Đất nước tươi đẹp

FB Hoàng Tư Giang

3-2-2019

Gần đây, nhiều người tự hào nói về đất nước tươi đẹp, hùng cường. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng tôi muốn nhắc lại những số liệu trong quá khứ và hiện nay.

Theo nghiên cứu của nhóm làm Báo cáo Việt Nam 2035, một báo cáo công phu bậc nhất do WB trợ giúp, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới.

Những số liệu trên cho thấy, cha ông chúng ta vừa mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước mà vẫn phát triển kinh tế ở mức đáng nể.

Chúng ta đã Đổi mới được 33 năm, đã sống trong hòa bình 44 năm. Đó là quãng thời gian mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,… thực sự hóa rồng, hóa hổ.

Còn chúng ta thì sao?

Năm 2009, WB tính toán rằng, Việt Nam tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Năm 2015 GSO cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia; 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

Năm 2018 GDP của Việt Nam chỉ chiếm 0,3% GDP của thế giới, theo IMF, trong khi dân số xếp thứ 13. Những con số trên nói lên vị thế của Việt Nam như thế nào, có lẽ tôi không nên bình luận nữa.

Còn những người làm báo đang sống như thế này đây:

_____

Đất nước tươi đẹp 2

4-2-2019

Status hôm qua của tôi về tụt hậu gây nhiều tranh luận. Tôi đã giải đáp một phần dưới comment, nay tôi viết tiếp tút này cho những ai quan tâm đến thực trạng đất nước.

Sau Đổi mới, tăng trưởng kinh tế của VN đạt 8-9% trong thập kỷ đầu tiên, còn 7-8% thập kỷ tiếp theo, 6-7% trong thập kỷ gần đây và thậm chí rơi xuống 5% một vài năm gần đây. Những năm gần đây, nền kinh tế đã phụ thuộc rất lớn vào FDI và thị trường nước ngoài để tăng trưởng (xuất nhập khẩu gấp gần 230%GDP, FDI chiếm tới 72% giá trị xuất khẩu).

Dù thế nào, VN vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới, theo WB. “Về mặt khoa học, so sánh mức độ phát triển thì phải dùng số tương đối. Theo nguyên tắc VN cứ tăng trưởng cao hơn so với một nước nào đó kéo dài thì sẽ hội tụ chứ không phải doãng ra”. Anh Huỳnh Thế Du đã giải thích như trên, và tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo về một sự thật là Việt Nam vẫn đang đối diện với tình trạng tụt hậu ngày càng xa hơn về thu nhập bình quân đầu người tính bằng số tuyệt đối so với bình quân chung của thế giới và khu vực với tốc độ khá nhanh.

1. So với thế giới: GDP bình quân đầu người theo giá thực tế và GDP bình quân đầu người tính PPP của thế giới gấp 2,07 (2,21) lần sau 22 năm (Thời điểm 1990 và 2012).

2. So với khu vực: GDP bình quân đầu người theo giá thực tế và GDP bình quân đầu người tính PPP (thời điểm 1990 và 2017)

+) Indoensia gấp 2,99 và 2,59 lần.

+) Thái Lan gấp 2,98 và 3,30 lần.

+) Malaysia gấp 3,22 và 3,85 lần.

+) Singapore gấp 4,70 và 4,09 lần.

+) Hàn Quốc gấp 4,26 và 4,29 lần.

(GDP theo giá hiện hành năm 1990 của VN là 98 USD, theo PPP là 939 USD. Chi tiết xem dưới comment)

Những số liệu trên cho thấy, thu nhập của người VN tính bằng số tuyệt đối đang doãng ra với tốc độ rất lớn so với các quốc gia láng giềng sau 27 năm. Thu nhập của chúng ta đã cải thiện tốt so với quá khứ do tăng trưởng cao, nhưng thu nhập của các quốc gia khác còn tăng nhanh hơn ta nhiều. Đó là sự thật.

Chúng ta có đối diện với sự thật đó hay không?

Bình Luận từ Facebook