Trần Hà Linh
26-1-2019
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết tâm cắt bỏ hàng loạt quy định liên bang mà ông gọi là “lố bịch” và ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính quyền liên bang lại liên tục bị người dân và doanh nghiệp kiện ra toà vì việc này. Một nghiên cứu mới cho thấy, chính quyền của ông Trump đã thua tới hơn 90% các vụ kiện này, đài CNBC cho biết.
Các vụ kiện này bao quát nhiều lĩnh vực như môi trường, nhập cư, người khuyết tật, nhà xã hội, tín dụng sinh viên, v.v… Vốn dĩ, các tổng thống trước đây đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ cho quyền lợi của nhiều nhóm dân cư và doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên. Nay Tổng thống Trump bãi bỏ quy định, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhóm trên nên bị kiện.
Nghiên cứu trên do Viện Hội nhập Chính sách của Mỹ tiến hành. Đây là một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái được Khoa Luật – Đại học New York bảo trợ.
Tỉ lệ thắng kiện của chính quyền Trump được cho là thấp bất thường, khi các chính quyền trước đây có tỉ lệ thắng kiện trung bình là 69%, nghĩa là chỉ thua khoảng trên dưới 30%. Ông Trump thua tới hơn 90%.
Trong nhiều vụ, toà án chỉ ra lý do chính quyền Trump thua kiện là vì họ bãi bỏ quy định mà chưa tham vấn rộng rãi trong công chúng hoặc thực thi quy định một cách tuỳ tiện và thất thường.
Điều đó có nghĩa là chính quyền Trump thua không hẳn vì bãi bỏ quy định, mà vì chưa tuân thủ đúng và đủ quy trình bãi bỏ.
Dan Bosch, giám đốc tổ chức cánh hữu Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ, cho rằng, “có vẻ như điều thực sự đã xảy ra là họ đã bỏ qua một bước nào đó trong quy trình, và họ cần phải nỗ lực hơn nữa để giải thích những hành động của mình”.
Nhà Trắng không đưa ra bình luận nào về thông tin này, nhưng cho rằng việc bãi bỏ các quy định đã giúp người dân và doanh nghiệp Mỹ tiết kiệm được 23 tỷ đô-la vào năm ngoái.
Các chính trị gia và nhóm lợi ích cánh hữu/bảo thủ như ông Trump và đảng Cộng hoà có xu hướng cổ xuý cho một chính phủ nhỏ, thậm chí là chính phủ tối thiểu. Điều đó có nghĩa là chính phủ không được đưa ra quá nhiều quy định can thiệp vào đời sống xã hội và việc làm ăn của doanh nghiệp. Can thiệp nhiều đồng nghĩa với việc bộ máy chính phủ phình to hơn. Thông thường, chính phủ nhỏ có lợi cho doanh nghiệp bởi họ không phải chịu quá nhiều ràng buộc.
Trong khi đó, giới chính khách và nhóm lợi ích cánh tả như đảng Dân chủ cổ xuý cho một chính phủ lớn hơn để đảm bảo phúc lợi cho người dân, trong đó có trợ cấp cho giáo dục và y tế, cấp tín dụng cho sinh viên, nâng cao tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, trợ cấp cho những nhóm yếu thế như người khuyết tật hay người sắc tộc thiểu số, v.v… Điều này đồng nghĩa với việc đánh thuế người giàu và doanh nghiệp cao hơn, doanh nghiệp bị ràng buộc với nhiều nghĩa vụ về môi trường và lao động hơn.
Việc các toà án liên bang Mỹ ngăn chặn các động thái của chính quyền Trump cho thấy rõ tính độc lập của ngành tư pháp nước này. Mặc dù ông Trump đã bổ nhiệm được tới hai thẩm phán vào Tối cao Pháp viện cũng như hàng trăm thẩm phán khác vào các toà án liên bang, điều đó không có nghĩa là họ sẽ tuyên án có lợi cho ông.