Tin Biển Đông
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao Mỹ muốn triển khai siêu đại bác tới biển Đông? Bộ trưởng Lục quân Mỹ, Mark Esper cho biết, loại pháo này có thể phá hủy tàu chiến Trung Quốc và các mục tiêu quân sự trên các đảo ở biển Đông, như “phá hủy hệ thống phòng không, radar, các tên lửa chống hạm và thậm chí là căn cứ không quân. Việc phá hủy các cơ sở nói trên trong chiến tranh cho phép không quân, hải quân và lực lượng mặt đất của Mỹ xâm nhập khu vực và giành lại từ tay Trung Quốc”.
Trong khi đó, lực lượng hải quân, không quân và một số đơn vị tên lửa Trung Quốc vừa kết thúc chuỗi 20 cuộc tập trận kéo dài 34 ngày ở Biển Đông, cùng với khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương. Trong đợt tập trận dài ngày và rất quy mô này, TQ thử lửa hệ thống chỉ huy thời chiến, VOA đưa tin.
Bài viết lưu ý: “Để mô phỏng các điều kiện thời chiến một cách trung thực nhất, cuộc tập trận không theo một kịch bản đã định, tập trận không được thông báo trước,mọi mệnh lệnh của cấp chỉ huy và các phương án hành động đều theo sát các điều kiện như trong một cuộc xung đột thực tế”.
Báo Một Thế Giới có bài: Tấm bản đồ trong thư phòng của Ung Chính phơi bày thêm sự thật ở Biển Đông. Bài viết bàn về phim Diên Hy Công Lược, với chi tiết: Vua Càn Long dàn tấm bản đồ trị thủy của nhà Đại Thanh, “là một tấm bản đồ rất rộng nhưng chỉ gồm có mỗi Trung Hoa đại lục cùng với 2 hòn đảo Đài Loan, Hải Nam. Tuyệt nhiên, không có quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trên bản đồ này”.
Bên cạnh đó, đoàn làm phim Hậu cung Chân Hoàn truyện “cũng vô tình cho người xem thấy tấm bản đồ phơi bày sự thật ở Biển Đông. Trong cảnh quay vua Ung Chính trong thư phòng thì phía sau lưng nhà vua có tấm bản đồ Đại Thanh. Và một lần nữa, phần đáy bản đồ chỉ đến phần ngang đảo Hải Nam”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến ở Biển Đông (SCMP) (RFI). – Trung Quốc thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến tại Biển Đông (MTG). – Báo SCMP: Trung Quốc vừa kết thúc hơn một tháng tập trận ở Biển Đông (TT). – Indonesia sẽ mở vùng đánh bắt ở Biển Đông (TN). – Trung Quốc có lo khi tàu sân bay mạnh nhất Châu Âu tuần tra biển Đông? (ANTĐ).
Quan hệ Việt – Đức
Gần một năm rưỡi trôi qua sau khi Cộng hòa liên bang Đức chính thức tuyên bố đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam ngày 21/9/2017, do các bằng chứng cho thấy, an ninh Việt Nam đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức, ngày 21/2/2019, các báo tiếng Việt “lề phải” và “lề trái” đồng loạt có bài về khả năng tan băng trong quan hệ Việt – Đức.
VnExpress đưa tin: Đức muốn khôi phục quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Theo đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vừa phát biểu rằng dù từng có những “khác biệt” giữa hai nước, “đặc biệt trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Đức đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu”. Ông Maas nói: “Hôm nay chúng tôi muốn đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam”.
VOA có bài: Dấu hiệu quan hệ Việt-Đức đang sang trang. Dấu hiệu đó là “chuyến công du của Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng VN Phạm Bình Minh đi thăm nước Đức”. Ngày 21/2/2019, Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, “ông sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Việt Nam về việc nối lại quan hệ song phương, khép lại một giai đoạn đầy khó khăn mới đây vì vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”.
Lý do khiến quan chức CSVN tìm cách tái lập quan hệ đối tác chiến lược với Đức: Việt Nam mong muốn Đức tiếp tục duy trì hỗ trợ ODA, theo VTV. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh “cảm ơn sự giúp đỡ của Đức trong các dự án hợp tác phát triển, tiếp tục thực hiện dự án Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, các dự án về năng lượng tái tạo; mong muốn Đức tiếp tục duy trì hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong những lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu”.
Mời đọc thêm: Đức nhắm đến việc thiết lập lại quan hệ với Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA). – Đức muốn ‘làm mới’ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (TN). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Đức thăm Việt Nam (DT). – Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Đức tiếp tục phát triển sâu rộng (VNN). – Việt Nam luôn coi trọng và xem Đức là đối tác hàng đầu (LĐ). – Chuyến thăm Đức nhiều ý nghĩa của PTT Phạm Bình Minh (ĐV). – Việt Nam lại hứa hẹn sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức? (VNTB).
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim
Trái với hy vọng của nhiều người vào Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim sắp diễn ra ở Hà Nội, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nhận định, tình hình Bán đảo Triều Tiên đang phát triển phù hợp với lộ trình do Nga và Trung Quốc đưa ra, trang Thế Giới và Việt Nam đưa tin. Không thấy bóng dáng của vấn đề chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong “lộ trình” đó.
BBC có bài: Việt Nam ‘một vốn bốn lời’ từ hội nghị Trump-Kim ở Hà Nội. TS Phạm Đỗ Chí bình luận, hội nghị thượng đỉnh này còn là dịp để Tổng thống Trump làm rõ một số vấn đề với Việt Nam: “Tổng thống Trump theo dự đoán của tôi trong kỳ họp riêng với lãnh đạo Việt Nam sẽ kêu gọi họ tăng cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường và giảm xuất siêu với Hoa Kỳ, cũng như tôn trọng và thực hiện nhiều hơn quyền sở hữu trí tuệ”.
Mời đọc thêm: Mỹ – Triều đàm phán phút chót tại Hà Nội cho hội nghị Trump – Kim (Zing). – Máy bay siêu vận tải Mỹ liên tục cất, hạ cánh tại Nội Bài (VNN). – Video: C-17 Globemaster III của Mỹ đáp xuống Nội Bài (VTC). – Mỹ mang xe bồn chở xăng, xét nghiệm nhiên liệu phục vụ phái đoàn Tổng thống Trump (TN). – Cận cảnh từng bộ phận “siêu máy bay” phục vụ Tổng thống Mỹ ở Hà Nội (DV). – Video: Người dân Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào Thượng đỉnh Mỹ-Triều (VOV).
Sai phạm tại dự án Gang thép Thái Nguyên
Các báo “lề đảng” tiếp tục có những bài phê phán mạnh mẽ dự án mở rộng sản xuất của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đồng thời gọi thẳng tên Bộ Công thương và Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là hai cơ quan chính đã khiến hàng ngàn tỉ đồng Việt Nam biến thành sắt vụn.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Sai phạm tại dự án gang thép Thái Nguyên như thế nào? Theo bài viết, đến thời điểm thanh tra, tổng số tiền Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã thanh toán cho dự án này là hơn 4400 tỉ đồng, tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là gần 3900 tỉ đồng (lãi vay phải trả hiện nay là trên 40 tỉ đồng/tháng), TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng “nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công”.
Trang Đấu Thầu thống kê hàng ngàn tỉ đồng bay hơi vì sai phạm trong đấu thầu tại TISCO. Trong quá trình mua sắm thiết bị, TISCO đã “tiếp nhận nhiều loại máy móc nhập về phục vụ Dự án có sai khác về quy cách, chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật”. Tuy nhiên, TISCO “lại thanh toán cho nhà thầu là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) vượt giá trị hợp đồng, với giá trị bước đầu xác định là 38,8 triệu USD”. Nói thẳng ra, đây là dự án lấy tiền của người Việt đem cho người Trung Quốc.
Trang Pháp Luật TP HCM bàn về những ưu ái lạ cho nhà thầu Trung Quốc ở dự án Thái Nguyên. Thanh tra Chính phủ công bố nhiều điểm bất thường trong hợp đồng TISCO ký với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc: “Không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện, không quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của Dự án; quản lý dự án không đúng quy định gây bất lợi cho TISCO làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; gây thất thoát vốn đầu tư, không đúng hợp đồng”.
Báo Thanh Tra đặt câu hỏi về chuyện dự án Gang thép Thái Nguyên đội vốn lên 8.100 tỷ đồng: 4 Bộ từng ý kiến gì? Theo đó, trừ Bộ Công thương, các Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều đã cảnh báo về dự án này. NHNN đã “đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TISCO làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các bên liên quan”. Bộ Kế hoạch Đầu tư lưu ý, “dự án này không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn Nhà nước”.
Bộ Xây dựng cho rằng “việc quản lý thực hiện hợp đồng phải theo nội dung hợp đồng đã ký kết và quy định của Nhà nước có liên quan”. Còn Bộ Tài chính cho rằng TISCO đã tăng chi phí không hợp lý và không rõ ràng với nhiều nội dung của dự án.
Zing có bài: Chuyển Bộ Công an tài liệu về vi phạm tại Gang thép Thái Nguyên. Trong mục “Trách nhiệm của Bộ Công Thương” có đoạn: “Dù các bộ, ngành đều cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.100 tỷ là không có cơ sở nhưng Bộ Công Thương đã đề xuất việc điều chỉnh và báo cáo Chính phủ đã rà soát, thẩm tra việc này”.
Mời đọc thêm: Thủ tướng đồng ý kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sai phạm tại gang thép Thái Nguyên (ĐT). – Sai phạm tại Dự án Gang thép Thái Nguyên: Chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban kiểm tra Trung ương (PL&XH). – Chuyển sang Bộ Công an các sai phạm tại gang thép Thái Nguyên (DS). – Dự án gang thép ngàn tỉ ‘đắp chiếu’: Bán thầu hưởng phí trái luật (TN). – VINAINCON – Nhà thầu trục lợi từ Dự án Gang thép Thái Nguyên (TP).
– Tổng giám đốc Dự án Gang thép Thái Nguyên nói về kết luận thanh tra — Cận cảnh 35.000 tấn vật liệu Gang thép Thái Nguyên ‘đắp chiếu’ (TP). – Yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra dự án Gang thép Thái Nguyên (PLVN). – Điều chỉnh gấp hơn 2 lần dự án gang thép Thái Nguyên 8.100 tỷ (VNN). – Cận cảnh đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Gang thép Thái Nguyên (DT).
Các vụ “ăn” đất: “Ăn” cả đất quốc phòng
VKSND tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn quyết định tạm giam chủ tịch xã cấp đất quốc phòng cho người nhà lãnh đạo, báo Lao Động đưa tin. Ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm và ông Nguyễn Thành An, cán bộ Văn phòng đăng kí đất đai huyện Tuy Đức, vừa bị khởi tố và tạm giam “để điều tra về hành vi vi phạm các quy định trong quản lý đất đai”.
Lúc còn làm Phó trưởng Phòng TN&MT kiêm GĐ Văn phòng đăng ký đất đai huyện, ông Trí đã “tham mưu cho lãnh đạo huyện ký cấp sổ đỏ trên đất quốc phòng sai quy định cho nhiều người dân, trong đó phần lớn là người quen và người thân của các cán bộ huyện”.
Cũng ở tỉnh Đắk Nông: 4 cán bộ bị khởi tố vì ‘chia’ đất rừng 135 vô tội vạ, theo VietNamNet. Bốn cán bộ bị khởi tố là: Nguyễn Ngọc Kha, cựu Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, Nguyễn Hữu Sơn, cán bộ Phòng TN&MT huyện, Trần Trọng Đại, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Búk So và Nguyễn Thành Tuân, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh. Họ bị khởi tố vì đã xác nhận hồ sơ cấp sổ đỏ 15ha đất rừng 135 tại xã Đắk R’tíh trái quy định, cho bà Trương Thị Thoại, vợ Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông.
Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố cựu chủ tịch, bí thư đảng ủy xã bán trái thẩm quyền 337 lô đất, báo Thanh Niên đưa tin. Bốn cựu cán bộ xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ bị khởi tố là các ông Ngô Xuân Nghĩa, cựu Chủ tịch UBND xã, ông Trịnh Hữu Minh, cựu Bí thư Đảng ủy xã, ông Trần Văn Tuyên, cựu cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Công Dũng, cựu cán bộ tài chính xã.
Các ông Nghĩa, Minh đã cầm trịch vụ “bán trái thẩm quyền 337 lô đất ở, diện tích khoảng 178.000 m2 cho người dân thu về 22,5 tỉ đồng. Nhiều lô đất bị bán hiện đã được người dân xây nhà ở. Việc bán đất trái thẩm quyền trên gây thiệt hại cho nhà nước hơn 14 tỉ đồng”.
Mời đọc thêm: Bắt một lãnh đạo xã liên quan việc cấp sổ đỏ trên đất quốc phòng (VOV). – Bắt chủ tịch xã vì tham mưu cấp đất quốc phòng cho người thân lãnh đạo (Zing). – Bắt chủ tịch xã cấp đất quốc phòng cho người nhà lãnh đạo (KT). – Khởi tố thêm 4 cán bộ vụ cấp đất công cho vợ chủ tịch huyện (TP). – Khởi tố bốn cán bộ tham mưu cấp đất trái quy định cho ‘sếp bà’ (Tin Tức).
– Bán đất trái thẩm quyền, nguyên bí thư xã và thuộc cấp bị khởi tố (VTC). – Bán đất vô tội vạ, 4 cán bộ xã bị khởi tố (BVPL). – Khởi tố cựu Bí thư xã lạm quyền bán đất (PLTP). – Tranh chấp đất đai, một người bị đâm tử vong (SGGP). – Chuyện thật như đùa ở Hải Phòng: Sống ở “trời Tây” về nhận họ hàng rồi tự ý đòi bán đất? (ĐS&PL).
Cố ý làm trái
Tranh tra Bộ Giao thông Vận tải phát hiện loạt sai sót của Cảng vụ hàng không miền Nam, đề nghị truy thu 4,2 tỷ đồng, theo trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam. Kết luận thanh tra cho biết, “từ ngày 1/10/2013 đến ngày 1/10/2016, Cảng vụ hàng không miền Nam đã cho Công ty Vietjet mượn tầng 3 trụ sở Cảng vụ”, trái với quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bài viết lưu ý: Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu Cảng vụ “làm việc với các cơ quan chức năng TP. HCM để được chuyển quyền sử dụng đất từ các đơn vị thuê đất sang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam đối với 5 khu đất tại sân bay Tân Sơn Nhất”.
Zing đưa tin: Cấp dưới tham ô, 3 lãnh đạo xã bị kỷ luật. Ngày 21/2/2019, lãnh đạo UBND thị xã Gò Công, Tiền Giang xác nhận, cơ quan này vừa kỷ luật khiển trách “về mặt chính quyền đối với ông Lê Văn Hiệp, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Đông và 2 phó chủ tịch xã Nguyễn Hồng Sang và Liễu Hồng Thái do buông lỏng trong công tác lãnh đạo để kế toán, thủ quỹ lợi dụng quyền hạn để chiếm đoạt và tham ô tài sản”.
Trước đó, Công an thị xã Gò Công đã khởi tố và bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Thu Hồng, kế toán UBND xã Bình Đông và ông Lê Cao Quý Lộc, thủ quỹ UBND xã “lần lượt về về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản”.
Mời đọc thêm: Nhiều người tố cáo những bê bối ở phi trường Tân Sơn Nhất (NV). – Cảng vụ Hàng không miền Nam cho mượn trụ sở sai quy định (Thanh Tra). – Cảng vụ Hàng không miền Nam cho Vietjet mượn tài sản trái quy định (SGGP). – Kỷ luật Bí thư, Chủ tịch xã do để cấp dưới tham ô tài sản (TN). – Tiền Giang: Khởi tố 2 nữ cán bộ xã chiếm đoạt và tham ô tài sản (PNVN). – Tiền Giang: Khởi tố, bắt tạm giam 2 nữ cán bộ (NLĐ). – Kỉ luật kiểu “Mèo vật đống rơm” hay “Đánh bùn sang ao”? (DT).
Tin nhân quyền
Khoảng 12:30 trưa 21/2/2019, Facebooker Phạm Thanh Nghiên viết: Thông báo khẩn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức “đang bị giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Bà Thanh sang Đức thăm thân nhân hôm 6/1/2019 và trở về Việt Nam hôm nay 21/2/2019 thì bị giữ ở phi trường. Đến khoảng 13h10′ cùng ngày, Facebooker Phạm Thanh Nghiêm cập nhật “thông tin về bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Bà Thanh đã được thả lúc 13 giờ ngày 21/2. Công an thu hộ chiếu của bà”.
Facebooker Phạm Thanh Nghiên đặt câu hỏi: Đuổi cùng giết tận? Bài viết kể chuyện an ninh sách nhiễu khiến gia đình bà Nghiên phải đổi chỗ liên tục, sau khi mất ngôi nhà ở Vườn rau Lộc Hưng trong vụ an ninh cưỡng chế hồi đầu tháng 1/2019 và phá huỷ cả trăm căn nhà của người dân Lộc Hưng.
Mời đọc thêm: Vợ TNLT Trương Minh Đức bị câu lưu, tước hộ chiếu (VOA). – Thêm 1 Facebooker Cần Thơ ra tòa vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (RFA). – K.Marx bị lu mờ tại VN: VN sẽ dân chủ hóa từ bên trong? (VNTB).
Vụ nữ sinh giao gà bị giết
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Vội vã khen thưởng trên nỗi đau của gia đình nạn nhân, nên chăng? Bài viết đặt ra câu hỏi rất khó trả lời cho lực lượng công an và an ninh mê “thành tích” ở tỉnh Điện Biên: “Trong suốt gần 3 ngày Cao Mỹ Duyên bị bắt, bị hành hạ dã man ngay trên địa bàn thành phố Điện Biên, thì chính quyền cơ sở cũng như lực lượng công an địa phương đã làm gì để tìm cô và để ngăn chặn tội ác, khi ai cũng biết cô hoàn toàn có thể đang gặp nguy hiểm?”
Thêm câu hỏi của báo Dân Việt về vụ nữ sinh giao gà bị giết: Cơ quan điều tra có sơ sót hay không (?) LS Đặng Văn Cường bình luận: “Việc chậm trễ trong khởi tố về tội hiếp dâm, lại tiến hành khai quật tử thi sau khi chôn cất nhiều ngày của Cơ quan điều tra Công an Điện Biên đã không tránh khỏi những nghi ngại, băn khoăn của dư luận”.
Báo Tổ Quốc có bài: 1 trong 5 nghi phạm vụ nữ sinh giao gà từng là bộ đội xuất ngũ, ngoan đến mức hàng xóm không tin đối tượng này có thể gây trọng án. Đó là Phạm Văn Nhiệm, “là bộ đội xuất ngũ, chịu khó làm ăn, chưa cự cãi với ai bao giờ, vợ lại là viên chức nhà nước”.
Mời đọc thêm: Trưởng ban chuyên án lý giải nữ sinh bị giam 2 ngày không kịp giải cứu (VNN). – Vụ nữ sinh giao gà bị hiếp, giết: Chuyên án không tính đến đối tượng nào? (DV). – Nữ sinh giao gà bị giết: Vì sao không thể truy số điện thoại của nghi phạm (GT). – Vì sao không thể truy ra số điện thoại đối tượng dùng để liên lạc rồi sát hại cô gái giao gà chiều 30 Tết? (SS). – Còn nhiều uẩn khúc vụ nữ sinh giao gà bị 5 gã đàn ông giam giữ, hãm hiếp rồi sát hại (GĐ&XH).
– Vụ hiếp dâm, sát hại nữ sinh giao gà: Vụ án chưa kết thúc? (LĐ). – Khen thưởng ban chuyên án vụ nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà: Điện Biên khẳng định làm đúng quy định (VTC). – Dư luận bức xúc không phải vì tiền thưởng, giấy khen? (LĐ). – Giám đốc Công an Điện Biên: Khen thưởng là xứng đáng (PLTP). – Vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: Kẻ chủ mưu thản nhiên đi ăn phở, còn cùng mọi người suy đoán xem ai là hung thủ (TQ).
“Buôn thần bán phật” ở Việt Nam
Báo Dân Trí có bài: “Công ty nhà chùa” và “giai cấp… phú tăng”? Bài viết bàn về hiện tượng “Công ty nhà chùa, thị trường thần thánh, doanh nhân sư sãi, tầng lớp phú tăng”, là những kẻ lợi dụng sự mê tín của người Việt để làm giàu. Trong bài có đoạn: “Đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định mà còn mong muốn Giáo hội chung tay, góp sức tuyên truyền, vận động sư sãi và Phật tử đi tiên phong trong lĩnh vực này”.
Báo Thanh Hóa bàn về các lễ dâng sao, giải hạn: Một phong tục đang bị lạm dụng. Sư trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng phân tích: “Một số thầy không giải thích rõ cho Phật tử rằng, việc dâng sao, giải hạn chỉ để giúp cho họ được yên tâm chứ không giải quyết, xóa bỏ được vận hạn, tai ách…. Việc này tạo sự mê mờ cho người Phật tử và cũng làm cho những người chưa hiểu đạo Phật”.
Mời đọc thêm: Dâng sao giải hạn không phải nghi lễ của phật giáo (TT&VH). – Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết (TT). – Giáo hội Phật giáo lên tiếng về việc “dâng sao giải hạn” (GĐ). – Giáo hội Phật giáo: Đề nghị không trục lợi từ dâng sao giải hạn (TP). – Tự tay châm lửa đốt 16.000 tỉ (LĐ). – Loạn chuẩn! (ĐCSVN/ TH).
Tài xế vs BOT
Báo Người Việt có bài: 100 luật sư tham gia bảo vệ tài xế phản đối trạm BOT Bến Thủy. Nhóm LS này tình nguyện bào chữa cho tài xế Nguyễn Quang Tuy sau khi có tin ông Tuy sẽ bị khởi tố vì phản bối BOT Bến Thủy. Các báo “lề đảng”, để bảo vệ BOT, đã mô tả ông Tuy có hành vi “không đưa đủ tiền mặt mua vé qua trạm, xin nợ, quẹt thẻ… rồi lái xe vượt qua trạm thu phí BOT Bến Thủy” ngày 9/2/2019.
LS Phạm Công Út cho biết: “Các luật sư đã xác định ông Tuy không hề có hành vi chống người thi hành công vụ. Các đoạn clip đã công bố và chưa công bố nằm trong gói hồ sơ vụ án của các luật sư, chờ ngày bóc trần vụ án có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp”.
Mời đọc thêm: Chính thức tạm dừng thu phí trạm BOT Cầu Rác Hà Tĩnh (VTC). – Hà Tĩnh: Tài xế ngạc nhiên, vui mừng… khi Trạm thu phí Cầu Rác “xả trạm” (DT). – Ngày đầu tạm dừng thu phí BOT Cầu Rác: Kẻ buồn người vui! (Infonet). – Chờ “đại phẫu” các trạm thu phí (SGĐT).
Ô nhiễm môi trường
Chuyện ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình: Hơn 2000 hộ dân phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, Infonet đưa tin. Theo bài viết: “Những hộ chưa có nước sạch, buộc phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nguồn nước bị nhiễm phèn trầm trọng nhất diễn ra tại thôn Phú Thọ”.
VTC viết: Phản đối thi công dự án điện mặt trời, một người dân bị chủ đầu tư bắt trói. Ông Nguyễn Duy Phương, người bị trói và hành hung, kể rằng, sáng 16/2/2019, ông đến khu đất của gia đình tại xã Xuân Thọ 1 phản đối đơn vị thi công san ủi mặt bằng để làm dự án Nhà máy điện mặt trời: “Tôi lớn tiếng nói rằng đất chưa bồi thường nên không được san ủi. Lập tức hai vệ sĩ xông vào khống chế, quật ngã tôi xuống đất”.
Báo Thanh Niên có video: Dân mắc võng, dựng lán “vây” bãi rác gây ô nhiễm.
Mời đọc thêm: Có nên hạ chuẩn môi trường? (TBKTSG). – Người dân Đà Nẵng lo lắng vì nước máy bị ô nhiễm (NV). – VN ‘học được’ gì từ TQ trong giải quyết ô nhiễm không khí? (BBC). – Đình chỉ công tác PGĐ dự án điện mặt trời vì đánh người (VOV). – Vụ chủ đầu tư bắt trói, đánh người: Hành vi không thể chấp nhận (DV). – Chủ đầu tư dự án điện mặt trời bắt trói người dân: Công an đang làm rõ (TN). – “Đau đầu” đối phó với môi trường (GDTĐ). – Thái Nguyên: Xác lợn chết trôi lềnh bềnh trên sông Dong (TN&MT). – Sông Mekong, có phải ngày tàn đã đến? (RFA). – Khai thác cát tràn lan, người dân mất dần đất sản xuất (TP).
***
Thêm một số tin: Nâng vốn dự án trọng điểm quốc gia lên 35.000 tỉ để ‘né’ cửa Quốc hội? (VietTimes). – Vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên (TP). – Đại gia Sông Đà “mắc cạn” với các khoản nợ nghìn tỷ thế nào? (ĐT). – Cấm xe máy vào nội đô TP HCM vào năm 2030 là không tưởng! (VOV). – Hàng ngàn cơ sở sản xuất vi phạm về an toàn thực phẩm (NLĐ). – Bé gái 8 tuổi bị bố đánh bầm dập khắp cơ thể (VNE). – Chung cư La Boniata: Chưa nhận nhà, khách hàng đã bị siết nợ (BĐS).