Những “án lệ” Estoppel – Đối chiếu qua trường hợp công hàm 1958 (Phần 2)

FB Trương Nhân Tuấn

11-12-2018

Tiếp theo phần 1

3/ Qua hai án lệ của Tòa Công lý quốc tế (CIJ – Preah Vihear và Pedra Branca) ta có thể rút ra các dữ kiện như sau:

Thứ nhứt, Tòa CIJ áp dụng “Estoppel” theo nguyên tắc “hạn chế – restrictive” của “Estoppel” (Estoppel by Representation), theo đó “thái độ” của các bên (quốc gia) là những yếu tố quyết định. (Estoppel theo nguyên tắc mở rộng, đơn thuần là nguyên tắc không được nói ngược, hay làm những điều mâu thuẩn với hành vi hay các tuyên bố trước).

Bên nại “estoppel” có nghĩa vụ phải chứng minh một số dữ kiện, như sự hiện hữu một hành vi tiên khởi mà hành vi này được chứng thực một cách rõ ràng và liên tục tình trạng nhứt định của một “vấn đề” nào đó.

Tiếp theo (bên nại estoppel) chứng minh rằng (bên kia) đã tin tưởng vào hành vi đó để thực hiện, hay kềm chế không thực hiện, theo cái cách, trên sự tin tưởng của (bên kia) về hành vi đó.

Sau đó (bên nại estoppel) chứng minh rằng một sự thay đổi “tình trạng” đem lại: (a) thiệt hại cho mình, (b) đem lợi ích cho phía bên kia, hay cả (a) và (b).

Thứ hai, không gian áp dụng nguyên tắc Estoppel trong luật quốc tế là “quốc gia” với “quốc gia”.

Kết luận :

Nếu VNDCCH là một “quốc gia”, thì chỉ cần một trong những “hành vi” của “quốc gia này” đã thể hiện trong khoảng thời gian 1954 đến 1975 (như đã tóm tắt ở bài viết kỳ trước), cũng đủ để cấu thành “Estoppel”.

Công hàm 1958 của VNDCCH có hiệu lực “mạnh” hơn là “lá thư” của vương quốc Johor trong vụ Pedra Branca. Các hành vi tiếp theo của VNDCCH như các bài báo, các bản đồ… đã được công bố là những yếu tố “confiance légitime”, củng cố thái độ của VNDCCH qua công hàm 1958.

Quốc gia VNDCCH sẽ không có phương cách pháp lý nào để phản đối, thay đổi lập trường, hay nói ngược lại… các việc khẳng định chủ quyền, các hành vi thể hiện quyền chủ quyền của TQ đã và đang thể hiện ở Hoàng Sa và Trường Sa (và vùng biển chung quanh). Mọi phản đối của VNDCCH sẽ bị “chận lại” do hệ quả của “Estoppel”.

Điều may mắn VNDCCH không phải (hay chưa phải) là một “quốc gia”. Trong suốt thời gian 1954-1975 VNDCCH có thể hành sử “như là” quốc gia.

“Như là” quốc gia chưa phải là “quốc gia”.

Các hành vi do VNDCCH thể hiện (liên quan đến HS và TS) không thể soi sáng dưới luật quốc tế.

VNDCCH và VNCH (có thể thêm MTGPMN) là những “thực thể chính trị” thuộc về một “quốc gia” Việt Nam duy nhứt.

Tất cả những tuyên bố có liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của VN, nếu không được sự chuẩn nhận đầy đủ của tất cả các bên, chúng đều không có giá trị trước pháp luật quốc tế.

Tức là các hành vi đã thể hiện trong suốt thời kỳ 1954-1975 của VNDCCH, khẳng định “thái độ” của VNDCCH đối với HS và TS. Nhưng hành vi này không đủ để củng cố yếu tố cấu thành Estoppel. Đơn giản vì HS và TS thuộc thẩm quyền của VNCH.

Nữ học giả Monique Chemilier-Gendreau có lý khi phản biện ý kiến của học giả Thomas Bradford khi ông này cho rằng VN bị Estoppel. “Người ta không thể nhượng cái mà người ta không có thẩm quyền”.

Yếu tố “confiance légitime” chưa cấu thành, bởi vì phía quản lý thật sự HS và TS là VNCH chưa bao giờ thể hiện thái độ, minh thị hay ám thị, nhìn nhận chủ quyền của TQ.

Hành vi TQ vũ lực chiếm HS tháng giêng 1974 không được xem là “hành vi giải phóng một lãnh thổ”. Sự đồng thuận của VNDCCH không đủ để khẳng định chủ quyền của TQ ở HS.

VNCH phải trả giá bằng máu xương của trên 70 chiến sĩ để bảo lưu cho các thế hệ VN mai sau danh nghĩa chủ quyền của VN tại Hoàng Sa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây