Lê Văn Ninh
29-1-2019
Một số thông tin tóm lược Bách khoa Toàn thư Wikipedia:
– Tên chính thức của Venezuela: Cộng hòa Bolivariana Venezuela
– Vị trí địa lý: ở phía bắc Nam Mỹ, giáp biển Caribean, có chiều dài bờ biển 2800 km, nằm trong khu vực nhiệt đới, nổi tiếng có thiên nhiên đẹp, cường quốc hoa hậu và nguồn dầu mỏ dồi dào.
– Thủ đô: Caracas
– Đồng tiền: đồng Boliva
– Dân số: Theo thống kê năm 2018, có 26.414.800 người, trong đó 70% là người lai giữa Tây Ban Nha và người da đỏ bản xứ, 20% là người da trắng, còn lại là người châu Á (Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Trung Quốc).
– Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Tây Ban Nha.
– Văn hóa: theo phong cách Mỹ La tinh (lai giữa 3 nhân tố: văn hóa dân da đỏ + văn hóa Tây Ban Nha + văn hóa da đen châu Phi).
Venezuela nổi tiếng thế giới là cường quốc hoa hậu, đã 6 lần lập kỷ lục, đoạt giải hoa hậu thế giới và đoạt giải trong nhiều cuộc thi quốc tế khác (vào các năm 1987, 2008, 2009, 2011, 2013, 2015).
– Tôn giáo: theo Công giáo Roma.
– Quân đội: năm 2004 có đội quân khoảng 100.000 người. Ngân sách quốc phòng năm 2004 khoảng 1,7 tỉ USD
– Cơ cấu kinh tế năm 1997: Nông nghiệp 13%, công nghiệp 23% (chủ yếu là công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ), dịch vụ 64%.
Thị trường chính: Mỹ, Colombia, Brazil, Antille thuộc Hà Lan, Trung Quốc.
Sơ lược lịch sử lập quốc:
– Từ trước đây khoảng 7.000 năm tại vùng đất hiện nay là Venezuela đã có người sinh sống.
– Năm 1522 Tây Ban Nha xâm chiếm làm thuộc địa.
– Năm 1821 dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Simon Bolivar, đã giành được độc lập và trở thành một bộ phận của Cộng hòa liên bang Gran Colombia.
– Năm 1830 Venezuela giành được độc lập hoàn toàn.
– Từ 1958 Venezuela đã có một loạt các Chính phủ dân chủ.
– Năm 1998 Hugo Chavez, thông qua một cuộc bầu cử, đã lên làm Tổng thống và khởi động cuộc Cách mạng gọi là Cách mạng Bolivar, lập ra Quốc hội lập hiến, ban hành Hiến pháp mới và đổi tên nước thành Cộng hòa Bolivar Venezuela.
Kinh tế và chính trị cận đại:
Năm 1998 Chavez lên làm Tổng thống, theo học thuyết Chủ nghĩa Bolivar pha trộn Chủ nghĩa Xã hội, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Nga, Bolivia, Cuba và một số nước theo cánh tả ở Nam Mỹ là Ecuador, Nicaragua, quốc hữu hóa tài sản của các Tập đoàn kinh tế tư nhân, kiểm soát các chuỗi sản xuất trong xã hội, phân phối thực phẩm và kiểm soát giá cả trên cả nước, thực hiện các chương trình trợ cấp xã hội bằng cách giữ giá xăng ở mức dưới 0,1 USD/ 1 gallon (tương đương 500 VND/ 1 lít xăng).
Dầu mỏ góp vào 1/3 GDP của Venezuela. Nguồn thu từ dầu mỏ chiếm 80% giá trị xuất khẩu và góp hơn 50% ngân sách nhà nước. GDP của Venezuela năm 2016 là 333.715 USD, đứng thứ 4 Mỹ La tinh, thứ 32 thế giới. Năm 2007, thu nhập bình quân của cả nước là 12.200 USD. Từ thập kỷ 1950 đến 1980, Venezuela là cường quốc kinh tế ở Mỹ La tinh, thu hút nhiều lao động đến từ các nước khác.
Do chính sách của Chavez giữ giá xăng ở mức rất thấp nên trữ lượng dầu giảm dần. Các Công ty tư nhân không dám tăng mức đầu tư vào kinh doanh sản xuất vì lo ngại bị quốc hữu hóa và sung công tài sản bất cứ lúc nào. Từ đó dẫn đến kinh tế trì trệ, khan hiếm thực phẩm, hàng hóa và lạm phát. Chính quyền phải phá giá đồng tiền nội tệ, từ 2,15 boliva / 1 USD xuống 4,3 boliva/ 1 USD, đồng thời tăng cường kiểm soát giá bán ở các cửa hàng, nhưng kinh tế vẫn lâm vào khủng hoảng.
Thể chế chính trị – kinh tế và năng lực quản lý yếu kém, tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển mà ngay khi còn sống, Chavez cũng không diệt trừ được.
Năm 2009, theo Wall Strett Journal, Venezuela tăng trưởng âm 2,9%, lạm phát 27%. Venezuela không tạo ra được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bế tắc về cơ cấu quản lý kinh tế, bế tắc về cách quản lý giá và bế tắc về quản lý ngành năng lượng.
Năm 2013, sau khi Chavez chết vì bệnh ung thư, Maduro, xuất thân từ một tài xế xe buýt, trong thời Chavez làm Tổng thống, được giữ chức lãnh đạo Công đoàn, rồi làm Bộ trưởng ngoại giao, được Chavez tin cẩn, đã kế nhiệm Chavez, làm Tổng thống từ năm 2013, tự xưng là “Tổng thống Công nhân”, tiếp tục thực hiện đường lối cai trị đất nước của Chavez.
Venezuela đã lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn diện từ 5 năm qua. Tình trạng đất nước hiện nay là: Kinh tế đang tụt dốc không phanh, toàn dân (kể cả tầng lớp trung lưu) đều đói lương thực, nạn cướp bóc xảy ra tràn lan, tham nhũng ngày càng phát triển, nền y tế sụp đổ. Mức lạm phát năm 2018 đã là 1 triệu 300 ngàn phần trăm (1.300.000%).
Từ năm 2014 đến nay đã có trên 3 triệu người dân, trong tổng số gần 30 triệu người phải bỏ nước di cư sang các nước láng giềng tìm cách sinh sống, kể cả cam chịu làm gái mãi dâm.
Từ năm 2017 đến nay đã có hàng trăm ngàn người biểu tình ở thủ đô Caracas và các thành phố khác, đòi Maduro từ chức Tổng thống. Phe đối lập nắm được Quốc hội là cơ quan lập pháp, không công nhận Maduro tái trúng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử giữa năm 2018 và tố cáo đó là kết quả bầu cử gian lận. Maduro còn nắm được ngành Tư pháp và các tướng lĩnh quân đội, bằng cách chia cho họ nhiều quyền kinh doanh và quyền lợi từ dầu mỏ. Maduro đã lập ra cơ quan lập pháp mới gọi là Hội đồng lập hiến, đang soạn thảo Hiến pháp mới, nhằm vô hiệu hóa Quốc hội, do phe đối lập kiểm soát.
Hiện nay Venezuela có 2 Tổng Thống: Maduro giữ chức Tổng thống từ năm 2013 đến nay, được Nga và Trung Quốc ủng hộ. Guaido là Chủ tịch Quốc hội, vừa tự phong là “Tổng thống lâm thời”, nhằm lập ra Chính phủ chuyển tiếp, sau đó tổ chức một cuộc cuộc bầu cử mới, được đông đảo người dân Venezuela, Mỹ, nhiều nước Mỹ La tinh và nhiều nước Phương Tây ủng hộ.
Guaido và phe đối lập đã mật đàm với các quan chức và quân đội của Chính phủ Venezuela, nhằm buộc Maduro từ chức để tránh xảy ra nội chiến. Họ cũng đã phát tờ rơi cho các binh sĩ của quân đội Maduro về một dự luật ân xá đối với các tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính trở về với nhân dân.
Guaido nói với báo Guardian: “Chúng tôi đã tỉnh giấc sau cơn ác mộng để mơ những giấc mơ mới về tương lai, về đất nước của chúng tôi”.
Báo chí Mỹ đưa tin, John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, hôm 27/1/2019, cảnh báo: “Bất kỳ hành vi bạo lực hay hăm dọa nào chống lại các nhân viên ngoại giao Mỹ, hoặc nhắm vào lãnh đạo dân chủ của Venezuela là Juan Guaido hoặc Quốc hội Venezuela cũng sẽ bị coi là hành vi tấn công nghiêm trọng về quy tắc luật pháp và sẽ bị đáp trả mạnh mẽ”.
Ông Guaido phải cẩn thận đề phòng.
(Không những Polonium 210 của người Nga, mà cả những loài … “virus hiếm, và độc hại” của VN).