Nguyễn Thanh Anh
20-12-2018
Truyền thông chính trị được xem là một nhánh mới trong nghiên cứu truyền thông, xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ 20 và được thay thế cho thuật ngữ mang tính tiêu cực “tuyên truyền” (propaganda). Theo những nhà hành vi học, truyền thông chính trị được dựa trên những hành vi của các tổ chức nhà nước với mục đích quảng bá cho các tổ chức của họ và tập trung chính vào 4 lĩnh vực: tuyên truyền, phân tích bầu cử (electoral analyses), truyền thông đại chúng (mass communication) và quan hệ giữa truyền thông và dư luận.
Không khó để nhận thấy những nhà nước độc tài đã ý thức xây dựng hình ảnh và kiểm duyệt truyền thông từ rất sớm. Các nhà lãnh đạo độc tài luôn được xây dựng hình tượng như một vị giáo chủ đầy quyền năng và tốt đẹp. Rất khó để có thể tìm thấy một hình ảnh xấu xí (theo nghĩa đen) nào của họ xuất hiện trên truyền thông. Ngoài Hồ Chí Minh được xây dựng hình ảnh một cách rất hoàn hảo, các lãnh đạo khác của thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng được xây dựng hình ảnh rất hào nhoáng và vĩ đại, đem lại nguồn cảm hứng cho hứng nhiều người trong và cả ngoài nước (Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, v. v…)
Tuy nhiên, trong những năm gần đây những vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam liên tục có những hình ảnh (tương đối) xấu xí, hoặc có thể gọi là không phù hợp với cương vị là những nhà lãnh đạo do những hành vi ứng xử của họ trước truyền thông, báo giới và được ghi hình lại. Đơn cử như tháng 5/2016 chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và tổng thống Mỹ Obama cho cá ăn tại khu nhà sàn của Hồ Chủ Tịch(1). Hành động hất cả xô cám một cách thô lỗ xuống ao cá khiến cho vị tổng thống Mỹ cũng phải tỏ ra hơi hốt hoảng được truyền thông ghi lại trọn vẹn và là đề tài đàm tếu suốt một thời gian.
Cũng là bà Ngân khi chào đón đội tuyển U23 vào đầu năm nay (01/2018) cũng có những hành vi suồng sã như dúi đầu cầu thủ để vừa bắt tay vừa xoa đầu, hay vừa mới đây trong buổi lễ trao cúp vàng AFF cho đội tuyển bóng đá Việt Nam bà Ngân đã cố gắng kéo tấm bảng phần thưởng để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể ghé tay cầm vào nhưng thất bại(2). Những hành động đó đều được ghi hình và chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông (youtube) và mạng xã hội (facebook).
Hoặc như vào cuối tháng 5/2017, bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến viếng thăm những bệnh nhân chạy thận lọc máu tại bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội sau vụ tử vong của 7 người ở Hòa Bình(3). Bà Tiến đã đội mũ trùm đầu khi vào khu chăm sóc đặc biệt sai quy cách. Tóc bà vẫn xõa lòa xòa mà đáng ra phải được vén gọn vào mũ trùm để đảm bảo vô trùng cho phòng bệnh. Một hành vi được xem là không thể chấp nhận, nhất là trên cương vị của một bộ trưởng y tế. Không thể không kể đến một nhân vật luôn được truyền thông phi chính thống ưu ái có thể xem là nhất hiện nay đó là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với cái đầu nghiêng trở thành biểu tượng cùng nụ cười ngờ nghệch đi với những phát ngôn cũng ngờ nghệch không kém.
Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ đã dẫn đến “hình ảnh truyền thông” (media visibility) của các chính trị gia bị phơi bày và từ đó họ buộc phải giữ gìn hình ảnh của họ khi xuất hiện trước báo chí, truyền hình và internet. Điều mà các chính trị gia cộng sản đã nhận thấy và áp dụng thuần thục từ rất sớm. Các chính trị gia cộng sản đã nhuần nhuyễn trong việc sử dụng thuần thục ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể và luôn gây được ấn tượng và hình ảnh tích cực trước dân chúng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là “Không lẽ các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không còn coi trọng việc quảng bá và kiểm soát hình ảnh họ, một việc họ đã luôn đi đầu và chú trọng bậc nhất hay sao?”
Theo cách tiếp cận chức năng-cơ cấu (strutural – functional approach) định nghĩa truyền thông chính trị là “quá trình của các hành vi giao tiếp nhằm gây ảnh hưởng đến sự vận hành của hệ thống chính trị”. Do đó, các nhà tương tác học (reationist) nhấn mạnh tầm quan trọng của những tín hiệu phi ngôn ngữ. Và họ, những người cộng sản đã bỏ mặc yếu tố then chốt mang lại sự thành công của họ trong lịch sử hay chăng?
Câu trả lời là họ hoàn toàn không hề (muốn) bỏ mặc trận địa này nhưng họ đang dần mất kiểm soát. Hơn 40 năm nay (kể từ năm 1975), nhà nước Việt Nam luôn là người độc quyền về truyền thông và kiểm duyệt thông tin trước đại chúng. Việt Nam có hơn 982 cơ quan báo và tạp chí được cấp phép hoạt động và được quản lý, giám sát bởi Bộ Thông Tin và Truyền Thông và các cơ quan chủ quản bên dưới mà người đứng đầu các cơ quan đó đều phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam(4).
Việc kiểm soát chặt chẽ như vậy để không có bất kỳ một thông tin trái chiều, một hình ảnh không tốt đẹp theo ý của họ được xuất hiện chính thống. Dĩ nhiên, họ đã làm được điều đó rất tốt và rất lâu cho đến khi internet xuất hiện tại Việt Nam. Mới vửa năm ngoái (2017) các báo đài rầm rồ đăng tin kỷ niệm 20 năm ngày internet xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng tại thời điểm đó internet vẫn chưa phải là mối đe dọa của họ vì cước phí cao và băng thông hẹp, sự kết nối giữa mọi người thông qua đó vẫn chưa đáng kể. Đến năm 2003 khi băng rộng ADSL có mặt trên thị trường cho phép mọi người truy cập internet với tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời.
Cước internet, điện thoại giảm mạnh khoảng 10 – 40%, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên. Hai năm sau, yahoo 360 chính thức ra mắt (3/2005) và thu hút một lượng lớn người dùng internet Việt Nam sử dụng. Lúc này việc chia sẽ thông tin và bày tỏ ý kiến cá nhân dần được định hình rõ nét, những đề tài trước đây được cho là nhạy cảm cũng bắt đầu được viết và thu hút người đọc. Nhưng cú hích quan trọng để người dùng internet tại Việt Nam có thể kết nối và chia sẽ thông tin với nhau khi họ phải lũ lượt “di tản” sang mạng xã hội Facebook sau khi yahoo 360 đóng cửa vào 2009. Sau một vài năm làm quen và thành thạo mạng xã hội, song song đó nhà cung cấp cũng nâng cấp ứng dụng để người dùng có tính tương tác và kết nối cao hơn thì những thông tin độc lập và ý kiến cá nhân (thường là ý kiến trái chiều) được đưa ra, trao đổi và tiếp cận mạnh mẽ.
Nhà nước Việt Nam đã mất dần thế độc tôn ban phát thông tin một cách nhanh chóng. Từ lâu họ đã quen thế độc quyền và kiểm duyệt. Họ lơi lỏng trong việc giữ gìn hình ảnh, xây dựng tác phong thực tế mà luôn ỷ vào quyền lực kiểm soát truyền thông. Những hình ảnh từ đời thực của họ hiện nay được chia sẽ một cách chóng mặt và nhận rất nhiều bình luận mà nếu rơi vào chỉ chục năm trước đây thôi sẽ là rắc rối khủng khiếp cho những câu nói bình phẩm bỡn cợt như thế. Không phải những người thuộc các cơ quan lãnh đạo nhà nước không cần xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người dân nhưng họ đã quen với lề thói suồng sã, và thụ hưởng hay nói một cách khác là phè phỡn.
Ngày nay, khi công nghệ 4. 0 phát triển họ loay hoay để không mất kiểm soát và tạo dựng lại hình ảnh thì càng lộ rõ những mặt trái mà bấy lâu nay cố che giấu. Không chỉ đối với những vị lãnh đạo cấp cao mà cả với những thành viên của cơ quan công quyền bên dưới. Họ vội vàng tạo ra những hình ảnh giả tạo (và không cần thiết) như công an đỡ cụ già sang đường, nhặt rác, giúp em bé v. v… nhưng đều bị bóc trần khi những hình ảnh như thế đi cùng với những máy quay phim và camera chuyên nghiệp được các cư dân đường phố ghi lại bằng smartphone.
Quay trở lại với những vị lãnh đạo cấp cao, những người đại diện chính thức cho bộ máy nhà nước và được gọi là chính trị gia đối với các nhà nước dân chủ khác trên thế giới. Ở Việt Nam thật sự có chính trị gia hay không? Thưa không. Việt Nam là một nhà nước độc đảng, không có bầu cử dân chủ thật sự. Vì thế, họ chẳng may may và cảm thấy cần rèn luyện những kỹ năng cần thiết như nói chuyện trước công chúng, hành vi ứng xử ngọai giao, v. v… Họ chưa bao giờ phải tham gia vào cuộc tranh cử nào thật sự để giành lấy được phiếu bầu của nhân dân nên họ không cần cố gắng và tệ hơn là cũng chẳng cần tỏ ra phải cố gắng. Khi đã quen với lối hành xử như thế thì họ cũng không có khả năng học hỏi và cải thiện.
Nhưng vì sao cùng là những quốc gia độc tài, động đảng khác như Trung Quốc, Bắc Hàn… thì hình ảnh các nhà lãnh đạo của họ Tập Cận Bình, Kim Jong Un lại xuất hiện chỉnh chu và phong thái ra dáng đúng tầm mức của người đứng đầu quốc gia hơn hẳn Việt Nam?
Việt Nam không có một nhà lãnh đạo nắm giữ quyền lực thật sự như Trung Quốc và Triều Tiên. Trong khi hình ảnh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân được trau chuốt kỹ càng trước khi xuất hiện trước truyền thông quốc tế như hình ảnh của các vị lãnh tụ cộng sản trước đó, thì ở Việt Nam có vẻ các vị lãnh đạo còn đang mải tranh giành vị trí độc tôn, đấu đá quyền lực lẫn nhau. Không khó thể có thể thấy đầy lỗi ngọai giao của các vị lãnh đạo Việt Nam xuất hiện trên truyền thông và thậm chí còn là đề tài châm biếm trên truyền thông quốc tế. Đơn cử vụ việc vào tháng 9/2013, trong chuyến công du nước Pháp, thủ tướng đương nhiệm khi đó của Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng liên tục mắc lỗi ngọai giao khi loay hoay đòi hỏi kéo rèm, chỉnh tai nghe và tệ hại hơn là phát âm sai hoàn toàn tên của thủ tướng Pháp. Sự vụ này đã được đài Canal Plus đem ra giễu cợt trong một chương trình talk show(5).
Hoặc vụ việc vào năm ngoái 7/7/2017, trong buổi tham dự hòa nhạc thính phòng tại nhà hát giao hưởng Elbphilharmonie cùng với các nhà lãnh đạo G20 khác, đây là một trong những họat động bên lề của hội nghị thượng đỉnh G20, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân liên tục dùng tờ giới thiệu chương trình quạt không ngừng. Sự việc cũng được tờ Süddeutsche Zeitung, một tờ báo lớn của Đức mỉa mai là “hành động lạ” (6).
Không cần so sánh với các chính trị gia của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 như cách mọi người vẫn thường so sánh mà chỉ cần so sánh với những nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của chính họ để thấy hình ảnh trong mắt người dân đã tệ hại đến mức nào. Trong khi các vị lãnh đạo của các quốc gia khác, thậm chí là những quốc gia cộng sản anh em khác hiểu rõ việc cần thiết để xây dựng hình ảnh nhằm tạo ấn tượng về mặt thị giác và sức ảnh hưởng. Trong khi những từ ngữ trong các văn kiện tuyên truyền của họ đã gây ngán ngẩm thì hình ảnh của họ càng góp phần thêm ngao ngán.
Ngoài việc Việt Nam không có một lãnh đạo quyền lực thật sự thì có thể các vị lãnh đạo Việt Nam hiện nay cố gắng cào bằng hình ảnh để trở nên “bình dân” trong mắt nhau với mục đích không là tầm ngắm trong cuộc tranh đua quyền lực. Vì nếu hình ảnh của anh trở nên thu hút theo hướng tích cực và thậm chí xuất chúng thì anh có thể bị loại ngay lập tức trên con đường chính trị đang rất khốc liệt hiện nay.
Và thay vì cầu thị, lắng nghe và thay đổi hình ảnh một cách tích cực hơn, họ hành xử vẫn theo lề thói độc tài và bất chấp. Vào ngày 12/6/2018 Quốc Hội Việt Nam trong kỳ họp lần thứ 5 đã thông qua Luật An Ninh Mạng và bộ luật này sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019 (7). Đây là giải pháp mà chính phủ Việt Nam đưa ra đối với những hình ảnh tệ hại của họ. Thật đáng buồn vì thay vì có những giải pháp thật sự triệt để từ bên trong thì luôn dùng những cách thức và hành xử đàn áp và lấp liếm đối với người dân. Như mọi người vẫn thường đùa cợt “chúng ta có thể mang con khỉ ra khỏi khu rừng, chứ không thể mang khu rừng ra khỏi con khỉ”.
Nguyễn Thanh Anh
Tham khảo:
1/https://vnexpress.net/thoi-su/obama-cho-ca-an-o-khu-nha-san-ho-chu-tich-3407405.html
2/ https://www.youtube.com/watch?v=vfvQtsr9A6I
4/http://hoinhabaovietnam.vn/Ca-nuoc-co-982-co-quan-bao-tap-chi-duoc-cap-phep-hoat-dong_n20973.html
5/ https://www.youtube.com/watch?v=LCRiG-s60lU
6/ https://www.danchimviet.info/khi-thu-tuong-phuc-nghe-hoa-nhac/07/2017/5434/
7/http://honnhanphapluat.vn/quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-luat-an-minh-mang-a101259.html