Trung Quốc thao túng truyền thông thế giới như thế nào?

FB Mạnh Kim

1-1-2019

An ninh mạng nói riêng hay an ninh quốc gia nói chung nên nhìn ở góc độ nào? An ninh quốc gia có được đảm bảo hay không là phải hiểu rõ kẻ thù hoặc đối thủ của mình mà kẻ thù/đối thủ lớn nhất và nguy hiểm nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Phải biết họ đang làm gì và làm như thế nào để đối phó mới là trọng điểm của vấn đề an ninh mà Việt Nam cần làm, chứ không phải nhắm vào việc bịt mồm bịt miệng người dân trong khi truyền thông Trung Quốc lại được thiết kế để đánh toàn diện trên mọi mặt trận truyền thông thế giới. Hồ sơ dưới đây cho thấy phần nào điều đó.

TRUNG QUỐC THAO TÚNG TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

Bài 1: “Giảng hảo Trung Quốc cố sự”

Điều tra của Reuters, Guardian, Foreign Policy… đã cho thấy chi tiết các thủ đoạn tinh vi ma mãnh của Trung Quốc trong việc thao túng truyền thông thế giới để tung ra những bài báo phù hợp quan điểm Bắc Kinh, để viết những câu chuyện Trung Quốc theo cách của Trung Quốc (mà Bắc Kinh gọi là “giảng hảo Trung Quốc cố sự”). Không phải tự nhiên mà không ít tờ báo phương Tây vài năm gần đây thường xuyên có những bài viết ca ngợi Trung Quốc lên tận mây xanh…

“Giảng hảo” được thực hiện như thế nào?

Đối mặt tình trạng giảm lương liên tục và nguy cơ sa thải, không ít nhà báo phương Tây đã tranh nhau vào Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (“Trung Quốc quốc tế điện thị đài”-CGTN), nơi họ được trả lương cao và được làm việc tại studio bóng lộn. CGTN – chi nhánh quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) – được đầu tư nhằm bành trướng toàn cầu, với mục tiêu, theo lời Tập Cận Bình, là “kể thật hay những câu chuyện về Trung Quốc” (“Giảng hảo Trung Quốc cố sự”). “Kể thật hay” ở đây là viết sao cho phù hợp mục đích tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã kiểm duyệt gắt gao hoạt động truyền thông trong nước. Những trang viết tiêu cực về Trung Quốc trên các tạp chí nước ngoài (nhập vào Trung Quốc) thường bị xé mất; hoặc các bản tin của truyền hình BBC về những chủ đề nhạy cảm như Tây Tạng, Đài Loan, Thiên An Môn… đột ngột bị “mất sóng”. Bây giờ, Trung Quốc không chỉ kiểm duyệt truyền thông quốc tế phát hành và hoạt động trong nước. Bắc Kinh còn thò tay ra nước ngoài…

Một trong những cách đơn giản nhất là mua phụ trương của các tờ báo lớn chẳng hạn Washington Post hoặc New York Times. Thay vì đăng quảng cáo trên phụ trương, Trung Quốc đăng bài viết. Tại Mỹ, Trung Quốc mua chuộc giới vận động hành lang để tung ra những thông điệp có lợi cho mình, “giải thích” cho thế giới “hiểu” chủ trương và đường lối trong chính sách đối ngoại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng chi hào phóng cho phóng viên nước ngoài để đến Trung Quốc làm “phóng sự”. Thậm chí Bắc Kinh tài trợ 100% cho các chương trình đào tạo truyền thông cho nhà báo nước ngoài. Từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc tăng cường cái gọi là “chiến tranh thông tin” như là một phần của chiến lược quân sự, với mục đích tạo ra ảnh hưởng đối với công chúng thế giới.

Phóng viên điều tra Nigeria, Dayo Aiyetan, vẫn còn nhớ cú điện mình nhận được cách đây vài năm sau khi CCTV mở văn phòng đại diện tại châu Phi (đặt ở Kenya) vào năm 2012. Aiyetan vừa thành lập trung tâm báo chí điều tra đầu tiên tại Nigeria và ông cũng vừa tiết lộ một số doanh nghiệp Trung Quốc khai thác rừng bất hợp pháp ở Nigeria. Người gọi cho Aiyetan đã đưa ra đề nghị: một chân phóng viên cho văn phòng CCTV với mức lương ít nhất gấp đôi mức hiện tại của Aiyetan. Dù vậy, Aiyetan từ chối. Câu chuyện Aiyetan là một trong những trường hợp điển hình của hình thức mua chuộc truyền thông mà Trung Quốc thực hiện tại châu Phi, nơi Trung Quốc chọn thử nghiệm cho chiến dịch bành trướng truyền thông toàn cầu. Những nỗ lực này bắt đầu được tăng cường sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, khi giới lãnh đạo Trung Quốc điên tiết trước làn sóng chỉ trích của truyền thông nước ngoài về nhân quyền cũng như các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng diễn ra trên chặng rước đuốc Thế vận hội vòng quanh thế giới.

Mua đứt châu Phi

Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố chi 6,6 tỷ USD cho kế hoạch củng cố vị trí trong làng truyền thông quốc tế. Đầu tiên là mở văn phòng CCTV tại châu Phi và tuyển mộ những phóng viên tên tuổi có uy tín như Aiyetan. Với giới phóng viên bản địa, CCTV hứa hẹn lương lậu cao đồng thời còn được “kể câu chuyện theo cách châu Phi” cho độc giả thế giới mà không cần phải gọt đẽo cho hợp khẩu vị phương Tây. Tuy nhiên, theo Vivien Marsh thuộc Đại học Westminster (London), người từng nghiên cứu nội dung CCTV Châu Phi, đã cho thấy một sự thực khác. Phân tích loạt tường thuật của CCTV Châu Phi về trận dịch Ebola 2014, Vivien Marsh nhận thấy có 17% nội dung các bài báo đều đề cập Trung Quốc, nhấn mạnh vai trò Trung Quốc trong việc cung cấp bác sĩ và viện trợ y tế. Nói cách khác, “câu chuyện châu Phi” ở đây đã bị “đổi màu”, để nhấn mạnh sức mạnh, sự hào phóng và “thiện tâm” của Trung Quốc.

Ngoài kênh tiếng Anh, CGTN hiện còn phát bằng tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Arab và Nga. 6 năm qua, CGTN đã phủ sóng khắp Lục địa đen. Hành lang các trụ sở uy quyền Lục địa đen, như Liên đoàn châu Phi tại Addis Ababa (Ethiopia), giờ được lắp toàn màn hình do CGTN cung cấp. Các làng quê, từ Rwanda đến Ghana, cũng được phát sóng miễn phí, dưới bản quyền phân phối của StarTimes – một công ty truyền thông Trung Quốc có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh. Gói phí rẻ nhất của StarTimes bao gồm các kênh Trung Quốc và châu Phi. Nội dung tất nhiên tạo ảnh hưởng đáng kể đối với 10 triệu trong 24 triệu người đăng ký xem truyền hình có bản quyền của Lục địa đen. Tình trạng mở tivi lên là thấy… “Tàu” đã khiến Hiệp hội phát thanh-truyền hình độc lập Ghana, hồi tháng 9-2018, phải thốt lên: “Nếu StarTimes được phép kiểm soát hạ tầng phát sóng kỹ thuật số và không gian vệ tinh thì Ghana sẽ phải giao luôn không gian phát sóng cho sự kiểm soát lẫn nội dung cho Trung Quốc”.

Nhà báo hay gián điệp?

Với phóng viên nước ngoài, làm việc cho truyền thông Trung Quốc dĩ nhiên không thể muốn viết gì tùy ý. Câu chuyện của Mark Bourrie, cựu phóng viên Tân Hoa Xã, là một ví dụ.

Trong một tiệc Giáng sinh 2009, Bourrie bắt đầu quen Yang Shilong, chánh văn phòng Tân Hoa Xã tại Canada, và được rủ rê vào làm cho Tân Hoa Xã. Hè 2010, văn phòng Tân Hoa Xã có sếp mới – Zhang Dacheng. Kể với Bourrie, Zhang cho biết mình vốn là sĩ quan quân đội. Với Bourrie, Zhang dường như chẳng hiểu biết gì về hoạt động báo chí trong một nền chính trị dân chủ. Anh thường xuyên bị Zhang yêu cầu đòi phỏng vấn chủ tịch Hạ viện hoặc các viên chức chính phủ cấp cao. Zhang xem những chính trị gia đối lập như những kẻ gây rối. Cung cách làm việc của Zhang càng khiến Bourrie khó chịu, đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Canada ngày 23-6-2010 và bị một số nhóm biểu tình phản đối. Zhang yêu cầu Bourrie phải điều tra xem những người biểu tình là ai. Bất bình, Bourrie trả lời: “Ký giả Canada không làm những chuyện như vậy!”.

Mùa thu 2010, Bourrie được yêu cầu viết một báo cáo về hoạt động tôn giáo, rằng Canada “quản lý” các tổ chức tôn giáo như thế nào và chính quyền trấn áp các “giáo phái tà độc” ra sao… Bourrie nói rằng, ở nước mình, báo chí không có quyền can thiệp vào những đề tài như vậy, rằng mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tin vào bất kỳ gì họ thích… Nếu các nhóm tôn giáo phạm tội thì đó là chuyện của cảnh sát và tòa án. “Thành thực mà nói, đây không phải là câu trả lời tôi muốn” – Zhang hồi đáp Bourrie trong một email. “Bộ nào hay cơ quan nào ở Canada chịu trách nhiệm giám sát các giáo phái; chính phủ làm gì để hạn chế hoặc tấn công các giáo phái tà độc; những tín đồ của các giáo phái tà độc có thể bị lôi ra tòa không?”…, và cuối cùng, Zhang đi thẳng vào trọng tâm: “Tình trạng hiện nay của giáo phái Pháp luân công tại Canada là gì? Nó có được chấp nhận một cách hợp pháp không?”…

Ngày 27-4-2012, Dalai Lama đến Ottawa. Bourrie được yêu cầu theo dõi sát các hoạt động của Dalai Lama để “viết bài” cho Tân Hoa Xã. Thực tế thì các “bài báo” như vậy không bao giờ được đăng mà thật ra là những báo cáo mà Tân Hoa Xã gửi về Bắc Kinh. Không chỉ nội dung buổi họp báo, Bourrie còn được Zhang yêu cầu dùng bất kỳ mối quan hệ nào với các viên chức chính phủ để tìm hiểu xem nội dung cuộc gặp riêng giữa Dalai Lama và Thủ tướng Stephen Harper bàn về những gì. “Chúng tôi được phép có mặt ở đó với tư cách nhà báo” – Bourrie viết email cho Zhang – “Chúng tôi lại làm việc không phải với chức năng của nhà báo. Chúng tôi, theo cách miêu tả của ông, đang thu thập thông tin tình báo cho Trung Quốc”. Cảm thấy bị lợi dụng và sử dụng như những tay gián điệp, Bourrie không thể tiếp tục. Anh bỏ bút không tiếp tục ghi chép gì nữa trong cuộc gặp Dalai Lama. Anh ngồi lắng nghe, bắt tay vị thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng khi ông rời đi, rồi về nhà, gửi email cho văn phòng Tân Hoa Xã, tuyên bố mình nghỉ việc…

Còn tiếp…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bác hiểu rất đúng những suy nghĩ của một nhà báo Canada
    có lương tâm,không thể làm điều bất nhân,phi nghĩa.
    Đoạn sau rất chí lý khi liên tưởng tới tình hình VNCH.trước
    1975 và nhất là VNCs.thời bây giờ.

  2. Xem đoạn trích dưới đây:
    ” Bourrie còn được Zhang yêu cầu dùng bất kỳ mối quan hệ nào với các viên chức chính phủ để tìm hiểu xem nội dung cuộc gặp riêng giữa Dalai Lama và Thủ tướng Stephen Harper bàn về những gì. “Chúng tôi được phép có mặt ở đó với tư cách nhà báo” – Bourrie viết email cho Zhang – “Chúng tôi lại làm việc không phải với chức năng của nhà báo. Chúng tôi, theo cách miêu tả của ông, đang thu thập thông tin tình báo cho Trung Quốc”.
    —-
    Chữ “chúng tôi” trong đoạn trích trên phải hiểu là “chúng ta”, vì ở thời điểm ấy Bou và Zhang vẫn còn là một giuộc Tân Hoa Xã.
    Tình báo Trung cộng thì khỏi nói rồi, họ như loài nấm độc len lỏi khắp nơi.
    Ở Mỹ nhiều người chửi tổng thống Trump là độc tài, kỳ thị da màu, chưa chắc chống bành trướng Trung cộng mà chỉ là chiêu trò nhằm phục vụ lợi ích cá nhân & gia đình. Thực tế cho thấy những tổng thống tiền nhiệm chưa có ai ra mặt chỉ trích hoặc có những chính sách ngăn chận làn sóng xâm nhập nguy hiểm của tình báo Trung cộng ở bất cứ lãnh vực nào, từ chính trị, kỹ thuật, văn hoá đến kinh tế! Bằng chứng là Trung cộng mặc quyền thao túng, lobby, buôn vua bán chúa, cài cắm cơ sở nằm vùng khắp nơi. Đến thời Trump, người ta mới nghe tố giác công khai những thủ đoạn ấy. Chính giám đốc FBI James Comey cách đây vài năm thôi cũng bắt đầu cho tìm kiếm thêm nhiều người gốc Trung Hoa hoặc am tường văn hoá, ngôn ngữ Trung Hoa để làm việc cho cơ quan này nhằm theo dõi đường đi nước bước của gián điệp Trung cộng. Nhờ vậy người ta mới thấy các ổ tình báo gián điệp “ăn cơm quốc gia thờ ma Trung cộng” lần lượt bị vỡ lở tơi bời!
    Thời trước 1975 VNCH hẳn cũng là nạn nhân của tình báo Trung cộng mượn tay Việt cộng để thao túng, cài cắm, phá quấy cho rối như nồi canh hẹ dưới những nhãn hiệu mỹ miều như “tự do tôn giáo” “giải phóng miền nam, thống nhất đất nước” và nhất là “chống tham nhũng, độc tài gia đình trị.”
    Bọn tay sai Trung cộng ấy, giờ ở đâu mà không bổn cũ soạn lại, luồn lách, len lỏi vào chế độ Bắc Kinh mà thao túng guồng máy bá quyền này đi?

    • “Cảm thấy bị lợi dụng và sử dụng như những tay gián điệp, Bourrie không thể tiếp tục. Anh bỏ bút không tiếp tục ghi chép gì nữa trong cuộc gặp Dalai Lama. Anh ngồi lắng nghe, bắt tay vị thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng khi ông rời đi, rồi về nhà, gửi email cho văn phòng Tân Hoa Xã, tuyên bố mình nghỉ việc…”

      Bourie mới thật là một nhà báo có lương tri và hành động đúng với chức nghiệp phục vụ cho sự thật của nhà báo khi tuyên bố nghỉ việc, thay vì tiếp tục ngậm hột thị làm theo chỉ thị của cấp trên tại THX.. Dù không thấy nói anh ta có tố cáo chủ trương hoạt động của tay say/bồi bút Tân Hoa Xã với sở an ninh nội địa Canada (CSIS) hay không (là điều nên làm), nhưng tôi nghĩ giờ này các “quan chức” ở toà soạn Tân Hoa Xã chi nhánh Canada cũng đang teo ch…vì sợ không biết bao giờ đến phiên mình bị CSIS sờ gáy.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây