23-2-2019
Có hai thông tin trên báo mà độ quan tâm của cộng đồng rất ít. Phương án xử lý rác ở Côn Đảo là chở vào đất liền với giá 35 tỉ và một bãi rác lớn tại Tiền Giang có nguy cơ trôi xuống biển.
Hãy nói về rác ở các đảo và các tỉnh ven biển của đất nước có 28/63 tỉnh thành ven biển, hơn 3.000km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo. Với các tỉnh ven biển, chôn lấp là phương thức quen thuộc. Với các đảo lớn như Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn thì rác thậm chí còn không có chỗ chôn lấp.
Phương thức quen thuộc là sống chung với rác và tống xuống biển! Sông Dương Đông ở Phú Quốc trở thành dòng chảy hôi thối nhiều năm nay do nước rỉ rác ở nơi tập kết rác chảy ra trong khi người ta vẫn nói về một viễn cảnh đặc khu. Bãi rác Lý Sơn từng “chia đều” lại rác cho toàn đảo sau một cơn gió lốc.
Một quốc gia xinh đẹp đã biến dạng vì rác! Và khi sống cùng rác bằng chính thói vô trách nhiệm của bản thân người dân và chính quyền địa phương thì thử hỏi quốc thể ở đâu khi quốc tế đến Việt Nam du lịch. Mà thật ra Việt Nam cũng đã bị điểm mặt, chỉ tên là quốc gia nằm trong top đầu xả rác thải ra biển.
Vẫn rất rất rất ít người Việt coi đó là nỗi sỉ nhục của bản thân và quốc gia…
Một nhà khoa học đã tâm sự với tôi rằng với 35 tỉ, cả Côn Đảo dư sức có một hệ thống phân loại rác và xử lý thân thiện với môi trường mà không cần chôn lấp hay đốt. Nhưng anh ấy không có một cơ hội nhỏ nhoi nào để xử lý rác…
Tại Phú Quốc, việc xử lý rác cũng được tiến hành. Cái bãi rác hôi thối trước đây nếu được xử lý xong sẽ trở thành dự án bất động sản, khả năng cao là liên doanh của hai tập đoàn tỉ đô tại Việt Nam. Nhưng tôi tìm hiểu về phương thức xử lý xong thì chỉ có thể ngao ngán lắc đầư…
Hoặc tệ như Tiền Giang và rất nhiều tỉnh thành khác khi chất rác thành núi và chờ hậu quả. Chuyện chôn lấp, chôn lén rác thải sinh hoạt lẫn rác thải công nghiệp diễn ra nhiều nơi. Những vụ phát hiện trên báo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Không khó để ra quy định gắn định vị cho xe rác và tăng hình phạt về đổ trộm rác sinh hoạt. Càng cần phải sửa luật để coi việc đổ trộm rác công nghiệp là hành vi vi phạm hình sự cao hơn bởi nó đầu độc nhiềư người trong thời gian dài.
Nhưng nguồn gốc của những núi rác cao ngất chính là tư duy quản lý rác kiểu độc quyền và nhập khẩu công nghệ cũ gây ô nhiễm. Trong khi những người nặng lòng nhất với quốc gia và có khả năng xử lý rác lại không được tạo cơ hội nếu không biết hay không chấp nhận “luật undertable”.
Thực trạng đau đớn này bởi những kẻ coi quốc thể như rác!
Chú thích: Một núi rác ngay giữa thủ đô. Kim Jong Un liệu có chấp nhận sự giúp đỡ mô hình để phát triển kinh tế Bắc Hàn khi biết không chỉ Hà Nội mới ngập ngụa rác. Còn người Mỹ, họ biết lâu rồi…