12-1-2019
Báo Tuổi Trẻ với châm ngôn “Phụng sự bạn đọc” cùng với báo Thanh Niên có bài về tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong số báo Xuân. Không đánh giá hai bài báo này về sự hay-dở, vì tôi không đọc bất kỳ bài nào, nhưng tôi cho rằng hai bài viết này vô giá trị về mặt báo chí.
Một nhân vật hay sự việc dĩ nhiên có nhiều chiều đánh giá, nhân vật nổi tiếng lại càng nhiều, nổi tiếng và giàu có lên bằng địa ốc ở Việt Nam lại càng nhiều hơn.
Không có hoặc hầu hết các tờ báo (trừ báo Người Đô Thị) vẫn chọn sự im lặng khi có thông tin bất lợi cho các tập đoàn như Vin group hay Sun group. Không phủ nhận sự lớn mạnh của các tập đoàn này mang lại sự phát triển nhất định cho nền kinh tế vĩ mô, nhưng càng không thể chối bỏ họ đang chiếm hữu và tàn phá thiên nhiên bằng nhiều cách không ngay thẳng.
Do đó, khen ngợi mà không chịu nói ra những mặt tối của sự phát triển ở các tập đoàn này thì báo chí mới hoàn thành vai trò của các ấn phẩm nội bộ, không phải báo chí như đúng nó là. Vô giá trị là ở đó.
Bạn đọc quan tâm đến tài sản của ông Vượng là bạn đọc. Bạn đọc quan tâm đến vườn rau Lộc Hưng cũng là bạn đọc. Phụng sự bạn đọc quan tâm đến sự giàu có của Vin mà im lặng với mối quan tâm, với tiếng khóc nức của người mất nhà ở Lộc Hưng thì không phải là phụng sự.
Chắc chắn Vin group chi ra số tiền không nhỏ cho kế hoạch truyền thông dịp Tết để “đi” bài trên các ấn phẩm xuân của những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên, gián tiếp hay trực tiếp. Nhưng, đâu có lớn bằng số tiền đông đảo bạn đọc đã đóng góp cho những tờ báo này suốt mấy mươi năm ròng. Và càng vô nghĩa lý so với niềm tin vào sự ngay thẳng của báo chí với những sự kiện xã hội.
Phụng sự kẻ có tiền thì chỉ làm thuê, phụng sự sự thật mới là báo chí. Bạn đọc không cần tờ báo nào phụng sự mình, họ cần sự thật.