Trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ bác sỹ Hoàng Công Lương

FB LS Trần Hồng Phúc

11-1-2019

Hôm nay nhóm luật sư chúng tôi cũng đã tái nghiên cứu đến bút lục cuối cùng của hồ sơ vụ án cần minh họa và tô điểm cho phần bào chữa đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội.

Kể từ ngày hoãn phiên tòa 08/1/2019, nhóm luật sư cũng đã cố gắng thăm hỏi Lương, cùng gia đình, đồng nghiệp và bác sĩ điều trị động viên để Lương bình tâm, tích cực uống thuốc theo đơn và phác đồ điều trị, nhằm có đủ điều kiện sức khỏe tham gia tố tụng tại phiên tòa ngày 14/01/2019 tới đây.

Mấy ngày gần đây, nhận thấy dư luận lên tiếng khá nhiều về việc sức khỏe của Hoàng Công Lương. Cũng may là bác sĩ điều trị cho Lương đề nghị Lương không dùng điện thoại nên không phải tiếp cận với các thông tin đa chiều có yêu, có ghét (mặc dù ở đó phần lớn là yêu quý và ủng hộ cho Lương).

Tuy nhiên, ở góc độ của người bào chữa, chúng tôi rất mong bạn bè, đồng nghiệp và người dân không nên tư duy chủ quan, áp đặt hạ thấp uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án. Rõ ràng, ở phiên tòa ngày 08/01 vừa qua, Viện kiểm sát đã giành “giải quán quân” trong “kỳ thi” tố tụng tại phiên tòa khi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa sau khi đã thận trọng thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng của vụ án để tiến hành xác minh tình trạng sức khỏe của Lương. Quan điểm đề nghị của VKS là hoàn toàn đúng luật vì việc hoãn phiên tòa không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo vắng mặt mà còn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo khác trong vụ án.

Về phía Tòa án, HĐXX cũng đã “đính chính” về lý do vắng mặt của Hoàng Công Lương và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, chúng tôi tin rằng từng thành viên của HĐXX đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng hồ sơ vụ án nhằm bảo đảm trách nhiệm xét xử chỉ tuân theo pháp luật của mình. Tuy nhiên, để có một phán quyết đúng pháp luật thì còn đòi hỏi thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa. Phiên tòa chưa diễn ra, nên chúng ta cần tránh nhận định chủ quan không đúng về cơ quan xét xử. Chúng tôi rất tin HĐXX sẽ tuân theo pháp luật và tạo điều kiện cho một phiên tòa hết sức công khai để tất cả những vấn đề pháp lý liên quan được đưa ra, tranh tụng không giới hạn những nội dung “buộc” và “gỡ” tội trong vụ án. Về phía Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chúng tôi đánh giá rằng khá khách quan, nếu không sẽ không có chuyện trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở phiên tòa trước. Đến nay, qua điều hành, nhìn thấy Ông ngày càng thêm thận trọng…

Về phía các bị cáo khác trong vụ án, sau 03 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra và truy tố cũng đã thu thập chứng cứ để đưa ra kết luận của mình nhưng đây chưa phải là kết luận của cơ quan xét xử. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng tôi vẫn nhận diện người phạm tội lớn nhất trong vụ án này là “lỗi hệ thống” liên quan mật thiết đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong ngành y. Báo chí đã đưa tin công khai, bản Cáo trạng cũng tràn lan trên mạng xã hội cho thấy chính cơ quan truy tố cũng đã có những đánh giá công tâm về dấu hiệu buông lỏng quản lý Nhà nước, những kẻ hở, thiếu sót nghiêm trọng của công tác quản lý nhà nước góp phần tạo ra hậu quả vụ án này.

Từ trước đến nay, chúng tôi không suy nghĩ một chiều, phiến diện về lỗi chỉ thuộc về các bị cáo lãnh đạo bệnh viện và khoa phòng trong vụ án, mà cảm thấy chính họ cũng là “nạn nhân” của cơ chế cho phép hoạt động mà không có hành lang pháp lý bảo đảm an toàn cho tất cả các bên, thậm chí cho cả người đứng đầu bệnh viện.

Thử nghĩ mà xem, đến Bộ Y tế còn chưa ban hành đầy đủ quy trình về kỹ thuật thận nhân tạo; không ban hành quy trình về sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống nước RO dùng trong chạy thận nhân tạo; không quy định chủ thể nào có quyền và đủ điều kiện thực hiện dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng hệ thông nước RO… thì việc quy trách nhiệm cho lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo Khoa, Phòng của cơ sở khám chữa bệnh vì lý do họ không ban hành quy trình có phải là vô lý?

Nếu để điều này xảy ra, phải chăng mạnh ai nấy làm, cứ ban hành quy trình theo cách của bệnh viện mình mà không cần có ai thẩm định quy trình là đúng, không cần có sự thống nhất quy trình nào đó được “đẻ ra” trong hoạt động của toàn bộ mạng lưới cơ sở y tế trên toàn quốc? Trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành y tế để đâu trong việc thống nhất hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình?

Ngoài ra, vấn đề liên doanh, liên kết xã hội hóa ngành y với mục đích phi lợi nhuận đã có phần “biến dạng” nên Cáo trạng của cơ quan truy tố cũng chỉ ra Bộ Y tế thiếu quy định cần thiết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hoạt động liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo giữa Bệnh viện và Nhà sản xuất, cung ứng cũng như việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thực hiện chức năng chữa bệnh suy thận bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Vậy thì lỗi của ai, có hay không trách nhiệm liên đới của những người trong cơ quan quản lý Nhà nước của ngành y?

Còn công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý cấp trên từ Bộ đến Sở, hàng năm họ đã thực hiện ra sao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đâu có chống đối việc này, nhưng tại sao không kiểm tra, không kết luận hay cảnh báo về đòi hỏi phải có quy trình, về việc thành lập đơn nguyên lọc máu không phù hơp, về kiểm soát chất lượng trang thiết bị đặc biệt là hệ thống RO? Để bây giờ xảy ra, thì mọi sự xấu xa, vô trách nhiệm đều quy về cho lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện???

Nếu cho rằng Đơn nguyên thận nhân tạo phải hoạt động như một Khoa lọc máu quy định tại Mục 24 Quy chế Bệnh viện năm 1997, thì vì sao qua thanh tra, kiểm tra không khuyến cáo ông Dương, ông Khiếu về sự khuyết vắng của kỹ sư/kỹ thuật viên, để đến giờ này quy trách nhiệm hoàn toàn cho họ? Bộ Y tế tại phiên tòa hồi tháng 5/2018 đã có quan điểm trả lời trách nhiệm đối với chất lượng nguồn nước RO thuộc cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trong điều kiện đơn nguyên Thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không có kỹ sư/kỹ thuật viên nhưng đến nay quan điểm lại không còn như vậy?

Chúng tôi muốn chia sẻ đôi điều và rất thông cảm sức ép đề nặng lên vai những người tiến hành tố tụng, rất hiểu tâm trạng băn khoăn của nhiều bị cáo trong vụ án (đặc biệt là các bị cáo của BVĐK tỉnh Hòa Bình). Càng ngẫm càng hiểu ra, đấy cũng là lý do mà lần nào nói chuyện với luật sư, Hoàng Công Lương bảo rằng “Chú Khiếu không có tội”, rồi Lương thắc mắc không có quy trình của ngành y tế, thì quy định cụ thể tại văn bản nào buộc lãnh đạo bệnh viện phải có trách nhiệm ban hành quy trình riêng … ???

Nghĩ mệt rồi, đừng bận tâm nữa – đó là điều mà chúng ta cùng nhau cất lên tiếng nói trong vụ án này.

Trách nhiệm của luật sư là bào chữa một cách tốt nhất cho thân chủ của mình và qua đó bảo vệ những chuẩn mực pháp lý trong xã hội. Do vậy, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi không chỉ quan tâm đối với trách nhiệm của Hoàng Công Lương, mà nghĩ rằng các luật sư đồng nghiệp cũng cần xem xét lại tội danh và gỡ phần nào trách nhiệm cho cả ông Dương, ông Khiếu và ông Tuấn.

Nhiều người hay nói vui “Công Lý là diễn viên hài” nhưng CÔNG LÝ luôn phải là nghệ sĩ của NHÂN DÂN.

Chúng tôi tin vào sự công tâm, độc lập trong xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình.

*Tiêu đề do Tiếng Dân đặt.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây