26-1-2019
TP.HCM, ngày 25 tháng 01 năm 2019
Kính gởi: Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM
Trích yếu: V/v Trao đổi về bài viết “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 24/01/2019.
Chúng tôi, gồm những người ký tên dưới đây, là các luật sư đang hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những người dân bị cưỡng chế đập phá nhà, thu hồi đất tại khu vực Vườn Rau phường 6, Quận Tân Bình, TP.HCM (hay còn gọi là “Vườn Rau Lộc Hưng” – sau đây viết tắt là “VRLH”) trân trọng kính gởi Quý Ông thư này để trao đổi về bài viết “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” của “Nhóm phóng viên” đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24/01/2019.
Nội dung bài báo thể hiện quan điểm của nhóm phóng viên ẩn danh thuộc Báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng UBND Quận Tân Bình quyết định cưỡng chế đập phá nhà dân, thu hồi đất là có sơ sở pháp luật. Tựu trung, qua ba điểm mà chúng tôi tự tiện tóm tắt như sau:
1. Đất do Nha Viễn thông chế độ cũ quản lý, sử dụng: Nhà nước quản lý
Nhóm phóng viên của Quý Báo đã căn cứ theo dữ liệu thông tin có từ kết luận của Thanh tra TP.HCM vào năm 2008, gồm:
– Đến trước năm 1975, toàn bộ diện tích đất 6,8ha do cơ quan viễn thông chế độ cũ quản lý, sử dụng. Trong đó, có hơn 4 ha làm bãi ăng-ten, đối với 2,7ha còn lại (của Giáo hội Công giáo Sài Gòn) thì từ năm 1955, cơ quan viễn thông chấp thuận cho một số người dân canh tác dưới cột ăng-ten vào ban ngày.
– Sau năm 1975, cơ quan viễn thông thuộc chính quyền hiện nay đến tiếp quản khu đất và tiếp tục quản lý, sử dụng.
Do đó, nhóm phóng viên đã dẫn chiếu vào Quyết định số 111/CP ngày 14/04/1977 khẳng định rằng: Khu vườn rau phường 6, quận Tân Bình thuộc khu đất 6,8 ha nêu trên đã thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước.
2. Một diện tích đất không thể có hai chủ:
Nhóm phóng viên đã căn cứ theo dữ liệu thông tin từ “một báo cáo năm 2016 của UBND TP.HCM”, gồm:
– Xác nhận sự việc các hộ dân VRLH được UBND phường 6 xác nhận “đã canh tác hoa màu từ năm 1976 đến nay”. Năm 2000, các hộ dân VRLH đã đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không được giải quyết.
– Bộ TN&MT cho rằng: “Từ thực tế… việc sử dụng đất của các hộ dân để trồng rau là tận dụng phần diện tích đất trống giữa các cột ăng-ten để canh tác… thì không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất”. Thậm chí, “không được xem xét giải quyết tranh chấp về QSDĐ với bưu điện”.
– Đồng thời, từ năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất TP.HCM đã có văn bản giao 4 ha đất lần lượt cho Bưu điện TP, Công ty TNHH TVĐTXD Sài Thành và Bưu điện TP và cuối cùng là UBND Quận Tân Bình thực hiện dự án xây dựng trường công.
Từ đó, nhóm phóng viên xác định diện tích khu đất đã lần lượt có chủ hợp pháp. Cho nên, do đất đã có chủ thì không thể công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân VRLH được, vì một diện tích đất không thể có hai chủ.
3. Vi phạm về xây dựng thì phải tháo dỡ.
—–//—–
Với tư cách là luật sư bảo vệ cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng, chúng tôi có ý kiến trao đổi như sau:
1. Đối với điểm thứ 1:
– Về nguồn thu thập thông tin và kết luận: Việc nhóm phóng viên của quý báo thu thập thông tin, dữ liệu về sự việc từ nguồn duy nhất “bản kết luận năm 2008 của Thanh tra TP.HCM” cho thấy họ đã không thực hiện nguyên tắc sơ đẳng của người phân tích về những vấn đề pháp lý, kể cả dưới tư cách người làm báo khi chỉ thu thập thông tin, dữ liệu một chiều. Hậu quả đưa đến những đánh giá và kết luận hết sức phiếm diện về nguồn gốc và thực tế sử dụng đất của những chủ thể sử dụng đất vào thời điểm trước vào sau năm 1975 (chủ thể là cơ quan ngành viễn thông trước, sau năm 1975 và người dân VRLH). Trong khi đó, chúng tôi hiện đang lưu giữ khá nhiều tài liệu bằng “giấy trắng mực đen” có nội dung rất khác so với với sự hiểu biết hiện nay của nhóm phóng viên, mà nếu có điều kiện được tham khảo, chúng tôi đoan chắc rằng nhóm phóng viên của Quý Báo sẽ không liều lĩnh đưa ra các đánh giá, kết luận như trong bài báo.
– Việc áp dụng Quyết định 111/CP: Quyết định 111/CP ngày 14/04/1977 của HĐBT là một văn bản có hiệu lực chung cho toàn miền nam, từ Quảng Trị trở vào. Văn bản này không phải là một quyết định mang tính cá biệt áp dụng riêng cho khu vực đất đai thuộc VRLH. Do đó, giả thiết đất đai khu vực VRLH có thuộc đúng đối tượng để chi phối bằng QĐ 111/CP thì chính quyền cấp có thẩm quyền vẫn phải ban hành quyết định mang tính cá biệt riêng để thực hiện quản lý. Trong trường hợp đó, tính cho đến nay mà chính quyền vẫn chưa thực hiện thì cũng không còn cơ hội để áp dụng Quyết định 111/CP nữa khi văn bản đã không còn hiệu lực thi hành.
Thậm chí, cho dù chính quyền đã từng ban hành quyết định quản lý đất đai ở toàn bộ khu vực này theo Quyết định 111/CP thì bản thân điều đó cũng trái với quyền lợi của người dân VRLH theo Quyết định 111/CP. Nghe trái khoáy, nhưng điều đó là sự thật. Vì lẽ, trường hợp của họ hoàn toàn phù hợp với điểm 7 mục I và điểm 3, 4 mục III của Quyết định 111/CP, thì theo đó, chính quyền phải công nhận phần diện tích đất mà họ được tổ chức tôn giáo giao sử dụng.
Hơn nữa, bản thân dẫn chiếu Quyết định 111/CP cũng chưa đủ cơ sở giải quyết được vụ việc này cá biệt này. Bởi lẽ, xử lý vấn đề đất đai vụ việc này cũng như những vụ việc khác tương tự mang tầm vóc lớn hơn mà theo đó, đã có nhiều văn bản khác quy định chi phối.
2. Đối với điểm thứ 2:
– Chúng tôi hoàn toàn thống nhất quan điểm “Một diện tích đất không thể có hai chủ” của nhóm phóng viên. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng trên thực tế đất đai ở khu vực VRLH, trong một khoảng thời gian nhất định, một diện tích đất đã từng có hai chủ cùng sử dụng đan xen (một chủ sử dụng các cột ăn-ten và một chủ khác sử dụng trồng rau, xây nhà ở). Đồng thời, trong một khoảng thời gian sau đó, chỉ còn một chủ sử dụng (trồng rau, xây nhà ở) và chủ sử dụng các cột ăn-ten đã từ bỏ hoàn toàn việc trực tiếp quản lý, sử dụng đất. Từ đó, cho thấy quan điểm “Một diện tích đất không thể có hai chủ” đã không phù hợp với thực tế trong vụ việc này.
– Người dân VRLH sử dụng đất có nguồn gốc hợp pháp, là người trực tiếp sử dụng đất, ổn định và lâu dài suốt hơn 60 năm qua (1954-2019), thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế hơn vài thập kỷ cho nhà nước … Cho nên, họ hoàn toàn có đủ cơ sở pháp luật để yêu cầu chính quyền công nhận quyền sử dụng đất cho họ theo quy định của Luật Đất đai. Theo đó, nếu áp dụng nguyên tắc “Một diện tích đất không thể có hai chủ” thì chính quyền phải hủy một phần công nhận quyền sử dụng đất của bưu điện đối với phần diện tích mà người dân VRLH đang sử dụng.
– Đối với Quyết định số 07 ngày 12/10/1991 (gọi tắt “QĐ 07”) của Trưởng Ban quản lý ruộng đất TPHCM cấp công nhận quyền sử dụng đất cho Bưu điện TP.HCM là trái pháp luật, vô giá trị. Bởi lẽ, tham khảo qua văn bản QĐ 07 này, chúng tôi đã phát hiện ra vô số vi phạm quy định pháp luật ban hành thời điểm ấy, ở đủ các mặt: Về hình thức, nội dung và đặc biệt là thẩm quyền cấp giấy (căn cứ quy định tại mục V của Quyết định 201 ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý Ruộng đất về ban hành quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng các văn bản liên quan).
3. Đối với điểm thứ 3:
Chúng tôi không hoàn toàn tán thành với quan điểm xây dựng trái phép thì đập bỏ. Bởi lẽ, căn cứ theo Luật Xây dựng và thực tiễn tại TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản chấp nhận nhà xây dựng không phép được tồn tại nếu phù hợp quy hoạch. Ngay cả trường hợp không được phép tồn tại và buộc phải tháo dỡ thì việc tháo dỡ đó cũng phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục luật định. Cụ thể về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế (căn cứ theo khoản 3 điều 5) và thủ tục cưỡng chế (căn cứ theo khoản 4, 5 điều 34) Nghị định 166/2013/NĐ-CP về Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trên thực tế tại khu vực VRLH, tuy chính quyền ra thông báo yêu cầu người dân phải di dời tháo dỡ nhà trong thời hạn 90 ngày. Thế nhưng, chỉ mới 02 ngày, chính quyền đã cho lực lượng xuống cưỡng chế. Điều này không chỉ làm thiệt hại về nhà cửa mà còn làm mất mát, hư hỏng tài sản các loại của người dân nơi đây.
Điều đó cho thấy chính quyền đã không bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan khi cho tổ chức phá bỏ nhà người dân VRLH. Chưa kể, hành xử bất nhất khi một mặt khẳng định không thu hồi đất, người dân được tiếp tục sử dụng đất, thì mặt khác, đã thu hồi đất và tổ chức lực lượng cấm cản người dân bước vào trong khu vực đất VRLH.
Ngoài ra, việc tổ chức cưỡng chế đập phá nhà dân vào trước những ngày giáp tết, đẩy non ngàn người dân ra lề đường sống cảnh màn trời chiếu đất là hành vi bất nhân không thể biện minh.
—–//—–
Trong thư này, chúng tôi chỉ nêu một vài điểm pháp lý nhỏ trên cơ sở các vấn đề mà bài báo của nhóm phóng viên của Quý Báo có đề cặp mà thôi. Ngoài ra, còn rất nhiều các vấn đề pháp lý quan trọng khác mà chúng tôi chưa tiện nêu trong khuôn khổ một thư phản hồi báo chí.
Với tất cả sự trình bày trên, chúng tôi trân trọng đề nghị ông Tổng Biên Tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho đăng toàn bộ phản hồi của chúng tôi theo thư này đối với bài báo “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” để độc giả của Quý Báo có cái nhìn khách quan, đa chiều và toàn diện hơn về nội dung sự việc.
Đồng thời, nếu có thể, chúng tôi cũng rất sẵn lòng tham gia một buổi live stream tranh luận về vấn đề này do quý báo tổ chức giữa các bên : Chúng tôi, người dân Vườn Rau Lộc Hưng với chính quyền cũng như luật sư của chính quyền (nếu có) với mục đích “Minh định pháp lý”.
Trân trọng.
Các luật sư
(Đã ký cùng một số hộ dân)