10-12-2018
Khi một loạt những người từng giữ trọng trách của nhà nước hoặc cơ quan lãnh đạo nhà nước, từ Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, các Ủy viên Trung ương Đảng Bùi Quốc Huy (Thứ trưởng Bộ Công an), Trần Mai Hạnh (Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) … cùng không ít cán bộ cấp cao, các tướng lãnh trong bộ máy nhà nước lần lượt bị xử tù, bị khởi tố truy tố và sắp tới đây sẽ còn nhiều người như thế bị cho“vào lò” với hình phạt tương tự, chúng ta nhận ra rằng họ đều là những người từng lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn dắt, bày vẽ, giáo huấn chúng ta đi theo những cái mà bọn họ gọi là đường hay nẻo đúng.
Và trong những người hôm nay sống bình thường như chúng ta, ngày mai sẽ có những ai đó được cử vào các cương vị như những người trên kia, lập tức họ sẽ tự cho mình sáng suốt hơn, có trí tuệ hơn, có nhân cách hơn chúng ta.
Tất cả bọn họ, những người đã vào tù, sắp vào tù và sẽ vào tù, đều tự cho mình có sứ mệnh mang ấm no hạnh phúc, tạo công bằng cho chúng ta. Họ tự coi là các nhà lãnh đạo, họ “quản lý” chúng ta và gọi chúng ta là “quần chúng”.
Nhân loại từng sống ấm no hạnh phúc hàng vạn, hàng triệu năm mà không cần có những người như thế. Chỉ đến khi chuyển từ hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi (giới trí thức gọi là cách mạng nông nghiệp), loài người mới bắt đầu cần đến họ. Ấy là do thực phẩm làm ra có chút dư thừa, chút dư thừa này dành để nuôi những người không làm ra thực phẩm, họ được cộng đồng giao nhiệm vụ bảo vệ đất đai làng mạc không để người ngoài xâm lấn và ngăn chặn việc người này ức hiếp người kia. Đó là bản chất nguyên thủy của việc hình thành nhà nước. Ngày nay dù cấu tạo nhà nước có phưc tạp rắc rối đến đâu đi chăng nữa cũng không ngoài bản chất ban đầu đó. Có nghĩa rằng, một số người được cộng đồng nuôi để làm những việc mà từng người trong cộng đồng không làm được. Có nghĩa rằng, dù là kiểu nhà nước gì thì những người này không bao giờ mang đến ấm no hạnh phúc cho người khác, càng không có tư cách gì để dẫn dắt người khác đi theo đường ngay nẻo đúng.
Do được giao quản lý những người có trang bị vũ khí và bản thân mình “biết chữ” (trong giai đoạn đầu sau cách mạng nông nghiệp), nên những người này thổi phồng sứ mệnh của mình và dùng quyền lực buộc số đông phải nghe theo. Việc thổi phồng này lên đến điểm từ thời kỳ quân chủ chuyên chế đến thời đại dân chủ lấy số đông thống trị số ít và mọi hình thức chuyên chế khác trong thế giới ngày nay. Từ đó, mọi tai ương bất bình đổ lên đầu nhân loại đều do nhà nước gây ra cả.
Các bậc minh quân, các nhà nước văn minh đều do sự tước bỏ những sứ mệnh bị thổi phồng này để đưa nhà nước trở lại gần hơn với bản chất ban đầu của nó. Nhưng do hiểu rõ chừng nào còn nhà nước thì con người vẫn còn chịu tai ương, nên Karl Marx đã phải tuyên bố: đến khi nào nhà nước tiêu vong thì con người mới được hoàn toàn tự do. Thế nhưng làm cho nhà nước tiêu vong là điều bất khả, nên nhân loại phải mày mò một con đường khả thi hơn: Thu hẹp nhà nước lại, làm cho nhà nước ít đi trong cuộc sống của con người. Nhà nước càng nhỏ thì con người càng tự do. Tự do của người dân tỷ lệ nghịch với kích cỡ của nhà nước. Phương Đông từng sống trong thời đại “vô vi nhi trị”, phương Tây từng mơ ước những “nhà nước gác đêm”, ước mơ mà Thomas Jefferson diễn giải thành lời “The government that governs least governs best” (Một chính phủ cai trị ít nhất là cai trị tốt nhất).
Dù không tuyên bố, nhưng con đường đổi mới của Việt Nam ta 30 năm qua là đi theo hướng đó (không phải ngẫu nhiên mà cụ Hồ đã dẫn một lời bất hủ khác của Thomas Jefferson để mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập). Thành tựu của công cuộc đổi mới thực chất không phải là sự tăng cường lãnh đạo, siết chặt quản lý gì, mà là việc từng bước giảm vai trò bị thổi phồng của nhà nước. Thành tựu đó tỷ lệ nghịch với kích cỡ nhà nước. Tuy nhiên, các số liệu thống kê gần đây cho thấy một thực tế nguy hiểm là bộ máy nhà nước đang phình to ra, khiến cho biết bao nhiêu là thành tựu đã bị “tiêu vong” từ trong trứng nước.
Và có vẻ như, số người lãnh đạo, quản lý đã và sẽ “vào lò” đang tỷ lệ thuận với bộ máy đang phình to ra của nhà nước. Chúng ta không thể biết có bao nhiêu người trong bộ máy nhà nước thấu hiểu được rằng họ phải mẫn cán làm việc sao cho xứng với đồng tiền bát gạo mà họ nhận được của người dân, rằng họ chỉ được phép nhận “thực phẩm dư thừa” mà người dân dành cho họ như thuở ban đầu hình thành nhà nước, chứ không phải lúc nào cũng muốn chặn hầu bóp họng người dân để lấy của cải mang ra chia chác, để được ăn trên ngồi trốc lên mặt dạy dỗ những người hàng ngày phải è cổ ra nuôi nấng mình. Mong có được càng nhiều càng tốt những cán bộ công chức thiện lành như vậy. Không biết mong ước đó có thành hiện thực được hay không.