16-1-2019
Thấy bà con, ngay cả ở những bậc “học giả thông thái”, hay lẫn lộn về ý nghĩa ở hai từ (chuyên môn): 1/ chủ quyền và 2/ quyền sở hữu.
“Chủ quyền” không hề là “quyền làm chủ” như nhiều người đã nghĩ (hay viết). “Chủ quyền” ở đây là “souveraineté – sovereignty”, có nghĩa là “thẩm quyền tối thượng trong một quốc gia”. Chữ “quyền” trong “chủ quyền” là “quyền lực – pouvoir – power”.
Trong quan hệ “quốc gia” với “quốc gia”, “chủ quyền” còn có nghĩa là “độc lập”.
“Chủ quyền” quốc gia (hay chủ quyền lãnh thổ), trong một thể chế cộng hòa thì thuộc về “toàn dân” hay “nhân dân”. Trong chế độ quân chủ, chủ quyền quốc gia thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…)
Trong thể chế “cộng hòa” (như VN) “chủ quyền quốc gia” thuộc về quốc hội. Điều này dễ hiểu vì “toàn dân” hay “nhân dân” không là “ai” hết cả, vì “nhân dân” không có “tư cách pháp nhân”. Trong khi quốc hội là cơ quan đại diện của toàn thể quốc dân. Hiến pháp VN qui định QH là nơi nắm “quyền lực cao nhứt”. Đây là cách nói khác “QH là nơi nắm chủ quyền quốc gia”.
Pháp nhân giữ “chủ quyền”, tức “quyền lực tối thượng” trong quốc gia, (tức quốc hội) có thể ban bố “các quyền sở hữu” như về đất đai, nhà cửa… hay bất cứ quyền nào khác của cá nhân trong quốc gia…
Ngược lại, pháp nhân này (quốc hội) cũng có thể tước bỏ mọi “quyền” đã ban bố cho một người hay một pháp nhân nào đó.
Còn “quyền sở hữu” đơn thuần chỉ là một “droit – right”. Người có “quyền sở hữu” ở một vật nào đó, người này có quyền sử dụng, thụ hưởng, chuyển nhượng… một cách “độc quyền” vật đó theo đúng qui định của pháp luật.
Hôm kia tôi có viết rằng vụ vườn rau Lộc Hưng sẽ giúp cho VN làm sáng tỏ khái niệm “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân”.
Quyền “sở hữu toàn dân” là một khái niệm “chính trị” (và giáo điều) của chủ nghĩa cộng sản. Đây là một khái niệm hoàn toàn ra ngoài mọi phạm trù luật học (được quốc tế nhìn nhận). “Toàn dân” không phải là một “pháp nhân”, không chịu trách nhiệm về bất kỳ cái gì, vì vậy không thể đứng tên “sở hữu chủ”.
“Nhà nước” không thể đại diện cái “không hiện hữu”, vì không ai biết “toàn dân” là ai? “pháp nhân” này được định nghĩa ra sao?
Dầu vậy từ hơn 4 thập niên qua nhà nước đã dựa trên “quan niệm chính trị”, gọi là “sở hữu toàn dân” này để truất hữu quyền tư hữu về đất đai, nhà cửa của hàng chục triệu người dân VN.
Khi chủ nghĩa cộng sản còn “vững mạnh”, nó là một “tiêu chuẩn” khác với tiêu chuẩn tư bản thị trường thì không ai “dị nghị”. Tất cả đều được giải quyết bằng “sức mạnh”, bằng sự “cưỡng chế”, bằng việc “duy ý chí” của kẻ nắm quyền… chớ không thông qua pháp luật, hay sự đồng thuận giữa các bên “cưỡng chế” và “bị cưỡng chế”.
Bây giờ “tiêu chuẩn” XHCN đã “tiêu vong”. VN đã gia nhập sâu xa vào “kinh tế thị trường”. Mọi quyết định chuyển nhượng quyền tư hữu bây giờ đều thông qua luật lệ của “kinh tế thị trường” (chớ không giao dịch bằng sức mạnh, bằng sự cưỡng chế kiểu cải cách ruộng đất hay cải tạo công thương nghiệp… nữa).
Vụ vườn rau Lộc Hưng khiến mọi người nhớ lại các thời kỳ “cải cách ruộng đất” thời xưa.
Việc này cũng đặt lại vấn đề về việc sử dụng “quyền lực” của nhà nước để “truất hữu” đất đai của người dân.
Rõ ràng VN đang trở lại “luật rừng” thời XHCN. Rõ ràng các nhóm “lợi ích” đã sử dụng “ông nhà nước”, khiến “ông nhà nước” tiếm quyền của quốc hội trong các việc cưỡng chế đất đai của người dân.
Nhân “lò” của cụ Tổng đang “nóng”, thử xét qua vườn rau Lộc hưng, xem khúc củi “to” nào ở quận Tân Bình. Ai đã lộng hành sử dụng “ông nhà nước”, đứng sau tấm bình phong “sở hữu toàn dân” để cướp đất của dân?