Mẹ ơi, Tết này mình ở đâu?

FB Đỗ Cao Cường

9-1-2019

Mấy chục năm trước, những thanh niên trai tráng sống quanh quẩn sau lũy tre làng nghe theo lý tưởng của một nhóm người, họ đã đi bộ hàng ngàn cây số để tìm kiếm hy vọng đổi đời.

Nhưng cho đến nay, nhiều đứa trẻ mới lớn được tiếp cận, cọ xát với thế giới bên ngoài quay về và nhận xét lại cha ông của chúng rằng, “ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại”.

Từng đấy năm, là biết bao thân phận phải bỏ mạng giữa rừng thiêng nước độc, có quá nhiều người ra đi ngay dịp tết nguyên đán, họ chết bởi sự sai lầm, khát máu, điều khiển của một nhóm người… câu chuyện tết Mậu Thân là một ví dụ điển hình.

Và cuối cùng, cuộc chiến tạm ngưng, thằng đi bộ “giải phóng” thằng ô tô, một số đập hố xí tự hoại để xây cho mình hố xí tro, lấy vợ, làm nhà và ở ngay trên mảnh đất mà họ mới đến.

Nhưng sau mấy chục năm an cư lạc nghiệp, ở chính nơi mảnh đất giao thoa, ôn hòa ấy lại mọc lên hàng tá dân oan đeo huân huy chương, vẫn ngày ngày lê la khắp hang cùng, ngõ hẻm để đòi lại nơi che mưa che nắng, nơi mà họ đã dành cả tuổi thanh xuân mới có được.

Còn nhớ một dịp tết nguyên đán, tôi đã thay mặt gia đình của những người lính Bắc Việt in cả những bài báo tôi viết, hình ảnh họ khóc cùng bức tâm thư gửi cho ông thủ tướng đương thời.

Cứ tưởng sẽ ít đi những mảnh đời cơ cực, nhưng không, thêm một cái tết là thêm biết bao nhiêu mảnh đời oan trái, hiện tại vẫn có quá nhiều dân oan mất đất tìm tới tôi, nhưng… tôi cũng đã bất lực.

Không một cơ sở pháp lý, không một quyết định cưỡng chế ban hành đúng luật, không một cơ quan giám sát, định giá độc lập, không cần thương lượng, nghe ý kiến của người dân… họ vẫn cứ cho quân đến san nhà và cướp đất.

Quy luật 80/20 đã chỉ rõ 80% kết quả là do 20% nguyên nhân, còn với hơn 80% vụ án có liên quan tới quản lý đất đai hiện nay họ sẽ rút ra được điều gì?

Công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc phút chốc biến thành tro, những người miền Nam non nớt, cực đoan đã quay sang miệt thị, chửi rủa tất cả đồng bào miền bắc, thậm chí, họ chửi cả cha ông, tổ tiên của họ đã di cư vào.

Nhưng, những người miền Nam đó thử ra miền Bắc ăn dầm nằm dề, rong ruổi cùng bà con vài hôm, cùng họ mưu sinh, đấu tranh, ngủ ngoài đường trong những đợt lạnh buốt, mưa phùn ẩm thấp, ngồi trong nhà nhưng chăn gối vẫn còn ẩm ướt, hôi mù… mới cảm nhận hết được hoàn cảnh sống, nỗi khốn khổ của đồng bào mình.

Ngay giữa lòng thủ đô cũng chẳng thiếu gì những thân phận màn trời chiếu đất, bà Cao Thị Thỏa (Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) với đôi bàn tay dị tật vẫn phải ngày ngày đi nhặt rác, ở nhờ.

Tất cả cũng chỉ tại lũ quan tham cướp đất, tổ tiên và hiến pháp có vấn đề.

Một mùa tết nữa lại đến, bên cạnh những cuộc đoàn viên thú vị lại có thêm những đứa trẻ vô tội ở vườn rau Lộc Hưng mất nhà, mất đất bị đẩy ra đường, chúng bị cướp cả đồ chơi lẫn tuổi thơ. Rồi không biết tết này gia đình chúng sẽ ăn tết ở đâu?

Bình Luận từ Facebook