9-12-2018
Mạnh Vạn Châu, Phó Tổng Giám đốc Huawei phụ trách tài chính, bị bắt và đưa ra tòa tại Canada vì tội gian dối tài chính. Cô đã dùng công ty SkyCom làm bình phong trong các thương vụ tài chính với Iran vốn bị Mỹ và đồng minh cấm vận nhưng lại che dấu SkyCom chính là công ty con của Huawei.
Mạnh Vạn Châu là con gái Nhậm Chính Phi, ông chủ của tập đoàn điện tử viễn thông Huawei hùng mạnh, một trong những đạo quân tiên phong của CT Tập Cận Bình trên con đường chinh phục thế giới.
Vụ án này sẽ phức tạp và có thể kéo dài, nhưng có thể nói, nó một lần nữa khẳng định: cánh cửa cho Huawei xâm nhập các quốc gia tiên tiến nhất đã gần như đóng chặt.
Lập nên cả một vương quốc điện tử viễn thông, Nhậm Chính Phi là một nhân tài của nước Trung Hoa vĩ đại. Con gái của anh, Mạnh Vạn Châu, cũng là một nhân tài.
Nhưng các quốc gia tiên tiến lại không muốn làm việc với cha con anh. Có nhiều lý do, nhưng lý do chính là vì…
AN NINH MẠNG
Nhiều thiết bị điện tử viễn thông, về mặt nguyên tắc, đều có thể được cài đặt phần cứng và phần mềm để truyền thông tin về một hướng khác ngoài ý muốn của người sử dụng. Vấn đề then chốt của an ninh mạng ở mỗi quốc gia là chính phủ phải có trách nhiệm kiểm soát các lỗ hổng đó chứ không ở việc kiểm duyệt xem trên các mạng xã hội nhân dân của mình đang nói gì.
Từ khi TQ được mở cửa và phát triển, các quốc gia phương Tây lần lượt hiểu ra sự khác biệt quá lớn giữa họ với TQ trong cách vận hành nền kinh tế cũng như khoa học-công nghệ và an ninh mạng nói riêng.
Fergus Hanson, chuyên gia của viện Chính trị Chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute) vạch rõ trên đài ABC, rằng tại TQ có điều luật bắt buộc mọi công ty khoa học-công nghệ đều phải hợp tác với cơ quan an ninh (tình báo) khi được yêu cầu. Tiếc thay, chúng ta cũng có thể thấy điều khoản tương tự như vậy trong Dự Luật an ninh mạng của VN, một mô hình du nhập từ TQ, được thông qua gần đây.
Nigel Inkster, cố vấn cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại Anh (The International Institute for Strategic Studies) và từng có 30 thâm niên công tác tại cơ quan phản gián M16, thì nói trên một chương trình radio như sau: “Việc sử dụng thiết bị Huawei rõ ràng kèm theo nguy cơ – cho dù nguy cơ ấy khó được xác định… Và cho dù Huawei có niềm tự hào rằng họ là một công ty tư nhân, và tôi tin rằng họ cũng muốn là như vậy, nhưng cuối cùng thì khi mà bị ĐCS ra lệnh thì họ cũng phải làm theo”.
Như vậy, cho dù Huawei có cố gắng đến đâu, nhưng chính là luật an ninh mạng của TQ đang làm hại sự nghiệp của Huawei tại các quốc gia phát triển.
Cho đến nay, danh sách các quốc gia phát triển đã quyết định cấm Huawei cũng như ZTE tham gia vào các dự án có ý nghĩa an ninh quốc gia đã phủ hầu khắp các châu lục, từ Bắc Mỹ, Châu Âu cho tới Australia và New Zealand. Tại Australia, trong nhiều năm vận động hành lang qua các đời chính phủ Công Đảng cũng như Liên đảng, Huawei đều bị từ chối cho tham gia đấu thầu trong dự án quốc gia Truyền thông băng tần dải rộng NBN. Tại Mỹ, nhân viên chính phủ và các cơ quan quốc phòng còn bị cấm sử dụng điện thoại của Huawei.
Hãy đến website này coi các affidavits của bên bị cáo trình toà ở Vancouver, Canada, một phần nêu cớ bịnh tật này kia, để xin tại ngoại …
https://vancouversun.com/news/local-news/affidavit-of-detained-huawei-official-details-life-in-vancouver-plans-to-fight-extradition
Theo CNN, sau khi bà Mạnh bị Canada bắt giữ, chồng bà đề nghị đưa con gái họ từ Trung Quốc sang Canada để cho cô bé đi học tại Vancouver, trong khi ông tham dự các phiên tòa nếu vụ xử có khả năng kéo dài. Hãy tưởng tượng một đề nghị tương tự từ gia đình của một CEO Mỹ bị bắt ở Trung Quốc (hay Việt Nam)!