ và người thânCận cảnh 10 khu đất liên quan Vũ ‘nhôm’ được chuyển Bộ Công an điều tra (TN). – Cận cảnh những khu đất vàng ở Đà Nẵng bị bán với giá rất thấp (GDVN). – Buộc xác định lại giá nhiều khu đất vàng Đà Nẵng (TT). – Đà Nẵng: Không một ai đăng ký đấu giá dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (Infonet). – Thừa Thiên Huế: Xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh (VTV).

Quỹ Phan Châu Trinh bị dẹp

VnExpress đưa tin: Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh dừng hoạt động. Ngày 20/2/2019, cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thông báo chấm dứt hoạt động của tổ chức này. Thông báo đưa ra lý do: “Bà Nguyễn Thị Bình đã cao tuổi, sức khỏe không đáp ứng được. Việc bà không có mặt sẽ rất khó cho Quỹ hoạt động bởi việc vận động tài chính khó khăn”.

Thư thông báo dừng hoạt động của bà Nguyễn Thị Bình.

RFA đặt câu hỏi: Vì sao Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chấm dứt hoạt động? Bài viết liên hệ chuyện Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngừng hoạt động với “bối cảnh mà tự do học thuật ngày càng bị thắt chặt, nhất là sau sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật đảng” vì NXB Tri Thức đã xuất bản nhiều cuốn sách truyền bá tri thức dân chủ, “liệu sự chấm dứt hoạt động của Quỹ còn vì áp lực của hệ thống chính trị?”

Mời đọc thêm: Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tuyên bố ngừng hoạt động (MTG). – Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh ngừng hoạt động (TT). – Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh dừng hoạt động do một số điều kiện khách quan (ANTĐ). – Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh ‘tự ý’ ngừng hoạt động? (NV).

Giáo dục hay trại tù?

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Kiểm tra vụ thầy giáo đánh học sinh vẹo cột sống vì không thuộc bài. Chuyện xảy ra ngày 19/1/2019 tại trường THCS Long Hòa, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, An Giang. Lê Trường Thọ, GV chủ nhiệm lớp 7A3 bắt nam sinh P.T.M.T chịu phạt 100 roi, đến lúc T không chịu nổi thì nhiều học sinh xin chịu đòn thay: “Tổng số con bị thầy đánh khoảng 30 cây. Nếu tính của con và các bạn bị đánh tiếp thì khoảng 72 cây”.

Đến tận ngày 20/2/2019, “em bị đau nên đã nói với gia đình sự việc rồi ba mẹ đưa em lên khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM. Sau khi chụp X-Quang, các bác sĩ nói em bị vẹo cột sống”. Ngày 24/2, ông Lê Văn Còn, trưởng Phòng GD&ĐT huyện xác nhận, đã yêu cầu GV Thọ làm tường trình, kiểm điểm vụ việc. Tuy nhiên, “ông cũng nhờ lực lượng công an yêu cầu phía gia đình gỡ thông tin trên mạng xã hội”.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Tuyển giáo viên nên như tuyển sinh quân đội…khó thành hiện thực. Trước ý tưởng… tuyển GV như tuyển quân của Quốc hội vừa qua, ngay cả trí thức “lề đảng” cũng phải cảnh báo đó là ý tưởng không khả thi. Một trong các lý do chính: “Bộ Quốc phòng đang tự chủ về nhân sự từ khâu sơ tuyển, đào tạo và phân công công tác. Ngành giáo dục thì lại hoàn toàn ngược lại. Thí sinh thích học đâu thì thi đó, khi ra trường thì các Phòng, Sở Nội vụ phối hợp với ngành giáo dục tuyển dụng”.

Mời đọc thêm: Con bị cô giáo đánh, đòi bồi thường 100 triệu đồng: Ứng xử sao cho hợp lý? (TT). – Những chiêu thức lùa học sinh đi học thêm tại trườngThầy cô đi về nguồn, rút kinh nghiệm tổ chức hội trại hay đi chơi? (GDVN). – ‘Nóng’ chuyện chống gian lận thi THPT Quốc gia 2019 (PLVN). – UBND tỉnh ra “tối hậu thư” về việc nhà trường xin sở GD&ĐT thu hồi lô thiết bị 600 triệu đồng (NĐT). – “Dạy học lâu năm theo lối cũ, tôi thấy mình giống thợ dạy!” (PLTP).

Y tế VN: Đầy tiêu cực

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Giám đốc Sở Y tế nói gì về những lùm xùm ở bệnh viện ngàn tỉ? Khi được hỏi vì sao dự án bệnh viện ngàn tỉ chậm tiến độ nhiều năm, GĐ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Doãn Hữu Long trả lời: “Bệnh viện nằm trong kế hoạch giải vốn của Trung ương nên đầu tư nhỏ giọt, mãi đến năm 2015 mới có đủ vốn xây dựng”, dù được khởi công từ năm 2010.

Ông Hữu Long nói thêm: “Tuyến đường Đông – Tây TP Buôn Ma Thuột, tuyến đường kết nối trung tâm thành phố qua bệnh viện vùng gần nhất đến nay vẫn chưa thông tuyến, phần nào ảnh hưởng đến quá trình di chuyển bệnh nhân”.

Mời đọc thêm: Phẫu thuật đục thủy tinh thể xong bị… mù vĩnh viễn!? (BVPL). – Dịch sốt xuất huyết ‘xuất hiện quanh năm’ tại Việt Nam (NV). – Hơn 90% trẻ mắc bệnh sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ (VTV). – Nhu cầu máu tăng đột biến gấp 3, Viện Huyết học chỉ dám phát nhỏ giọt (VNN).

Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm

Zing đưa tin: Nước thải sủi bọt vàng chảy thẳng ra biển Đà Nẵng. Ngày 24/2/2019, tại bờ biển Nguyễn Tất Thành ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, “xuất hiện nước sủi bọt vàng đục, bốc mùi hôi thối”. Người dân địa phương cho biết, “họ nhìn thấy nước bẩn ở cửa xả Lê Độ chảy thẳng ra biển. Nước thải bị sóng đánh tấp vào bờ bốc mùi hôi nồng nặc, kéo dài hơn 1 km từ bờ biển phường Xuân Hà đến cầu Phú Lộc (quận Thanh Khê)”.

Ông Mai Mã, GĐ Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận, nước thải chảy ra biển do trạm bơm tại cửa xả Lê Độ bị quá tải: “Trước đây, tình trạng này đã xảy ra và đang tiếp diễn do nước thải chưa được thu gom và xử lý dứt điểm”.

Nước sủi bọt vàng bốc mùi hôi thối khiến người dân và du khách không dám tắm. Nguồn: Zing

Mời đọc thêm: Nước sủi bọt vàng đục lại bủa vây nhiều kilomet bờ biển Đà Nẵng (DT). – Bãi rác mọc lên như nấm trên địa bàn phường Khương Đình (ANTĐ). – Dự án nuôi tôm của BIM Group gây ô nhiễm môi trường (ĐV). – Nan giải với rác thải trên đảo (NLĐ). – Nhà máy gây ô nhiễm kinh hoàng ở Lạng Sơn bị phạt 200 triệu đồng (DV).

***

Thêm một số tin: Giám đốc công ty xây dựng bị bắt vì “phát tán tài liệu chống nhà nước” (RFA). – Tạm giam cán bộ xã tham ô hơn 500 triệu đồng (CAND). – Chủ tịch huyện khai khống bằng đại học nghỉ hưu trước tuổi (GT). – Bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Hậu (TTXVN). – Hình ảnh khủng khiếp tại chung cư chờ sập ở Sài Gòn (DV). – “Trồng” đinh trên lối đi vỉa hè – cách hành xử “vô pháp” (GT). – Nông dân Gia Lai lao đao vì không tìm được đầu ra cho khoai lang Nhật (VOV).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. [Báo Người Việt có bài: Dân làm báo Việt Nam ‘hoang mang’ vì người ký thẻ nhà báo đã bị bắt. Ông Ngọc Vinh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Người ký cấp thẻ nhà báo cho mình mới bị bắt vô tù hôm nay. Mà thẻ này còn giá trị đến hết 2020, vậy thì sao đây các vị ở bộ Thông Tin Truyền Thông và cả Bộ Tư Pháp [CSVN]? Thẻ hành nghề được ký bởi một tù nhân thì có giá trị pháp lý hay không?”]
    Kém quá, ông ta ký khi còn đương chức, mắc mớ gì phải lo bò…
    (P/s: Cả một loạt giấy phép kinh doanh Viễn thông do ông này ký có hiệu lực tới 2030 – chẳng lẽ bi giờ vô hiệu à?)

Comments are closed.