Kết quả xử án vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

FB Chu Mộng Long

30-1-2019

Một vụ án nằm ngoài hiểu biết của tôi, nhưng một cựu bác sĩ cứ khăng khăng đòi tôi phải lên tiếng bênh vực bác sĩ Hoàng Công Lương. Và có vẻ như oán trách tại sao tôi không lên tiếng.

Lâu nay tôi chỉ lên tiếng trong phạm vi tôi hiểu biết, tất nhiên là chỉ hiểu biết về luật khi mọi việc đã rõ. Còn khuất tất gì đó trong chuyên môn hẹp thì tôi chào thua. Không thể bạ đâu múa mồm đó.

Vụ án chạy thận ở Hòa Bình gây chết 9 mạng người là một vụ án phức tạp, mà khuất tất thì thuộc về chuyên môn của ngành y. Ngay cả có hồ sơ vụ án trong tay, người ngoài chuyên môn cũng không dễ lên tiếng.

Sự thực là tôi lên tiếng ngay từ đầu, tất nhiên đòi xét xử khách quan, đúng người đúng tội theo luật chứ không việc gì phải bênh vực ai. Bài mới nhất cách đây mấy ngày là phản đối luật sư của công ty Thiên Sơn đòi hoãn vụ án. Lý do luật sư đòi hoãn vụ án là có bằng chứng về một âm mưu đầu độc, nhưng lạ là anh ta đòi cung cấp bí mật cho cơ quan điều tra. Tôi hỏi bác sĩ “đầu độc bệnh nhân sắp chết với động cơ gì”, nếu không phải động cơ lúc này của luật sư là trì hoãn phiên tòa để… chạy án?

Theo thông tin đa chiều, từ kết quả điều tra và từ phía luật sư của BS. Lương, căn cứ theo luật, tôi cho rằng cần phải xét xử cả ba đối tượng: lãnh đạo bệnh viện Hòa Bình, công ty Thiên Sơn và… cả BS. Lương đúng như tòa đã làm. Dù theo luật sư của BS. Lương, hồ sơ vụ án có nhiều chỗ khuất tất, nhưng BS. Lương cũng không thể chối cãi rằng, chính mình là người có hiểu biết chuyên môn, phụ trách chính và trực tiếp ra y lệnh vận hành máy chạy thận với hậu quả gây chết 9 mạng người.

Dù là tai nạn nghề nghiệp, nhưng bác sĩ không thể không chịu một phần trách nhiệm về cái chết oan của 9 con người kia. Luật quy định dù vô ý gây chết người (điều này cũng giống như những tai nạn khác, tai nạn giao thông chẳng hạn), người trực tiếp để xảy ra tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm về sự vô trách nhiệm. Nếu không chịu trách nhiệm nào, tôi dám chắc các bác sĩ sẽ trở thành đao phủ!

Hình phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe bác sĩ trong thời đại các trường y không giáo dục y đức đến nơi đến chốn. Nhà tôi có không ít anh em, con cháu là bác sĩ và tôi biết bài học y đức hiện nay được thay bằng giáo trình “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đối với ngành y”.

Học tập chính trị để làm y đức thì bác sĩ dễ lạnh như tiền. Ba tôi chết không nhắm mắt vì 2 ngày thở ô xy mà không có bác sĩ nào đến thăm, chỉ giao cho một cô hộ lý mập như trâu, cả ngày ngồi trong phòng ăn vặt, đến khi tôi gào lên bình ô xy không hoạt động nó vẫn ung dung ăn cho đến khi ba tôi tắt thở. Bác sĩ còn lạnh như tiền đến mức tôi xin đưa xác ba tôi về quê sớm, tôi ở lại thanh toán sau, nhưng bác sĩ trực khoa lúc đó kiên quyết không chịu, buộc phơi xác ba tôi ở bệnh viên hơn hai tiếng để vợ tôi chạy xuôi chạy ngược thanh toán hết viện phí rồi mới chịu cho đưa xác ba tôi về.

Lâu nay tòa án chỉ xét xử một vài bác sĩ ở phòng khám tư, trong khi bác sĩ ở bệnh viện công dù có vô trách nhiệm đến mấy cũng an toàn như không. Mà ai từng ở bệnh viện rồi đều biết. Không có tiền lót tay ngoài viện phí, các bác sĩ thường lạnh như tiền, vì ai chết nấy chịu.

Vụ chạy thận ở Hòa Bình gây chết đến 9 mạng người chứ nếu một vài mạng người, tôi dám chắc sự vụ sẽ chìm xuồng. Vụ này không thể cảm tính chạy theo dư luận, rằng BS. Hoàng Công Lương vô tội. Tất nhiên, theo tôi, Lương tội một thì lãnh đạo bệnh viện và công ty Thiên Sơn tội mười mới đúng.

____

Mời đọc thêm: Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù (TT).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu ông Chu Mộng Long không có sự việc cha mình chết thì chắc
    ông ta sẽ viết khách quan hơn về trường hợp bs.HCL.!
    Cảm tính và lý trí,cái nào “cần và đủ” nhất lúc này ?

Comments are closed.